[Truyền thống Công Thương] Mình làm việc ý nghĩa thì vật sẽ tìm chủ

Đến giờ, khi ngắm chiếc cân đồng hồ 2 mặt được đặt trang trọng tại Phòng Truyền thống ngành Công Thương, tôi thực sự xúc động. Bởi vì, kể từ năm 2000, chiếc cân này đã không còn được sản xuất nữa.

Trong hành trình đi tìm hiện vật cho Phòng Truyền thống ngành Công Thương, tôi được giao nhiệm vụ tìm những hiện vật thời bao cấp như: tem phiếu, sổ gạo, sổ mua thực phẩm, thuốc lá, bánh kẹo, mứt tết, cân thực phẩm... Trong số những "của hiếm" này, có lẽ chiếc cân thực phẩm là khó tìm nhất.

Chiếc cân có hai cái đĩa để hai bên, một bên để quả cân, một bên để thực phẩm, còn ở giữa là đồng hồ có hai mặt để người bán và người mua đều nhìn được. Thời bao cấp, nó chỉ có ở trong các cửa hàng bán thực phẩm. Đây là thứ không thể cất vào trong tủ được vì rất nặng và cồng kềnh.

Sau khi cầu cứu 500 anh em trên face book, tôi được mách là vào các hội nhóm về đồ xưa, đồ cũ, đồ bao cấp, đồ cổ, thanh lý đồ cũ… có thể có những thứ mà mình đang cần.

Suốt 1 tuần, đêm nào tôi cũng lọ mọ đến một hai giờ sáng để vào các hội nhóm xem có tìm được thứ gì không. U là trời! Đủ thứ hàng thời bao cấp được rao bán trong này. Mừng như bắt được vàng. Nhưng càng hy vọng bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu. Hàng thời bao cấp thì nhiều nhưng đa số là đầu đĩa, đài cassette, ti vi đen trắng, bếp dầu… còn sản phẩm công nghiệp và thương mại thì rất hiếm.

Đặc biệt là chiếc cân bàn dùng trong các cửa hàng thực phẩm ngày xưa thì cực hiếm. Sục sạo khắp nơi mà không thấy ai rao bán, tôi đành đăng thông báo tìm mua. Liên tục trong vòng 1 tháng, ngày nào tôi cũng đăng tin “cần mua chiếc cân bàn dùng trong các cửa hàng thực phẩm thời bao cấp” trên tất cả các hội nhóm.

Cuối cùng cũng có một người ở tận Sầm Sơn – Thanh Hóa  chào bán chiếc cân quý hiếm này. Sau khi thỏa thuận giá cả, tôi hẹn người bán nhắn số tài khoản để chuyển tiền, xong sẽ có người đến tận nơi để nhận cân. Nghe người bán nói, anh ta chỉ là người sưu tầm cân về chơi chứ không buôn bán gì. Thấy mình cần mua để trưng bày nên anh ta mới bán cho mình.

Can dong ho
Cân đồng hồ 2 mặt do Nhà máy Cơ khí Phổ Yên sản xuất được trưng bày tại Phòng truyền thống ngành Công Thương

Mãi mà không thấy anh ta nhắn số tài khoản, đến tối, tôi gọi điện nhờ anh bạn làm ở Nhà khách của Bộ Công Thương ở Sầm Sơn mang tiền đến để lấy cân thì anh ta nói đã bán cho người khác rồi. Nghe tin mà như sét đánh ngang tai.

Hóa ra, trong lúc mình chờ anh ta nhắn tài khoản để chuyển tiền thì đã có người khác mang tiền mặt đến tận nhà và trả thêm cho anh ta 500 ngàn đồng. Thấy có lợi, thế là anh ta bán luôn. Tôi ức quá! Cả đêm không ngủ được.

Thấy tôi vật vã vì tiếc, Sếp bảo, thôi không phải tiếc, mình có tâm kiểu gì vật cũng tìm đến chủ. Ấy thế mà đúng thật. Mấy hôm sau, có người gửi cho tôi hình ảnh một chiếc cân bàn tuy không đẹp long lanh như chiếc cân tôi mua trượt nhưng vô cùng có ý nghĩa. Bởi chiếc cân này do Nhà máy Cơ khí Phổ Yên sản xuất, hàng Việt Nam chính hiệu chứ không phải chiếc cân do Ba Lan viện trợ.

Chiếc cân này có độ chính xác cao, phạm vi dao động cân lớn từ 0 - 100 kg. Sản phẩm cũng được xuất khẩu sang các nước Đông Âu trong giai đoạn từ năm 1985 - 1989. Vậy là chốt đơn, và chỉ 1 ngày sau, chiếc cân đã có mặt ở Tạp chí Công Thương để chờ ngày trưng bày trong Phòng truyền thống ngành Công Thương.

can dong ho
Cân đồng hồ 2 mặt do Nhà máy Cơ khí Phổ Yên sản xuất

Đến giờ, khi ngắm chiếc cân đã được đặt trang trọng trong Phòng truyền thống ngành Công Thương, tôi thực sự xúc động. Bởi vì, kể từ năm 2000, chiếc cân này đã không còn được sản xuất.

Đây có lẽ là một kỷ niệm khó quên nhất trong quá trình đi sưu tầm hiện vật cho Phòng truyền thống ngành Công Thương.

[Quảng cáo]

 

Nguyên Vỵ