Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Đạm Hà Bắc

Đạm Hà Bắc là thương hiệu lớn, nhiều năm là lá cờ đầu trong lĩnh vực công nghiệp của Bắc Giang, đóng góp lớn cho sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do đó, việc tháo gỡ khó khăn cho Dự án này là việc được Chính phủ và các Bộ ngành đặc biệt quan tâm.
dam ha bac
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo phải cương quyết kịp thời có giải pháp xử lý dứt điểm, không để tồn tại kéo dài ảnh hưởng đến SXKD, thâm hụt vốn, tài sản của nhà nước. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh

Ngày1/4, phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại trụ sở Công ty, ông Nguyễn Đức Ninh – Tổng Giám đốc cho biết, Đạm Hà Bắc là doanh nghiệp sản xuất phân đạm urê đầu tiên của cả nước, với bề dày truyền thống trên 60 năm hình thành và phát triển, sản phẩm của Công ty mang thương hiệu Đạm Hà Bắc có uy tín cao, có chất lượng tốt hàng đầu so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Sản lượng urê của Công ty qua nhiều lần đầu tư cải tạo, mở rộng công suất được nâng từ 10 vạn tấn urê/năm lên 50 vạn tấn urê/năm, chiếm khoảng 20% thị phần cả nước và đáp ứng trên 70% nhu cầu các tỉnh miền Bắc. Urê Hà Bắc giữ vai trò chủ đạo tại thị trường các tỉnh miền Bắc, giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Đối với Dự án Cải tạo - Mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, mục tiêu chính của Dự án là mở rộng quy mô sản xuất nhà máy Phân đạm Hà Bắc kết hợp với cải tạo dây chuyền sản xuất hiện có (công suất 180 nghìn tấn urê/năm) bằng cách chuyển đổi công nghệ sử dụng nguyên liệu từ than cục (nguồn có giới hạn) sang than cám nhằm tăng thêm 320 nghìn tấn để đạt tổng cộng 500 nghìn tấn urê/năm (sản phẩm trung gian amoniac lỏng 300 nghìn tấn/năm), tăng sức cạnh tranh sản phẩm và đảm bảo môi trường.

dam ha bac 2
Từ năm 2015, Đạm Hà Bắc duy trì hoạt động trên 90%, sản phẩm làm ra tới đâu, tiêu thụ hết tới đó. Vướng mắc lớn nhất củ Nhà máy là vấn đề tài chính. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Thực tế, sau khi Dự án đi vào khai thác, Công ty đã từng bước tiếp cận và làm chủ được công nghệ sản xuất, sản lượng sản xuất được nâng dần qua các năm, định mức tiêu hao luôn thấp dưới định mức đảm bảo của Dự án, an toàn môi trường trong sản xuất thực hiện tốt. Sản phẩm đảm bảo chất lượng và sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó với giá bán tương đương và cao hơn bình quân trên thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Ninh, thời gian qua, Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi giá nguyên, nhiên liệu đầu vào là than tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010. Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng gấp 2,33 lần so với tính toán trong FS của Dự án. Chưa kể, sản phẩm phân bón không chịu thuế VAT nên không được khấu trừ VAT đầu vào (áp dụng từ 01/01/2015), làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh.

Bước sang năm 2021, một năm đầy biến động khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt tại tỉnh Bắc Giang vào tháng 5 và 6 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc tới đời sống kinh tế xã hội và sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp.

Trước tình hình trên, Công ty đã nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để vừa đảm bảo chủ động kiểm soát ngăn ngừa dịch bệnh vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, liên tục, an toàn và hiệu quả. Tiếp tục huy động trên 90% công suất dây chuyền, định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu thấp hơn định mức dự án và nghiệm thu 72 giờ; tận dụng tốt cơ hội thị trường, sản xuất đến đâu bán hết đến đó; sử dụng hiệu quả dòng tiền...

Nhờ đó, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của Công ty đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu so với kế hoạch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giao và tăng trưởng mạnh so với thực hiện năm 2020. Đáng chú ý, Công ty đã có lãi 6 tỷ đồng, tăng lãi 987 tỷ đồng so với Kế hoạch và tăng lãi 1.472 tỷ đồng so với năm 2020. Đồng thời duy trì việc làm và đảm bảo tiền lương cho người lao động bình quân là 7,3 triệu đồng/người/tháng cho trên 1.200 lao động. Duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh, đến quý I/2022, Công ty tiếp tục có lãi.

ong hiep
Ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết: Những năm qua, Tập đoàn đã quyết liệt thực hiện tái cơ cấu Đạm Hà Bắc, đổi mới công tác quản trị, tổ chức lại sản xuất theo hướng tinh gọn

Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, những năm qua, Tập đoàn đã quyết liệt thực hiện tái cơ cấu Đạm Hà Bắc, đổi mới công tác quản trị, tổ chức lại sản xuất và quản lý sản xuất theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trực thuộc. Định biên của Đạm Hà Bắc năm 2015 là 1.774 người, đến nay giảm còn trên 1.200 người.

Bên cạnh đó, các đầu mối của Đạm Hà Bắc cũng được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn. Nếu như năm 2015, Đạm Hà Bắc có 32 đầu mối thì đến năm 2020 còn 24 đầu mối. Dự kiến năm 2022 sẽ cắt giảm còn 18 đầu mối. Việc làm và thu nhập của người lao động Đạm Hà Bắc cũng được đảm bảo, bình quân năm 2021 đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm làm ra đều tiêu thụ hết.

Kết thúc năm 2021, doanh thu toàn Tập đoàn đạt hơn 51 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, dự án Đạm Hà Bắc mở rộng, nâng công suất, đi vào vận hành từ tháng 4/2015 luôn duy trì công suất ổn định trên 90%.

Thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn cho Dự án

 Bên cạnh kết quả sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc, thì khoản lỗ lũy kế trong 5 năm qua của Đạm Hà Bắc vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân cơ bản là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn. Đạm Hà Bắc đang vay của các ngân hàng với lãi suất cao và phải chịu lãi phạt (do không trả đúng hạn), dẫn đến lãi chồng lãi. Do đó, lãnh đạo Vinachem đề xuất, nếu không tái cơ cấu tài chính thì Đạm Hà Bắc khó có thể phát triển ổn định, bền vững. Nếu tái cơ cấu, Đạm Hà Bắc sẽ lãi có lãi khoảng 828 tỷ đồng/năm.

Trên cơ sở đó đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề xuất phương án tái cơ cấu lại các khoản nợ ngân hàng của Đạm Hà Bắc, với những giải pháp như: Khoanh nợ, giãn nợ, dừng tính phạt trên số tiền gốc, tiền lãi chậm trả…

dam ha bac 3
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Đạm Hà Bắc mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã đưa Dự án vào hoạt động đạt công suất và chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định, nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ chế đặc thù thì Đạm Hà Bắc cơ sẽ sớm ra khỏi khó khăn và phát triển ổn định.

Theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, thời gian qua Ủy ban đã cùng với Tập đoàn và nhà máy đã bàn thảo, xây dựng các phương án tái cơ cấu. Sau khi tính toán kỹ lưỡng các mặt, Ủy ban và doanh nghiệp đã đồng thuận lựa chọn đề xuất lựa chọn phương án tái có cấu tái chính. Đồng thời, mong muốn các cơ quan liên quan và cấp có thẩm quyền sớm quyết định để tháo gỡ khó khăn cho Đạm Hà Bắc.

Dưới góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương bày tỏ, Đạm Hà Bắc nhiều năm là lá cờ đầu trong lĩnh vực công nghiệp của Bắc Giang, đóng góp lớn cho sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Những năm gần đầy Công ty khó khăn, với thẩm quyền của mình, Bắc Giang đã có nhiều văn bản kiến nghị các giải pháp với trung ương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đạm Hà Bắc là thương hiệu rất lớn, có uy tín trong bà con nông dân. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bắc Giang mong muốn trung ương có biện pháp cơ cấu lại tài chính để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh Bắc Giang cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Đạm Hà Bắc ổn định sản xuất, kinh doanh, qua đó giảm được giá thành,... Được như thế bà con nông dân sẽ rất phấn khởi“ – ông Lê Ánh Dương nhấn mạnh.

dam ha bac 4
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thăm kho hàng Nhà máy Đạm Hà Bắc. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty CP Phân Đạm Hà Bắc trong việc nỗ lực xử lý những khó khăn vướng mắc thời gian qua, đưa nhà máy vào hoạt động đạt 90% công suất trong thời gian qua.

Về xử lý khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Việc tìm giải pháp để xử lý yếu kém của Đạm Hà Bắc là yêu cầu cấp bách. Công ty đang nợ số tiền lớn. Nếu để lâu, vốn ngày càng mất đi, lỗ nhiều hơn, do đó phải có giải pháp khả thi, xử lý dứt điểm, không để kéo dài.

Theo Phó Thủ tướng, trong 4 phương án tháo gỡ khó khăn được đề xuất thì phương án tái cơ cấu lại nguồn vốn, xin điều chỉnh lãi suất, xin khoanh nợ, xóa lãi phạt trên lãi đã trả gốc và chậm trả là phương án khả thi nhất. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cần cụ thể hóa các phương án đi kèm các đề xuất giải pháp và các dự báo về giá, biến động thị trường, thời hạn tái cơ cấu, trách nhiệm của từng sở ngành liên quan, đảm bảo tính khả thi để trình các cấp có thẩm quyền xem xét chậm nhất từ tháng 8 tới đây, trên thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích lâu dài, là dự án hoạt động hiệu quả, cương quyết xử lý triệt để tình trạng thâm hụt vốn nhà nước.

 

Trần Bản