Trong tháng 6 hoàn thành đấu nối gần 5.000 MW điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia

Tính đến hết ngày 30/5, đã có 47 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.300 MW được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và trong tháng 6 sẽ có thêm 49 dự án với công suất khoảng 2.600 MW nữa.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019, tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Bộ Công Thương xử lý như thế nào khi hàng loạt các dự án điện mặt trời đồng loạt đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trong tháng 6/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời là chủ trương đúng đắn nhằm đảm bảo điện trong thời gian tới. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp những thách thức, trong đó có vấn đề kỹ thuật để đấu nối vào hệ thống điện quốc gia rất phức tạp.

Làm rõ về nội dung này, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Võ Quang Lâm cho biết: Được chính sách rất ưu đãi của Chính phủ trong thời gian qua, các dự án điện mặt trời đầu tư vào Việt Nam rất nhiều. Việt Nam chắc sẽ trở thành quốc gia phát triển mạnh về điện mặt trời trong thời gian rất ngắn.

Cho tới ngày 30/5, đã có 47 dự án điện mặt trời với công suất 2.300 MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia. Dự kiến, trong tháng 6 này tiếp tục sẽ có khoảng 49 dự án với công suất khoảng 2.600 MW nữa. Như vậy hệ thống điện quốc gia có xấp xỉ 5.000 MW trong một thời gian rất ngắn.

điện mặt trời nổi đa mi
Dự án điện mặt trời trên hồ thủy điện Đa Mi mới được đóng điện thành công

 

EVN cũng thực hiện rút ngắn thời gian các nhà đầu tư phải nộp hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ. Ví dụ phải nộp hồ sơ trước từ 60 đến 90 ngày, EVN yêu cầu chỉ nộp trước 45 ngày. Liên quan đến điều độ, khoảng thời gian là 20 ngày thì giải quyết trong vòng từ 10-15 ngày. Đến lúc khai báo đấu nối thì thực hiện trong khoảng từ 2-10 ngày. So với thời gian theo quy định của Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN đều rút ngắn hơn một nửa thời gian để các nhà đầu tư có thể hoàn thiện hồ sơ của mình được nhanh nhất. Đặc biệt là toàn bộ hệ thống này được khai báo online, các nhà đầu tư không cần đi gặp bất cứ ai cả. Để đáp ứng yêu cầu đấu nối, thời gian qua, EVN đã họp với các nhà đầu tư đã ký hợp đồng mua bán điện. Khoảng hơn 200 nhà đầu tư cùng EVN trao đổi, bàn các biện pháp tháo gỡ để có thể giải tỏa được công suất nhanh nhất. Tập đoàn cũng đã thành lập các tổ công tác tại các tổng công ty điện lực, tại các khu vực có nhiều dự án điện mặt trời, cụ thể là các tỉnh ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. EVN cũng đã thành lập một website, trên đó các nhà đầu tư có thể theo dõi đầy đủ tiến độ đấu nối, các hồ sơ cần thiết phải thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương.

Ông Võ Quang Lâm cho biết thêm: Để giải tỏa công suất nguồn điện cần đầu tư được hệ thống truyền tải điện tương ứng nhằm giải tỏa công suất. Tuy nhiên để hoàn thành công trình lưới điện 220 kV thì mất từ 3 đến 5 năm, công trình 500 kV thì lâu hơn. Khó khăn vướng mắc chính là các thủ tục liên quan đến đất đai. Cụ thể các dự án truyền tải nếu đi qua, phải đền bù phần đất rừng, đất canh tác đều phải xin ý kiến của Thủ tướng. Chính vì vậy quá trình thực hiện tất cả các đấu nối này thời gian dài hơn.

“Tuy nhiên, với mức độ quyết tâm cao nhất, sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, EVN cam kết có thể giải tỏa được công  suất các nhà máy điện mặt trời đang đầu tư và phát điện cho tháng 6 này. EVN tiếp tục báo cáo Bộ Công Thương nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án lưới điện và giải tỏa công suất cho các dự án điện mặt trời nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư”, ông Võ Quang Lâm cho biết.

Xuân Tiến - EVN