TÓM TẮT:

Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của mọi quốc gia trên thế giới. Trong nước, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Việc tiêm vacxin mở rộng với tốc độ nhanh chóng thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo hệ miễn dịch cộng đồng. Điều này khiến cho GDP quý IV đảo chiều, kéo theo cả năm 2021 tăng trưởng 2,58% GDP. Bài viết phân tích tình hình kinh tế Việt Nam năm 2021 và giải pháp cho năm 2022 trong bối cảnh thích ứng với đại dịch.

Từ khóa: GDP, tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, xuất siêu, thương mại, thị trường nội địa.

1. Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2021

Trong năm 2021, GDP Việt Nam tiếp tục gia tăng qua các năm. Quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22% so với năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong khi biến thể Delta và sau đó là biến thể Omicron khiến nhiều nước trên thế giới “chao đảo”, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương, đặc biệt, quý IV có sự hồi phục đáng kể. (Biểu đồ 1)

Mặc dù mức tăng 2,58% thấp hơn mức 2,91% của năm 2020, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6,5% và cũng là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, nhưng đây là một thành công lớn của Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021. Năm 2020, hầu hết các các quốc gia đều có mức tăng trưởng âm. Sang năm 2021, kinh tế nhiều quốc gia phục hồi, song mức tăng trưởng không quá vượt trội so với Việt Nam. Theo Ngân hàng châu Á (ADB), kinh tế Thái Lan năm 2021 tăng trưởng -6,1%, năm nay chỉ tăng trưởng 1%; hay như Malaysia tăng trưởng -6,5% vào năm 2020, năm nay chỉ tăng trưởng 3,8%,…

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ đóng góp 22,23%. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%. (Biểu đồ 2)

Điểm sáng lớn nhất trong năm 2021 chính là hoạt động xuất nhập khẩu với kỷ  lục kim ngạch đạt gần 670 tỷ USD tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%. Riêng trong tháng cuối cùng của năm, ước tính kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV, kim ngạch xuất khẩu quý IV/2021 ước đạt 95,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 16,4% so với quý III/2021. Tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%. Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19,94 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,36 tỷ USD. Với 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng 2 mặt hàng so với năm 2020). Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện tích cực, khi tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 85,2% năm 2020 lên 86,2% năm 2021. Hàng hóa của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu trên 80 tỷ USD); EU (xuất siêu trên 28 tỷ USD). Có thể nói, xuất nhập khẩu trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Đối với thị trường trong nước, năm 2021, mặc dù dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng hàng hóa có thời điểm bị đứt gãy, song với sự nỗ lực phối hợp của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp,… cung cầu hàng hóa đã được bảo đảm, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước cơ bản được giữ vững, cung ứng đầy đủ, kịp thời các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân với giá cả tương đối ổn định. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, góp phần tiêu thụ hàng chục triệu tấn nông sản tới vụ cho nông dân với giá cả hợp lý trong hoàn cảnh giãn cách xã hội.

Thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành động lực tăng trưởng mới, góp phần quan trọng trong việc chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu. Công tác quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quản lý thị trường và phòng vệ thương mại được quan tâm, triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả, góp phần bảo vệ, hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh và bảo vệ quyền, lợi ích của quốc gia, dân tộc trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Và để có được kết quả này, không thể không nhắc tới vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đợt dịch Covid-19 lần 4, các doanh nghiệp Việt Nam đã chung vai gánh vác hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời kiên trì chống chọi với dịch bệnh, giữ chân người lao động, bám trụ sản xuất với nhiều hình thức sáng tạo. Nhiều doanh nhân còn tham gia góp ý, phản biện chính sách với chính quyền các cấp trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, kiến tạo các giải pháp phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”. Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đã đón nhận 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm  lên đến gần 160.000 doanh nghiệp. Như vậy, bình quân mỗi tháng trong năm 2021 đã có 13.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều này thể hiện nỗ lực tái cấu trúc và thích ứng của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế.

2. Mục tiêu kinh tế năm 2022 và giải pháp thực hiện

Năm 2022, Việt Nam và thế giới vẫn đang đứng trước thách thức lớn và khó lường của dịch bệnh, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan khi cho rằng, năm 2022 sẽ là bức tranh với gam màu tươi sáng đối với nền kinh tế Việt Nam. Bởi Việt Nam đã thay đổi chiến lược trong phòng, chống Covid-19, khi Nghị quyết số 128/NQ-CP sẽ đi vào cuộc sống xã hội một cách nhuần nhuyễn và sát thực tế hơn, tiếp tục cởi trói tinh thần cho doanh nghiệp. Đó là giải pháp linh hoạt, thích ứng, an toàn với dịch bệnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 được Quốc hội thông qua, trong đó: GDP tăng từ 6.0-6.5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4.0%,... Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 được Quốc hội và Chính phủ giao, cần quan tâm đến các giải pháp sau:

Một là, năm 2022 sẽ là năm quan trọng, đặc biệt khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Lĩnh vực phục hồi nhanh sẽ là điện tử, hàng hóa liên quan tới phòng chống dịch bệnh, như: điện tử, vật tư, thiết bị y tế, máy móc thiết bị, đồ gỗ, dệt may, giày dép,... Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn. Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực lớn của nền kinh tế, chuyên gia ADB cho rằng, Việt Nam cần tận dụng thật tốt và hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 17 Hiệp định thương mại (FTA) đã được ký kết. Trong đó, nhiều FTA thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) vẫn là đòn bẩy, cú hích đáng kể cho thương mại hàng hóa Việt Nam với các thị trường hàng đầu thế giới.

Hai là, các Bộ, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19; Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công các Chương trình, nhiệm vụ đã đề ra.

Ba là, chú trọng đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, bảo vệ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, nhưng không chủ quan với lạm phát, nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh thị trường trong nước.

Bốn là, đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình quan trọng, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương như dự án dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; các chính sách, dự án phát triển nông nghiệp - nông thôn để nông nghiệp tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế trong khó khăn; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030,...

Năm là, thực hiện cơ chế, chính sách tài chính phù hợp với tình hình thực tế để kích thích tăng trưởng. Lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định, lạm phát phải được kiểm soát đây là tiền đề hết sức cần thiết cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. Thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ mở rộng phù hợp để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực trọng yếu. Tiếp tục thực hiện giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua giải pháp thực hiện các chính sách miễn, giảm phí và gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; thúc đẩy tăng trưởng, giảm thiểu tác động xấu của dịch bệnh Covid-19.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. vn (2021), IMF nâng dự báo kinh tế toàn cầu năm 2021, https://bnews.vn/imf-nang-du-bao-kinh-te-toan-cau-nam-2021/185013.html
  2. vn (2021), EuroCham: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 tham vọng nhưng khả thi, https://baoquocte.vn/eurocham-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2021-tham-vong-nhung-kha-thi-135698.html
  3. Dũng Nguyễn (2020), Bốn thách thức cho kinh tế Việt Nam 2021, https://thesaigontimes.vn/bon-thach-thuc-cho-kinh-te-viet-nam-2021/
  4. Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021.

 Vietnam’s economy in 2021 and solutions for 2022

Master. Pham Thi Thu Ha

Faculty of Finance and Banking

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

In 2021, the COVID-19 pandemic greatly affected production and business activities around the world. In Vietnam, the fourth wave of COVID-19 starting in April 2021 and causing by a new fast-spreading COVID-19 variant has severely impacted the country’s socio-economic development. Thanks to the Government of Vietnam’s efforts in the COVID-19 vaccination campaign, the GDP growth in th fourth quarter of 2021 was 2.58%. This paper analyzes the economic situation of Vietnam in 2021 and proposes some solutions for the country’s economy in 2022.

Keywords: GDP, economic growth, import and export, trade surplus, domestic market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]