TKV: Đề xuất 4 giải pháp đẩy mạnh "tiêu thụ hàng của nhau"

Đối với hàng hóa trong nước sản xuất được có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu, giá cả cạnh tranh thì TKV luôn ưu tiên sử dụng hàng trong nước, hạn chế và tiến tới ngừng việc nhập khẩu sản phẩm cùng loại.
tkv
TKV luôn ưu tiên sử dụng hàng trong nước

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo các văn bản của Trung ương, Chính phủ và các cấp, trực tiếp là chỉ đạo Đảng ủy Khối và Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đồng bộ triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả, thiết thực.

Kết quả của Cuộc vận động không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống, thu nhập của người lao động, bảo toàn vốn và phát triển doanh nghiệp, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, trong điều kiện tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang trên thế giới... làm cho số lượng hợp đồng và tổng giá trị sử dụng nội bộ còn đạt tỷ lệ chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng cần tiếp tục được khai thác để nội địa hóa các sản phẩm trong TKV cũng như trong Khối, trong nước, ngang tầm với mục tiêu của Cuộc vận động đề ra.

Nguyên nhân của những hạn chế trên, ngoài sự tác động của dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang trên thế giới... còn do những nguyên nhân như: Nhiều mặt hàng trong nước sản xuất tuy giá thành thấp hơn hàng nhập ngoại nhưng chất lượng, tuổi thọ thấp, sử dụng không hiệu quả bằng sản phẩm nhập ngoại; trong đầu tư, việc chia nhỏ các gói thầu thiết bị khó khăn về thủ tục.

Hệ thống phân phối hàng hoá còn chưa đủ mạnh; việc quảng bá các sản phẩm do các đơn vị trong nước sản xuất ra ngoài thị trường còn nhiều hạn chế; việc nghiên cứu và đánh giá thị trường chưa được đầu tư và thực hiện một cách chuyên nghiệp v.v…

Trước thực trạng trên, nhằm đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động, nâng cao hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối về việc ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau TKV đề xuất 4 giải pháp cụ thể như:

Thứ nhất, cần nâng cao hơn nữa vai trò lãnh chỉ đạo của cấp ủy các cấp từ cấp Tập đoàn đến các công ty con, đơn vị trực thuộc trong thực hiện Cuộc vận động, đặc biệt là công tác lãnh chỉ đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng trong hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, công nhân viên chức, người lao động cùng vào cuộc để triển khai sâu rộng Cuộc vận động, đạt hiệu quả, thiết thực.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm của các tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, tổ chức trong chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động số 09-CTr/ĐUK của Đảng ủy Khối về thực hiện Chỉ thị 03/CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”gắn với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào lao động sản xuất sâu rộng tại các đơn vị.

Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, đổi mới và ứng dụng công nghệ mới trong việc tạo ra các hàng hóa, sản phẩm nội địa có chất lượng tốt, gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK, ngày 07/6/2021 của Đảng bộ Khối về thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ ba, Chỉ đạo quyết liệt trong việc mua sắm trang bị tài sản, theo hướng sử dụng tối đa hàng Việt Nam bảo đảm chất lượng; trong sản xuất ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên vật liệu mà thị trường trong nước có thể cung cấp; xây dựng kế hoạch hằng năm có nội dung sử dụng hàng Việt Nam thay thế hàng ngoại nhập. Tiếp tục thực hiện việc chuyên môn hoá từng chủng loại hàng hoá, đồng thời liên doanh liên để mở rộng kênh phân phối và coi trọng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, chăm sóc khách hàng. 

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cuộc vận động. Chủ động nắm tình hình kịp thời phát hiện những khó khăn vướng mắc trong sản xuất, phân phối lưu thông của doanh nghiệp để kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, lưu thông và tiêu dùng trong nước. Cập nhật, bổ sung các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế đưa vào chương trình công tác hàng năm của Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động tại các đơn vị. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Cuộc vận động.

Thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã được Bộ Công Thương lần đầu phát động tại Lễ ký kết “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” vào năm 2012 nhằm mục tiêu góp phần thiết thực, hiệu quả hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Tại Lễ ký kết này, 16 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đã ký Thỏa thuận chung và 11 tập đoàn, tổng công ty ký kết Bản ghi nhớ song phương tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, các bên cam kết ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị máy móc và các loại hàng hóa, dịch vụ của nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh do các bên sản xuất được; đồng thời tạo điều kiện tối đa để phối hợp, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm, phù hợp với năng lực của từng bên, với quy định pháp luật hiện hành và định hướng phát triển chung của mỗi doanh nghiệp.

Tuấn Hà