Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Bộ Nông nghiệp, nguồn nước và Môi trường Úc vừa ban hành các điều kiện nhập khẩu mới đối với tôm và các sản phẩm từ tôm chưa được làm chín phục vụ tiêu dùng của con người nhập khẩu vào thị trường Úc. Các quy định này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020.

Theo Bộ Nông nghiệp Úc, việc đưa ra các điều kiện mới này là cần thiết để quản lý được rủi ro về an toàn sinh học liên quan đến bệnh Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) (Bệnh vi bào tử trùng ở tôm). Các điều kiện nhập khẩu hiện tại (bao gồm cả đối với tôm đông lạnh đã bỏ đầu và vỏ) chưa kiểm soát được rủi ro từ bệnh EHP ở mức độ bảo vệ thích hợp của Úc (ALOP). Rút bỏ chỉ (tĩnh mạch) tôm được coi là biện pháp hữu hiệu và thực tế nhất để giảm lượng bào tử EHP có thể tồn tại ở các cá thể tôm bị nhiễm bệnh.

Các điều kiện này được ban hành sau khi đã tham vấn ý kiến của các bên liên quan tại nội dung Hướng dẫn An toàn sinh học động vật 2020- A02. Theo đó, tôm và các sản phẩm từ tôm chưa được làm chín sẽ phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đã qua khâu sơ chế loại bỏ chỉ tôm.

Các sản phẩm này sẽ tiếp tục được kiểm tra dấu niêm phong toàn bộ 100% các lô hàng khi làm thủ tục thông quan tại Úc. Nếu không đáp ứng được các quy định mới này các sản phẩm nêu trên sẽ được hướng dẫn tái xuất hoặc tiêu hủy hoặc xử lý (ví dụ: làm chín).

Những thay đổi về điều kiện nhập khẩu này không áp dụng đối với các sản phẩm đã được làm chín, chế biến sâu, tẩm bột, nghiền (BBC) hoặc các sản phẩm tôm có nguồn gốc từ Úc đã chế biến tại cơ sở được phê duyệt của Thai Union.

Các điều kiện nhập khẩu mới này sẽ được duy trì tạm thời trong quá trình Úc thực hiện Đánh giá rủi ro An toàn sinh học và các điều kiện nhập khẩu tôm và các sản phẩm từ tôm phục vụ tiêu dùng của con người theo tuyên bố của Giám đốc cơ quan An toàn sinh học của Úc vào ngày 16 tháng 5 năm 2017.

Dự thảo Báo cáo đánh giá này dự kiến sẽ công bố vào giữa năm 2020 để thực hiện tham vấn các bên liên quan.

che bien tom
Rút bỏ chỉ tôm được coi là biện pháp hữu hiệu để giảm lượng bào tử EHP có thể tồn tại ở các cá thể tôm bị nhiễm bệnh

Úc cũng đã ban hành thông báo về vệ sinh và kiểm dịnh động vật (SPS) tới Ủy ban phụ trách về SPS của WTO để thông báo tới các đối tác thương mại. Ngoài ra, các tổ chức đang được cấp phép nhập khẩu các mặt hàng này của Úc cũng sẽ nhận được thông báo.

Úc là một trong những quốc gia có các yêu cầu về tuân thủ an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao, kiểm dịch khắt khe hơn so với những thị trường khác bởi người tiêu dùng Úc đặt ra tiêu chuẩn rất cao và các tiêu chuẩn này được hỗ trợ bởi một loạt các quy định bảo vệ người tiêu dùng ở tất cả các bang trên đất nước. Doanh nghiệp cần lưu tâm khi XK vào thị trường này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Úc đứng thứ 7 về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm 3,8% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Úc là một nước thành viên trong CPTPP. Theo cam kết trong CPTPP, tất cả các sản phẩm tôm XK sang Úc đều ở 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Trong số các mặt hàng thủy sản NK từ Việt Nam thì tôm là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất tại Úc với lượng tiêu thụ hàng năm lên tới 50-60 nghìn tấn. Mặc dù, tôm nuôi tại Úc được ưa chuộng nhưng càng ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn tôm đông lạnh NK từ Thái Lan và Việt Nam. Bên cạnh đó, tôm sú to của Việt Nam cũng được người tiêu dùng Úc ưa chuộng.

Năm 2019, XK tôm Việt Nam sang Australia đạt gần 121 triệu USD. Tính tới 15/4/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Úc đạt 29,6 triệu USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam chủ yếu XK sang thị trường Australia các sản phẩm như tôm chân trắng PD tươi đông lạnh, tôm chân trắng thịt bỏ đầu còn đuôi tươi đông lạnh, tôm chân trắng bỏ đầu lột vỏ, tôm chân trắng nguyên con hấp đông lạnh, tôm chân trắng thịt tẩm bột tempura chiên đông lạnh…