ton giao

Nguồn lực to lớn

Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý hài hòa giữa ba mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể:

Phát triển bền vững về kinh tế: Đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định và đều đặn, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất, nợ chính phủ, đảm bảo cân đối cán cân thương mại, đầu tư có chất lượng, có năng suất cao thông qua việc nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản xuất, không làm phương hại đến xã hội và môi trường.

Phát triển bền vững về xã hội: Đảm bảo sự công bằng trong xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo người dân có cơ hội được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục nhưng không làm phương hại đến kinh tế và môi trường.

Phát triển bền vững về môi trường: Sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, duy trì một nền tảng nguồn lực ổn định, tránh khai thác quá mức các hệ thống nguồn lực tái sinh.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhấn mạnh đến quan điểm phát triển: “Hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số”.

Để thực hiện thành công Chiến lược này, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp về thể chế, khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng… Nhưng giải pháp bao trùm, giải pháp có khả năng khai thác nguồn lực nội sinh của đất nước, chính là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Và trong suốt chiều dài lịch sử, nguồn lực nội sinh của “khối đại đoàn kết toàn dân tộc” ấy luôn có sự đóng góp to lớn của các tôn giáo cùng các tín đồ tôn giáo.

Bà con Phật tử huyện Chợ Mới, An Giang hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới
Bà con Phật tử huyện Chợ Mới, An Giang hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới

Trở thành đối tác tin cậy

Các tôn giáo có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững của mỗi một quốc gia, dân tộc trên 3 phương diện. Trước hết, về quan điểm phát triển, các tôn giáo đều được hình thành, kiến tạo và xây dựng niềm tin với cộng đồng dựa trên chủ thuyết “hài hòa” và “chia sẻ”, mang tính nhân văn rất cao, dù không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện. Phật giáo đề cao vấn đề bình đẳng giai cấp, bình đẳng xã hội và quyền tiếp cận công bằng giữa các thành viên trong xã hội trong vấn đề mưu sinh.

Ki tô giáo bênh vực người nghèo, những giai tầng yếu thế trong xã hội, kêu gọi đức hy sinh, nhường nhịn, cổ vũ cho sự chia sẻ trong cộng đồng nhằm hướng tới một xã hội hài hòa, ổn định. Hồi giáo yêu cầu các thành viên đặt mình trong mối quan hệ ổn định giữa các cá nhân, các nhóm dân cư.

Với chủ thuyết nhấn mạnh đến sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người trong xã hội; một cách tự nhiên các tôn giáo đều nhanh chóng tiếp cận, chủ động hợp tác với chính quyền, các tổ chức xã hội trong các chương trình, chiến lược phát triển bền vững.  

Thứ hai, với 24,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số Việt Nam, các tôn giáo là nguồn nhân lực, nguồn vốn quan trọng trong phát triển kinh tế. Có thể nói, mọi hoạt động tôn giáo đều phát sinh các giao dịch kinh tế, như đi lễ (sử dụng phương tiện, dịch vụ đi lại); xây dựng cơ sở thờ tự; tổ chức các sự kiện tôn giáo như Lễ Phật Đản, Noel,  Lễ hội Ka tê; hay dịch vụ du lịch tâm linh; sản xuất thực phẩm tâm linh (như thức ăn chay, thực phẩm Halal … ). Do đó, các hoạt động tôn giáo đóng góp trực tiếp vào gia tăng nhu cầu giao dịch kinh tế, kích thích tiêu dùng, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Thứ ba, tiếp cận trên phương diện luân lý và đạo đức, các tôn giáo đều cổ vũ tinh thần nhân văn, hài hòa trong cộng đồng. Phật giáo đề cao tinh thần lục hòa, khuyến khích học cách quan tâm giúp đỡ và tinh thần hi sinh, phụng hiến, học cách lắng nghe quan điểm của người khác và tập cho mình thái độ chân thành trong giao tiếp. Ki tô giáo có  7 điều khuyên răn về đạo đức làm người như: không gian tham lấy của người khác, không được làm chứng dối, che giấu sự gian trá, không ham muốn của cải trái lẽ. Tương tự như vậy, Đạo Hồi cũng đưa ra 10 lời khuyên trong chuẩn mực đạo đức: tôn trọng quyền của người khác; bố thí rộng rãi cho người nghèo; bảo vệ và chu cấp trẻ mồ côi; cư xử công bằng với mọi người; khiêm tốn…

Những luân lý, đạo đức này được các tín đồ tôn giáo tiếp nhận một cách tự giác, và phản ánh hết sức mạnh mẽ trong các giao dịch kinh tế, trong ứng xử vào hoạt động kinh doanh của họ, làm cho họ trở thành những đối tác tin cậy và trách nhiệm hơn. Một nghiên cứu của tổ chức Pew Porum (Hoa Kỳ) chỉ ra rằng, luân lý và đạo đức tôn giáo có khả năng giúp giảm bớt tham nhũng (một trong những yếu tố tác động mạnh và tiêu cực đến sự phát triển kinh tế bền vững) khi niềm tin tôn giáo lành mạnh được phát huy, cùng lối sống trung thực, lìa xa sự lợi dụng vì mục đích cá nhân, ích kỷ, dưới bất kỳ hình thức nào...

Phát huy giá trị tích cực

Trên thực tế ở nước ta, nhiều giáo xứ, họ đạo trở thành những tấm gương sáng về hoạt động sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bền vững. Như giáo xứ Ka Đơn (Đơn Dương, Lâm Đồng), thể hiện rất rõ trách nhiệm với cộng đồng, mong muốn xây dựng khu dân cư đáng sống, đã mạnh dạn đi đầu trong xây dựng mô hình “ rau sạch hữu cơ”, được nhân rộng ra cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức cho người dân về việc sản xuất ra sản phẩm rau, củ, quả sạch, an toàn.

Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy, Ủy ban MTTQ huyện và Công an huyện Na Hang thăm hỏi, tặng quà điểm nhóm theo đạo Tin lành Hồng Ba, xã Hồng Thái nhân dịp lễ Noel năm 2020.
Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy, Ủy ban MTTQ huyện và Công an huyện Na Hang, Tuyên Quang thăm hỏi, tặng quà điểm nhóm theo đạo Tin lành Hồng Ba, xã Hồng Thái nhân dịp lễ Noel năm 2020.

Cùng với đó, các linh mục đã tích cực vận động đồng bào Công giáo tổ chức cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường như: tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm điện, nước, hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng không tái tạo và ứng dụng các công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường; nghiên cứu, học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, như trồng các loại hoa cao cấp, trái cây sạch, rau sạch; sản xuất các giống cây truyền thống an toàn, thân thiện với môi trường sinh thái.

Một ví dụ điển hình khác là Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang, những năm qua đã vận động bà con địa phương thành lập bờ kè sinh thái để ứng phó với biến đổi khí hậu. Mỗi một mét bờ kè sinh thái được nối dài, là sự an nguy của bà con được bảo vệ. Nhờ có bờ kè sinh thái này, bà con Phật tử trong vùng yên tâm trồng lúa, các loại cây ăn quả, có cuộc sống ổn định, từ đó giúp cho an ninh địa phương được tốt hơn.

Với những kết quả tốt đẹp trên, có thể nói các cấp chính quyền trung ương địa phương đã phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo.  Đồng thời vận dụng sáng tạo các chủ trương đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định từ khá sớm, bắt đầu từ Sắc lệnh 234-SL (1955) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ trương này được tiếp nối qua các văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, gần đây là Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó yêu cầu các cấp ủy Đảng thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, chú trọng tới các vùng có đông đồng bào tôn giáo, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.