Không tính đến lượng cung của Nghi Sơn trong kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí liên quan đến nguồn cung, dự trữ và điều hành giá xăng dầu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối ngày 29/4/2022, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian gần đây, vấn đề năng lượng nói chung và xăng dầu, khí đốt nói riêng đã có sự xáo trộn và ảnh hưởng rất lớn bởi tình hình địa chính trị, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine. 

Tại Việt Nam, hiện nay nguồn cung xăng dầu trong nước từ 2 nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Lọc hóa dầu Bình Sơn chiếm 70-75%, còn nhập khẩu chỉ khoảng 25-30%. 

Tuy nhiên, thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước Quý I/2022 có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất, trong tháng 1 và đầu tháng 2 đã giảm công suất từ 100% xuống mức 85%, 60% và 55%, thậm chí có những thời điểm Nhà máy phải dừng hoạt động sản xuất.

Trong khi đó, do tình hình địa chính trị và xung đột Nga - Ukraine, nguồn xăng dầu nhập khẩu gặp khó khăn, giá tăng, chi phí logistics tăng, nguồn cung hạn chế. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối ngày 29/4/2022
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối ngày 29/4/2022

Ngay tại thời điểm đó, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối chủ động nhập khẩu và có tính đến việc giảm công suất của Nghi Sơn. Trong Quý I, không xảy ra hiện tượng không đủ nguồn cung, đã đảm bảo xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Đến Quý II/2022, sau khi làm việc với Nghi Sơn, xem xét quá trình sản xuất của nhà máy và việc chưa đảm bảo được cung ứng xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. 

“Như vậy, trong Quý II, chúng ta cũng không tính đến lượng xăng dầu do Nghi Sơn cung cấp, mà chúng ta vẫn đảm bảo được đủ nguồn cung. Đây là một nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, với sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của lãnh đạo Chính phủ, Liên Bộ Công Thương - Tài chính và các Bộ, ngành liên quan cùng các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Bước sang Quý III và Quý IV, Bộ Công Thương đã làm việc lại với Lọc hóa dầu Nghi Sơn, trên cơ sở cam kết của Nhà máy về việc cung ứng ở mức độ nào, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên lượng cung ứng đó để tiêu thụ trong nước, còn lại nếu thiếu sẽ tiếp tục phân giao cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu thêm để bù đắp lượng thiếu hụt.

Về câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề dự trữ xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay trong nước có 2 loại dự trữ. 

Dự trữ tại doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc tại Nghị định 83 và Nghị định 95. Đối với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải dự trữ 20 ngày trong kho, còn các doanh nghiệp phân phối phải dự trữ 5 ngày trong kho.

Còn đối với dự trữ Nhà nước, hiện nay do khả năng và ngân sách còn hạn chế, nên Liên Bộ Công Thương - Tài chính đang bàn và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đề xuất những giải pháp, biện pháp phù hợp nhất đối với tình hình thực tế của Việt Nam, phù hợp với ngân sách nhà nước nhưng cũng để đảm bảo mức dự trữ tối đa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối ngày 29/4/2022

Tiếp tục nghiên cứu thêm các giải pháp điều hành giá xăng dầu hợp lý

Liên quan đến giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định việc điều hành bám sát các quy định trong Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm được giá xăng dầu? 

Thứ trưởng cho hay, theo công thức tính toán giá xăng dầu hiện nay, phụ thuộc vào một số yếu tố, trong đó có giá thế giới. Hiện nay kinh doanh xăng dầu đã tiến tới tiệm cận với thị trường, tức giá thế giới tăng cũng cần tăng giá trong nước bởi theo nguồn nhập khẩu, giá thế giới giảm thì trong nước cũng điều hành giảm để đảm bảo tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu của người tiêu dùng.

Thời gian qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) liên tục suốt từ đầu năm 2022. Nhờ vậy, giá xăng dầu trong nước vẫn theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn. 

Ở kỳ điều hành gần đây nhất, ngày 21/4/2022, trên thế giới giá xăng dầu biến động tăng 36,53 - 60,14%, nhưng giá xăng dầu trong nước, nhờ sử dụng Quỹ BOG, chỉ tăng 17,16 - 39,04% tùy từng mặt hàng.

Một biện pháp khác đã thực hiện là điều chỉnh thuế. Vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết năm 2022. Theo đó, xăng (trừ etanol) giảm 2.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg; Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm, hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của UBTVQH, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát có thể giảm thêm các loại thuế nào phù hợp với tình hình chung, chống việc thẩm lậu xăng dầu sang địa bàn các nước xung quanh có chung biên giới với Việt Nam, cũng như đảm bảo tạo điều kiện nhất cho các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và nhu cầu của người dân.