Tổng quan về thực hiện dạy học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở trường trung học cơ sở

ThS. NGUYỄN THỊ THU THANH (Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Dạy học tích hợp là xu thế chung của giáo dục phổ thông các nước. Hiện nay, các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam đã bắt đầu dạy từ năm học 2021 - 2022. Thực hiện tích hợp trong dạy học sẽ góp phần hình thành và phát triển các năng lực hành động, năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh. Bài viết nêu rõ tổng quan về dạy học tích hợp, đồng thời đưa ra một số ví dụ cụ thể về dạy học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 6.

Từ khóa: giáo dục phổ thông, dạy học tích hợp, phát triển năng lực.

1. Đặt vấn đề

Để góp phần thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam” trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay, dạy học tích hợp chính là cơ sở cho sự phát triển năng lực học sinh.

Dạy học tích hợp đang dần trở thành một xu hướng tối ưu của lý luận dạy học ngày nay và đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đã thực hiện quan điểm tích hợp trong dạy học ở những mức độ nhất định. Một nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam về chương trình giáo dục phổ thông của 20 nước cho thấy, 100% các nước đều xây dựng chương trình theo hướng tích hợp.

Ở Việt Nam, từ năm học 2021 - 2022, bậc Trung học cơ sở có sự tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, Giáo dục công dân,… và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản,… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Thực hiện 2 môn học mới: Môn Khoa học tự nhiên (trên cơ sở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hiện hành) và môn Lịch sử, Địa lý (trên cơ sở các môn Lịch sử, Địa lý hiện hành). Hai môn học này được xây dựng cơ bản đảm bảo tính logic, nội dung các phân môn được sắp xếp có sự hỗ trợ lẫn nhau và tránh sự trùng lặp, đồng thời còn xây dựng thêm những chủ đề liên kết giữa các phân môn.

2. Nội dung

2.1. Khái niệm tích hợp

Theo từ điển Tiếng Việt:“Tích hợp là sự kết hợp những hoạt động, chương trình hoặc các thành phần khác nhau thành một khối chức năng; là sự thốngnhất,sự hòa hợp, sự kết hợp”.

Theo từ điển Giáo dục học:“Tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học”.

Như vậy, tích hợp là một hoạt động mà ở đó cần phải kết hợp, liên hệ, huy động các yếu tố, nội dung gần và giống nhau, có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực để giải quyết, làm sáng tỏ vấn đề và cùng một lúc đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.

2.2. Dạy học tích hợp

Dạy học tích hợp là một quan niệm dạy học nhằm hình thành ở học sinh những năng lực giải quyết hiệu quả các tình huống thực tiễn dựa trên sự huy động nội dung, kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều đó cũng có nghĩa là đảm bảo để mỗi học sinh biết cách vận dụng kiến thức học được trong nhà trường vào thực tiễn cuộc sống như các hoàn cảnh mới lạ, khó khăn, bất ngờ... qua đó trở thành một người công dân có trách nhiệm, một người lao động có năng lực.

Dạy học tích hợp là định hướng về nội dung và phương pháp dạy học, trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, thông qua đó hình thành những kiến thức, kỹ năng mới, phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và trong thực tiễn cuộc sống.

Dạy học tích hợp phải được thể hiện ở cả nội dung chương trình, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, hình thức tổ chức dạy học. Dạy học tích hợp đòi hỏi việc học tập trong nhà trường phải được gắn với các tình huống của cuộc sống mà sau này học sinh có thể gặp phải, vì thế nó trở nên có ý nghĩa đối với các em.

Như vậy, thực hiện dạy học tích hợp sẽ phát huy tối đa sự trưởng thành và phát triển cá nhân mỗi học sinh, giúp cho giờ học sẽ trở nên sinh động hơn, vì không chỉ có người dạy trình bày mà học sinh cũng tham gia vào quá trình tiếp nhận thảo luận kiến thức, từ đó học sinh hứng thú nghiên cứu bài học, thích vận dụng vào thực tế. 

2.3. Ý nghĩa của tích hợp trong dạy học

Do hiện nay đang ngày càng xuất hiện các môn khoa học “liên ngành” để giúp nhận biết và giải quyết các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội, do đó cần huy động tổng hợp các kiến thức và kỹ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong quá trình phát triển của khoa học và giáo dục, còn nhiều kiến thức, kỹ năng rất cần trang bị cho học sinh để các em có thể đối mặt với những thách thức của cuộc sống. Do đó cần tích hợp giáo dục các kiến thức và kỹ năng thông qua các môn học.

Tích hợp các kiến thức gần nhau, liên quan với nhau nhập vào cùng một môn học sẽ giúp số môn học giảm bớt, tránh được sự trùng lặp không cần thiết về nội dung giữa các môn học và giảm tải cho học sinh.

Khi giáo viên kết hợp tốt phương pháp dạy học tích hợp, sử dụng các hiện tượng trong thực tiễn cuộc sống, bên cạnh việc giúp học sinh chủ động, tích cực học tập còn lồng ghép được các nội dung khác nhau, như: bảo vệ môi trường, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người...

2.4. Các mức độ tích hợp cơ bản trong dạy học

-  Tích hợp trong nội bộ môn học:

Trong môn học, tích hợp là tổng hợp trong một đơn vị học, thậm chí trong một tiết học hay trong một bài tập nhiều mảng kiến thức, kỹ năng liên quan đến nhau, nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục và tiết kiệm thời gian cho người học. Có thể tích hợp theo chiều ngang hoặc theo chiều dọc.

Tích hợp theo chiều ngang là tích hợp các mảng kiến thức, kỹ năng trong môn học theo nguyên tắc đồng quy. Tích hợp các kiến thức, kỹ năng thuộc mạch, phân môn này với mạch, phân môn khác. Tích hợp theo chiều dọc là tích hợp một đơn vị kiến thức, kỹ năng mới với những kiến thức, kỹ năng trước đó theo nguyên tắc đồng tâm. Cụ thể là: Kiến thức của lớp trên, bậc học trên bao hàm kiến thức, kỹ năng của lớp dưới, cấp học dưới.

-  Tích hợp đa môn:

Tích hợp đa môn được thực hiện theo cách tổ chức từ các môn học xoay quanh một chủ đề, đề tài, dự án, tạo điều kiện cho người học vận dụng tổng hợp kiến thức của các môn học có liên quan.

-  Tích hợp liên môn:

Tích hợp liên môn trong đó nhiều môn học liên quan được kết lại thành một môn học mới với hệ thống những chủ đề nhất định xuyên suốt qua nhiều lớp. Ví dụ: Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân được tích hợp thành môn Khoa học xã hội; Sinh học, Hóa học, Vật lý được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên;...

- Tích hợp xuyên môn:

Học sinh phát triển kỹ năng sống khi áp dụng các kỹ năng môn học và tích hợp vào bối cảnh thực tế. Có thể coi tích hợp xuyên môn là đỉnh cao của tích hợp, khi mà ranh giới giữa các môn học bị xóa nhòa.

3. Một số ví dụ về dạy học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 6

Mỗi chủ đề dạy học phải giải quyết trọn vẹn một vấn đề học tập. Vì vậy, việc xây dựng mỗi chủ đề dạy học cần phải:

- Xác định vấn đề cần giải quyết trong dạy học chủ đề sẽ xây dựng. Với nội dung kiến thức này, điều kiện thực tế của trường, đối tượng là học sinh lớp 6, có thể tổ chức theo hướng giáo viên đặt vấn đề, nêu cách giải quyết vấn đề. Học sinh thực hiện cách giải quyết vấn đề theo hướng dẫn của giáo viên.

- Xây dựng nội dung chủ đề. Xác định chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ theo chương trình hiện hành và các hoạt động học dự kiến sẽ tổ chức

cho học sinh theo phương pháp dạy học tích cực, từ đó xây dựng nội dung chủ đề và mô tả 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

- Thiết kế tiến trình dạy học chủ đề thành các hoạt động học được tổ chức cho học sinh có thể thực hiện ở trên lớp - ở nhà, mỗi tiết học trên lớp có thể chỉ thực hiện một số hoạt động trong tiến trình của phương pháp và kỹ thuật dạy học được sử dụng. Trong chuỗi hoạt động học, thường có các tình huống xuất phát. Các tình huống xuất phát có các đặc điểm như:

+ Phải gần gũi với đời sống mà học sinh dễ cảm nhận và đã có ít nhiều những quan niệm ban đầu về chúng.

+ Học sinh có thể huy động được kiến thức

ban đầu để giải quyết, qua đó hình thành mâu thuẫn nhận thức, giúp học sinh phát hiện được vấn đề, đề xuất được các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề.

+ Các hoạt động học cần thực hiện như: đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề; thực hiện giải pháp để giải quyết vấn đề; báo cáo, thảo luận; kết luận.

3.1. Với môn Toán và môn Địa lý

Chương trình môn Toán học được khai thác, sử dụng tích hợp trong các môn học khác như Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Địa lý, Tin học, Công nghệ,...

Ví dụ, khi học về thống kê, học sinh lớp 6 có thể thực hiện thu thập nhiệt độ của địa phương tại mốc thời gian nhất định trong một tuần lễ; tính trung bình cộng của nhiệt độ, từ đó đưa ra những nhận xét về biến đổi thời tiết của địa phương trong tuần. Như vậy, học sinh vừa được học về Toán, vừa biết cách đo nhiệt độ (môn Khoa học tự nhiên), vừa nắm được kiến thức Địa lý và có ý thức giải quyết vấn đề của thực tiễn. Thông qua tiết học, học sinh hiểu biết về biến đổi khí hậu, từ đó các em có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường sống của mình. Như vậy, một tiết học của môn Toán đã thực hiện được nhiều mục đích.

3.2. Với môn Lịch sử - Địa lý

Môn học tích hợp trong chương trình lớp 6 là môn Lịch sử và Địa lý, trong chương trình Lịch sử và Địa lý có tích hợp nội môn (trong từng nội dung môn Lịch sử và môn Địa lý), tích hợp liên môn (tích hợp nội dung Lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lý và tích hợp nội dung Địa lý trong những phần phù hợp của bài Lịch sử) và tích hợp tạo thành chủ đề chung. Bên cạnh đó, nổi bật trong chương trình là ở mỗi giai đoạn lịch sử có sự tích hợp nội môn theo mô hình: thế giới - khu vực - Việt Nam - lịch sử địa phương.

3.3. Với môn Khoa học tự nhiên

Dạy học theo chủ đề tích hợp xuất phát từ yêu cầu của mục tiêu dạy học phát triển năng lực học sinh, đòi hỏi phải tăng cường yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Ví dụ, chủ đề 8 Khoa học tự nhiên 6 có bài “Thực vật” có thể tích hợp nhiều môn (Vật lý - Hóa học - Sinh học) và vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Giáo viên đưa ra chủ đề và cho học sinh về nhà tìm hiểu, chuẩn bị trước các nội dung kiến thức thuộc phạm vi bài học 29: Thực vật lớp 6 (SGK trang 131) là Chân trời sáng tạo (CTST), môn Khoa học tự nhiên 6; đồng thời phân nhóm, chọn nhóm trưởng và yêu cầu nhóm trưởng phân công các bạn trong nhóm thực hiện nhiệm vụ:

- Nhóm 1: Tìm hiểu về đa dạng thực vật

- Nhóm 2: Tìm hiểu vai trò của thực vật trong tự nhiên

- Nhóm 3: Tìm hiểu vai trò của thực vật với vấn đề bảo vệ môi trường Tìm hiểu về quang hợp có sự tham gia của CO2 và H2O đồng thời tạo ra O2 (môn Hóa), tại sao cây xanh quang hợp cần ánh sáng (môn Lý) và diệp lục tố (môn Hóa).

- Nhóm 4: Tìm hiểu vai trò của thực vật trong thực tiễn đời sống (năng lượng và cuộc sống liên quan đến Hóa, Lý, Sinh).

Chủ đề dạy học tích hợp bài 29. Thực vật được chia làm 5 tiết:

Tiết 1: Dạy học nội dung: Đa dạng thực vật.

Tiết 2: Dạy học nội dung: Vai trò của thực vật trong tự nhiên.

Tiết 3,4: Dạy học nội dung: Vai trò của thực vật với vấn đề bảo vệ môi trường.

Tiết 5: Dạy học nội dung: Vai trò của thực vật trong thực tiễn đời sống.

Trong quá trình dạy học, nội dung những tiết trên do các nhóm học sinh chuẩn bị và chủ động thực hiện. Các em có thể phát huy tối đa năng lực của mình trong quá trình thực hiện để xây dựng nội dung của nhóm và chiếm lĩnh kiến thức.

Ngay sau khi dạy xong bài này, giáo viên cho các em làm bài kiểm tra kiến thức vừa học trong 5 phút để biết được kết quả của phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận mới, hiện đại và tiên tiến này. Tuy hình thức tích hợp trong bài học không sâu vì đối tượng là học sinh lớp 6 nhưng đã hình thành được cho học sinh tư duy liên kết kiến thức khoa học. Đặc biệt, học tích hợp với sự khởi đầu từ lớp 6, tạo điều kiện cho các em làm quen với các phương pháp dạy học khác nhau và sự phối hợp giữa các phương pháp để các em có thể thu nhận được kiến thức sâu hơn, ghi nhớ chắc chắn hơn. Từ đó, tạo nền tảng giúp các em có kiến thức vững vàng khi học tiếp kiến thức sâu hơn ở các lớp sau.

Thông qua việc dạy học tích hợp chủ đề 8 bài “Thực vật”, học sinh hiểu được mối quan hệ chặt chẽ giữa các môn học, thuộc nhiều lĩnh vực. Từ đó xác định cần phải phân bố thời gian hợp lý cho việc tìm hiểu, học đều tất cả các môn không phân biệt môn chính, môn phụ để có sự hiểu biết đồng bộ tất cả các môn học và có cái nhìn tổng thể, sâu sắc, logic về vai trò của quang hợp. Học sinh có ý thức làm những việc có ý nghĩa cho bản thân, gia đình, môi trường và xã hội. Bản thân các em hiểu biết nhiều hơn, có ý thức rèn luyện kỹ năng sống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ gìn môi trường và biết tuyên truyền với mọi người xung quanh để cùng thực hiện bảo vệ môi trường.

4. Kết luận

Như vậy, dạy học tích hợp sẽ giúp học sinh không phải học thuộc kiến thức một cách máy móc và khó khăn, mà sẽ ghi nhớ tốt hơn trong quá trình vận dụng vào các tình huống thực tiễn trong cuộc sống. Do đó, học sinh sẽ hứng thú hơn, yêu thích tiết học hơn. Khi nhiều môn học được tích hợp trong một chủ đề không chỉ giúp học sinh được học kiến thức sâu rộng, nhìn rõ vấn đề ở nhiều góc độ, mà còn giảm bớt thời gian, công sức học lại nhiều lần một nội dung kiến thức gây nhàm chán và quá tải, cũng như khó vận dụng vào thực tiễn với kiến thức đơn lẻ.

Việc áp dụng dạy học tích hợp vào một chủ đề nhất định đã giúp học sinh phát huy được tính tích cực, chủ động, hiểu bài và hứng thú hơn với môn học. Dạy học tích hợp góp phần phát triển tư duy liên hệ, liên tưởng ở học sinh. Tạo cho học sinh một thói quen tư duy, lập luận vấn đề và có thể nhận thức vấn đề một cách thấu đáo.

Cách dạy học lồng ghép các nội dung kiến thức có liên quan trong môn học với một chủ đề bài học cụ thể nào đó mà giáo viên xây dựng để hướng dẫn cho học sinh thật hiệu quả. Xây dựng môn học tích hợp từ các môn học truyền thống nhưng bài học với kiến thức phong phú hơn, có cái nhìn đa chiều từ nhiều góc độ. Các môn học hợp lại làm rõ nội dung giúp học sinh hiểu vấn đề tốt hơn cũng như học sinh có thể vận dụng được một số vấn đề vào thực tiễn cuộc sống và thực hiện.

Môn Khoa học tự nhiên hiện nay phần lớn các trường phân công 3 giáo viên phụ trách Lý, Hóa, Sinh. Trong tương lai, khi có chương trình đào tạo giáo viên mới và chỉ còn 1 giáo viên phụ trách, bước đầu thực hiện sẽ không tránh khỏi một vài khó khăn, vướng mắc, nhưng chắc chắn kết quả đạt được sẽ tích cực. Việc dạy học tích hợp còn được đánh giá là xu hướng của nền giáo dục hiện đại, là cơ hội để học sinh vận dụng kiến thức đã học giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn rất hiệu quả. Tại khu vực Đông Nam Á, phần lớn các nước đã thực hiện quan điểm tích hợp trong dạy học ở những mức độ nhất định. Thực tế cho thấy, dạy học tích hợp là cần thiết, là xu hướng tối ưu của lý luận dạy học  được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (2015). Tài liệu tập huấn Dạy học tích hợp ở trường THCS-THPT (dùng cho cán bộ quản lý- giáo viên THCS - THPT). Hà Nội: NXB Đại học Sư phạm.
  2. Đỗ Hương Trà (chủ biên), Nguyễn Văn Biên, Trần Khánh Ngọc và cộng sự (2015). Dạy học tích hợp phát triển năng lực học sinh, Quyển 1 Khoa học tự nhiên. Hà Nội: NXB Đại học Sư phạm.
  3. Nguyễn Văn Biên (2015). Quy trình xây dựng chủ đề tích hợp về Khoa học tự nhiên. Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, 60(2), 61-66.
  4. Nguyễn Văn Cường (2017). Dạy học tích hợp, tích hợp và phát triển chương trình dạy học. Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, 62(9), 20-26.
  5. Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang (2015). Công văn số 40/HD-SGD&ĐT, ngày 15/9/2015 của Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi vận dụng kiến thức tích hợp để giải quyết các tình huống thực tiễn.
  6. Các website: http://www.tusach.thuvienkhoahoc.com/ https://hcm.edu.vn

AN OVERVIEW OF THE INTEGRATED TEACHING APPROACH

IN THE NEW GENERAL EDUCATION CURRICULUM

FOR JUNIOR HIGH SCHOOLS

Master. NGUYEN THI THU THANH

Faculty of Pedagogy, An Giang University

Vietnam National University - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The integrated teaching approach is a common trend of general education in many countries. Currently, subjects that integrate natural sciences, historical and geographic knowledge in Vietnam's new general education curriculum have been taught since the 2021-2022 school year. The integration of teaching will help students develop their competencies and problem-solving skills. This paper presents an overview of the integrated teaching approach and introduces some specific examples of applying the integrated teaching approach in the new sixth grade general education curriculum.

Keywords: general education, integrated teaching, capacity development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2022]