Thứ Hai – 10/8

Hồng Kông
 Quy định mới của Hoa Kỳ khiến các hàng hoá sản xuất tại Hồng Kông sẽ chịu mức thuế tương tự như các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc (Ảnh: Shutterstock)

Theo thông báo của Cơ quan Đăng kiểm Liên bang Hoa Kỳ, tất cả hàng hoá được sản xuất tại Hồng Kông sẽ phải dán mác “Made in China” khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ kể từ ngày 25/9. Điều này đồng nghĩa hàng hoá do các doanh nghiệp Hồng Kông sản xuất sẽ chịu mức thuế tương tự như các doanh nghiệp Trung Quốc khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đây được cho là động thái mới nhất của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước tăng cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát, tác động của quy định mới này đối với nền kinh tế Hồng Kông ở mức rất hạn chế. Trong số khoảng 39 tỷ USD hàng hoá xuất khẩu từ Hồng Kông sang Hoa Kỳ trong năm 2019 chỉ có 1,2% là hàng hoá nội địa, gần 80% còn lại là hàng tái xuất từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Hồi tháng 7/2020, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký sắc lệnh chấm dứt quy chế đặc biệt với Hồng Kông với viện dẫn đặc khu hành chính này không còn đủ tự chủ với Trung Quốc.

Thứ Ba – 11/8

Singapore tái mở cửa nền kinh tế
Singapore đã bắt đầu tái mở cửa nền kinh tế kể từ đầu tháng 6/2020 với các biện pháp kích thích kinh tế đạt tổng giá trị hơn 19% tổng GDP hàng năm của nước này (Ảnh: AP Photo/Ee Ming Toh, File)

Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết nền kinh tế nước này đã giảm 42,9% trong quý 2/2020 so với quý trước. Đây là con số cao hơn nhiều so với các dự báo được đưa ra trước đây, làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế nước này. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP của Singapore này đã giảm 13,2% trong quý 2/2020. Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore dự báo Singapore sẽ suy giảm tới 5% - 7% trong năm 2020.

Phần lớn nền kinh tế Singapore đã phải đóng cửa từ đầu tháng 4 khi quốc gia này phong tỏa một phần để làm chậm khả năng lây lan của Covid-19. Một số hạn chế được bắt đầu nới lỏng từ đầu tháng 6 và nền kinh tế đã được tái mở cửa gần như toàn bộ cùng với đó là các biện pháp kích thích trị giá hơn 19% tổng GDP nước này.

Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore cho biết chính sách tiền tệ hiện vẫn phù hợp. Lần gần nhất cơ quan này nới lỏng chính sách tiền tệ là vào tháng 3/2020 và dự kiến sẽ đưa ra quyết định điều hành chính sách tiền tệ mới trong tháng 10 tới đây.

Thứ Tư – 12/8

Kinh tế Nhật Bản suy thoái
 Nền kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ khó có thể khôi phục trở lại trước năm 2024 (Ảnh: Shutterstock)

Báo cáo mới nhất của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) cho biết các tác động của đại dịch Covid-19 đến Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sẽ kéo dài đến tận tháng 4/2024. Theo đó, JCER dự báo nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục suy giảm 6,8% trong năm tài khoá từ tháng 3/2020 đến 3/2021 và đà phục hồi sẽ ở mức rất yếu sau đó. Nguyên nhân chủ yếu do diễn biến dịch bệnh phức tạp gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản sang các thị trường chủ chốt như Hoa Kỳ.

Báo cáo của JCER nhấn mạnh rằng sự bùng phát của đại dịch Covid-19 sẽ tạo nên vết thương khó lành cho nền kinh tế Nhật Bản trong thập niên này khi chính phủ buộc phải tăng thuế để giải quyết số nợ khổng lồ, các công ty hạn chế đầu tư, tiền lương không tăng còn người tiêu dùng thì hạn chế chi tiêu.

Mức dự báo suy giảm 6,8% của JCER cao hơn so với mức dự báo 5,1% theo khảo sát của hãng tin Bloomberg và 4,7% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Thứ Năm – 13/8

Kinh tế Anh suy thoái
 Kinh tế Anh trong quý 2/2020 đã suy giảm mức cao nhất lịch sử dưới các tác động của đại dịch Covid-19 (Ảnh: Financial Times)

Dữ liệu mới nhất cho thấy Anh đã trở thành nền kinh lớn suy giảm mạnh nhất thế giới dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Cụ thể, nền kinh tế Anh đã suy giảm tới 20,4% trong quý 2/2020. Đây là mức sụt giảm theo quý mạnh nhất kể từ khi dữ liệu này được thu thập lần đầu tiên kể từ năm 1955 đến nay. Nền kinh tế Anh cũng chính thức bước vào tình trạng suy thoái kỹ thuật với 2 quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng âm (quý 1/2020, suy giảm 2,2%).

Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19 tại Anh đã khiến các hoạt động sản xuất – dịch vụ tại nước này chịu ảnh hưởng nặng nề. So với cuối năm 2019, sản lượng kinh tế Anh đã giảm 22,1% trong 6 tháng đầu năm 2020. Đây là mức cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác như Đức, Pháp và Hoa Kỳ.

Thứ Sáu – 14/8

Lắp ráp tại Trung Quốc
 Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng các doanh nghiệp rời bỏ nước này trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt (Ảnh: BBC)

Ông Young Liu, chủ tịch Foxconn, nhận định Trung Quốc sẽ không còn là trung tâm sản xuất của thế giới trong tương lai nữa. Foxconn hiện là đối tác có quy mô lớn nhất trong chuỗi cung ứng của Apple và hiện hãng lắp ráp điện tử này đang tích cực mở rộng sản xuất ra ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Việt Nam và Ấn Độ.

Hãng tin Bloomberg cho biết công suất sản xuất ngoài Trung Quốc của Foxconn hiện đạt 30% tổng công suất, tăng so với mức 25% hồi tháng 6/2019. Foxconn và nhiều doanh nghiệp khác đang đẩy mạnh mở rộng hoạt động sang các quốc gia khác, ngoài Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang ngày càng trở nên gay gắt hơn.