Hà Tĩnh đang hướng đến phát triển Khu kinh tế Vũng Áng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía nam của tỉnh.

Tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước

Năm qua, các Sở, ban, ngành Tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động, kịp thời cụ thể hóa 07 nhiệm vụ trọng tâm, 05 chương trình trọng điểm, 03 đột phá chiến lược đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. UBND tỉnh đã trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành 07 Nghị quyết về phát triển Khu kinh tế Vũng Áng, tập trung tích tụ ruộng đất, xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, chuyển đổi số; xây dựng cơ chế huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh; tập trung huy động nguồn lực, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm; thu hút đầu tư phát triển chuỗi du lịch ven biển...

Tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng kết nối liên vùng trong tỉnh và tỉnh Nghệ An. Đây là 1 trong những tuyến đường “hậu cần” cho phát triển KKT Vũng Áng.

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 trên địa bàn Tỉnh đạt được một số kết quả tích cực, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 5,02%; trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,6%, khu vực nông nghiệp tăng 3,78%, khu vực dịch vụ giảm 0,7%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,46%. Tăng trưởng kinh tế tuy thấp hơn kế hoạch (9%) nhưng cao hơn cả nước (cả nước ước đạt khoảng 2-2,5%) và đứng thứ 4 khu vực Bắc Trung bộ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 67,03 triệu đồng/người/nă (tăng 4,91 triệu đồng/người/năm so với năm 2020). Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực với khu vực nông nghiệp chiếm 15,31%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 43,06%; khu vực dịch vụ chiếm 41,63%.

Thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân đầu tư công nằm trong nhóm đầu của cả nước. Sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện, năng suất và sản lượng lúa đạt mức cao nhất từ trước đến nay (trên 55,22 tạ/ha); dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được khống chế. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được tập trung chỉ đạo, trọng tâm là triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết.

Cam Thượng Lộc là một trong những sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh Hà Tĩnh.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả khá tích cực; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp khởi đầu khả quan; có thêm sản phẩm OCOP xuất khẩu. Cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Thực hiện tốt nhiều hoạt động an sinh xã hội. Huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng chính

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện có hiệu quả các giải pháp vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa ổn định phát triển sản xuất. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn Tỉnh lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, đóng góp 4,46 điểm % trong mức tăng trưởng chung GRDP 5,02%.

Sản xuất thép đóng góp lớn vào tăng trưởng ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh

Theo số liệu của Sở Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2021 ước tăng 16,45% so với năm 2020, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng toàn ngành công nghiệp với mức tăng 19,93%; ngành khai khoáng ước tăng 16,03%. Sản xuất phôi thép ước đạt 6,4 triệu tấn, trong đó sản phẩm thép 5,4 triệu tấn, tăng 22,8%; sản xuất bia ước đạt 59 triệu lít, tăng 11%; sợi ước đạt 7.200 tấn, tăng 11%; điện thương phẩm ước đạt 1,2 tỷ kWh, tăng 8,8%; điện sản xuất ước đạt 10,9 tỷ kWh, giảm 7,44%.

Cơ cấu các ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản. Sản phẩm công nghiệp càng ngày càng đa dạng, phong phú; năng lực sản xuất công nghiệp được nâng cao; công nghiệp nông thôn được quan tâm đầu tư phát triển.

Hoạt động XNK tại cảng Vũng Áng đóng góp lớn vào tăng trưởng tổng kim ngạch XNK năm 2021 của tỉnh Hà Tĩnh.

Hoạt động thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 46.777,16 tỷ đồng, giảm 0,41% so với năm 2020, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 41.700 tỷ đồng, tăng hơn 2%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh so với năm 2020, trong đó xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7% chủ yếu do giá thép tăng cao nên Formosa đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu thép; nhập khẩu ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2020.

Một trong những điểm sáng của tỉnh năm qua là mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn vẫn có nhiều khởi sắc; trong đó có dấu ấn của nhiều dự án đầu tư công nghiệp quy mô lớn.

Ước cả năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 52 dự án đầu tư, trong đó: 51 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 14.600 tỷ đồng và 01 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 2,5 tỷ USD. Riêng trong quý IV/2021 chấp thuận chủ trương đầu tư 02 dự án lớn là Nhà máy sản xuất Cell Pin của Tập đoàn Vingroup (vốn đầu tư 8.800 tỷ đồng) và Nhà máy luyện gang thép của Công ty cổ phần gang thép Vũng Áng (vón đầu tư 2.268 tỷ đồng). Khánh thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát với tổng mức gần 1.300 tỷ đồng tại Khu kinh tế Vũng Áng. Xúc tiến khởi công dự án Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy Nhà máy sản xuất Cell Pin.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng nguyên lãnh đạo Trung ương; lãnh đạo tỉnh và chủ đầu tư nhấn nút khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất Pin VinES của Vingroup tại KKT Vũng Áng.

Bên cạnh đó, xúc tiến đầu tư chuỗi du lịch dịch vụ ven biển; triển khai lập quy hoạch các Tổ hợp dự án nghỉ dưỡng và sân golf tại huyện Lộc Hà (xã Thịnh Lộc), huyện Cẩm Xuyên (xã Cẩm Dương), thị xã Kỳ Anh (xã Kỳ Ninh). Tiếp tục kêu gọi, kết nối, làm việc, xúc tiến dự án đầu tư với các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu trong sản xuất linh kiện ô tô, đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ tại khu kinh tế và các khu du lịch biển.

Hỗ trợ doanh nghiệp linh hoạt, thích ứng với tình hình mới

Với vai trò đầu mối phát triển công nghiệp – thương mại trên địa bàn tỉnh, trong năm qua Sở Công Thương đã trình Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số công trình dự án vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Hoàn thiện Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Đặc biệt, Sở kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Tỉnh và Bộ Công Thương, đồng thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chủ động rà soát, đánh giá đúng tình hình, dự báo các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu ảnh hưởng xấu của dịch bệnh Covid-19, góp phần ổn định và nâng cao mức tăng trưởng. Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực quản lý trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế.

Hoạt động sản xuất công nghiệp dần được phục hồi, các doanh nghiệp chủ động triển khai phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó Sở Công Thương chỉ đạo các phòng chuyên môn luôn bám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ; các dự án năng lượng, công nghiệp tiếp tục được triển khai theo đúng quy định và thường xuyên được rà soát, bổ sung.

Hoạt động quản lý nhà nước về thương mại được triển khai khá đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được đảm bảo. Hệ thống phân phối thương mại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa ngày càng được quan tâm.

Dưới sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đại diện các siêu thị, sàn thương mại điện tử và doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh  trao đổi bản thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ sản phẩm Cam.

Công tác xúc tiến thương mại chủ động linh hoạt, thích ứng với điều kiện phòng chống dịch Covid-19, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh đến các nhà phân phối, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và doanh nghiệp trong điều kiện nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh

Bước sang năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh xác định tiếp tục phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19. Giữ vững ổn định sản xuất nông nghiệp; tập trung cao chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Phục hồi và phát huy tiềm năng phát triển khu vực du lịch, dịch vụ. Hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua nhiều quyết sách quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.

Những chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế bao gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8,5-9%; GRDP bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 39 triệu đồng/năm; Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 96 triệu đồng/ha. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,48% so với cùng kỳ 2021. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 43.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2022 dự kiến đạt 45.200 tỷ đồng tăng 8,5% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 16.300 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 7.800 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu 8.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; có thêm 03 xã đạt chuẩn NTM; 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 01 huyện đạt chuẩn NTM.

Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Để góp phần cùng các ban, ngành, địa phương của Tỉnh thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, ngành Công Thương Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm được giao.

Trong đó tiếp tục theo dõi, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án triển khai trên địa bàn như: Dự án Thủy điện, nhiệt điện Vũng Áng II, điện gió; Bia Hà Nội-Nghệ Tĩnh, các dự án công nghiệp có liên quan; phát huy công suất các nhà máy: Nhà máy Bia Sài Gòn Hà Tĩnh, Nhà máy thép Formosa, Nhà máy sản xuất gỗ MDF Vũ Quang, Nhà máy may Havina, Nhà máy sản xuất sợi Vinatex…

Chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo; Chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch khuyến công năm 2022; Chương trình quốc gia sản xuất tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các doanh nghiệp rà soát các vấn đề liên quan công tác quản lý, phát triển CCN, tiến độ triển khai một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN. Chú trọng thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa hạ tầng CCN. Tích cực thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và ngành công nghiệp sau thép, khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tạo những sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường khu vực.

Chủ động theo dõi, dự báo tình hình thị trường, biến động cung - cầu hàng hóa trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tổ chức thực hiện Đề án đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, xúc tiến xuất khẩu, tăng năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs).