TÓM TẮT:

Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tuy nhiên, đứng trước cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và sự phát triển lớn mạnh của kinh tế số, nhiều loại hình “tài sản” mới ra đời, thách thức các quy định truyền thống của Bộ luật Dân sự đối với quyền sở hữu các dạng tài sản này. Vì vậy, cần tiếp cận vấn đề tài sản dưới góc độ mới, gắn liền với kinh tế số để đưa ra định hướng việc công nhận các loại tài sản mới tại Việt Nam. Bài viết tập trung khai thác các quan điểm tiếp cận lý thuyết về tài sản để đưa ra một quan điểm thống nhất, định hướng việc công nhận các loại hình tài sản mới tại Việt Nam.

Từ khóa: lý thuyết về tài sản, tài sản mới, kinh tế số.

1. Các quan điểm tiếp cận lý thuyết về tài sản

Các khái niệm của khoa học pháp lý về tài sản đã được những học giả La Mã cổ đại nghiên cứu và được thể hiện sinh động thông qua luật La Mã. Theo Luật La Mã, tài sản bao gồm các vật và quyền tài sản. Vật là những đối tượng hữu hình đơn lẻ, phân biệt được, có tính độc lập mà con người có thể cầm nắm, khai thác lợi ích kinh tế từ nó và có giá trị vật chất.[1]

 Các nước theo hệ thống Civil Law như Pháp, Nhật Bản, Quebec (Canada) đều không có định nghĩa về tài sản mà chỉ quy định về tài sản thông qua việc phân loại chúng. Cách tiếp cận của các nước trên đều thông qua đặc tính vật lý của tài sản, bao gồm bất động sản và động sản, bao gồm hữu hình như khái niệm vật, tiền và vô hình như khái niệm về quyền tài sản. Tuy nhiên, các nước theo hệ thống luật Common Law lại thể hiện quan điểm cho rằng khái niệm tài sản và quyền tài sản nhận mạnh mối quan hệ giữa người với tài sản mà cá nhân đó đang sở hữu, đó là tập hợp của nhiều loại quyền khác nhau liên kết giữa người và tài sản. Cách tiếp cận của các học giả Common Law không thông qua các đặc tính vật lý của tài sản như các học giả Civil Law, mà thông qua tính chính danh của cá nhân trong quyền khai thác tài sản.

Như vậy, với 2 hệ thống luật lớn nhất trên thế giới là Civil Law và Common Law, các học giả đều cố gắng tiếp cận khái niệm tài sản dưới 2 góc độ: (i) Dưới góc độ vật: tài sản được nhìn nhận là một sự vật, hiện tượng khách quan. Những tài sản có thể cảm nhận được thông qua các giác quan là các tài sản hữu hình, ngược lại là vô hình. Các tài sản vô hình về bản chất chính là các quyền tài sản. (ii) Dưới góc độ quyền: tài sản được nhìn nhận như là sự vật, hiện tượng khách quan độc lập với con người. Khái niệm tài sản chỉ là khái niệm mang tính xã hội khi đã gán ghép tài sản với một giá trị xác định. Các giá trị của tài sản nhằm để đáp ứng nhu cầu của con người và thậm chí có khả năng chuyển đổi thành các giá trị kinh tế. Nhìn nhận qua góc độ quyền, công việc của các học giả chính là xác định các quyền lợi mà chủ sở hữu có thể khai thác các giá trị tiềm năng của tài sản. Tiếp cận theo góc độ quyền cho ta một cái nhìn thoáng hơn về tài sản khi tài sản có thể xuất hiện dưới đa dạng các loại hình thù, dưới nhiều loại quyền khác nhau, cho phép chủ sở hữu tối đa hóa các quyền lợi và khả năng khai thác công dụng của tài sản. Tiếp cận theo góc độ quyền sẽ tách “vỏ bọc vật lý”, tiếp cận gần hơn phạm trù kinh tế của tài sản.

Thực tế, không có hệ thống pháp luật nào chỉ tiếp cận dựa trên một góc độ duy nhất mà có sự hài hòa trong các quy định pháp luật của từng quốc gia. Những khái niệm về tài sản nói chung và các tài sản mới trong nền kinh tế số nói chung được pháp điển hóa nhằm tối đa hóa khả năng khai thác tài sản trong nền kinh tế. Chính vì vậy, nhóm tác giả kết luận: việc coi tài sản là một vật hoặc coi tài sản là đối tượng của quyền sở hữu là hai cách khác nhau tiếp cận chung một vấn đề về khái niệm của tài sản.

1.1. Tiếp cận lý thuyết về tài sản thông qua lý thuyết Lao động của John Locke

Jonh Locke (1632 - 1704) trong tác phẩm Khảo luận thứ hai về chính quyền đã giải thích quyền sở hữu và sự hình thành của tài sản chính là thông qua các quá trính lao động của con người khai thác các giá trị tiềm năng của thế giới khách quan. Đối với Locke, lao động là một quá trình cao cả của con người, bằng việc là chủ sở hữu của cá nhân mình và của hành động hay lao động của mình nên tự thân mỗi cá nhân đã có một nền tảng cao cả của sự sở hữu. Chính vì thế, bất cứ cái gì cá nhân khai thác được từ thế giới khách quan bằng hành động của mình - điều khiển bởi tài năng và kiến thức của riêng cá nhân người đó, thì những thứ đó mang tính biến đổi và mang tính cá nhân của người khai thác mà không mang tính sơ khai của thế giới khách quan. Vì thế, những thứ khai thác được chính là tài sản của người đó.

Hệ quả quan trọng của học thuyết Lao động chính là khẳng định tài sản là đối tượng của quyền sở hữu, quyền sở hữu được thiết lập với một cá nhân thông qua chính sức lao động của cá nhân đó. Như vậy, dựa vào học thuyết này, tài sản không nhất thiết được định nghĩa thông qua các tính chất vật lý, mà được nhìn nhận là bất cứ thứ gì mà con người khai thác được bằng chính sức lao động của mình. 

1.2. Tiếp cận lý thuyết về tài sản thông qua thuyết vị lợi

Jeremy Bentham (1748 - 1832) đề xuất chính sách đáp ứng các sở thích của công chúng nhằm tạo ra lợi ích lớn nhất cho nhiều người nhất là thuyết vị lợi. Sử dụng các tiêu chí của Bentham, một chính sách mang lại lợi ích cho nhiều người là điều ai cũng mong đợi, tuy nhiên các chính sách như vậy sẽ áp đặt lên người khác những chi phí đánh đổi. Vậy nên, một chính sách chuẩn vị lợi là một chính sách mà sao cho lợi ích chính sách đem lại cho công chúng là lớn nhất và chi phí thực hiện là nhỏ nhất.[2] Bentham cho rằng các tính toán hơn thiệt này là có thể đo đạc được[3] trên thực tế thông qua các khoái cảm của con người với sự vật, hiện tượng khách quan.

Thuyết vị lợi với mục đích phục vụ cho sự thỏa dụng của số đông trong xã hội, trờ thành cơ sở của đời sống đạo đức và chính trị. Tối đa hóa “hữu ích” là nguyên tắc không chỉ cá nhân mà còn cho các nhà lập pháp. Trong các quyết định của mình, chính quyền nên làm gì để toàn thể cộng đồng hạnh phúc nhất.[4] Vậy nên, ngày nay, nhiều người trong giới học giả cho rằng pháp luật nói chung và các chế định về quyền sở hữu nói riêng đến từ nhu cầu của xã hội hơn là sự công nhận quyền tự nhiên có sẵn.[5] Bản thân David Hume, ngược lại với Locke khi cho rằng quyền sở hữu tài sản không phải quyền sở hữu không phải một quyền tự nhiên mà là một quyền xuất phát từ luật pháp của xã hội.[6] Khi nhìn nhận tài sản dưới góc độ tính toán sự thỏa dụng, chúng ta đang tính toán phạm trù chi phí - lợi ích trong kinh tế. Các tính toàn này phải mang lại tính hiệu quả khi giúp các của cải trong xã hội được phân bố hiệu quả đến với những chủ thể có khả năng sử dụng hiệu quả. Sự phân phối hiệu quả các nguồn lực trong xã hội sao cho phù hợp với thuyết vị lợi gợi ý các hàng hóa nói riêng và tài sản nói chung phải có tính khan hiếm. Tính khan hiếm bắt buộc chủ thể tham gia quan hệ kinh tế phải thực hiện phân phối hiệu quả để khai thác tối đa lợi ích của nguồn tài nguyên. Đây có thể coi là bước đột phá trong lý luận quyền sở hữu, thay vì xuất phát từ các quan điểm triết học, giờ đây chúng ta sẽ nhìn nhận quyền sở hữu dưới quan điểm của khoa học kinh tế.

1.3. Tiếp cận lý thuyết về tài sản thông qua định lý Coase

Ronald Coase (1910 - 2013) đã xuất bản 2 bài báo mang tính đột phá trong lý luận kinh tế bao gồm “Bản chất các công ty” (1937) trong đó giới thiệu các khái niệm về chi phí giao dịch để giải thích bản chất và giới hạn của các công ty và “Vấn đề chi phí trong xã hội” (1960) cho thấy, quyền sở hữu rõ ràng có thể vượt qua những tác động ngoại tác. Coase đã đưa ra 2 nhận định nổi tiếng về quyền tài sản chính là các Định lý Coase. Các định lý này gồm 2 nhận định sau:[7] (i) Việc bảo vệ quyền sở hữu sẽ không cần thiết nếu chi phí giao dịch bằng không hay quá nhỏ. Nếu chi phí giao dịch quá lớn, các bên không thể thỏa thuận với nhau, mỗi bên phải dùng quyền sở hữu để bảo vệ lợi ích của mình và (ii) Quyền sở hữu chỉ là một trong những biện pháp nhằm kiểm soát quyền lợi của một chủ thể kinh doanh chứ không phải là một quyền tự nhiên. Các biện pháp khác có thể là bồi thường thiệt hại hay thỏa thuận.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ khái niệm của phạm trù chi phí xã hội mà Coase đề cập. Trong kinh tế học, chi phí giao dịch là chi phí dùng để thực hiện bất kỳ giao dịch kinh tế nào khi tham gia vào thị trường. Oliver E. Williamson định nghĩa về chi phí giao dịch (transaction cost economics) liên quan đến việc phân bổ hoạt động kinh tế quan các phương thức tổ chức thay thế (thị trường, công ty, văn phòng,…), là tổng chi phí để thực hiện một giao dịch, bao gồm lập kế hoạch, quyết định, thay đổi kế hoạch, giải quyết tranh chấp và hậu mãi.[8] Như vậy đơn giản, các chi phí giao dịch là những “chi phí ngoài lề” giúp các trao đổi quyền sở hữu được thực hiện.

Thực tế, các chi phí giao dịch gần như không thể bằng không. Các lý do khiến chi phí giao dịch không thể bằng không bao gồm: dữ liệu không đầy đủ và bất đối xứng, một bên có vị thế độc quyền với bên kia, một bên có lợi thế sử dụng lợi thế mà bên kia không có. Định lý Coase, cho thấy chi phí giao dịch bằng không thì quyền sở hữu không cần thiết, đồng nghĩa với việc rằng khi các chi phí giao dịch là đáng kể thì quyền sở hữu phải xác lập. Những chi phí giao dịch đến từ khả năng thực thi pháp luật, đặc quyền kinh doanh, bất đối xứng dữ liệu là những chi phí điển hình ngăn cản một thỏa thuận có thể đạt được.

Theo lý thuyết của Coase, các thỏa thuận hay bồi thường thiệt hại hoàn toàn có thể là phương pháp thay thế các chế định quyền sở hữu, khiến sự thỏa dụng của các bên đều không thiệt hại, phù hợp với lý thuyết vị lợi. Điều này gợi ý cho thấy thị trường tự do có khả năng phân bổ nguồn lực hiệu quả bởi vì tất cả các cá nhân có quyền trao đổi sản phẩm mà họ sản xuất để lấy những sản phẩm người khác sản xuất. Không có sự bảo vệ của chính phủ với quyền của cá nhân, thì mọi người phải tìm cách bảo vệ quyền riêng của mình, mà nói chung sẽ làm giảm đi tính hiệu quả phân phối nguồn lực của thị trường và gia tăng các chi phí giao dịch. Mọi người không có động cơ sản xuất thêm và xã hội sẽ nghèo đi nếu quyền lợi của mọi người không được đảm bảo. Vì thế, dưới tác động của thị trường, các quyền về tài sản phải được thiết lập đảm bảo bởi Nhà nước. Như thế, việc không đảm bảo các chế định sở hữu tồn tại trong xã hội mà để thị trường tự do điều chỉnh mới chính là cách làm giảm phúc lợi cho xã hội, phù hợp với các lý thuyết vị lợi được xây dựng.

Vậy nên, tổng hòa các quan điểm lý thuyết về tài sản, nhóm nghiên cứu kết luận:

Tài sản đối tượng của quyền sở hữu khi con người phải có khả năng chiếm hữu thông qua lao động và có giá trị kinh tế bất kể hình thức của tài sản. Sự hình thành của chế định tài sản phụ thuộc giá trị chi phí giao dịch trong thị trường theo định lý Coase và thực tế hoạt động của thị trường.

2. Công nhận tài sản mới tại Việt Nam trong nền kinh tế số

Từ những quan điểm tiếp cận lý thuyết về tài sản nếu trên, nhóm nghiên cứu kết luận: Quyền sở hữu có mối quan hệ biện chứng với sự phát triển của thị trường. Không chỉ đơn giản xác định một phạm trù có thể là tài sản hay không, còn phải xác định có nhất thiết phải thiết lập quyền tài sản hay không, xác định tiềm năng đóng góp giá trị kinh tế của quyền sở hữu đối với tài sản mới đó và khả năng kiểm soát tài sản của Nhà nước. Sự ghi nhận của pháp luật mỗi quốc gia về tài sản phụ thuộc vào các mối quan hệ kinh tế khách quan diễn ra trong quốc gia đó và phụ thuộc vào sự thay đổi của sự vận hành kinh tế. Nhìn nhận chế định quyền sở hữu và tài sản thông qua giá trị kinh tế gợi ý về những loại tài sản không có thị trường là những loại tài sản không thể trở thành đối tượng của quyền sở hữu.[9]

Thực tế, trong nền kinh tế số đang xuất hiện rất nhiều các thị trường trao đổi đa dạng các sản phẩm khác nhau mà những sản phẩm này hoàn toàn phù hợp với định nghĩa trên. Các sản phẩm đó là những sản phẩm gắn liền với ứng dụng công nghệ mới. Sự áp dụng các công nghệ mới là nỗ lực của con người trong việc số hóa và tạo ra các sản phẩm mới gắn liền với Internet vạn vật Internet vạn vật (IoT); Cơ sở dữ liệu tập trung (Big data); Trí tuệ nhân tạo (AI); Người máy (Robotic); Vật liệu mới (graphene, skyrmions, bio-plastic,...); Blockchain; Kết nối thực ảo (Virtual/Augmented Reality),… Như vậy có thể định nghĩa các tài sản mới trong nền kinh tế số như sau: Tài sản mới trong nền kinh tế số là các sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp với định nghĩa về tài sản, phụ thuộc hoặc áp dụng của các công nghệ mới trong nền kinh tế số, bao gồm các công nghệ như Blockchain, Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data),…  

Công nhận các tài sản mới ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường và hoạt động kinh tế của một quốc gia, vậy nên khi công nhận thêm một loại tài sản mới, Việt Nam cần cẩn trọng thực hiện các đánh giá khách quan tác động của loại tài sản mới đối với thị trường, các tính chất của tài sản mới để xác định nên hay không thiết lập các quyền sở hữu đối với loại tài sản mới. Nhiều loại sản phẩm có thể phù hợp với tính chất của một tài sản, tuy nhiên hoàn toàn có thể không trở thành một tài sản mới được luật định vì những yếu tố như rủi ro, hoặc giá trị kinh tế quá thấp hoặc quá cao, khó khai thác, đối lập với những phạm trù đạo đức của xã hội. Vậy nên, công nhận thêm các tài sản mới phải đảm bảo các tiêu chí sau:

Thứ nhất, có giá trị kinh tế và chi phí giao dịch bằng không hay quá nhỏ. Nếu những nguồn tài nguyên là vô tận và không bị giới hạn khai thác, khiến ai cũng có thể tiếp cận, chiếm hữu và sử dụng nó nên không nhất thiết phải có các quyền tài sản để bảo vệ sự chiếm hữu với những tài sản này, vì bất cứ thiệt hại nào diễn ra, người ta có thể dễ dàng có tài nguyên ấy mà không phải bỏ ra bất cứ công sức hay chi phí kinh tế nào. Điều này phù hợp với Định lý thứ nhất của Coase về chế định quyền tài sản: Việc bảo vệ quyền sở hữu sẽ không cần thiết nếu chi phí giao dịch bằng không hay quá nhỏ. Những tài sản này sẽ được phân phối trong xã hội thông qua lưu thông, có thể giữa cá nhân - cá nhân hay nhà nước - cá nhân. Tính khan hiếm này tạo cho tài sản 2 tính chất: tính cạnh tranh (rivalry) và tính loại trừ (excludability).[10]

Thứ hai, khả năng duy trì sự khan hiếm và tin tưởng sự tồn tại lâu dài của tài sản. Rõ ràng các tài sản mới với sự áp dụng của các công nghệ tân tiến rất phụ thuộc vào sự an toàn của công nghệ. Các tài sản mới chỉ có khả năng tồn tại hoặc phát triển hết khả năng nhờ công nghệ. Những loại tài sản hữu hình hoặc các tài sản vô hình truyền thống được quy định chặt chẽ khi người sở hữu có thể bảo vệ quyền lợi thông qua cả không gian vật lý (hàng rào, quản lý trong khu vực quản lý,…) và không gian pháp lý (quy định chặt chẽ thông qua sự ghi nhận các quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong văn bản). Những tài sản trên không thể tự nhiên biến mất hoặc giá trị kinh tế bất định trong thời gian ngắn. Tức là người ta có thể tin tưởng vào khả năng tồn tại lâu dài của các loại tài sản truyền thống trong thế giới pháp lý thông qua, trước tiên là các khả năng bảo quản và bảo vệ thông qua tác động vật lý, sau đó mới là tiền đề bảo vệ trong không gian pháp lý.

Cần đặc biệt lưu ý mức độ rủi ro của các tài sản mới là các sản phẩm tồn tại trên không gian số. Sự tồn tại của những sản phẩm công nghệ mới trong nền kinh tế số có thể mang rất nhiều rủi ro, phụ thuộc vào nhiều yếu tố về công nghệ, khả năng tài chính và quản lý của các công ty công nghệ. Rủi ro về công nghệ: Các công nghệ phải loại bỏ được các yếu tố rủi ro trước sự tấn công của tin tặc và an toàn trong việc vận hành công nghệ. Các rủi ro công nghệ có thể kể đến như: An ninh mạng (Cybersecurity), Công nghệ đám mây (Cloud technology), quản trị dữ liệu (Data Management), Tự động hóa (Process Automation),… Rủi ro trên đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của những tài sản mới, những nhà phát hành không có khả năng cung cấp một nền tảng công nghệ đủ tin tưởng thì những sản phẩm của công ty đó không nên được coi là các tài sản. Quan trọng hơn, bản thân các nhà phát hành cũng không thể tự động gây hại đến tài sản của những người sở hữu do chính họ phát hành trên nền tảng của mình.

Thứ ba, Nhà nước phải có khả năng hệ thống và quản lý các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật quyền ở hữu đối với tài sản mới. Thực tế, đa số sản phẩm công nghệ mang những đặc tính của tài sản được phát hành bởi các nhà phát triển công nghệ tư nhân, có phạm vi hoạt động trên toàn cầu. Các vấn đề pháp lý trở nên vô cùng phức tạp vì sự xung đột pháp luật giữa các quốc gia trong việc điều chỉnh các hoạt động công nghệ của các công ty này trong khi nền tảng số của các công ty lại phủ sóng toàn cầu, khiến bất cứ ai trên thế giới đều có thể truy cập nếu có mạng Internet. Không chỉ khó khăn về mặt pháp lý, bản thân nền tảng công nghệ của các nhà phát hành cũng cần phải đặt ra các câu hỏi về rủi ro cao hay thấp. Vì bản thân các tài sản mới phụ thuộc rất lớn vào sự hiện đại của công nghệ, các sản phẩm chất lượng cao thường yêu cầu một nền tảng công nghệ tương thích. Bất kỳ sự cố kỹ thuật nào xảy ra hoàn toàn có thể khiến thiệt hại rất lớn cho các những người sở hữu tài sản - những người đa phần có phần bất lợi về hiểu biết công nghệ và không được bảo vệ bởi chế định bồi thường phù hợp.

Sự phức tạp và rủi ro về khả năng quản lý chất lượng công nghệ của các công ty đặt Nhà nước vào trong tình trạng: Nếu chấp nhận các chế định quyền sở hữu đối với tài sản mới, Nhà nước phải có thêm các quy định pháp luật tương ứng với việc quản lý các công ty công nghệ đang hoạt động trong nhà nước. Sự quản lý ở đây không chỉ đơn giản là quản lý thông qua pháp luật, mà còn phải quản lý công nghệ của những công ty, đảm bảo sự ổn định về mặt công nghệ, nhằm bảo vệ những người sở hữu những sản phẩm công nghệ của các công ty này. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ ngày càng cao, sự bảo vệ quyền lợi của những người sở hữu các kiểu tài sản mới càng cần được bảo vệ, không phải thông qua pháp luật, mà bởi chính các kỹ thuật công nghệ. Nhà nước có thể đánh giá, kiểm tra các loại công nghệ trên. Nếu khả năng bảo vệ quyền lợi của công nghệ đủ cao để tin tưởng, Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện kiểm soát công nghệ, mà chỉ cần làm rõ trách nhiệm pháp lý của các bên khi tham gia thị trường công nghệ. Như vậy, sự quản lý tài sản của Nhà nước không nhất thiết phải là quản lý trực tiếp thông qua công nghệ, mà quản lý thông qua pháp luật, nếu công nghệ có rủi ro thất bại thấp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Vũ Thị Hồng Yến (2015), Khái niệm tài sản trong pháp luật dân sự và kiến nghị sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp. <http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208513.  

[2] Sừ Đình Thành, Bùi thị Mai Hoài (2009), Tài chính công và phân tích chính sách thuế, Nxb. Lao động và xã hội, TP. Hồ Chí Minh.

[3] Đỗ Minh Hợp, Trần Thanh Giang (2010), Chủ nghĩa vị lợi nhìn từ góc độ đạo đức học, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội và Nhân văn 26, tr. 150

[4] Michael Sandel (2016), Phải trái đúng sai, bản dịch Hồ Đắc Phương, Nhà xuất bản Trẻ, tr. 52

[5] Abraham Bell & Gideon Parchomovsky (2005), A Theory of Property, Cornell Law Review. DOI: https://heinonline.org/HOL/Page?handle=hein.journals/clqv90&div=27&g_sent=1&casa_token=pv8rDhMFRHgAAAAA:fT13_Cd5yKhaK09M019O9VVA4yZ2eOWv8napoMSQ815zQLpsui3tcxCa-D9L3_AX3wrFMQlg1Q&collection=journals.

[6] Paul Jurczak, , The Natural of Property, Introduction to Philosophy, University of Central California. <https://pressbooks.online.ucf.edu/introductiontophilosophy/chapter/the-nature-of-property/#:~:text=David%20Hume%20(1711%2D1776)%20claims%E2%80%94much%20as%20did,moral%2C%20and%20founded%20on%20justice>

[7] Lê Nết (2006), Kinh tế Luật, Nxb. Tri thức, tr. 36.

[8] Oliver E. Willamson, Transaction cost Economics, Xem thâm tại: <https://newdoc.nccu.edu.tw/teasyllabus/207009257783/2008,%20Williamson,%20Transaction%20Cost%20Economics.pdf.

[9] Abraham Bell & Gidieon Parchomovsky (2005), A Theory of Property, đd.

[10] Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (2003), Tài chính công, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr.86

Criteria for recognition of new property types in Vietnam in the context of the digital economy

Tran Duy Minh1

Nguyen Quoc Anh1

Nguyen Huong Ngoc Nhi1

1Student, Faculty of Law, Hanoi Law University

Abstract:

According to the Civil Code 2015 of Vietnam, property comprises tangible objects, money or papers which can be valued in terms of money and property rights. However, the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0) and the strong development of digital economy have given rise to a number of new property types which challenge the current Civil Code’s provisions for the right to property. As a result, it is necessary to have a new property rights approach to new property types in Vietnam. This paper analyzes theoretical property rights approaches in order to present a unified view orienting the recognition of new property types in Vietnam.

Keywords: theory of property, new property, digital economy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]