Tổng quan về chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030 , tầm nhìn đến năm 2045

Chiến lược nhằm mục tiêu phát triển thương mại trong nước thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt sản xuất theo tín hiệu của thị trường, phát huy năng lực, sức mạnh nội sinh của thị trường trong nước...

1. Quyết định

Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

2. Quan điểm

(1) Phát triển thương mại trong nước thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt sản xuất theo tín hiệu của thị trường, phát huy năng lực, sức mạnh nội sinh của thị trường trong nước.

(2) Phù hợp với quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà nước giữ vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi, ổn định, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

(3) Phát triển nhanh và đi vào chiều sâu, đi đôi với hiệu quả đầu tư, quy mô, trình độ phát triển sản xuất và tiêu dùng trong nước, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chú trọng xây dựng uy tín sản phẩm và phát triển thương hiệu Việt.

(4) Gắn với phát triển đa dạng về chế độ sở hữu, loại hình tổ chức và phương thức hoạt động thuộc mọi thành phần kinh tế. Quan tâm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh tế cá thể và hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân; khuyến khích, thúc đẩy phát triển nòng cốt là các tập đoàn, doanh nghiệp phân phối trong nước có quy mô lớn.

(5) Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, đặc biệt là kinh tế tư nhân.

(6) Xác định thị trường trong nước sẽ đóng vai trò là động lực chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; tận dụng tối đa lợi thế về độ mở của thương mại trong nước, hạn chế tác động tiêu cực, giảm phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

(7) Phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và sự sáng tạo, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; khuyến khích phát triển các hình thức thương mại dựa trên nền tảng số hóa; thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hoá lĩnh vực thương mại trong nước.

(8) Tăng cường quản lý nhà nước, bảo vệ thị trường trong nước gắn với bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

3. Mục tiêu tổng quát

Phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; Xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

4. Mục tiêu cụ thể

muc tieu

5. Định hướng

(1) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước; phát triển thương mại trong nước ổn định và bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP.

(2) Phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối hàng hóa; tiếp tục phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong nước, hạn chế sự phụ thuộc, chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.

(3) Thực hiện cơ cấu lại thương mại trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; Tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực.

(4) Phát triển thương mại điện tử thành hình thức thương mại chủ đạo, hoàn thiện hạ tầng pháp lý để khai thác hiệu quả hơn xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.

(5) Xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại và bền vững, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, trong từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong nước và hỗ trợ xuất khẩu.

(6) Phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp thương mại trong nước; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; Tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng và thực hiện các chính sách để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp.

(7) Hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bền vững gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

(8) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

(9) Đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại trong nước.

(10) Đổi mới quản lý nhà nước đối với thương mại trong nước theo hướng tôn trọng quy tắc vận hành của thị trường; Tăng cường công tác bảo đảm trật tự và bình ổn thị trường.

6. Nhiệm vụ, giải pháp

(1) Hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo cam kết quốc tế.

(2) Gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa.(3) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại.

(4) Phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa.

(5) Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

(6) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường.

(7) Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển thương mại trong nước.

(8) Đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước.

(9) Nâng cao ý thức, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại.

                                                                                      

Thy Thảo