Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa: Tái cấu trúc là đánh cược với chính mình

Một năm qua thực sự quá dài đối với tất cả những người quan tâm đến Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL). Sau khi sơ kết 9 tháng, nhận thấy những chuyển biến rõ rệt trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Tái cấu trúc - nếu không muốn phá sản

PV: Xin ông cho biết quan điểm của riêng ông về tái cơ cấu doanh nghiệp?

TGĐ Nghiêm Xuân Đa: Tôi cho rằng tái cấu trúc doanh nghiệp là quá trình thay đổi hệ thống tổ chức với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, để thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Rất đơn giản, môi trường kinh doanh thay đổi thì mình phải thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý để thích ứng. Nói đến tái cấu trúc là kết hợp các giải pháp tổng thể gồm 3 trụ cột là: rà soát lại tổ chức; tái cấu trúc tài chính; tái cơ cấu hoạt động, nâng cao quản trị, cách điều hành doanh nghiệp.

PV: Cụ thể đối với VNSTEEL mà nói, tái cơ cấu cần thiết như thế nào?

TGĐ Nghiêm Xuân Đa: Riêng với VNSTEEL, tái cơ cấu là một đòi hỏi bức thiết nếu không muốn bị phá sản.

Cách đây khoảng hơn 10 năm thì Tổng công ty Thép Việt Nam là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam. Trước năm 2000 chỉ có VNSTEEL cùng các liên doanh của VNSTEEL “độc diễn” trên thị trường. Sau năm 2000 thì sự tham gia của các doanh nghiệp bắt đầu lớn mạnh dần. Vị thế số 1 đáng tự hào của VNSTEEL đã mất dần cùng với sự xuất hiện của những nhà sản xuất thép thuộc các thành phần kinh tế khác như Thép Hòa Phát, Thép Việt… Trong khi đó, sức cạnh tranh của VNSTEEL thì ngày càng giảm sút. Nó thể hiện rõ nhất ở việc vai trò dẫn dắt thị trường của VNSTEEL không còn nữa. Mình trước đây là người định giá, xác lập thị trường, giờ mình phải theo thị trường. Trong năm 2001- 2003, công nghệ VNSTEEL vẫn là nhất, nhưng sau đó, đặc biệt là từ năm 2013, thì ưu thế công nghệ này không còn. Nguy hiểm hơn là những tồn tại chính từ bên trong VNSTEEL. Đó là sự chậm đổi mới về tư duy, đổi mới sáng tạo, đổi mới quản trị. Mặc dù về mặt hình thức đã hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ công ty thành viên thành công ty cổ phần nhưng thực chất vẫn giữ quán tính cũ, sức ì lớn, thiếu tư duy sáng tạo, chậm đổi mới tư duy, đổi mới quản trị. Vậy tại sao chậm? Vì tổ chức của Công ty mẹ ôm đồm quá, chưa giải phóng được năng lực các thành viên bên dưới. Để có thể ra một quyết định này với nội dung như thế này, phải qua cả một hệ thống tầng tầng lớp lớp người kiểm duyệt, tham khảo… cho ý kiến. Hệ quả của nó là rất nhiều cơ hội trôi mất. Bên cạnh đó, vì tâm lý này nên đã tạo ra một sức ì khủng khiếp và khiến kỹ năng ra quyết định ngày càng yếu.

Đau đớn nhìn thẳng vào căn bệnh để từ đó tìm ra giải pháp chữa bệnh. Chúng tôi đã bắt đầu “bốc thuốc” cho VNSTEEL như thế đó.


Ngã ở đâu - đứng lên ở đó

PV: Vậy “thuốc” chữa bệnh cho VNSTEEL như thế nào?

TGĐ Nghiêm Xuân Đa: Có câu “ngã ở đâu thì đứng lên từ đó”. Đối với VNSTEEL, hành trình tái cơ cấu cũng bắt đầu với 3 trụ cột chính là: rà soát lại tổ chức; tái cấu trúc tài chính; tái cơ cấu hoạt động, nâng cao quản trị, cách điều hành doanh nghiệp.

Trước đó, nhận thấy tình hình của VNSTEEL ngày càng đi xuống, Ban thường vụ Đảng ủy, Tổng công ty đã xây dựng đề án cấp bách và tôi chính là người được giao viết đề án. Sau nhiều tháng thảo luận công khai, dân chủ với quyết tâm cao, HĐQT đã thông qua những giải pháp tái cơ cấu hoạt động với mục tiêu cắt lỗ trong năm 2014. Thật là khó khăn, song cũng hết sức thú vị khi mình chính là người thực hiện những “kịch bản” do mình viết. Nhẽ ra, để cho đúng bài bản là VNSTEEL phải xây dựng đề án cụ thể, dài hơi hơn, nhưng thời điểm tôi nhận nhiệm vụ đã là hết quý I/2014, do đó không còn đủ thời gian, buộc lòng phải lựa chọn xác định mục tiêu ưu tiên số 1, đó là chặn lỗ.

Muốn chặn lỗ thì phải thực hiện song hành 3 trụ cột chính của tái cơ cấu. Thế là VNSTEEL bước vào hàng loạt cuộc “thay máu”. Cụ thể:

- Thực hiện giải thể 5 chi nhánh mà trước đây làm trung gian đưa sản phẩm đến người sử dụng nay đã trở nên lạc hậu, không những không còn phù hợp với thời cuộc mà còn trở thành vật cản của sự phát triển do hệ thống cồng kềnh, chồng chéo.

- Được sự đồng ý của cổ đông, VNSTEEL đã chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty mẹ, từ việc vừa trực tiếp sản xuất kinh doanh và quản lý đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết sang mô hình công ty mẹ không trực tiếp thực hiện sản xuất và kinh doanh.

- Tách 2 công ty sản xuất thép Miền Nam, Thép tấm lá Phú Mỹ thành doanh nghiệp độc lập. Trong giai đoạn chuyển đổi, Công ty mẹ khoán chi phí và kinh doanh cho các công ty trực thuộc này, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị.

Hệ thống phân phối của Công ty mẹ được sắp xếp lại theo hướng giảm bớt tối đa đầu mối trung gian, hệ thống tự sản tự tiêu, chuyển sang phân phối qua các nhà phân phối lớn.

Không dừng ở đây, VNSTEEL tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ở từng đơn vị, toàn diện hoạt động sản xuất - kinh doanh, tài chính, mua nguyên vật liệu; đổi mới doanh nghiệp. Tại các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, có nhiều tồn đọng trong quản lý, lãnh đạo công ty được yêu cầu điều hành, giám sát chặt chẽ hơn. Nhờ đó, tính liên kết giữa các đơn vị trong hệ thống VNSTEEL cũng được tăng cường, tạo ra sức mạnh tổng thể của toàn Tổng công ty.

Một điều đặc biệt không kém là năm 2014 là năm đầu tiên VNSTEEL cương quyết không điều chỉnh kế hoạch, để có một đáp số đúng cho những “phép thử” trong cả một năm qua.

Tái cơ cấu là một quá trình đau đớn và để lại nhiều nuối tiếc

PV: Đáp số như thế nào thì chúng ta đã rõ. Nhưng tôi tin rằng trong quá trình áp dụng phép thử này, ông không thể tránh được những “phản ứng phụ”?

TGĐ Nghiêm Xuân Đa: Đúng thế. Chúng tôi nói tái cơ cấu là một quá trình “đau đớn” và để lại nhiều nuối tiếc cũng là bởi ý này. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, cá nhân tôi và đồng chí Chủ tịch HĐQT nhận được rất nhiều cuộc điện thoại gọi tới với nội dung nhẹ thì chê trách, can gián, nặng thì kết tội tôi “phá” Tổng công ty. Chúng tôi lắng nghe, tiếp nhận hết tâm tư, lo lắng của mọi người nhưng thực sự không hề nao núng. Vì khi đã chấp nhận vào cuộc chơi thì chúng tôi đã buộc phải là người “chịu chơi”.

Phản ứng phụ không chỉ có vậy, nó còn muôn hình vạn trạng. Khi thực hiện việc giải thể, sắp xếp công việc cho một số chi nhánh, cũng có lãnh đạo của chi nhánh đó không đồng thuận, bởi họ cho rằng giải pháp đưa ra là đúng nên không ủng hộ, mặc dù họ là những cán bộ rất có năng lực, nắm vững thị trường và trong đời thường chúng tôi rất quý mến nhau. Song đứng trước lợi ích chung của mục tiêu tái cơ cấu, Ban lãnh đạo Tổng công ty chân thành trao cho họ sự lựa chọn: Con tàu của VNSTEEL đang ra khơi, nếu anh không đi cùng thì nhảy xuống, chúng tôi tiếp tục hướng đến đích mà không có họ. Cuối cùng ông đồng ý nhảy xuống. Nỗi tiếc nuối, trăn trở trong tôi vẫn còn đến giờ này, tiếc khi đánh mất một cán bộ có năng lực, một đồng chí từng có cùng chí hướng đến phút quyết định đã không thể vượt qua chính mình.

Hơn tất cả, điều tôi cho rằng thành công nhất của năm 2014 vừa qua chính là lấy lại niềm tin của tập thể người lao động, của khách hàng, của đối tác, khiến cộng đồng đánh giá đúng mức sự tích cực của mình. Tất cả đã tạo cho VNSTEEL một tâm thế mới, động lực mới.

PV: Ông còn phải làm những gì để lấy lại lòng tin của VNSTEEL?

TGĐ Nghiêm Xuân Đa: Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến tuyên truyền nhận thức. Để có được sự đồng lòng của đa số CBCNV, Ban lãnh đạo phải cho họ hiểu rằng tái cơ cấu khắc nghiệt là thế nhưng không thể không làm, nhất là với VNSTEEL, có vậy mới đảm bảo việc làm, thu nhập cho chính họ. Rồi tôi làm truyền thông với đối tác cả trong và ngoài nước. Vì hệ thống bán hàng của ngày xưa ì trệ lâu quá rồi, nên khi quyết định thay đổi, tôi phải cho đối tác biết điều đó một cách rõ ràng, cụ thể, qua đó còn lắng nghe ý kiến khách hàng. Chúng tôi thực hiện các cuộc viếng thăm các khách hàng trong và ngoài nước. Chúng tôi thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác chân thành với các đối tác kinh doanh cùng lĩnh vực như Hòa Phát, Hoa Sen, Thép Việt… để cùng nhau hợp tác, tạo thành một cộng đồng doanh nghiệp ngành Thép phát triển bền vững.

Không có hậu tái cơ cấu

PV: Gần đây, người ta bắt đầu lo ngại tới vấn đề hậu tái cơ cấu (ví dụ như là quyền lợi người lao động, quyền lợi doanh nghiệp, quyền lợi của Nhà nước...) Ở VNSTEEL, ông giải quyết vấn đề này như thế nào?

TGĐ Nghiêm Xuân Đa: Tôi cho rằng không có hậu tái cơ cấu. Tái cơ cấu không phải là một việc làm xong rồi gói gém, đậy điệm và vỗ tay kết thúc. Tái cơ cấu là một quá trình liên tục, thường xuyên, không ngừng nghỉ. Vì vậy, tôi hiểu hậu tái cơ cấu mà bạn nói chính là việc giải quyết những vấn đề phát sinh, những ảnh hưởng tiêu cực, không mong muốn của doanh nghiệp khi tái cơ cấu.

Rõ ràng, tái cấu trúc sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập của một bộ phận là đối tượng nằm trong nhóm bị cải cách. Trong đề án tái cơ cấu của VNSTEEL, việc ưu tiên trước hết là bố trí công ăn việc làm, không để người lao động mất việc. Để được như vậy, lãnh đạo VNSTEEL đã phải đi từng đơn vị trong hệ thống để ra thông điệp chia sẻ, đồng cam cộng khổ, cùng nhau bàn thảo kế hoạch tiếp nhận lao động dôi dư. Tiếp đó, đối với những lao động không biết sắp xếp vào đâu thì giải quyết đúng chế độ. Việc này tôi muốn nhấn mạnh vai trò của tổ chức công đoàn. Trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2014, tổ chức công đoàn đã góp phần tích cực vào sự thành công của tái cơ cấu, cụ thể: cùng chúng tôi tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động.

Phải luôn đổi mới - Đổi mới không ngừng

PV: Từ những thực tế của VNSTEEL, ông có thể đúc kết ra những bài học gì đối với các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu?

TGĐ Nghiêm Xuân Đa: Mỗi đơn vị có đặc thù khác nhau, có thuận lợi và khó khăn riêng nên không có một cái form chung nào cho tái cơ cấu. Bài học của VNSTEEL ở đây chính là khi khó khăn quá, bị dồn đến chân tường buộc chúng tôi phải nảy sinh sáng kiến, phải tìm ra đường đi. Nhưng dù gì thì đây cũng là những sáng kiến nảy sinh trong bối cảnh bị động, nên cũng không dám nhận lời ngợi khen. Muốn được thành công hơn phải chủ động. Nếu ta chủ động làm tốt ngay từ đầu thì sẽ không có những câu chuyện phải lội ngược dòng, hay phải cắt lỗ như VNSTEEL trong năm vừa qua.

Còn một điều nữa mà tôi thấy rất tâm đắc, đó là trong môi trường cạnh tranh hiện nay, nhìn sơ qua thì doanh nghiệp có thể lúc này vẫn có lãi, nhưng chính giữa những lúc bình yên này có thể đang tiềm tàng "sóng ngầm", chỉ có điều mình chưa biết mà thôi, cái “mầm” sóng gió đã manh nha rồi. Đây cũng là tiếp cái ý về việc tái cấu trúc là một quá trình thường xuyên, liên tục, đó chính là việc mà người lãnh đạo luôn phải xác định, để đổi mới không ngừng. Và đấy là cái cốt lõi. Ở doanh nghiệp nào không có sự đổi mới, sự vươn lên thì sẽ tự mình hủy hoại chính mình.

Năm 2014, chúng tôi đã vượt khó. Song không vì thế mà chủ quan, lơ là, khó khăn ở phía trước còn nhiều lắm. Với VNSTEEL thì “trận chiến” tái cấu trúc sẽ tiếp tục. Chúng tôi đang sửa đổi bổ sung đề án tái cấu trúc. Tôi đang làm và làm rất kỹ. Kinh nghiệm: muốn làm phải chắc chắn, tái cấu trúc phải gắn với chiến lược, không có chiến lược và tầm nhìn rõ ràng thì tái chiến lược không thu được kết quả, “tái” hôm nay xong mai lại phải “tái”- đó là điều cần tránh.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Sau 2 năm 2012 và 2013, Công ty mẹ - Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) liên tục thua lỗ lũy kế lên tới 828 tỷ đồng thì bước sang năm 2014, sau nhiều cố gắng vượt bậc, bước đầu VNSTEEL đã cắt được lỗ và có lãi vượt gần 2 lần so với kế hoạch mà đại hội đồng cổ đông giao.