Dịch chuyển chuỗi cung ứng
 Trung Quốc hiện đối mặt với áp lực lớn khi nhiều tập đoàn nước ngoài di chuyển cơ sở sản xuất đến các quốc gia Đông Nam Á vốn có lợi thế về chi phí hoặc chuyển về lại các nước phát triển (Ảnh: Axios)

"Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự thay đổi trong phân phối sản xuất toàn cầu. Ngoài ảnh hưởng của các biến động địa chính trị thì các ngành công nghiệp của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực kép, khi các hoạt động sản xuất có xu hướng dịch chuyển về khu vực Đông Nam Á hoặc quay trở lại các nước phát triển. Tình trạng thiếu chip và ngưng trệ chuỗi cung ứng đang đe dọa an ninh và khả năng cạnh tranh của chuỗi cung ứng tại Trung Quốc”, ông Liu Guiping nhấn mạnh.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phải chứng kiến sự rời đi của hàng loạt nhà máy sản xuất lớn thuộc các tập đoàn nước ngoài để đến các quốc gia có ưu đãi và chi phí tốt hơn như khu vực Đông Nam Á. Những lo ngại về đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng đã khiến nhiều quốc gia phát triển như Hoa Kỳ và Nhật Bản đẩy mạnh việc giảm phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất đặt tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Liu Guiping cũng cho biết diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, áp lực lạm phát tăng cao, áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ và sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc có thể tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại quốc tế.

Với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 vừa qua, giới phân tích nhận định Trung Quốc có thể đạt được một số lợi thế chiến lược trong hoạt động sản xuất chế tạo. Đây là hiệp định thương mại tự do đa phương có quy mô lớn đầu tiên mà Trung Quốc ký kết, đặt nền tảng thể chế hóa cho việc xây dựng khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất toàn cầu, có ý nghĩa cột mốc rất quan trọng.

Cơ cấu các nước thành viên của RCEP tương đối đa dạng, vừa có các nền kinh tế phát triển (Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…), vừa có các thị trường mới nổi (Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia…), đồng thời còn có cả những nước thu nhập tương đối thấp (Myanmar, Campuchia…).

Về quy tắc nguồn gốc xuất xứ, RCEP thực hiện quy tắc tích lũy khu vực thống nhất, giúp thành phần giá trị về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm có thể tích lũy ở 15 nước thành viên, theo đó thành phần giá trị đến từ bất kỳ bên nào trong RCEP đều được tính trong nội khối.

Dưới thỏa thuận có liên quan, các công ty đa quốc gia có thể linh hoạt hơn trong việc bố trí không gian sản xuất trong khu vực, cũng như điều phối nguyên liệu sản xuất giữa các nước thành viên, thiết lập hệ thống phân công chuỗi sản xuất chính xác hơn và hoàn thiện hơn. Điều này không chỉ có lợi cho việc mở rộng thương mại giữa các thành viên RCEP, mà còn thúc đẩy hội nhập sâu hơn của chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong khu vực.

Là trung tâm chuỗi cung ứng của ngành chế tạo sản xuất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc có thể dựa vào nền tảng RCEP để thúc đẩy dịch chuyển một bộ phận sản xuất sang các nước đang phát triển khác trong khu vực phù hợp với nhu cầu nâng cấp ngành công nghiệp của mình. Đồng thời, Trung Quốc còn có thể được hưởng lợi từ việc khu vực thương mại tự do liên tục mở rộng và xu hướng hội nhập của thị trường lớn, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giành thị phần lớn hơn trên thị trường giá trị gia tăng cao.

Theo ông Liu Guiping, bên cạnh việc thúc đẩy tiến trình mở cửa, cải thiện môi trường pháp lý và đảm bảo đối xử công bằng với doanh nghiệp nước ngoài để thu hút và giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài thì Trung Quốc cần tập trung khai thác triệt để tiềm năng thị trường nội địa to lớn để duy trì đà tăng trưởng kinh tế.