Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 28/2015/TT-BCT quy định việc thực hiện thí điểm tự CNXX trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, theo đó doanh nghiệp có thể tự CNXX hàng hóa khi xuất khẩu sang Lào, Philippines, Indonesia và Thái Lan. Đây được coi là bước khởi đầu giúp doanh nghiệp Việt Nam làm quen với một nội dung mới trong các FTA để có kinh nghiệm thực tế, tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập khi hàng loạt các FTA thế hệ mới sẽ được ký kết và có hiệu lực.

Xu thế tất yếu của hội nhập

Mặc dù còn tương đối mới ở Việt Nam, nhưng cơ chế tự CNXX đã khá phổ biến trên thế giới. Việc áp dụng các cơ chế tự CNXX hàng hóa được dự báo sẽ là xu hướng tất yếu, xu thế bắt buộc trong đàm phán một số FTA thế hệ mới... Vì vậy, trong tương lai, cơ chế này sẽ được áp dụng phổ biến tại Việt Nam do các đối tác mà Việt Nam đang đàm phán FTA đều sử dụng cơ chế này.

Theo ông Âu Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan: Trong tất cả các FTA, quy tắc xuất xứ được coi là một thỏa thuận giữ vai trò quan trọng. Quá trình đàm phán các FTA thế hệ mới hiện nay, các nước thành viên luôn coi việc tự CNXX hàng hóa là một trong các mục tiêu hướng tới để thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa; cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và nhân lực cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Cơ chế tự CNXX hiện được nhiều nước trên thế giới áp dụng như New Zealand, Úc, EU, Mỹ, Canada, Mexico, Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, một số nước Mỹ Latinh; châu Á có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines. Dù việc áp dụng cơ chế này ở các mức độ, hình thái khác nhau nhưng về cơ bản đều giống nhau ở điểm chung là chuyển dịch vụ công này từ cơ quan chính phủ (hoặc cơ quan được chính phủ ủy quyền) sang cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước của nước xuất khẩu chỉ hợp tác điều tra, giám định xuất xứ khi có yêu cầu từ phía nước nhập khẩu.

Tại EU, hệ thống tự CNXX đã được sử dụng hơn 40 năm cho thấy được những ưu điểm của nó như đơn giản hóa quy trình thủ tục, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giảm rủi ro cho các cơ quan cấp phép và bớt gánh nặng cho hải quan. Chính vì vậy, trong các FTA mà EU đã ký hoặc đang đàm phán, đều yêu cầu phía đối tác áp dụng cơ chế tự CNXX. Thậm chí, EU cũng đang xem xét áp dụng cơ chế này trong Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Theo bà Deborah Elms - Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á, việc các doanh nghiệp được tự CNXX sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được các lợi thế rất lớn về thuế quan (đối với một số mặt hàng thuế suất là 0%) tại các nước mà Việt Nam tham gia đàm phán các hiệp định thương mại.

Việt Nam bắt đầu thực hiện tự CNXX hàng hóa

Ngày 20/8/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 28/2015/TT-BCT quy định, các doanh nghiệp có thể tự CNXX hàng hóa (C/O mẫu D) khi xuất khẩu sang 4 nước: Lào, Philippines, Indonesia và Thái Lan từ ngày 5/10/2015. Thông tư này cụ thể hóa việc Việt Nam chính thức thực hiện thí điểm tự CNXX hàng hóa theo cam kết trong ASEAN. Theo đại diện Bộ Công Thương, khi thực hiện thí điểm cơ chế tự CNXX hàng hóa, từ các tiêu chí trong Thông tư 28, Bộ Công Thương sẽ xem xét để quyết định danh sách doanh nghiệp được tự CNXX đối với hàng hóa xuất khẩu của mình. Sau thời gian thực hiện thí điểm, các nước trong ASEAN sẽ họp với nhau để xem điều khoản nào tốt cho cả 2 dự án thì nhập vào làm 1 và thực hiện trên toàn khối ASEAN.

Với các FTA mà Việt Nam đang trong quá trình đàm phán như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - EFTA đều có cơ chế tự CNXX. Riêng Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc, cơ chế này sẽ được thảo luận sau khi Hiệp định có hiệu lực. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong nội dung của Hiệp định TPP mà Việt Nam đã hoàn thiện đàm phán, thủ tục tự CNXX là một trong những điểm mới đáng lưu ý so với các FTA trước đây. Theo đó, nội dung Hiệp định yêu cầu cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự CNXX. Tuy nhiên, do tự CNXX còn mới nên để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý từng bước tiếp cận với cơ chế mới, tận dụng lợi thế của FTA nên đối với một số hàng nhập khẩu, Việt Nam và một số nước bảo lưu chỉ áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự CNXX sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; đối với hàng xuất khẩu có thể áp dụng song song hai hình thức sau tối đa 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Đó là cấp chứng nhập C/O theo kiểu truyền thống và người xuất khẩu đủ điều kiện tự CNXX. Sau thời gian 10 năm sẽ áp dụng tự CNXX hoàn toàn như các nước.

Do đây là cơ chế hoàn toàn mới, việc áp dụng cơ chế tự CNXX hàng hóa vào điều kiện thực tế tại Việt Nam còn nhiều khó khăn. Bộ Công Thương đang đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, đào tạo cho doanh nghiệp về việc tận dụng các quy tắc xuất xứ và cơ chế tự CNXX nhằm giúp doanh nghiệp có thể hiểu rõ và áp dụng tốt nhất cơ chế tự CNXX hàng hóa, tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA đem lại.