Từ chuyện mật ong xuất sang Hoa Kỳ nhìn ra nông sản Việt

Thưa ông, Bộ Công Thương đánh giá như thế nào về việc Hoa Kỳ giảm mức thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam tại Kết luận cuối cùng? Mức thuế này sẽ tác động thế nào đến ngành ong Việt Nam?

Như chúng ta đã biết, ngày 8/4/2022 mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng về mức phá giá trong vụ việc điều tra chống bán phá giá mật ong nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Brazil và Argentina. Theo đó, thuế chống bán phá giá đối với mật ong đã giảm rất mạnh, từ mức trên 410% (410,93% - 413,99%) trong kết luận sơ bộ xuống còn trung bình khoảng 60% (58,74% - 61,27%). 

Mức giảm này có thể nói là rất lớn, tương đương khoảng 7 lần và tác động của nó là rất rõ ràng, đặc biệt quan trọng đối với ngành ong Việt Nam.

Nếu như trước đây mức thuế chống bán phá giá trên 410% đã đóng cửa thị trường Hoa Kỳ đối với mật ong xuất khẩu của chúng ta, thì hiện nay mức thuế trung bình khoảng 60% đã mở cửa lại thị trường này, trong đó có doanh nghiệp được hưởng thuế khoảng 58,74%. Các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của ta có thể nỗ lực để tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ do giá xuất khẩu mật ong của ta tương đối thấp, thấp nhất trong số các nước xuất khẩu chính mật ong vào Hoa Kỳ.

Đây là thị trường quan trọng nhất hiện nay của mật ong Việt Nam, chiếm tới trên 80% sản lượng mật ong Việt Nam và chiếm trên 90% tổng lượng mật ong xuất khẩu của ta. 

Không chỉ cho phép chúng ta tiếp tục xuất khẩu, kết luận này của DOC đồng thời cho phép ta có thể đề nghị rà soát giảm thuế trong các giai đoạn sắp tới.

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

Để có được kết quả này, hẳn chúng ta đã phải nỗ lực rất nhiều trong suốt 1 năm qua? 

Thực tế, trên cơ sở tình hình xuất khẩu của Việt Nam và diễn biến chính sách của các nước nhập khẩu, trong đó có Hoa Kỳ, ngay từ năm 2020 Bộ Công Thương đã cảnh báo sớm nguy cơ mặt hàng mật ong Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại. Chúng tôi cũng đã gửi cảnh báo sớm này cho các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, Hội Nuôi ong Việt Nam và các doanh nghiệp để có phương án ứng phó.

Tháng 3/2021, khi nhận được thông tin về khả năng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra  chống bán phá giá, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Hội Nuôi ong và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ để cùng thảo luận, cung cấp thông tin đầy đủ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta về các quy định về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, xây dựng phương án ứng phó, trong đó có việc thuê luật sư để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu chúng ta.

Đặc biệt, ở các cấp khác nhau, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đều đã trao đổi với phía Hoa Kỳ về quan điểm của Việt Nam đối với vụ việc. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã hai lần gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ nêu rõ việc các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và đề nghị phía Hoa Kỳ tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi điều tra vụ việc này. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã trực tiếp nêu vấn đề này với Đặc phái viên của Hoa Kỳ. 

Trong các cuộc làm việc với phía Hoa Kỳ như Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam..., lãnh đạo Bộ Công Thương đều đặt ra vấn đề này và một lần nữa đề nghị phía Hoa Kỳ xem lại vụ việc, đánh giá một cách khách quan, công bằng theo đúng các quy định của WTO, đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngành mật ong Việt Nam. 

Thông qua kênh ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần làm việc với các cơ quan liên quan khác của Hoa Kỳ như Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Hội Thực phẩm Hoa Kỳ… về quan điểm của Việt Nam đối với vụ việc.

Cụ thể hơn, Bộ Công Thương đã đề nghị DOC đảm bảo nguyên tắc "so sánh công bằng" của WTO khi tính toán biên độ phá giá cho các doanh nghiệp Việt Nam, đề nghị DOC có thể sử dụng các nguồn dữ liệu phù hợp, khách quan và công bằng hơn. 

Ngoài ra, do ngành chế biến mật ong của Hoa Kỳ mới chỉ đáp ứng được hơn 25% tổng nhu cầu tiêu dùng của Hoa Kỳ, Bộ Công Thương cũng đề nghị DOC xem xét cả tác động vụ việc đối với người sử dụng, đảm bảo hài hòa lợi ích trong thương mại song phương và các mục tiêu chung về chống biến đổi khí hậu của hai nước

Từ chuyện mật ong xuất sang Hoa Kỳ nhìn ra nông sản Việt

 

Từ chuyện mật ong xuất sang Hoa Kỳ nhìn ra nông sản Việt

Ở trên ông đã nhắc đến việc rà soát giảm thuế, đây có phải chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới? 

Đúng vậy. Tại Hoa Kỳ, có hai cơ quan tham gia vào một vụ việc điều tra chống bán phá giá là DOC (xác định mức thuế chống bán phá giá) và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ - ITC (xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước). Biện pháp chống bán phá giá sẽ chính thức có hiệu lực trên cơ sở kết luận cuối cùng về bán phá giá của các nhà xuất khẩu và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Hiện nay, ITC đang điều tra về thiệt hại và dự kiến ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 23/5/2022. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có ý kiến với ITC về tác động của việc áp thuế chống bán phá giá đối với mật ong của Việt Nam và các nước, đối với chính người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ, để phía Hoa Kỳ có đánh giá một cách khách quan, công bằng và tuân thủ đúng quy định của WTO cũng như quy định của Hoa Kỳ, đảm bảo lợi ích của cả nhà sản xuất, xuất khẩu mật ong cũng như của người tiêu dùng.

Trong trường hợp ITC xác định có thiệt hại và DOC chính thức ban hành lệnh áp thuế, theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và quy định của chính Hoa Kỳ thì hàng năm các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta vẫn có cơ hội để đề nghị rà soát thuế chống bán phá giá trong các năm tiếp theo với điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp tiếp tục duy trì xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong mới tham gia vào thị trường Hoa Kỳ cũng có thể đề nghị DOC rà soát nhà xuất khẩu mới để được dành cho mức thuế hợp lý… 

Vì vậy, nếu các doanh nghiệp chúng ta có sự chuẩn bị kỹ về hồ sơ, về số liệu, về chi phí, về mức giá thì chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đề nghị phía Hoa Kỳ có đánh giá khách quan khi rà soát.

Sau khi ITC có kết luận cuối cùng về thiệt hại, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Hội Nuôi Ong và các doanh nghiệp để trao đổi cụ thể về các quy định rà soát của Hoa Kỳ.

Thực tiễn cho thấy trong các vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá  đối với sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như cá tra - basa, tôm nước ấm, ở kết luận ban đầu mức thuế cũng rất cao. Tuy nhiên, thông qua các đợt rà soát hành chính hàng năm, các doanh nghiệp tham gia rà soát của Việt Nam đều đã đề nghị phía Hoa Kỳ rà soát và đạt được kết quả rất tích cực, có những doanh nghiệp được coi là không bán phá giá sang Hoa Kỳ. Nhờ vậy, các sản phẩm này của chúng ta vẫn tiếp tục duy trì, thậm chí là tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Như vậy, với việc chúng ta tiếp tục xuất khẩu được sang Hoa Kỳ và sự chuẩn bị tốt hơn, kỹ lưỡng hơn của người nuôi ong cũng như ngành sản xuất, xuất khẩu mật ong của Việt Nam, chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta hoàn toàn có thể giảm thuế được trong các đợt rà soát sắp tới.

Từ chuyện mật ong xuất sang Hoa Kỳ nhìn ra nông sản Việt

Bên cạnh những giải pháp vừa qua, Bộ Công Thương sẽ triển khai những biện pháp nào trong thời gian tới để tiếp tục ứng phó và gỡ vướng cho ngành nuôi ong, thưa ông?

Để đảm bảo lợi ích chính đáng của ngành ong Việt Nam, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Hội Nuôi Ong và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mật ong theo dõi sát sao vụ việc; tiếp tục bày tỏ quan điểm với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ cho đến khi Hoa Kỳ ban hành kết luận về thiệt hại và có lệnh áp thuế chính thức. 

Mặt khác, chuẩn bị sẵn sàng thông tin, số liệu để thực hiện các bước tiếp theo khi tới các đợt rà soát (hành chính, cuối kỳ, nhà xuất khẩu mới,...).

Bộ Công Thương sẽ phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ Hội Nuôi Ong, người nuôi ong và doanh nghiệp thực hiện tốt việc này để đảm bảo chúng ta được hưởng mức thuế phản ánh đúng nhất ngành sản xuất, xuất khẩu mật ong của Việt Nam, đảm bảo lợi ích của người nuôi ong. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ Hội Nuôi ong, các doanh nghiệp xuất khẩu triển khai một số biện pháp như:

Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường. Hiện nay 80% mật ong của chúng ta là xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Lãnh đạo Bộ Công thương đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại các thị trường để hỗ trợ ngành ong giới thiệu sản phẩm mật ong của ta ra các thị trường khác. 

Thứ hai, hỗ trợ Hội Nuôi ong, các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta tham gia trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong các FTA với EU, với Anh hay là Hiệp định RCEP vừa có hiệu lực. Trong tất cả các Hiệp định này, thuế đối với mặt hàng mật ong đều được đưa về 0%. Đây rõ ràng là cơ hội rất lớn, đặc biệt đối với những thị trường truyền thống và có nhu cầu tiêu thụ mật ong tương đối lớn, như Nhật Bản, EU, Anh,… 

Thứ ba, hướng dẫn các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ mật ong tại thị trường trong nước, khai thác tối đa tiềm năng rất lớn của thị trường 100 triệu dân, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực từ vụ việc bị điều tra chống bán phá giá tại Hoa Kỳ. 

Từ chuyện mật ong xuất sang Hoa Kỳ nhìn ra nông sản Việt

 

Từ chuyện mật ong xuất sang Hoa Kỳ nhìn ra nông sản Việt

Thưa ông, nhìn lại toàn bộ câu chuyện của ngành ong, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm gì cho các ngành nông sản khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế?

Chúng tôi cho rằng có hai bài học lớn ở đây.

Bài học đầu tiên là các doanh nghiệp cần xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng được yêu cầu của các đối tác, bao gồm quản lý về nguyên vật liệu, về quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc,… Các quy trình này đều phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh đầy đủ cả về chi phí sản xuất và chất lượng sản phẩm. Việc nâng cao tính chuyên nghiệp trong hệ thống sổ sách kế toán của các doanh nghiệp, dần tuân thủ chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ giúp đảm bảo cung cấp đầy đủ số liệu, đạt hiệu quả kháng kiện hay rà soát giảm thuế tốt hơn nữa.

Thời gian qua, một số ngành hàng xuất khẩu của chúng ta, kể cả các ngành nông sản, ban đầu có thể gặp khó khăn ở thị trường nước ngoài khi bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng trong quá trình trao đổi, ứng phó với các vụ việc thì dần dần các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm, vượt qua được các rào cản, yêu cầu mà đối tác nhập khẩu đặt ra. 

Chúng tôi thấy rằng, một số ngành như tôm, cá tra,… trước đây đã phải đối mặt với việc bị điều tra phòng vệ thương mại và ban đầu cũng rất bỡ ngỡ, rất khó khăn. Tuy nhiên, sau quá trình áp dụng hệ thống quản lý hiện đạt, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đa dạng hóa thị trường  thì chúng ta đều đã vượt qua được những rào cản này và dần dần tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu, phát triển mạnh hơn tại các thị trường đó. Đây là bài học rất lớn mà chúng tôi cho rằng những ngành hàng khác của chúng ta có thể tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường nước ngoài.

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

Bài học thứ hai mà chúng tôi cho rằng cần phải lưu ý, đó là cần đa dạng hóa thị trường. Bởi nông sản cũng chính là một trong những ngành hàng có nguy cơ cao phải chịu những rào cản, quy định khắt khe tại thị trường nước ngoài. Nếu không có sự chuẩn bị, không sẵn sàng chiến lược đa dạng hóa thị trường, phân tán rủi ro thì rất có thể chúng ta sẽ gặp khó khăn khi mà một thị trường lớn của ta áp dụng các rào cản này. 

Đồng thời, các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, xuất khẩu phải luôn theo sát thông tin; thường xuyên trao đổi thông tin với đối tác nhập khẩu, đặc biệt là cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu như rào cản hành chính, rào cản kỹ thuật trong thương mại…. Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương. 

Trong trường hợp bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ, như trả lời bản câu hỏi đầy đủ, đúng thời hạn, đúng quy định, hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài trong suốt quá trình điều tra, theo dõi sát thông tin từ phía cơ quan điều tra…, tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo doanh nghiệp có thể xem xét sử dụng luật sư tư vấn am hiểu pháp luật phòng vệ thương mại trong các trường hợp cần thiết. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu khác để cùng xử lý, cũng như trao đổi với Bộ Công Thương để thống nhất nội dung trả lời trong vụ việc điều tra 

Với Hiệp hội, tôi cho rằng cần phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, đại diện tiếng nói để bảo vệ lợi ích chung của ngành.

Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động để hỗ trợ các ngành hàng tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là tiếp tục nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại.Trong đó chú trọng các hoạt động phổ biến, hướng dẫn về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng và củng cố cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các ngành sản xuất, hiệp hội, doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn pháp lý để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường, phát triển xuất nhập khẩu bền vững. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các quy định mới, các nguy cơ khi thị trường xuất khẩu có thể điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng nông sản của chúng ta để các ngành sản xuất, người nông dân của chúng ta có sự chuẩn bị trước, sẵn sàng ứng phó với các vụ việc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!