Truy xuất nguồn gốc: Giải pháp hữu hiệu chống hàng giả

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ ngăn chặn được tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như: sữa nhiễm melamine, quần áo chứa dư lượng formaldehyte hay nông

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Đặng Hoàng An trong Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa, góp phần tạo thuận lợi thương mại” do Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại tổ chức sáng nay, 24/8/2018 tại Hà Nội.

Truy xuất nguồn gốc tạo thuận lợi thương mại

Theo Thứ trưởng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa là vấn đề mới nổi trong vài năm trở lại đây song đã và đang được triển khai nhanh chóng. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến.

Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói riêng và đời sống xã hội toàn dân nói chung. Nhất là trong hệ thống truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng đóng vai trò định danh đối tượng cần truy xuất, giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin truy xuất trong suốt chuỗi cung ứng.

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến

Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của việc truy xuất nguồn gốc và chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể.

“Vì thế, Hội thảo “Truy xuất hàng hóa tạo thuận lợi cho thương mại” giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin về việc truy xuất nguồn gốc, nâng cao nhận thức để tận dụng tốt cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là dịp để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp đối với hoạt động này để đưa ra hình thức quản lý phù hợp”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Đặng Hoàng An, bà Amy Guihot, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Australia cho rằng, ứng dụng truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ góp phần thắt chặt liên kết, tương tác đa chiều và giúp doanh nghiệp hai bên dễ dàng tìm ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nhất là với sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Cũng theo chia sẻ của bà Amy Guihot, tại Australia, truy xuất nguồn gốc là một phần quan trọng của hệ thống quản lý thực phẩm tại nước này về yêu cầu đối với thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Do vậy, với những doanh nghiệp chế biến thực phẩm, truy xuất nguồn gốc phải xác định được nguồn gốc của tất cả nguyên liệu đầu vào của thực phẩm như nguyên liệu, chất phụ gia, các thành phần khác, quy cách đóng gói…

Cùng với đó là tên và địa chỉ của nhà cung cấp, tên và địa chỉ khách hàng, ngày giao dịch và giao hàng, chi tiết lô hàng, khối lượng và số lượng của sản phẩm khi giao hàng và bất kỳ hồ sơ sản xuất nào khác có liên quan.

Ứng dụng truy xuất nguồn gốc sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói riêng và đời sống xã hội toàn dân nói chung

Bà Amy Guihot cho rằng, khi doanh nghiệp tham gia vào hệ thống này, trong tương lai sẽ hài hòa liên kết những quy định truy xuất nguồn gốc áp dụng trong nước. Ngoài ra, sẽ có giấy chứng nhận quản lý an toàn thực phẩm được công nhận đối với một số loại thực phẩm…

Hiện tại, Australia đã có một số dự án truy xuất nguồn gốc hợp tác với Việt Nam như: dự án truy xuất nguồn gốc thịt bò tại TP. Hồ Chí Minh; Dự án phát triển và công nhận tiêu chuẩn Australia cho sản phẩm thịt bò làm mát nhằm giúp hương vị ngon hơn, nâng cao tính an toàn, cạnh tranh hơn và cải thiện những quy định kiểm soát giết mổ.

Truy xuất nguồn gốc: Giải pháp hữu hiệu ngăn chặn hàng giả

Ứng dụng truy xuất nguồn gốc không những tạo thuận lợi thương mại mà còn là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như: sữa nhiễm melamine, quần áo chứa dư lượng formaldehyte hay nông sản "tắm hóa chất", đội lốt hàng Việt Nam...

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Việt Nam là một nước vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu lớn, nên ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa đóng vai trò quan trọng. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: EU, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc... ngày càng đặt ra những yêu cầu ngặt nghèo về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhằm cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng.

"Scandal thực phẩm bẩn do không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm diễn ra ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn như vụ việc sữa Melamine, quần áo dư lượng formaldehyte, thực phẩm chức năng giả... nếu không truy xuất được nguồn gốc sẽ rất nguy hiểm. Tình trạng lợn 2 chuồng, rau 2 luống cũng xử lý được bằng truy xuất”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội công nghệ cao TP Hồ Chí Minh chia sẻ, mới đây, dư luận cả nước bất bình với việc khoai tây Trung Quốc "đội lốt" khoai tây Đà Lạt để tiêu thụ tại Việt Nam. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng cũng gây nhức nhối toàn cầu.

"Các nhà bán lẻ lớn trên thế giới như Wallmart... đang đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc. Dự kiến cuối năm 2019, đầu năm 2020, yêu cầu này càng được đặt cao. Doanh nghiệp Việt Nam muốn có cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này phải thực hiện truy xuất nguồn gốc. Việc này cũng mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng trong nước.

Hiện tại, các sản phẩm nông - thủy sản từ Việt Nam đang xuất khẩu ra thế giới với số lượng ngày càng nhiều, do đó truy xuất nguồn gốc là yếu tố nền tảng quan trọng để tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn, từ đó hình tành sự an tâm, tin tưởng và trung thành của khách hàng nhập khẩu với các sản phẩm và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp"- ông Đào Hà Trung nói.

Chia sẻ với báo chí bên lề Hội thảo, ông Lê Đại Dương - Công ty iShopgo cho rằng, cần làm kỹ việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa để ngăn chặn tình trạng “phù phép” cho hàng kém chất lượng, hay tẩm hóa chất nông sản.

Tuy nhiên, đại diện Công ty iShopgo lưu ý, hiện tại trên thị trường đang nhiều đơn vị làm truy xuất nguồn gốc nhưng thực chất đây chỉ là việc truy cập thông tin, kiểm tra hàng hóa xem đơn vị nào sản xuất, địa chỉ ở đâu...

"Truy xuất nguồn gốc cần nhiều thông tin hơn. Chẳng hạn như việc kiểm tra thông tin thông thường trên miếng thịt lợn bán trên thị trường chỉ là một công đoạn, từ con lợn đến tuổi giết mổ đến bàn ăn. Truy xuất thông tin cần biết được cả con lợn này giống gì, ăn thức ăn gì, nuôi trong chuồng trại như thế nào..." - ông Lê Đại Dương nhấn mạnh.


Hạ Vũ