Lý Tiểu Long với các bộ phim hành động và cuộc đời của anh đã trở thành huyền thoại suốt hàng thập kỷ qua. Nhắc đến anh, người ta sẽ nghĩ về một diễn viên nổi tiếng kiêm đạo diễn, võ sư và (quan trọng nhất) triết gia. Dấu ấn của Lý Tiểu Long ngoài võ thuật còn có cách tiếp cận cuộc sống mới mẻ và đầy chiều sâu. 

Lý Tiểu Long đã dành phần lớn thời gian để phát triển Triệt quyền đạo, môn võ đồng thời cũng triết lý sống ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời anh. Trong tiếng Quảng Đông, Triệt quyền đạo có nghĩa là "nắm đấm đánh chặn", và mọi người nói về nó như là phong cách của huyền thoại này.

Tuy nhiên thực tế phong cách của Lý Tiểu Long lại là "không có phong cách nào cả".

Triết lý của Lý Tiểu Long khi phát triển Triệt quyền đạo rất đơn giản: Hấp thụ những gì hữu ích, loại bỏ những gì không phù hợp và bổ sung những điểm đặc biệt của riêng bạn. Tôi đã nghiên cứu Lý Tiểu Long và Triệt quyền đạo trong nhiều năm nay, và tôi đã áp dụng triết lý của anh trong chiến lược kinh doanh của mình. Và dưới đây là những gì tôi rút ra được:

1. Bạn không cần phải phát minh ra một thứ mới hoàn toàn mới có thể thành công

Lấy ví dụ như doanh nhân Steve Jobs. Ông không phát minh ra một thiết bị kỹ thuật số phát các bài hát, điện thoại di động hay thậm chí là chiếc máy tính đầu tiên. Cha đẻ của Apple chọn những phần tốt nhất trong số những thứ hiện có đó, loại bỏ những thứ không tốt và thêm vào đó những điểm nhấn của riêng mình. Đó là bí quyết làm cho Apple phát triển như ngày hôm nay.

tinh thần lý tiểu long

 

Có một điều phải thừa nhận rằng mọi người thường được cổ vũ để tìm ra những con đường mới. Điều này hoàn toàn không sai. Nhưng vấn đề nằm ở con đường mới đó có phù hợp với bạn hay không? Bạn có năng lực để giải quyết những vấn đề phát sinh đó có thể xảy ra hay không? Nếu là người bắt đầu, tốt hơn hết bạn nên xuất phát từ những điểm mạnh, điều mà chúng ta sẽ phân tích rõ hơn ở ý tiếp theo.

2. Tập trung vào điểm mạnh, đừng tốn nhiều thời gian cho điểm yếu

Tất cả chúng ta có thể học hỏi rất nhiều điều từ triết lý, phong cách làm việc và sự tập trung cao độ của Lý Tiểu Long để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Anh tập trung tận dụng điểm mạnh của mình thay vì tập trung vào điểm yếu. Đây là bài học cơ bản cho bất kỳ ai đang muốn phát triển con đường của riêng mình. Trước khi vươn xa hơn, bạn cần có một nền tảng vững chắc. Điểm mạnh của bạn chính là thứ tạo nên nền tảng này.

Nếu bạn vốn dĩ không giỏi một khía cạnh nào đó trong công việc kinh doanh của mình, hãy thuê người xử lý nó ngay khi bạn có thể! Đừng lãng phí thời gian quý báu để cố gắng tự sửa chữa nó, đôi khi việc làm này không chỉ tốn thời gian mà còn khiến mọi thứ tồi tệ hơn.

Lý Tiểu Long đã rèn luyện để trở thành một bậc thầy võ thuật. Trong kinh doanh cũng vậy, bạn phải tập trung để biến một ý tưởng, điểm mạnh thành một dự án, một dự án thành một sản phẩm và một sản phẩm thành một doanh nghiệp. Quay trở lại với Steve Jobs, ông sớm nhận ra rằng mình là một người bán hàng và ý thức được bản thân không thể đảm nhiệm vai trò kỹ sư phần mềm hay máy tính. Và Steve Wozniak đã giúp Jobs lấp đầy điểm yếu đó. 

lý tiểu long

 3. Tiềm năng không có giới hạn

"Nếu bạn luôn đặt giới hạn cho mọi thứ bạn làm, thể chất hay bất cứ thứ gì khác, nó sẽ ảnh hưởng công việc và cuộc sống của bạn. Chúng ta không có giới hạn. Chính những quan điểm sai lầm đã trói chặt chúng ta trong sự bất lực, nhiệm vụ của bạn là phải thoát ra khỏi đó".

Một ví dụ điển hình theo triết lý này là Elon Musk. Musk có khả năng gạt bỏ hết những định kiến người khác đặt lên mình. Ông từ chối mọi giới hạn nào và chỉ đáp lại đơn giản: "Tại sao không?".

Tại sao một công ty thương mại không thể chế tạo những tên lửa lớn và đi lên mặt trăng? Tại sao xe điện không có tầm hoạt động xa và thoải mái như xe chạy bằng xăng? Tại sao chúng ta không thể liên kết trí óc con người với máy tính để có đầu vào nhanh hơn? Tại sao chúng ta không thể khoan một đường hầm dưới lòng đất và vận chuyển ô tô từ thành phố này đến thành phố khác nhanh hơn?

Một trong những trở ngại lớn mà các doanh nhân phải vượt qua là nhận ra rằng họ có thể xây dựng một công ty thành công, phát triển và có một cuộc sống mà họ hằng mơ ước. Bạn phải tin rằng bạn có thể làm mọi thứ, bạn có khả năng đạt được những ước mơ đó. Đừng để quan điểm của người khác và chính mình kìm hãm sự thành công đó.