Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tình hình đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn Thành phố
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tình hình đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn Thành phố

Điều hành chuỗi cung ứng xăng dầu linh hoạt

Báo cáo tại buổi làm việc với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đoàn công tác Bộ Công Thương ngày 14/10/2022, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, trung bình mỗi ngày toàn Thành phố tiêu thụ 6-7 triệu lít xăng, dầu. 

Trên địa bàn Thành phố có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (thực tế kiểm tra có 540 cửa hàng đang hoạt động), 15 doanh nghiệp đầu mối và 60 thương nhân phân phối. Đặc biệt, Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè (thuộc Công ty Xăng dầu Khu vực II) có diện tích gần 200ha, ngoài chức năng làm kho chứa của Petrolimex, còn cho các đơn vị khác thuê để chứa hàng; cộng với thuận lợi về hệ thống cảng biển, cảng sông, đường bộ, đường thủy cũng góp phần giúp đảm bảo chuỗi cung ứng xăng dầu của TP. Hồ Chí Minh thông suốt, ổn định. 

Tuy nhiên, đặc thù của thị trường xăng dầu TP. Hồ Chí Minh là số doanh nghiệp triển khai cả chuỗi cung ứng từ nhập hàng đến phân phối đầu mối, làm đại lý, bán lẻ rất ít; chủ yếu tập trung vào Petrolimex, Saigon Petro, PVOil, chỉ chiếm 35-40% thị phần. Còn lại là các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa, tham gia từng khâu riêng lẻ trong chuỗi cung ứng. 

Theo ông Đào Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 2, xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến lộ trình vận chuyển xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam, đẩy chi phí tăng cao, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thấp và thậm chí lỗ nặng.

Dù vậy, doanh nghiệp vẫn nỗ lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Dự kiến, từ nay đến cuối tuần sẽ có thêm 4 tàu xăng dầu nhập khẩu về tổng cộng là 100.000 m3 xăng, 60.000 m3 dầu để bổ sung nguồn cung phục vụ nhu cầu người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Để “gỡ khó”, đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh kiến nghị các Bộ, ngành nghiên cứu để điều chỉnh các chính sách, triển khai một số phương án điều hành thị trường và quản lý chuỗi cung ứng xăng dầu linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và có xét đến bối cảnh nguồn cung đang khó khăn, trong đó đặc biệt đề nghị các cấp có thẩm quyền chỉ đạo các ngân hàng thương mại nới thêm room tín dụng cho hoạt động kinh doanh xăng dầu để doanh nghiệp có thể tăng nhập, đảm bảo nguồn cung.

Đảm bảo nguồn cung là nhiệm vụ quan trọng

Đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh nhiều khó khăn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - xã hội lớn đối với khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Do vậy, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn Thành phố là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Thứ trưởng cho hay, không chỉ trong năm 2022, mà từ cuối năm 2021, tình hình thế giới biến động phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung năng lượng, trong đó có mặt hàng xăng dầu. Các doanh nghiệp đầu mối nhỏ của Việt Nam khó tiếp cận với nguồn hàng xăng dầu thế giới do không thể cạnh tranh trong “cuộc chiến” nguồn cung với các nền kinh tế lớn như châu Âu.

Nguồn cung từ 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đáp ứng được 75-80% nhu cầu trong nước, nhưng có những thời điểm giảm công suất, gây áp lực lên chuỗi cung ứng xăng dầu.

Tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD và Việt Nam đồng tăng, ảnh hưởng đến giá nhập khẩu, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, khiến các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng lớn, nên cũng chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Đặc biệt, giá xăng dầu tăng mạnh trong những tháng đầu năm nhưng từ tháng 6 lại giảm liên tục, khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chịu lỗ, thậm chí lỗ nhiều và liên tục, dẫn đến việc phải giảm bớt chi phí, trong đó có cắt giảm chiết khấu cho hệ thống phân phối.

Ngoài ra, mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp, cũng làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực cùng cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo nguồn cung phục vụ người dân và doanh nghiệp
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực cùng cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo nguồn cung phục vụ người dân và doanh nghiệp

Dù vậy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành và các doanh nghiệp, địa phương đã đặc biệt nỗ lực để đáp ứng được nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa.

Ngày 13/10/2022, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 6327 gửi Công ty TNHH Lọc dầu Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn yêu cầu duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất tối đa cho phép để có thể cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Hiện Nghi Sơn và Bình Sơn đều đang vận hành ở công suất tối đa. Theo kế hoạch, sản lượng xăng dầu của hai nhà máy trong 3 tháng cuối năm dự kiến đạt 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu trong nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình thị trường để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trong thẩm quyền của Sở, với những vấn đề vượt thẩm quyền Sở cần đề xuất, kiến nghị cấp cao hơn.

Về phía mình, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 8 nhóm giải pháp chính trong thời gian tới:

Trước hết, tiếp tục phối hợp rà soát và sớm điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu tính giá xăng dầu cơ sở;

Thứ hai, tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ,…

Thứ ba, đề nghị Nghi Sơn và Bình Sơn hỗ trợ giao hàng nhanh cho các doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký; hỗ trợ cung ứng cho các doanh nghiệp có nhu cầu nhưng không có hợp đồng dài hạn. Đồng thời, đề nghị các nhà máy lọc dầu điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp, tăng sản lượng sản xuất xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.

Thứ tư, rà soát việc thực hiện nhập khẩu và phân giao tổng nguồn phù hợp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Thứ năm, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan rà soát, sửa đổi một số quy định trong điều hành kinh doanh xăng dầu theo hướng linh hoạt, bám sát hơn nữa với biến động thực tiễn. 

Thứ sáu, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tạo điều kiện cho việc thông quan hàng hóa, nhập khẩu xăng dầu, cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được đi trong thành phố trong giờ cao điểm để kịp cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Thứ bảy, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh việc theo dõi kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo quy định, thì cần có các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, tránh tình trạng xử lý vi phạm không đúng quy định hoặc gây khó dễ cho doanh nghiệp, để bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.

Cuối cùng, tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí cung cấp đầu đủ thông tin cho người đọc, đưa thông tin theo hướng tích cực, đa chiều và hạn chế tâm lý hoang mang, lo ngại hết xăng dầu, đi mua tích trữ, gây mất cân đối cung cầu và mất an toàn phòng cháy chữa cháy.