Trao đổi với Tạp chí Công thương, ông Nguyễn Phước Đức, Tổng giám đốc EVN SPC cho biết: Với mục tiêu nâng cao hiệu quả các hoạt động, tăng năng suất lao động mang lại lợi ích tối ưu cho khách hàng sử dụng điện, EVN SPC sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp số vào năm 2030 theo lộ trình và định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

ong nguyen phuoc duc
Ông Nguyễn Phước Đức, Tổng giám đốc EVN SPC

Theo ông Nguyễn Phước Đức: Thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, EVN SPC đã có những bước khởi động tích cực trong hành trình số hóa công tác kinh doanh điện năng.

PV: EVN lựa chọn chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, xin cho biết kế hoạch triển khai của EVNSPC?

Ông Nguyễn Phước Đức: Xác định mục tiêu chuyển đổi số của EVN SPC là tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những tiến bộ của CNTT, viễn thông dùng riêng và số hóa để thích ứng hiệu quả các thách thức thúc đẩy một EVN SPC đổi mới sáng tạo, EVN SPC sẽ tập trung vào 03 lĩnh vực: Xây dựng văn hoá số; Hoạt động nghiệp vụ; Nâng cao năng lực hạ tầng phục vụ chuyển đổi số.

Trong lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021–2025, EVN SPC chia làm 02 giai đoạn: Giai đoạn 2021 – 2022:  Với các mục tiêu là xây dựng văn hoá số thực hiện chuyển đổi số ở một số hoạt động nghiệp vụ để giải quyết các bài toán hiện tại và xây dựng các nền tảng cơ bản phục vụ chuyển đổi số phù hợp với Lộ trình chuyển đổi số của EVN; Giai đoạn 2023 – 2025: Trên cơ sở đã triển khai ở giai đoạn 1 triển khai chuyển đổi số toàn diện trong các hoạt động nghiệp vụ cùng với việc nghiên cứu một số dịch vụ mới phục vụ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng ngày càng cao và hiệu quả tốt nhất.

Về kế hoạch triển khai “Chuyển đổi số”, tại EVN SPC chúng tôi xây dựng bám sát định hướng chung của EVN, xác định rõ mục tiêu chuyển đổi số để cải tiến phương thức điều hành quản trị doanh nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng với các mục tiêu đề ra bao gồm:

EVN SPC hướng tới là một doanh nghiệp số, trong đó: lấy khách hàng/người sử dụng dịch vụ điện làm trung tâm; cung cấp các dịch vụ trực tuyến, minh bạch; vận hành hệ thống ứng dụng CNTT tin cậy với công nghệ tự động hoá hiện đại; kết nối liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia, tự động hóa các quy trình nội bộ và cộng tác với khách hàng/đối tác; vận hành thích ứng với nền kinh tế số trong giai đoạn mới góp phần hoàn thành mục tiêu chung của EVN phát triển ngang tầm với ngành điện các nước trong khu vực và thế giới.

Triển khai thành công các ứng dụng dùng chung có tính liên kết, tích hợp của EVN theo lộ trình, tiến độ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của EVN SPC. Công ty đã xây dựng hoàn thiện hệ thống giám sát tổng thể toàn diện hạ tầng hệ thống CNTT, VTDR trong toàn EVN SPC làm công cụ nâng cao năng lực của công tác tham mưu quản lý điều hành về ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ ở các cấp trong toàn EVN SPC.

Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng CNTT và viễn thông dùng riêng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin các cấp đáp ứng tính sẵn sàng cho lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022. Đồng thời đẩy mạnh đào tạo phát triển đội ngũ chuyên gia CNTT, ATTT chất lượng cao, làm chủ trong công tác vận hành, triển khai các ứng dụng, tiến tới làm chủ về công nghệ.

chuyen doi so
H1_Nhân viên trực 24.24 để theo dõi tình hình vận hành toàn bộ hệ thống điện của EVNSPC tại trung tâm điều hành SDACA

PV: Theo ông, đâu là những hiệu quả ban đầu mà chuyển đổi số mang lại? Trong quá trình triển khai thực hiện, có khó khăn vướng mắc gì?

Ông Nguyễn Phước Đức: Để đưa EVN SPC tiến đến doanh nghiệp điện tử thì việc cải tiến quy trình công tác thông qua ứng dụng CNTT, công nghệ số để tạo môi trường quản lý hiện đại và cải thiện quan hệ với khách hàng thông qua giao dịch điện tử là yêu cầu bắt buộc.

Tính đến hiện nay, hầu hết các lĩnh vực hoạt động của EVNSPC đã được ứng dụng phần mềm dùng chung thống nhất ở các cấp trong toàn Tổng công ty. Trong đó hiện có trên 12 hệ thống phần mềm dùng chung trong toàn bộ các lĩnh vực (ERP, E-OFFICE, CMIS, QLĐTXD, PMIS, Hóa đơn điện tử, Kho dữ liệu công tơ dùng chung; Thị trường điện) và nhiều phần mềm đặc thù phục vụ các yêu cầu khác.

Về hạ tầng viễn thông, EVNSPC có hạ tầng viễn thông dùng riêng với hệ thống cáp quang tốc độ cao và các thiết bị truyền dẫn (hơn 1.000 thiết bị và 14.000 km cáp quang). Hệ thống viễn thông tự cung cấp được trên 95% dịch vụ: Phục vụ điều hành hệ thống điện; Phục vụ điều hành sản xuất-kinh doanh.

Đối với hạ tầng công nghệ thông tin, hiện EVNSPC đang vận hành khai thác hệ thống DC và DR. Hệ thống mạng WAN kết nối đến tất cả đơn vị cấp 4. Hệ thống Hội nghị truyền hình, hệ thống lưới cáp quang, thiết bị truyền dẫn phục vụ kết nối các trạm biến áp 110kV, 220kV về các trung tâm điều khiển xa và về Trung tâm Điều độ miền Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong lộ trình thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, còn một số mục tiêu kết quả thực hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của EVN SPC đề ra cần khắc phục để tạo nền tảng hạ tầng ổn định, tin cậy cho các mục tiêu dài hạn trong giai đoạn tiếp theo, cụ thể các hạn chế như: Thiếu hụt các cán bộ kỹ thuật cao về CNTT, tự động hóa  có năng lực nghiên cứu, tiếp nhận các nền tảng công nghệ mới; Cơ chế khuyến khích về lương cho kỹ sư CNTT trong doanh nghiệp nhà nước khó thu hút được nhân lực chất lượng cao... Chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới sẽ dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư rất lớn.

hotline

Chi phí cho thay đổi công nghệ, thay đổi dây chuyền sản xuất, thay đổi hệ thống quản lý, con người, hệ thống đào tạo là rất lớn trong khi thiếu hụt kinh phí cho xây dựng phát triển các nguồn điện mới. Ví dụ, chuyển đổi công tơ cơ khí sang công tơ điện tử, bổ sung các thiết bị IoT vào các thiết bị điện.

Bên cạnh đó, về chính sách quản lý, cần kiện toàn và có quy định quản lý nội bộ thống nhất các cấp trong toàn EVN SPC để phân định rõ ranh giới, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân nhằm tăng cường tính trách nhiệm cho nhiệm vụ thực thi chỉ tiêu hiệu quả về vận hành, tin cậy ổn định các dịch vụ CNTT, ATTT, VTDR và TĐH mà EVN giao.

PV: Để thực hiện chuyển đổi số thành công, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số cần có nguồn nhân lực số, EVN SPC có giải pháp gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, thưa ông?

Ông Nguyễn Phước Đức: Xác định chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức. EVN SPC xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo Tổng công ty, cán bộ, công nhân viên và người lao động trong EVN SPC.

EVN SPC đã phối hợp các hãng công nghệ, các trường đại học và các diễn giả, cố vấn công nghệ cấp cao cho chính phủ và các doanh nghiệp trong khu vực Châu Á tổ chức thực hiện hội thảo “Tư duy chiến lược trong CMCN 4.0 và chuyển đổi số thời kỳ hậu Covid-19” cho Lãnh đạo các cấp đang công tác tại EVN SPC nắm bắt, nâng cao về kỹ năng, kinh nghiệm thực tế để quản trị điều hành doanh nghiệp một cách hiệu quả, thành công trong kỷ nguyên số hiện tại và trong tương lai.

chuyen doi so 1

EVNSPC cũng đã xây dựng và phê duyệt chương trình đào tạo chuyển đổi nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên và người lao động trong năm 2021, nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng tổng quan về chuyển đổi số cho các cán bộ cấp Lãnh đạo quản lý và tổ chức thực hiện trong năm 2021 bao gồm:

Xác định rõ tầm nhìn và giá trị mang lại từ quá trình chuyển đổi số; Nắm bắt và củng cố các yếu tố bên trong cần thiết cho việc chuyển đổi số; Xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi số từ bộ phận đến toàn diện; Đánh giá lợi ích và duy trì trạng thái chuyển đổi số dài hạn. Tổng số khóa đào tạo trong năm 2021 dự kiến: 14 khóa, tổng số Lãnh đạo và CBCNV tham dự: trên 600 cán bộ nhân viên.

PV: Theo mục tiêu đề ra, đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số, là doanh nghiệp đầu tàu trong Tập đoàn, Tổng công ty điện lực miền Nam đặt mục tiêu cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Phước Đức: Thứ nhất, EVN SPC hướng tới là một doanh nghiệp số, lấy khách hàng/người sử dụng dịch vụ điện làm trung tâm; cung cấp các dịch vụ trực tuyến, minh bạch; ứng dụng mạnh mẽ CNTT để điện tử hóa các quy trình trong nội bộ và các giao dịch với khách hàng/đối tác trong đó: Tập trung chuyển đổi các quy trình từ thủ công sang điện tử trong tất cả các lĩnh vực hoạt động trong toàn EVN SPC;

Đối với khách hàng sử dụng điện và các đối tác bên ngoài: Chuyển đổi sang phương thức giao dịch điện tử; Đối với khách hàng nội bộ áp dụng trong tất cả các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ: Rà soát ứng dụng CNTT thay đổi quy trình từ thủ công sang điện tử; Đẩy mạnh ứng dụng trong xử lý nghiệp vụ trong kinh doanh, dịch vụ khách hàng, kỹ thuật, an toàn và đầu tư xây dựng tại hiện trường qua nền tảng các tiện ích trên thiết bị di dộng (app mobile).

Thứ hai, chúng tôi triển khai thành công các ứng dụng dùng chung có tính liên kết, tích hợp trục liên thông của EVN theo lộ trình, tiến độ, đồng thời nghiên cứu xây dựng phát triển các phần mềm đặc thù chú trọng trên nền tảng ứng dụng di động đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số của EVN SPC.

Thứ ba, xây dựng hoàn thiện hệ thống giám sát tổng thể toàn diện hạ tầng hệ thống CNTT, VTDR trong toàn EVN SPC làm công cụ nâng cao năng lực của công tác tham mưu quản lý điều hành về ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ ở các cấp trong toàn EVN SPC.

Thứ tư, EVN SPC tiếp tục hoàn thiện hạ tầng CNTT và viễn thông dùng riêng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin các cấp đáp ứng tính sẵn sàng cho lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022

Thứ năm, đẩy mạnh đào tạo phát triển đội ngũ chuyên gia CNTT, ATTT chất lượng cao, làm chủ trong công tác vận hành, triển khai các ứng dụng, tiến tới làm chủ về công nghệ.

Cảm ơn ông!