Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG - sàn HNX) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 8 với doanh thu đạt 697 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt trên 37,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong tháng 7, TNG ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 28% và 40% so với hồi tháng 7/2021. 

Luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, TNG có mức doanh thu đạt 4.705 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 204 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với kế hoạch doanh thu cả năm đã đề ra, hiện công ty đã hoàn thành 78% kế hoạch năm.

Cơ cấu doanh thu của TNG
Cơ cấu doanh thu và các thị trường tiêu thụ chính của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG trong tháng 8/2022 (Nguồn: Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG)

Hoạt động kinh doanh cốt lõi của TNG là gia công may mặc (theo phương thức FOB 1 và CMT) và xuất khẩu cho các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Decathlon, The Children’s Place…

Trong tháng 8 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 687 tỷ đồng, chiếm đến 99% tổng doanh thu. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 40% tổng doanh thu của công ty; theo sau đó là Pháp (chiếm 29%), Nga (chiếm 7%) và Canada (chiếm 5%). Đây đều là những thị trường xuất khẩu truyền thống của công ty.

Biên lợi nhuận gộp của TNG trong tháng 8 vừa qua đạt gần 14,8% tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Trong giai đoạn vừa qua, công ty đã đẩy mạnh bổ sung máy móc thiết bị tự động cũng như nâng cao việc kiểm soát sản xuất giúp cải thiện năng suất và gia tăng sản lượng. Trong quý 2 vừa qua, biên lợi nhuận gộp của công ty đạt tới 15,73%, cải thiện so với mức 13,6% trong cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 8 vừa qua, công ty đã nhận chuyển giao Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) nhằm tối ưu hoá quá trình sản xuất, tăng sự linh hoạt trong điều hành, hướng tới tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh.  

Hiện TNG đã áp dụng phần mềm nhập liệu tự động trên mỗi chuyền may. Phần mềm này cho phép người quản lý bao quát được tốc độ của mỗi chuyền may, nếu có sự chậm trễ trong mắt xích nào, người quản lý sẽ cử người hỗ trợ để tránh tạo ra nút thắt trong sản xuất, và cũng giúp cho mỗi chuyền may sẽ dễ dàng đạt được số sản phẩm mục tiêu ngày. Qua đó, giúp nâng cao năng suất và hạn chế rủi ro chậm tiến độ của mỗi chuyền may.

Trong năm nay, TNG sẽ tăng quy mô sản xuất lên thêm 39 chuyền may so với năm ngoái, lên tổng 327 chuyền may. Đến năm 2025, TNG dự kiến sẽ có 372 chuyền may với hơn 20.000 lao động nhằm đáp ứng số lượng đơn hàng lớn hơn vốn mang tính chất mùa vụ đặc thù của ngành hàng dệt may, cũng như tăng khả năng cạnh tranh của công ty với các đối thủ.

Giá cổ phiếu TNG
Diễn biến giá cổ phiếu TNG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG từ đầu năm 2022 đến sáng ngày 20/9/2022 (Nguồn: FireAnt)

Vừa qua, TNG đã phát hành thành công 100% hơn 5 triệu cổ phiếu với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP). Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Trên thị trường chứng khoán, tạm chốt phiên giao dịch sáng ngày 20/9, giá cổ phiếu TNG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đạt 22.400 đồng/cổ phiếu.

Trong năm 2021, TNG đứng thứ 8 trong số các doanh nghiệp dệt may có giá trị xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất cả nước, và đứng thứ 3 trong số các doanh nghiệp dệt may niêm yết, chỉ sau Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến (mã chứng khoán: VGG – sàn UpCOM) và Công ty Cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH – sàn HoSE).