Dùng người tài đúng chỗ

Quá trình công tác chuyên ngành vật tư, trước khi trở thành Thứ trưởng, ông Nguyễn Văn Bối đã lần lượt được cử làm giám đốc, tổng giám đốc ở 3 đơn vị kinh doanh, đó là Công ty Vật tư Hòa Bình, Công ty Vật tư Hà Sơn Bình, Công ty Vật tư Đà Nẵng. Điều đáng lưu tâm là ở cả 3 đơn vị đó đều đang trong quá trình thanh tra với nhiều vụ việc sai trái. Và sau khi thanh tra kết thúc thì tổng cộng cả 3 đơn vị có gần 60 cán bộ, từ trưởng, phó phòng đến giám đốc, tổng giám đốc bị xử lý với những mức độ và hình thức kỷ luật khác nhau hoặc bị khởi tố.

Nguyên Thứ trưởng Bối nhớ lại: “Thú thực, khi chưa xuống đơn vị, chỉ qua nghiên cứu hồ sơ thấy đơn vị “nát bét” cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, cả về tổ chức lẫn hoạt động kinh doanh, tôi đã trải qua bao đêm mất ngủ, bao nhiêu lo lắng, mệt mỏi, thậm chí có lúc phát sinh ý nghĩ thoái lui. Thế rồi không biết có phải do “có duyên” với việc tháo gỡ tiêu cực hay không mà cả 3 đơn vị “điểm” đó, tôi đều hoàn thành nhiệm vụ”.

Điều đặc biệt là, tại cả 3 đơn vị này, ông đều dùng lại các cán bộ còn lại mà không ngại gì vấn đề “ê kíp” “dây dợ". Đó chính là nghệ thuật dùng người, phải biết dùng người đúng sở trường, nguyện vọng, kể cả dù là người ít năng lực nhất vẫn có những điểm mạnh, một lãnh đạo biết nhìn ra để đánh thức các điểm mạnh thì đó là người lãnh đạo giỏi.

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Văn Bối còn giữ quan điểm về cách nhìn nhận người tài và một lãnh đạo muốn đưa sự nghiệp của nhanh mình đi lên là phải biết vượt qua được những cảm xúc yêu -ghét thông thường của một con người bình thường.

Những bước đi táo bạo

Ngay từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Vật tư đã có những bước đi rất táo bạo. Năm 1986, ngành Vật tư có đề án “Bảo đảm quyền chủ động của cơ sở trong kinh doanh, cung ứng vật tư” và “Chiến lược kinh tế vật tư trong 15 năm tới” và Quy định và đổi mới cơ chế lưu thông vật tư và sắp xếp lại hệ thống kinh doanh vật tư. Cũng trong thời gian này đã trình Nhà nước thống nhất quản lý giá, hạn chế sử dụng “giá cứng” mà thay thế bằng quy trình “khung giá”, “giá trần”, “giá sàn”.

Để mở rộng quyền tự chủ kinh doanh của cơ sở, Bộ Vật tư đã cho phép các đơn vị trực thuộc đa dạng hóa kinh doanh, mở rộng quyền tự chủ kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng. Những vật tư Nhà nước ủy quyền cho Bộ Vật tư phân phối, Bộ đã phân cấp cho các Tổng công ty và Công ty ngang hàng, trực thuộc Bộ. Đa dạng hóa kinh doanh, phân cấp mạnh cho dưới vừa là biện pháp tinh thế, giải quyết đời sống cho CBCNV trong hoàn cảnh vật giá leo thang hàng ngày và lao động dôi dư, đồng thời chuẩn bị cho các doanh nghiệp vật tư bước vào cơ chế thị trường.

Các mặt hàng thuộc diện kinh doanh đa dạng được chủ động định giá, chủ động quan hệ mua bán với các bạn hàng, không phân biệt thành phần kinh tế và địa giới hành chính, được “hạch toán thương mại” phân phối thu nhập theo hiệu quả kinh doanh. Ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Bộ Vật tư đã kiến nghị HĐBT cho các Tổng công ty ngành hàng được trực tiếp nhập khẩu.

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Văn Bối nói với chúng tôi: “Đến nay những điều trên đã trở nên quen thuộc với tất cả chúng ta, nhưng vào những năm 1985 – 1990 làm điều đó thật không dễ dàng. Thế mới biết thành công nào cũng phải vượt qua khó khăn gian khổ và có khi phải trá giá rất đắt”.

Quả đúng thế. Thời gian đã làm phai mờ biết bao sự kiện, bao điều suy nghĩ từng vấn vương trăn trở ngày đêm. Thế nhưng, trong tâm khảm của lão cán bộ nay đã ngoại 90 tuổi phụ trách mảng vật tư của Bộ Vật tư khi đó mà nay là Bộ Công Thương, vẫn chưa bao giờ thôi trân trọng những bài học rút ra từ thực tế. Với ông, nó sẽ mãi mãi là chân lý trong cuộc sống, hay ít ra cũng trở thành yếu tố cần và đủ để chúng ta tiếp tục suy nghĩ, tìm ra đường đi nước bước tớ bến bờ, tiếp tục làm vẻ vang cho ngành.