Thứ Hai – 2/3

Chỉ số PMI Trung Quốc giảm mạnh vì dịch virus Covid-19

Chỉ số độc lập Nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit tháng 2/2020 của Trung Quốc chỉ đạt 40,3 điểm - mức thấp kỷ lục kể từ thời điểm chỉ số này được áp dụng tại Trung Quốc vào năm 2004. Con số này cũng thấp hơn nhiều so mức 51,1 điểm được ghi nhận trong tháng 2/2020. Trong số các chỉ số phụ của chỉ số PMI Caixin/Markit, chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới của các doanh nghiệp Trung Quốc trong tháng 2/2020 đã giảm xuống dưới ngưỡng âm, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009.

Vào ngày 29/2, Cơ quan thống kê Trung Quốc cũng công bố chỉ số PMI chính thức tháng 2/2020 của nước này chỉ đạt 35,7 điểm – mức thấp kỷ lục kể từ khi chỉ số này được áp dụng; giảm mạnh so với mức 50 điểm trong tháng 1/2020 và mức 46 điểm được các nhà kinh tế học dự báo. Trong đó, chỉ số hoạt động sản xuấtchỉ số đơn đặt hàng mới của các doanh nghiệp Trung Quốc trong tháng 2/2020 giảm gần 50% so với hồi tháng 1/2020.

Chỉ số PMI Caixin/Markit là chỉ số kinh tế độc lập tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu. Chỉ số PMI chính thức của Chính phủ Trung Quốc tập trung vào nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước.

Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao tại hãng tư vấn kinh tế Capital Economics nhận định thực trạng ngành sản xuất của Trung Quốc có thể tệ hơn những gì chỉ số đưa ra.

Thứ Ba – 3/3

Chủ tịch FED Jerome Powell

Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp để bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19. FED giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất, đưa lãi suất về mức 1% - 1,25%. Đây là mức cắt giảm mạnh nhất của FED kể từ năm 2008.

Mặc dù Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn “ở mức tốt” nhưng việc FED đưa quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp ngay trước cuộc họp chính sách thường kỳ dự kiến diễn ra từ 17 – 18/3 cho thấy tác động của dịch virus Covid-19 đến Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể nghiêm trọng hơn những gì các con số về số người nhiễm bệnh và tử vong thể hiện. Hoa Kỳ hiện đang trải qua thời kỳ tăng trưởng kéo dài kỷ lục 11 năm liên tiếp.

Nhiều ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu như Ngân hàng Trung ương Nhật BảnNgân hàng Trung ương Châu Âu đồng loạt phát tín hiệu sẽ tung ra các gói kích thích kinh tế lớn nhằm hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định các công cụ chính sách tiền tệ thông thường sẽ không thực sự giúp ích nhiều với nền kinh tế khi dịch virus Covid-19 vừa tạo ra cú sốc cung và sốc cầu.

Việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ có thể tạo ra một “động lực tâm lý”, kìm hãm các nguy cơ sụp đổ trên các thị trường tài chính, ngăn chặn sự hoảng loạn bùng phát và các phản ứng tiêu cực dây chuyền khác trên quy mô toàn cầu.

Thứ Tư – 4/3

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm sau dịch virus Covid-19

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang bật tăng trở lại trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy dịch virus Covid-19 đang dần được kiểm soát tại đây. Bất chấp các chỉ số kinh tế cho thấy hầu hết hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, chỉ số Shanghai Composite Index, một trong những chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc, đã tăng khoảng 10% trong tháng 2/2020.

Ông Michael Metcalfe, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô toàn cầu của hãng tư vấn State Street Global Market nhận định thị trường chứng khoán Trung Quốc đang có diễn biến vượt trội so với đa phần các thị trường chứng khoán khác trên toàn cầu. Đồng thời, tỷ giá của đồng Nhân dân tệ cũng tăng 0,73% so với đồng USD và trở thành đồng tiền có diễn biến tốt thứ hai trong số 11 đồng tiền chính của khu vực Châu Á.

Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc hiện có thể trở thành nơi trú ẩn an toàn mới cho giới đầu tư trong bối cảnh các dịch virus Covid-19 đang bùng phát nhanh tại nhiều nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và khu vực Châu Âu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính của các nước này.

Kể từ khi quay lại giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài bất thường vì dịch bệnh, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đóng nhận dòng vốn trị giá đến 850 tỷ NDT (122 tỷ USD), tăng so với mức 506 tỷ NDT trong tháng 1/2020 và mức 450 tỷ NDT trong tháng 12/2019.

Thứ Năm – 5/3

OPEC nhóm họp cắt giảm sản lượng khai thác

14 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) và 10 quốc gia sản xuất dầu thô đồng minh, gồm Nga (khối OPEC+) bắt đầu nhóm họp tại Vienna (Áo) để đưa ra quyết định sản xuất dầu thô trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát toàn cầu khiến nhu cầu sử dụng dầu thô giảm kỷ lục.

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã giảm gần 25% trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu. Thị trường kỳ vọng khối OPEC+ sẽ đẩy mạnh việc cắt giảm sản lượng khai thác để ngăn chặn đà rơi tự do của giá dầu thô. Một số báo cáo cho biết Ả-rập Xê-út, quốc gia có sản lượng khai thác lớn nhất khối OPEC+, đang đề xuất cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong quý 2/2020.

Vào đầu tháng 2/2020 – thời điểm dịch bệnh mới bùng phát chủ yếu tại Trung Quốc, khối OPEC+ đã đưa ra đề xuất cắt giảm sản lượng khai thác 600.000 thùng/ngày trong quý 2/2020 nhưng Nga – quốc gia có sản lượng khai thác lớn thứ hai khối OPEC+ đã không đồng thuận đề xuất trên.

Nhiều chuyên gia đánh giá trước đà giảm mạnh của giá dầu thô và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Nga và các quốc gia khối OPEC+ sẽ đồng ý đẩy mạnh việc cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu thô. Một số nhận định cho biết khối OPEC+ cần cắt giảm sản lượng khai thác ít nhất 1 triệu thùng/ngày để vực dậy giá dầu thô.

Thứ Sáu – 6/3

Chứng khoán Hoa Kỳ giảm điểm mạnh

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đều đã giảm xuống và hướng đến tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp, phản ánh tâm lý bi quan của giới đầu tư trước các tác động của dịch virus Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ cũng như nền kinh tế toàn cầu .

Trong tuần giao dịch trước (24 – 28/2), thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã trải qua tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 2008 và thị trường chứng khoán toàn cầu mất hơn 5.000 tỷ USD giá trị vốn hoá khi giới đầu tư hoảng loạn trước sự bùng phát của dịch virus Covid-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tính đến 13h30 trưa ngày 6/3 (theo giờ Việt Nam), chỉ số Trung bình Công nghiệp Down Jones giảm 199 điểm (tương đương 0,76%), chỉ số S&P 500 giảm 106,18 điểm (tương đương 3,39%) và chỉ số Nasdaq cũng giảm 279,49 điểm (tương đương 3,10%). Chốt phiên giao dịch ngày 5/3, cả ba chỉ số trên đã giảm hơn 3%. Kể từ đỉnh giá thiết lập hôm 19/2, chỉ số S&P đã giảm hơn 10%.  

Lãi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm hiện chỉ còn đạt 0,9% sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) ra quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp vào ngày 3/3. Đây cũng là lần đầu tiên trong 150 năm trở lại đây, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Hoa Kỳ giảm xuống dưới mức 1%.

Cùng với cú giảm của thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư đã không đón nhận quyết định hạ lãi suất khẩn cấp của FED và dường như coi đó là một biện pháp tuyệt vọng. Rất hiếm lần trong lịch sử, việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp của FED lại kéo theo những cú sốc giảm điểm mạnh đến vậy trên thị trường chứng khoán.