Trường Cao đẳng Kỹ thuật đầu tiên của nước ta đặt ở đâu?

Trong giai đoạn từ năm 1952 đến năm 1954, hàng loạt lớp đào tạo sâu về công tác thu mua lâm thổ sản, quản lý sản xuất tiểu thủ công nghiệp… được tổ chức dành cho đội ngũ cán bộ mậu dịch, góp phần nâng cao hiệu quả và mở rộng hệ thống mậu dịch quốc doanh.
Lịch sử Công Thương
Kỹ sư Võ Quý Huân (thứ tư từ phải sang) giới thiệu công trình chuẩn bị dự triển lãm năm 1949, gồm: Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mô hình lò cao thí nghiệm 3KC, nồi hơi, máy phát điện. Ảnh: TL

Theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, trong năm 1948 do thiếu lực lượng cán bộ kỹ thuật, ngành Công Thương đã mở Trường Cán bộ kỹ thuật Trung bộ đặt tại xã Đồng Thanh, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Đây là Trường Cao đẳng Kỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trường đào tạo cán bộ kỹ thuật cho ngành Cơ khí và Đúc - Luyện kim, để bổ sung kịp thời cán bộ kỹ thuật cho các công binh xưởng, xí nghiệp kinh tế.

Trong giai đoạn từ năm 1952 đến năm 1954, hàng loạt lớp đào tạo sâu về công tác thu mua lâm thổ sản, quản lý sản xuất tiểu thủ công nghiệp… được tổ chức dành cho đội ngũ cán bộ mậu dịch, góp phần nâng cao hiệu quả và mở rộng hệ thống mậu dịch quốc doanh.

Đặc biệt, từ sau khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc chính thức được thiết lập và tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc được khơi thông trong năm 1950, Chính phủ đã chủ trương cử nhiều cán bộ sang Trung Quốc và Liên Xô để được đào tạo chuyên sâu về quản lý kinh tế, kỹ thuật điện, khai thác khoáng sản… nhằm phục vụ cho công cuộc kiến thiết sau này.

Sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010” cũng kể câu chuyện về người hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Võ Quý Huân:

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hòa Pháp cùng phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Fontainebleau (từ 31/5/1946 đến 10/9/1946). Kỹ sư Võ Quý Huân được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn cùng 3 trí thức (Phạm Quang Lễ, Võ Đình Quỳnh và Trần Hữu Tước) về nước phụng sự Tổ quốc cùng với đoàn của Bác.

Đây là niềm vinh dự và tự hào của mỗi trí thức Việt kiều. Bác tâm sự: “Sớm muộn gì cuộc chiến tranh Việt - Pháp sẽ không tránh khỏi, chú Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), chú Võ Quý Huân về nước sẽ chế tạo được vũ khí đánh giặc, chú Trần Hữu Tước bào chế thuốc men, đó là những yêu cầu khẩn thiết nhất lúc này”.

Tháng 4/1947, sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông được cử về làm Giám đốc Sở khoáng chất kỹ nghệ Trung bộ; Tổng thư ký Hội đồng sản xuất kỹ nghệ Miền nam và liên khu IV; Chủ nhiệm tập san kỹ nghệ, đồng thời nghiên cứu và sản xuất gang, thép để phục vụ kháng chiến chống Pháp. Ông chính là người cán bộ khoa học kỹ thuật đầu tiên trực tiếp thiết kế và xây dựng các lò cao luyện gang, luyện thép với nguyên, nhiên liệu trong nước.

Do thiếu lực lượng cán bộ kỹ thuật, ông đề nghị cấp trên cho mở Trường Đào tạo cán bộ kỹ thuật cho ngành Cơ khí và Đúc - Luyện kim, để bổ sung kịp thời cán bộ kỹ thuật cho các công binh xưởng, xí nghiệp kinh tế. Trường Cán bộ kỹ thuật Trung bộ đặt tại xã Đồng Thanh, Thanh Chương, Nghệ An. Đây là Trường Cao đẳng Kỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Với vai trò là Hiệu trưởng, ông đã biên soạn chương trình đào tạo và trực tiếp giảng dạy. Khóa 1 năm 1948 có 22 học viên tốt nghiệp trở thành cán bộ kỹ thuật kịp thời cung cấp cho các công binh xưởng, cơ sở kinh tế... Đây là khóa duy nhất được đào tạo trong 18 tháng (điển hình như Giáo sư Hà Học Trạc - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Kỹ sư Hoàng Bình - Nguyên Thứ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim, Kỹ sư Nguyễn Văn Hựng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim...). Đây là lớp cán bộ đầu tiên mà sau này đã trở thành lực lượng nòng cốt cho việc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp nặng của đất nước.

Trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bác sĩ Trần Hữu Tước tại Việt Bắc ngày 20/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “. Nói để chúbiết chú mừng: Tôi vẫn mạnh khỏe luôn. Mấy anh em cùng về một lần với chúng ta, chú Nghĩa và chú Huân làm việc rất hăng hái và đắc lực, đã giúp sức rất nhiều trong công việc kháng chiến”.

Đặng Duy Quang - Đào Mạnh Đức