Sản xuất chip bán dẫn
Các hãng sản xuất chip bán dẫn lớn trên toàn cầu đang cố gắng điều chỉnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu khổng lồ trên thị trường (Ảnh: Caixin)

Theo hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ), ông Cristiano Amonm, giám đốc điều hành sắp tới của hãng Qualcomm vừa lên tiếng cảnh báo “tình trạng thiếu hụt trong ngành công nghiệp bán dẫn hiện diễn ra trên diện rộng”.

Ông Cristiano Amonm cho biết Qualcomm hiện đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng hết nhu cầu của các khách hàng. Tập đoàn Qualcomm (Hoa Kỳ) là một trong những hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới.

Giống như hầu hết các nhà sản xuất chip khác, Qualcomm hợp tác sản xuất với các công ty sản xuất chất bán dẫn khác như TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Corp, Trung Quốc) và Samsung Electronics (Hàn Quốc). Các hãng sản xuất chất bán dẫn lớn trên thế giới hiện vẫn đang cố gắng điều chỉnh sản xuất để theo kịp nhu cầu sử dụng khổng lồ trên thế giới.

Tuy nhiên lời cảnh báo của lãnh đạo hãng Qualcomm cũng cho thấy tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn vẫn đang ở mức nghiêm trọng. Ông Cristiano Amonm cho biết chip bán dẫn hiện đang được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nhưng nguồn cung chip lại phụ thuộc vào một số ít nhà máy tại khu vực Châu Á. Dự kiến nguồn cung chip bán dẫn sẽ chỉ được cải thiện kể từ nửa cuối năm nay, theo ông Cristiano Amonm.

Sự thiếu hụt chip toàn cầu bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Trước hết là sự thiếu hụt nguyên liệu thô từ các nhà sản xuất chất bán dẫn như STMicroelectronics và NXP đã làm đình trệ quá trình sản xuất của các module tích hợp ESP (Hệ thống Cân bằng Điện tử) và ECU (Thiết bị Điều khiển Điện tử) quan trọng trên các loại chip.

Khi làn sóng lây nhiễm lần 1 của đại dịch Covid-19 diễn ra đầu năm 2020, nhu cầu đối với chip bán dẫn sụt giảm mạnh. Nhưng khi việc làm và học từ xa được thúc đẩy cùng với các lệnh phong toả hạn chế di chuyển được áp đặt, nhu cầu tăng mạnh đối với máy tính, các thiết bị điện tử cũng như mua ô tô để hạn chế việc sử dụng phương tiện công cộng đã khiến nhu cầu về chip bán dẫn tăng đột biến chỉ trong thời gian ngắn.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các yếu tố kinh tế và thương mại đã làm biến dạng toàn bộ chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Huawei và SMIC gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ chuỗi ngành công nghiệp chip. Hãng SMIC hiện là nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc; trong khi đó Huawei cho biết có thể ngưng việc sản xuất chip điện thoại thông minh Kirin do tác động của từ lệnh trừng phạt.

Nhà máy sản xuất chip
Nhà máy sản xuất chip của Samsung tại thành phố Austin (bang Texas) đã phải ngưng hoạt động trong thời gian dài vì thiếu hụt điện năng (Ảnh: ExtremeTech)

Giữa tháng 2 vừa qua, tình trạng mất điện diện rộng do giá lạnh bất thường tại tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) đã khiến nhiều nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn tại đây phải ngưng hoạt động. Tập đoàn Samsung cho biết đã phải đóng cửa hai nhà máy sản xuất chip, vốn chiếm 28% tổng năng lực sản xuất chip, do nguồn điện bị cắt. Các nhà máy sản xuất chip xe ô tô của NXP Semiconductors NV (Hà Lan) và Infineon Technologies AG (Đức) cũng lâm vào cảnh tương tự.

Một số hãng sản xuất xe ô tô cảnh báo có thể phải ngưng hoạt động và trì hoãn việc chuyển giao các đơn hàng do thiếu hụt chip. Trong ngày 17/3, hãng sản xuất xe Honda đã thông báo buộc phải tạm ngưng sản xuất tại phần lớn các nhà máy lắp ráp ô tô của hãng ở Hoa Kỳ và Canada trong tuần tới do chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì đợt giá rét tại Hoa Kỳ.

Apple, một khách hàng lớn của Qualcomm, đã lên tiếng phàn nàn việc thiếu hụt các linh kiện bán dẫn đã ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số các mẫu iPhone 12 cao cấp của hãng này. Các nhà phân tích cho biết việc liên tục thiếu hụt mạnh các loại chip 4G và 5G kể từ nửa cuối năm ngoái đã ảnh hưởng mạnh đến chiến lược kinh doanh của các hãng sản xuất điện thoại di động như OPPO, Xiaomi và Samsung, và khiến kế hoạch ra mắt các mẫu máy điện thoại 5G liên tục bị trì hoãn.

Giá các linh kiện bán dẫn được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay do năng lực cung ứng không theo kịp nhu cầu hiện tại. Hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới là TSMC đã bỏ chính sách giảm giá dành cho các khách hàng lớn.

Các nhà sản xuất chất bán dẫn khác như UMC và VIS cũng thông báo sẽ tăng giá sản phẩm trong năm 2021. Đặc biệt, công ty sản xuất bán dẫn DB HiTek (Hàn Quốc) công bố tăng giá bán lên đến 20% và cho biết hệ thống sản xuất của họ đang hoạt động ở mức 100% công suất.

Công ty nghiên cứu thị trường TrendForce dự kiến giá chip điều khiển ổ cứng SSD sẽ tăng tới 20%. Giá chip điều khiển tăng dẫn đến giá các bộ nhớ nhúng như bộ điều khiển đa phương tiện nhúng (eMMC) và bộ nhớ flash đa năng (UFS) cũng tăng theo. Giá của eMMC dự kiến tăng 5% trong quý đầu tiên của năm 2021.