Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Tổng Cục quản lý thị trường, Vụ pháp chế, Thị trường trong nước cùng tham dự.

Tham gia đoàn giám sát có đại diện Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tư pháp, Ban Dân nguyện cùng các đại biểu Quốc hội chuyên trách và chuyên gia…

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương Trịnh Anh Tuấn cho biết: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thông qua Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011. Trong gần 12 năm thực thi đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương Trịnh Anh Tuấn

Cụ thể, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam của ngành Công Thương đã đạt được những kết quả nổi bật như:  

Đã xây dựng và thực thi hiệu quả hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hình thành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và hệ thống các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước.

Nhận thức của xã hội đối với sự quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội dần được nâng cao.

Ban hành và thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án, kế hoạch về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như thúc đẩy lồng ghép bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các lĩnh vực chuyên ngành.

Giai đoạn 2011 - 2021, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và giám sát tổng số 171 vụ việc thu hồi sản phẩm khuyết tật liên quan đến hàng trăm triệu sản phẩm ô tô, xe máy, máy tính, điện thoại, pin, quạt, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em. Số lượng vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng gửi tới Bộ tăng từ 26 vụ trong năm 2011 lên 263 vụ vào năm 2012, 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ/năm trong giai đoạn 2014-2020. Tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc tại Bộ trung bình năm là trên 90% (tiếp nhận hòa giải và thương lượng thành công), số còn lại đã chuyển cơ quan tố tụng xử lý tiếp.

Bên cạnh đó, để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các vấn đề vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường trực tuyến, các đơn vị chức năng của Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm: Tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cam kết hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, công tác này cũng còn một số bất cập, hạn chế. Một số quy định pháp luật hiện hành không phù hợp, chưa điều chỉnh kịp sự thay đổi của thực tiễn sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng; một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác có liên quan, dẫn tới khó thực hiện. Do vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ghi nhận tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung về: Khái niệm người tiêu dùng; bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương; trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có ứng dụng nền tảng số; các quy định về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật; hoàn thiện các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp; bổ sung quy định về vai trò hỗ trợ của cơ quan nhà nước, vai trò của tổ chức xã hội trong công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phù hợp với thực tiễn; các hành vi bị cấm…

Lắng nghe và tiếp thu ý kiến của đại biểu trong đoàn giám sát của Quốc hội, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, sau gần 12 năm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực thi, các vấn đề bảo vệ người tiêu dùng đã có những diễn biến mới, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bản chất bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thay đổi, nhưng phạm vi quá rộng, bao trùm hết các lĩnh vực, do vậy đòi hỏi cần có trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, vấn đề định vị Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nó đang ở đâu trong số nhiều bộ luật hiện hành. Những bộ luật hiện hành đa số là đứng về phía bên cung, còn với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là đứng về bên cầu.

Vì vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi lần này, đi vào 4 vấn đề: Định nghĩa người tiêu dùng; Người tiêu dùng có quyền cơ bản gì; Giải quyết tranh chấp khi xảy ra như thế nào; Hệ thống thực thi ra sao.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đánh giá cao báo cáo của Bộ Công Thương là công phu, bám sát yêu cầu của đoàn giám sát. Đồng thời, trên cơ sở những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu và cho rằng đây sẽ là những thông tin tham khảo đáng quý cho quá trình phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Dự kiến, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình tại Kỳ họp thứ Tư, tháng 10.2022.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Được biết, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương triển khai các hoạt động liên quan, bảo đảm chất lượng, tiến độ và thủ tục xây dựng Dự án Luật theo các quy định hiện hành. Tới thời điểm hiện tại, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được trình Thủ tướng và dự kiến Chính phủ cho ý kiến.