Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2014, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của các cấp về đổi mới công tác thi đua - khen thưởng và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và CNVC-LĐ của Tổng công ty TNHH MTV Thương mại Sài Gòn (SATRA), đã có 321 sáng kiến, cải tiến, giải pháp tiết kiệm lớn nhỏ được phát huy hiệu quả, mang lại giá trị làm lợi hơn 27.983 tỷ đồng, trong đó có 7 đề tài nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đây chỉ là một trong những kết quả nổi bật từ phong trào thi đua và nhân điển hình tiên tiến của SATRA, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, từng bước xây dựng Tổng công ty vững mạnh, phục vụ công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

Gắn thi đua với sản xuất

SATRA là một trong những doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực thương mại tại Việt Nam, từ khi thành lập năm 1995 đến nay, SATRA đã trở thành một trong những Tổng công ty thương mại lớn với hơn 70 doanh nghiệp gồm công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh và đội ngũ nhân viên hơn 17.159 người. Ngoài trụ sở đặt tại TP. Hồ Chí Minh, SATRA còn thành lập văn phòng đại diện tại Yokohama, Osaka - Nhật Bản, Yangon - Myanmar và Campuchia.

Trong những năm qua, Tổng công ty đã có nhiều nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đoàn viên, CNVC-LĐ không ngừng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị Thành phố giao. Đó là các phong trào thi đua lao động giỏi, với mục tiêu “Năng suất - chất lượng - hiệu quả”; thi đua “Lao động giỏi - lao động sáng tạo” được phát động ngay từ đầu năm, được chia thành nhiều đợt và sơ kết theo từng giai đoạn hoạt động kinh doanh - dịch vụ của doanh nghiệp; phong trào “Mùa Xuân”; phong trào “Bàn tay vàng” - luyện tay nghề thi thợ giỏi hàng năm, đã thu hút hàng ngàn lượt CNVC-LĐ tham gia. Qua hội thi đã xuất hiện nhiều nhân tố mới được tôn vinh bàn tay vàng trong lao động sản xuất; phong trào “Sáng tạo mẫu mã - sản phẩm mới” tạo ra nhiều mẫu mã, sản phẩm mới để thâm nhập vào thị trường xuất khẩu sang Nga, Mỹ và một số thị trường khó tính khác.

Phong trào “90 ngày thi đua hoàn thành về trước thời gian và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm”; Chương trình “4 đồng hành” và “5 xung kích” của Đoàn Thanh niên Tổng công ty đã được triển khai tại các cơ sở Đoàn với công trình “Bán hàng lưu động”, nhằm đưa hàng bình ổn đến mọi người lao động trong các khu công nghiệp, huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận… trong những ngày lễ lớn của dân tộc và mỗi độ xuân về, góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm SATRA GROUP với 397 chuyến xe bán hàng lưu động, tạo doanh thu 4,751 tỷ đồng. Công trình thanh niên có thời điểm cao nhất là 86 công trình tại các đoàn cơ sở và 371 cải tiến kỹ thuật.

Để chủ động nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập thị trường thế giới, nhiều doanh nghiệp trong Tổng công ty đã chủ động chuyển đổi phương thức kinh doanh, sắp xếp quản lý, điều hành thích ứng với cơ chế thị trường, mạnh dạn đầu tư, đổi mới thiết bị, phong cách phục vụ, công nghệ, cải tiến quy trình, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, HACCP… nhờ đó chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá thành hạ, nâng cao uy tín thương hiệu SATRA ở các thị trường trong và ngoài nước (đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ…).

Chính từ những chủ động này, đã giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng ổn định, doanh thu tăng lên, lợi nhuận ngày một cao hơn, bảo đảm nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Phong trào “Thi đua lao động sáng tạo, cải tiến quản lý, hợp lý hóa sản phẩm và thực hành tiết kiệm chống lãng phí” đã mang lại giá trị làm lợi hơn 27.983 tỷ đồng, trong đó, có 7 đề tài nhận Bằng Lao động Sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 2 đề tài được Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh công nhận, có 3 cá nhân có đề tài giải pháp được vinh dự nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng (năm 2010, 2012, 2014). Các phong trào thi đua của CNVC-LĐ đã đóng góp rất lớn vào thành tích chung của Tổng công ty, thể hiện qua các chỉ tiêu chủ yếu như doanh thu tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2015 là 10,67%/năm (từ 27.527 tỷ đồng năm 2010 dự kiến lên đến 45.709 tỷ đồng vào năm 2015).

Gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, từ tháng 3/2013, Công đoàn Tổng công ty đã cụ thể hóa Cuộc vận động với 5 chuẩn mực do Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh phát động, đó là “Tiết kiệm - Chủ động - Hợp tác - Chia sẻ và Trách nhiệm”. Thông qua đó, đã bình chọn được những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để tuyên dương.

Phong trào đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động xã hội từ thiện là một trong những hoạt động phong trào lớn có tính truyền thống của Tổng công ty. Trong giai đoạn 2010 – 2014 CB CNV Tổng công ty tiếp tục trợ cấp, phụng dưỡng 52 trường hợp Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sỹ, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa – nhà tình thương, xây dựng nông thôn mới, cứu trợ đồng bào ở các vùng thiên tai, thăm hỏi, tặng quà cho các đơn vị bộ đội ở biên giới, hải đảo, vùng xa với chương trình “Satra vì biển đảo quê hương”… Tổng số tiền và hiện vật trong 5 năm trị giá trên 41,896 tỷ đồng.

Mục tiêu giai đoạn 2015 - 2020

Hiện nay, Tổng công ty đang chuẩn bị chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, theo đó tất cả các doanh nghiệp còn lại cũng được chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực từ 1/7/2015. Việc thay đổi mô hình hoạt động đòi hỏi phải có sự đổi mới trong công tác thi đua, cả về nội dung lẫn hình thức.

Trong thời gian tới, Tổng công ty tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới công tác thi đua khen thưởng, làm cho mỗi CNVC – LĐ nhận thức sâu sắc vai trò vị trí và tác dụng của công tác thi đua khen thưởng. Tăng cường và đổi mới sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với công tác thi đua khen thưởng, phân định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể và kết hợp chặt chẽ trong tổ chức phong trào thi đua.

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bố trí cán bộ trực tiếp phụ trách công tác thi đua khen thưởng tinh gọn, có năng lực và hiệu quả. Đổi mới công tác thi đua, đảm bảo khen thưởng công khai, dân chủ, công bằng, bảo đảm đúng người đúng việc, kết hợp hài hòa giữa động viên tinh thần và vật chất sao cho tương xứng, việc tổ chức phải được tiết kiệm, nhưng trang trọng, kịp thời, để thật sự phát huy tác dụng khích lệ người lao động.

Các thành tích đạt được:

+ Anh hùng Lao động: 01 tập thể;

+ Huân chương Lao động hạng Nhất: 01 tập thể;

+ Huân chương Lao động hạng Nhì: 01 tập thể;

+ Huân chương Lao động hạng Ba: 3 tập thể và 3 cá nhân;

+ Cờ Thi đua xuất sắc Chính phủ: 01 tập thể;

+ Bằng khen Thủ tướng Chính phủ: 4 tập thể và 9 cá nhân;

+ 4.621 Chiến sỹ thi đua cơ sở;

+ 121 Chiến sỹ thi đua cấp Thành phố;

+ Hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc được tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của UBND Thành phố, Bộ Công Thương, Liên đoàn Lao động Thành phố, Thành đoàn và Giấy khen của Tổng công ty…