Tư duy về xác định các giải pháp thực hiện “chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”

GS.TS. Võ Khánh Vinh (Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Tóm tắt:

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành xây dựng “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Xác định các giải pháp thực hiện chiến lược là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược đó. Bài viết này luận giải tư duy về xác định các giải pháp thực hiện Chiến lược này.

Từ khóa: chiến lược, các giải pháp thực hiện, “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. 

1. Đặt vấn đề

Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 là một vấn đề cụ thể, là thực tiễn, là hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Trên cơ sở phân tích nhu cầu và tầm nhìn[1], mục tiêu, đột phá, quan điểm[2], định hướng, nhiệm vụ[3] xây dựng Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, chúng tôi cho rằng, việc thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 cần sử dụng các giải pháp sau đây: các giải pháp về nhận thức; các giải pháp về chính trị, về quyền lực nhà nước; các giải pháp về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện và tham gia thực hiện quyền lực nhà nước; các giải pháp về sử dụng pháp luật và xây dựng pháp luật; các giải pháp thực hiện pháp luật; các giải giáo dục và đào tạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; các giải pháp về khoa học pháp lý; các giải pháp về nhân lực; giải pháp hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng nhà nước và pháp luật.

2. Các giải pháp về nhận thức

- Cần phải nhận thức và quán triệt một cách đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc rằng, đây là nhiệm vụ rất trọng đại của toàn bộ hệ thống chính trị. Các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm phổ biến và quán triệt đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, các thành viên của mình, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân về tầm quan trọng, tầm nhìn, giá trị, mục tiêu, đột phá, quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, các giải pháp của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Cần phải thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tổ chức thực hiện Chiến lược, bao gồm các thành phần cần thiết, đại diện cho các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và những người ưu tú đại diện cho các giới, các ngành nhất định.

- Nghiên cứu để xây dựng và thực thi hệ tư tưởng pháp luật quốc gia, trong đó các tư tưởng, giá trị pháp quyền là trung tâm, làm nền tảng cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xây dựng hệ tư tưởng pháp luật quốc gia để giáo dục công dân về vai trò, giá trị của Nhà nước pháp quyền Việt Nam, đề cao vai trò, giá trị của pháp luật, pháp quyền, tôn trọng pháp luật, pháp quyền, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, quyền con người, quyền công dân, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Pháp quyền, nội dung pháp quyền và nguyên tắc pháp quyền là những thành tố cơ bản của hệ tư tưởng đó. Tư tưởng về chủ quyền nhân dân, về quyền lực nhân dân, về giá trị con người, trong đó có quyền con người phải là những tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt. Đảng và Nhà nước ta cần phải quan tâm hơn nữa đến xây dựng và hoàn thiện hệ tư tưởng pháp luật quốc gia và coi đó là một bộ phận hợp thành quan trọng không thể thiếu được trong hệ tư tưởng của Đảng ta, cần bổ sung hệ tư tưởng pháp luật vào cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

- Xây dựng hệ thống lý luận đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, bao trùm về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: lý luận về chủ quyền nhân dân, về quyền lực nhân dân và cơ chế thực hiện chủ quyền nhân dân, quyền lực nhân dân; lý luận về quyền lực nhà nước và cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước; lý luận về pháp luật, pháp quyền; lý luận về quyền con người, quyền công dân; lý luận về ý thức pháp luật, văn hóa pháp luật, văn hóa pháp quyền; lý luận về giải thích pháp luật, pháp quyền; lý luận về giáo dục và đào tạo về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là vấn đề mang tính tư tưởng, chính trị, lý luận ở tầng khái quát cao, phức tạp, đa dạng, nhiều khía cạnh đòi hỏi phải có cách tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành để hình thành nên hệ thống lý luận hoàn chỉnh về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cần tiếp tục hình thành nên các chủ đề nghiên cứu chuyên sâu về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và huy động các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học liên quan nghiên cứu.

3. Các giải pháp về chính trị, về quyền lực nhà nước

- Xác định rõ và giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền lực chính trị (quyền lực của Đảng) và quyền lực nhà nước theo hướng quyền lực chính trị lãnh đạo quyền lực nhà nước, hóa thân, chuyển thành quyền lực nhà nước; Đảng cầm quyền, nhưng không làm thay Nhà nước; hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; quyền lực chính trị hóa thân, chuyển thành quyền lực Nhà nước thông qua bầu cử, trưng cầu ý dân; thông qua Cương lĩnh, Chiến lược, các chủ trương lớn; thông qua thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước; thông qua tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Đảng cần phải thường xuyên và quan tâm nhiều hơn nữa sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo hướng coi Nhà nước pháp quyền Việt Nam là thiết chế đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt trong phát triển đất nước; bảo đảm sự cân bằng giữa các lĩnh vực, phạm vi, loại quyền lực trong cơ chế quyền lực nhà nước thống nhất.

- Tăng cường nền tảng đạo đức, nền tảng dân chủ, nền tảng công bằng, nền tảng công lý, nền tảng văn minh của Nhà nước pháp quyền Việt Nam, của quản trị quốc gia; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam đạo đức, dân chủ, công bằng, xã hội, văn minh.

- Xác định rõ hơn, minh định hơn cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước, về mối quan hệ của quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước trong xã hội pháp quyền Việt Nam bằng việc: thiết lập cơ chế pháp lý rõ ràng, cụ thể về quyền lực chính trị, về quyền lực nhà nước; giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước bằng phương thức pháp quyền; tăng cường giám sát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, thiết lập cơ chế giám sát phù hợp đối với quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước.

- Xác định rõ hơn mối quan hệ giữa chủ quyền nhân dân và quyền lập hiến, quyền lập pháp; xác định rõ vai trò, chức năng của quyền lập hiến, lập pháp trong cơ chế quyền lực nhà nước; xây dựng chiến lược lập pháp bảo đảm chủ quyền nhân dân, mang tính pháp quyền.

- Xác định rõ hơn vai trò, chức năng, phạm vi, giới hạn của quyền hành pháp trong cơ chế quyền lực nhà nước; tăng cường sự giám sát của quyền lập pháp và quyền tư pháp, của xã hội, của người dân đối với quyền hành pháp; tăng cường cải cách hành pháp theo hướng chú trọng đến việc tổ chức thực hiện pháp luật; tăng cường năng lực thực thi quyền hành pháp.

- Xác định đúng thực chất quyền tư pháp trong cơ chế quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước trong điều kiện một Đảng cầm quyền; tiếp tục tăng cường quyền tư pháp theo hướng mở rộng thẩm quyền cho Tòa án: giao thẩm quyền giải thích pháp luật, mở rộng thẩm quyền xét xử các vi phạm hành chính cho Toà án; thành lập thiết chế bảo hiến; tăng cường sự giám sát của quyền tư pháp đối với quyền hành pháp và quyền lập pháp; đề cao quyền tư pháp trong xã hội, củng cố và phát triển niềm tin của xã hội vào Tòa án, xây dựng và phát triển niềm tin vào Tòa án, tức là xây dựng và phát triển niềm tin vào công lý, cậy nhờ vào công lý; tăng cường công khai hóa, minh bạch hóa mọi hoạt động và kết quả hoạt động của Tòa án; tăng cường sự giám sát của xã hội đối với thực hiện quyền tư pháp, xây dựng cơ chế giám sát phù hợp với đặc thù của quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp; tăng cường bảo đảm tính độc lập hiện thực của quyền tư pháp trong cơ chế quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước; củng cố và bảo đảm tính độc lập hiện thực của các cấp xét xử; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quyền tư pháp, của thực hiện quyền tư pháp, tăng cường năng lực thực hiện quyền tư pháp; hoàn thiện chế độ pháp luật về tư pháp đáp ứng các yêu cầu về mục tiêu, quan điểm, nội dung của cải cách tư pháp, các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, xã hội pháp quyền; thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia để chăm lo việc xây dựng và phát triển đội ngũ thẩm phán, có phẩm chất đạo đức, vững về chính trị, có chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu và kinh nghiệm, nâng cao năng lực của đội ngũ Thẩm phán với tư cách là nhân vật trung tâm thực hiện quyền tư pháp; tăng cường các bảo đảm cho quyền tư pháp, chế độ tư pháp: các bảo đảm về tổ chức, các bảo đảm về hoạt động, các bảo đảm về nhân lực, các bảo đảm về nguồn lực; tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này để xây dựng lý luận đầy đủ, toàn diện về quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp làm cơ sở cho việc đưa ra các quan điểm chính trị - pháp lý về tiếp tục cải cách tư pháp.

- Quy định rõ hơn theo hướng tăng thẩm quyền và trách nhiệm của chế định Chủ tịch nước - người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại; thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; điều phối, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

- Tăng cường kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước với tư cách là giải pháp đột phá để phát huy hiệu lực, hiệu quả của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước vì lợi ích của Nhân dân, của dân tộc, vì trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước trước Nhân dân, đưa quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước đi đúng quỹ đạo, đúng hướng của nó và ngăn chặn, hạn chế, khắc phục, loại bỏ việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước ở mọi biểu hiện của nó, xử lý nghiêm minh mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; mọi loại, mọi cấp độ quyền lực chính trị, mọi phạm vi, mọi lĩnh vực, mọi loại, mọi cấp độ quyền lực nhà nước, mọi chủ thể quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước đều phải bị kiểm soát, không có ngoại lệ; tăng cường kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước ở địa phương, khắc phục tính cát cứ của quyền lực chính trị, của quyển lực nhà nước; phân định rõ quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước, phạm vi giới hạn quyền lực của Đảng và phạm vi, giới hạn quyền lực nhà nước trong điều kiện một đảng cầm quyền, xác định và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phạm vi hoạt động của các chủ thể tham gia thực hiện quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước để làm căn cứ cho việc kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước; xây dựng các cơ chế đồng bộ, hệ thống, hữu hiệu, nhiều cấp độ bao gồm các cơ chế bên trong và các cơ chế bên ngoài về kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước và từng bước hoàn thiện các cơ chế đó; dựa vào Hiến pháp năm 2013, chính danh hóa, thể chế hóa, cụ thể hóa quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, ban hành luật về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; thể chế hóa các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, ban hành luật về kiểm soát quyền lực nhà nước; tạo ra các điều kiện hiện thực, khả thi để vận hành hiệu quả các cơ chế đó; xây dựng và thực hiện chế độ công khai, minh bạch trong thực thi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước và trách nhiệm giải trình về quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước ở mọi phạm vi, lĩnh vực, loại, cấp độ quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước; xây dựng cơ chế thuận lợi để nhân dân, các tổ chức của nhân dân, xã hội, dư luận xã hội tham gia kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước; kiểm soát các chủ thể thực hiện quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước; xây dựng và hoàn thiện hệ giải pháp chính trị và pháp luật để xử lý kịp thời, nghiêm minh, triệt để đối với những hành vi, hoạt động lợi dụng, lạm dụng quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước để vi phạm Hiến pháp, pháp luật; xây dựng và thực hiện các giải pháp để củng cố, tăng cường niềm tin vào quyền lực chính trị - niềm tin vào Đảng, niềm tin vào quyền lực nhà nước - niềm tin vào Nhà nước.

4. Các giải pháp về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện và tham gia thực hiện quyền lực nhà nước

- Đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền lập Hiến, lập pháp - Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới, đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp, nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu quả và chất lượng hoạt động.

- Đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền hành pháp - Chính phủ và chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới, đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

- Đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp - Tòa án và các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp - Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, thi hành án đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới, đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

- Đổi mới tổ chức và hoạt động của các thiết chế thực hiện quyền giám sát,  kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, đổi mới cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, bao gồm cơ chế giám sát, kiểm soát bên trong và cơ chế giám sát, kiểm soát bên ngoài và sự liên thông giữa hai cơ chế đó.

- Đổi mới tổ chức và hoạt động của chế định Chủ tịch nước, đổi mới mạnh mẽ tư duy về vai trò, vị trí, chức năng và thẩm quyền của chế định Chủ tịch nước trong đời sống chính trị, trong hệ thống chính trị, bảo đảm thực chất, thực quyền, gắn với quyền lực nhân dân, chủ quyền nhân dân, chủ quyền quốc gia của chế định Chủ tịch nước; đề cao vai trò điều phối, cân bằng, bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm thực thi Hiến pháp, tính tối thượng của Hiến pháp; bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, điều chỉnh các thẩm quyền mang tính thực quyền của chế định Chủ tịch nước.

- Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm sát quyền lực theo chiều dọc; phân định rõ chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, chính quyền hải đảo, chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương.

5. Các giải pháp về sử dụng pháp luật và xây dựng pháp luật

-  Đổi mới tư duy về pháp luật, phát triển pháp luật.

Để sử dụng đúng pháp luật đòi hỏi phải có nhận thức đúng về pháp luật.  Đổi mới tư duy về bản chất, vai trò, giá trị, chức năng của pháp luật để sử dụng pháp luật một cách đúng đắn, hiệu quả, phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước, phát triển xã hội Việt Nam theo hướng đề cao và phát huy bản chất xã hội, bản chất nhân văn, vai trò thuyết phục, sáng tạo, vai trò giá trị của pháp luật; pháp luật là phương thức tổ chức mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đời sống nhà nước, là nhân tố của phát triển xã hội, là công cụ, phương tiện thể hiện, thực hiện, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, của quản trị quốc gia, quản lý xã hội, là nhân tố huy động, phân bổ, sử dụng, kiểm soát nguồn lực phát triển xã hội, là nhân tố thiết lập trật tự xã hội, an toàn xã hội, kỷ cương xã hội; phát huy cả các chức năng pháp lý lẫn các chức năng xã hội của pháp luật; pháp luật là một loại thể chế quan trọng, hợp pháp, công bằng, văn minh, công khai, minh bạch, tiên liệu được gắn liền và để thực hiện các loại thể chế khác; tăng cường và nâng cao chất lượng điều chỉnh pháp luật; mở rộng điều chỉnh pháp luật tổ hợp, liên ngành, pháp luật công - tư, pháp luật tư[4].

Đổi mới tư duy pháp quyền theo hướng chuyển đổi một cách cơ bản, triệt để tư duy coi trọng đức trị, chính trị trị, hành chính trị sang coi trọng tư duy pháp quyền trị; coi tư duy về quyền con người là tư duy cốt lõi, trung tâm của tư duy pháp quyền, của tư duy pháp lý, bao gồm ít nhất ba vấn đề cốt yếu không thể không nói đến là quyền lực của pháp luật (hay quyền lực pháp luật); mối quan hệ giữa pháp luật và quyền lực; mối quan hệ giữa quyền con người và quyền lực; pháp quyền và bản chất của pháp quyền thể hiện ở ba vấn đề cốt lõi đó[5].

Khẳng định và thể hiện tư duy về quyền lực của pháp luật để sử dụng hết khả năng, tiềm năng, sức mạnh của pháp luật theo hướng phát huy sự tác động mang tính bản chất, mục tiêu, vai trò, giá trị, nguyên tắc, chức năng, nội dung của pháp luật và các phương tiện của pháp luật đến ý thức, hoạt động, hành vi của con người, đến các quá trình phát triển xã hội; đó là tính thượng tôn pháp luật, giá trị tối thượng của Hiến pháp, sự tôn trọng pháp luật[6]. Tiếp tục đổi mới tư duy theo hướng khẳng định tư duy cốt lõi mang tính bản chất của pháp quyền là ở chỗ Nhà nước thực hiện quyền lực của mình bằng pháp luật, pháp quyền, dựa vào pháp luật, pháp quyền, nói cụ thể và chính xác hơn bằng Hiến pháp (đạo luật pháp quyền cao nhất) và các đạo luật pháp quyền. Quyền lực nhà nước được thiết lập và thực thi dựa trên pháp luật, pháp quyền và bằng pháp luật, pháp quyền, quyền lực nhà nước được giới han bởi quyền con người, quyền công dân và do luật định. Điều này nói lên tính chính danh, hợp hiến, hợp pháp của quyền lực nhà nước.

Đổi mới tư duy về hệ thống pháp luật theo hướng chuyển đổi triệt để, toàn diện hệ thống pháp luật nước ta từ hệ thống pháp luật theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, trong nhà nước chưa pháp quyền sang hệ thống pháp luật đáp ứng các đòi hỏi của xã hội pháp quyền, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hiện đại hóa hệ thống pháp luật; đẩy mạnh đổi mới bộ phận pháp luật về hệ thống chính trị, về quyền con người, quyền công dân, về lĩnh vực xã hội, về luật tư, về lĩnh vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục đổi mới tư duy từ đơn nguồn pháp luật sang đa nguồn pháp luật; đề cao và coi trọng đạo luật pháp quyền trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tư duy áp dụng trực tiếp Hiến pháp, khắc phục tư duy và thói quen đề cao việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý thấp hơn trong thực tiễn; hình thành tư duy và thói quen áp dụng án lệ trong thực tiễn.

- Đổi mới sáng tạo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng các yêu cầu mới phát triển đất nước.

 Xác định các lĩnh vực, vấn đề đột phá, trọng điểm cần ưu tiên đầu tư để đổi mới sáng tạo pháp luật; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từng năm và cả nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV, Chương trình xây dựng pháp luật từng năm và cả nhiệm kỳ của Chính phủ, cần phải xác định rõ, cụ thể những lĩnh vực đột phá, trọng điểm có ý nghĩa then chốt, tạo nguồn lực bứt phá đối với phát triển đất nước trong từng giai đoạn (2021 - 2025; 2026 - 2030) để ưu tiên tập trung mọi nguồn lực cần thiết và hiện thực để đổi mới và kiến tạo kịp thời các luật, bộ luật phúc đáp nhu cầu phát triển đất nước; các bộ, ngành, các chính quyền địa phương cần ưu tiên xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực, phạm vi do bộ, ngành, địa phương quản lý phù hợp với định hướng của Chiến lược phát triển pháp luật.

Chương trình xây dựng pháp luật nói chung, đặc biệt chương trình xây dựng luật nói riêng, trong thời gian tới cần tập trung vào các lĩnh vực, vấn đề mang tính đột phá sau đây:

(i). Đổi mới thể chế pháp luật về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học và công nghệ, về huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển đất nước.

(ii). Đổi mới thể chế pháp luật để đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển xã hội.

(iii). Đổi mới thể chế pháp luật để xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm của người đứng đầu, các cấp, các ngành.

(vi). Đổi mới thể chế pháp luật để phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

- Hiện đại hóa quá trình, phương thức, phương tiện, công nghệ xây dựng pháp luật.

Hiện đại hóa quá trình xây dựng pháp luật là đổi mới quá trình đó để nâng cao chất lượng các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Hiện đại hóa quá trình xây dựng pháp luật, một mặt, đòi hỏi phải đổi mới quy trình, thủ tục pháp lý, các giai đoạn của xây dựng pháp luật, mặt khác, phải bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, xã hội học cho hoạt động xây dựng pháp luật. Hiện đại hóa phương thức xây dựng pháp luật để bảo đảm được tính thống nhất của các đạo luật, tiết kiệm chi phí cho xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ xây dựng pháp luật.

Đổi mới quy trình chuẩn bị dự án luật và chuẩn bị các dự án văn bản quy phạm pháp luật khác theo hướng huy động sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia của các lĩnh vực liên quan và sự tham gia rộng rãi của các đối tượng được dự án văn bản điều chỉnh.

Hiện đại hóa phương tiện, công nghệ xây dựng pháp luật là đổi mới tư duy sử dụng các phương tiện pháp luật, sử dụng công nghệ trong xây dựng pháp luật.

Tăng cường và đề cao việc sử dụng luật, bộ luật trong xây dựng pháp luật, cụ thể hóa đến mức cao nhất sự điều chỉnh của đạo luật để giảm thiểu các nghị định hướng dẫn ban hành kèm theo, xây dựng các đạo luật cụ thể, có hiệu lực trực tiếp không có nghị định hướng dẫn thi hành, tiến đến không sử dụng hình thức pháp lệnh, sử dụng tối thiểu cần thiết hình thức văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, giảm thiểu tối đa hình thức Thông tư.

Hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật, nhất là kỹ thuật làm luật, tiến hành kiểm kê tổng thể và cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống hoá tổng thể và pháp điển hóa các văn bản quy phạm pháp luật.

Khai thác, ứng dụng tối đa thành tựu của khoa học, kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin nhằm đổi mới quá trình xây dựng pháp luật, nhất là quá trình làm luật; xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia.

Nâng cao trình độ và năng lực làm luật của Quốc hội, đổi mới và nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các cơ quan chuẩn bị dự án luật và các dự án văn bản quy phạm pháp luật khác, bộ máy giúp việc cho Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong công tác xây dựng pháp luật.

Chuyên trách hóa đại biểu Quốc hội theo hướng tiếp tục tăng hợp lý tỷ lệ đại biểu chuyên trách, có trình độ, hiểu biết về pháp luật; xác lập cơ chế để phát huy thực hiện quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trong việc chuẩn bị, thẩm tra dự án luật; tiếp tục đổi mới cách thức thảo luận, thông qua luật, nghị quyết của Quốc hội; đổi mới kế hoạch hóa xây dựng pháp luật, nhất là kế hoạch xây dựng luật; tiến hành dự báo pháp luật; thăm dò ý kiến nhân dân về xây dựng pháp luật.

Coi trọng hoạt động giải thích luật; xây dựng cơ chế giải thích luật; gắn giải thích luật với hoạt động xây dựng luật và áp dụng pháp luật, với xây dựng và phát triển án lệ.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng trong xây dựng pháp luật; đổi mới hoạt động thảo luận các dự án luật tại các phiên họp của Chính phủ; đổi mới kế hoạch hóa xây dựng pháp luật của Chính phủ theo hướng chủ động hơn, bám sát chương trình làm luật của Quốc hội, nhu cầu của thực tiễn; Chính phủ tập trung xem xét, quyết định những vấn đề mang tính quan điểm, chính sách và liên ngành còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng pháp luật; tăng cường kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành.

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các cơ quan giúp việc của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công tác xây dựng pháp luật; tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế bộ, ngành, địa phương.

Xây dựng cơ chế huy động các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, các hiệp hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các chuyên gia giỏi tham gia vào việc nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, xây dựng chính sách pháp luật, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra các dự thảo văn bản pháp luật; xây dựng và hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội và tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng cơ chế thẩm định bắt buộc về mặt khoa học đối với các dự án văn bản luật được đệ trình và thông qua.

Phát triển nguồn nhân lực xây dựng pháp luật, đặc biệt nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ xây dựng pháp luật. Nâng cao năng lực, trình độ và kỷ năng xây dựng pháp luật của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường lực lượng tham gia xây dựng pháp luật các cấp.

6. Các giải pháp về thực hiện pháp luật

- Gắn kết chặt chẽ xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, đặc biệt với tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật; coi trọng và đề cao thực hiện pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật, đặc biệt thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật; xây dựng và thực hiện chiến lược độc lập về thực hiện pháp luật.

- Hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan thi hành, áp dụng pháp luật, đặc biệt các cơ quan bảo vệ pháp luật; chuyên môn hóa, phân hóa các cơ quan thi hành, áp dụng pháp luật; đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan xử lý vi phạm hành chính; nâng cao năng lực tổ chức thi hành và áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ.  

- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý thi hành, áp dụng pháp luật, đặc biệt trình tự, thủ tục thi hành, áp dụng pháp luật; tăng cường nguồn lực cho thi hành và pháp dụng pháp luật.  

 - Tăng cường hướng dẫn thi hành, áp dụng pháp luật; đẩy mạnh tổng kết thi hành, áp dụng pháp luật đi đôi với xây dựng án lệ, bổ sung, sửa đổi pháp luật.

- Tăng cường kiểm tra thi hành và áp dụng pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thi hành và áp dụng pháp luật; tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội và các cơ quan truyền thông đối với thi hành và áp dụng pháp luật.

- Hiện đại hóa thi hành, áp dụng pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành, áp dụng pháp luật, về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật; áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thi hành và áp dụng pháp luật.

- Phát triển nhân lực thi hành, áp dụng pháp luật, nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ thi hành, áp dụng pháp luật.

Tăng cường năng lực sử dụng pháp luật của người dân; đẩy mạnh và nâng cao năng lực hệ thống dịch vụ pháp lý và trợ giúp pháp lý để người dân dễ tiếp cận với pháp luật và nâng cao năng lực sử dụng pháp luật của họ.

7. Các giải pháp về giáo dục và đào tạo, tuyên truyền, phổ biến về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có nội dung về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xây dựng môn học về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tiếp tục đổi mới phương thức, hình thức, phương pháp, công nghệ giáo dục và đào tạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tiếp tục đổi mới tài liệu, học liệu phục phục vụ giáo dục và đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, pháp luật; tiếp tục phát triển nhân lực chất lượng cao về giáo dục và đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, pháp luật; phát triển và củng cố các cơ sở giáo dục và đào tạo pháp luật, xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ tài nguyên giữa các tổ chức giáo dục và đào tạo pháp luật, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo pháp luật, tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục pháp luật, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo pháp luật.

8. Các giải pháp phát về triển khoa học pháp lý

Phát triển và củng cố các tổ chức nghiên cứu khoa học pháp lý, xây dựng cơ chế phối hợp nghiên cứu giữa các tổ chức nghiên cứu, tăng cường nghiên cứu cơ bản, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, nâng cao năng lực nghiên cứu của đội cán bộ nghiên cứu, tăng cường đầu tư cho các cơ tổ chức nghiên cứu khoa học pháp lý, nâng cao năng lực tham mưu, tư vấn chính sách của các tổ chức khoa học, các nhà khoa học pháp lý, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học pháp lý. Xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học mới về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

9. Các giải pháp về phát triển nhân lực xây dựng Nhà nước pháp quyền

Xây dựng và thực hiện Chiến lược thành phần: Chiến lược phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực pháp luật; xây dựng và thực hiện chương trình phát triển nhân lực pháp luật quốc gia; xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển các loại nhân lực pháp luật cụ thể (nhân lực xây dựng pháp luật, nhân lực thực thi, áp dụng pháp luật, nhân lực giáo dục và đào tạo pháp luật, nhân lực nghiên cứu khoa học pháp lý); xây dựng và thực hiện các đề án cụ thể phát triển các loại nhân lực pháp luật cụ thể; tổng kết, đánh giá chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển nhân lực pháp luật; tập trung phát triển các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt các trung tâm giáo dục và đào tạo lớn; tham khảo kinh nghiệm phát triển nhân lực pháp luật của các nước.

10. Các giải pháp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền

Xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Nhà nước pháp quyền; tổng kết, đánh giá chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Nhà nước pháp quyền; tham khảo kinh nghiệm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền của các nước.

Xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Đảng lãnh đạo và tổ chức xây dựng Chiến lược, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến lược, sơ kết, tổng kết thực hiện chiến lược theo giai đoạn, điều chỉnh chiến lược; Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện các Chiến lược thành phần, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng và thực hiện Chiến lược.

Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa  Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 vừa là vấn đề lý luận, vừa là vấn đề thực tiễn. Xây dựng Chiến lược này cần phải dựa vào những hiểu biết lý luận sâu sắc và hiểu biết thực tiễn đầy đủ. Quá trình xây dựng Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 là một quá trình học thuyết hóa chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chiến lược hóa học thuyết về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

11. Các phương tiện xây dựng và thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Các giải pháp thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 gắn liền với các phương tiện/công cụ được sử dụng để thực hiện Chiến lược đó.

Các phương tiện là một bộ phận cấu thành, một nội dung quan trọng của mọi Chiến lược. Phương tiện gắn liền với mục tiêu và các nhiệm vụ của Chiến lược. Các phương tiện của Chiến lược là các công cụ và kỹ thuật được sử dụng để thực hiện các lý tưởng, quan điểm chiến lược, biến các khát vọng, mong muốn mang tính lý tưởng, quan điểm thành các hành động và kết quả hiện thực. Đó là tổng thể các khả năng và quyền lực thực hiện, tất cả các đòn bẩy, các hình thức, các nguồn lực, các giải pháp chiến lược được sử dụng để làm thỏa mãn các lợi ích của các chủ thể xây dựng và thực hiện chiến lược, để bảo đảm đạt được các mục tiêu đã được đề ra. Nghệ thuật của xây dựng và thực hiện Chiến lược thể hiện ở việc có được khả năng đo lường các mục tiêu và các phương tiện của nó, ở việc có khả năng sử dụng các phương tiện tối ưu để đạt được các mục tiêu cụ thể. Đó là các phương tiện có có đạo đức, văn hóa, hợp pháp, hợp lý, thỏa đáng.

Các phương tiện của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là các công cụ và các hành vi (hoạt động) được sử dụng để thực hiện trên thực tế các tư tưởng, quan điểm mang tính chiến lược về Nhà nước pháp quyền và đạt được các mục tiêu của Chiến lược. Các công cụ, với tư cách là các phương tiện thực hiện Chiến lược bao gồm: thể chế và hoàn thiện thể chế, thiết chế (tổ chức) và hoàn thiện thiết chế, nhân lực và phát triển nhân lực, các phương tiện pháp lý và hoàn thiện các phương tiện pháp lý, các phương tiện phi pháp lý và hoàn thiện các phương tiện phi pháp lý.

Thể chế và hoàn thiện thể chế bao gồm thể chế chính sách và hoàn thiện thể chế chính sách; thể chế pháp luật và hoàn thiện pháp luật về Nhà nước pháp quyền. Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là cơ sở, nền tảng, tuyên ngôn chính trị để Nhà nước thể chế hóa chiến lược đó thành các thể chế chính sách và thể chế pháp luật, hoàn thiện thể chế chính sách và hoàn thiện thể chế pháp luật về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tổ chức thực hiện các thể chế đó, biến các thể chế đó thành hiện thực, thành các hoạt động thực tiễn, thành các kết quả cụ thể, trật tự cụ thể.

Thiết chế và hoàn thiện thiết chế bao gồm các cơ quan nhà nước cấu thành nên bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các thiết chế khác và hoàn thiện các thiết chế đó. Đó là hệ thống các cơ quan đại diện, các cơ quan lập pháp, các cơ quan hành pháp, các cơ quan tư pháp, hệ thống các cơ quan chính quyền địa phương và các thiết chế khác. Các thiết chế khác là các thiết chế tham gia thực hiện, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, tham gia xây dựng và thực hiện pháp luật, như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các tổ chức khác. Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tạo ra cơ sở, nền tảng để đổi mới tổ chức và hoạt động của các thiết chế đó với tư cách là các phương tiện/công cụ xây dựng và thực hiện Chiến lược đó.

Nhân lực được hiểu vừa là chủ thể xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa là công cụ, đối tượng tác động của quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước đó. Nhân lực đó có năng lực, có trí tuệ, có trách nhiệm, có đạo đức là bảo đảm quan trọng cho sự nghiệp xây dựng thành công nhà nước pháp quyền ở nước ta. Do vậy, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải coi trọng việc xây dựng và phát triển nhân lực trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Các phương tiện pháp lý đó là hệ các quan điểm, nguyên tắc pháp quyền, các chương trình pháp luật, kỹ thuật pháp lý, hệ thống theo dõi pháp luật, thẩm định pháp luật, giám sát pháp luật, hệ thống hóa các văn bản pháp luật, kế hoạch hóa pháp luật, dự báo pháp luật, thống nhất hóa, tiêu chuẩn hóa và chuyên môn hóa các văn bản quy phạm pháp luật, v.v. Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải sử dụng và định hướng sử dụng các phương tiện đó với tư cách là các phương tiện/công cụ xây dựng và thực hiện Chiến lược đó.

Từ cơ sở phân tích ở  trên, chúng tôi cho rằng, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 cần sử dụng một cách hệ thống, toàn diện, tổng thể các phương tiện nói trên. Vấn đề quan trọng nhất đặt ra ở đây là sử dụng các phương tiện đó một cách tốt nhất để xây dựng được Chiến lược phát triển pháp luật đáp ứng các nhu cầu, lợi ích của nhân dân, của phát triển tiến bộ xã hội, vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, đạo đức, văn minh, pháp quyền.  

Tài liệu trích dẫn:

[1] Xem: Võ Khánh Vinh, Về nhu cầu và tầm nhìn của việc xây dựng “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Tạp chí Khoa học nội vụ, số đặc biệt 12/2021.

2Xem: Võ Khánh Vinh, Tư duy về tầm nhìn, cách tiếp cận, mục tiêu, đột phá, quan điểm, nội dung của xây dựng “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 8/2021.

3Xem: Võ Khánh Vinh, Tư duy về xác định các định hướng, nhiệm vụ của xây dựng “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12/2021.

4Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, Võ Khánh Vinh chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2020, tr.48-49.

5Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, Võ Khánh Vinh chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2020, tr.49.

6Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, Võ Khánh Vinh chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2020, tr.49.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Võ Khánh Vinh (2020), Chính sách pháp luật: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  2. Võ Khánh Vinh chủ biên (2020), Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  3. Võ Khánh Vinh (2019), Về tư duy chính trị - pháp lí của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, Tạp chí Luật học, số đặc biệt “25 năm Tạp chí Luật học”, tháng 9/2019.
  4. Võ Khánh Vinh (2021), Tư duy về tầm nhìn, cách tiếp cận, mục tiêu, đột phá, quan điểm, nội dung của xây dựng “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 8/2021.
  5. Võ Khánh Vinh (2021), Tư duy về xác định các định hướng, nhiệm vụ của xây dựng “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12/2021.
  6. Võ Khánh Vinh (2020), Về xã hội pháp quyền Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2/2020.
  7. Võ Khánh Vinh (2018), Về tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu và đào tạo luật học ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5/2018.
  8. Võ Khánh Vinh (2018), Quyền lực và pháp luật, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 5/2018.
  9. Võ Khánh Vinh (2017), Nguyên tắc pháp quyền: Những vấn đề lý luận, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, số 4/2017.
  10.  Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2021), Quốc hội khóa XIV - Thành tựu và những dấu ấn nổi bật, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật. Hà Nội.
  11. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  12. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  14. Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số: 48-NQ/TW, ngày 24 tháng 05 năm 2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
  15. Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số: 49-NQ/TW, ngày 02 tháng 6 năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
  16. Bộ Chính trị khóa IX (2019), Báo cáo số 1485-BC/ĐĐQH14, ngày 04 tháng 11 năm 2019 về Tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
  17. Ban Nội chính Trung ương (2016), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - Thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội. 

  18. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2021), Dự thảo báo cáo định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Tài liệu lưu hành nội bộ.
  19. Bộ Chính trị (2020), Kết luận số 83-KL/TW về tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW.
  20. Bộ Chính trị (2020), Kết luận số 84-KL/TW về tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW.

 

Identifying solutions to implement the “Strategy for building and perfecting a rule-of-law socialist State till 2030 with orientations to 2045” of Vietnam

Prof.Ph.D Vo Khanh Vinh

Former Vice President

Vietnam Academy of Social Sciences

Abstract:

Vietnam is implementing the Strategy for building and perfecting a rule-of-law socialist State till 2030 with orientations to 2045. Identifying solutions to implement this strategy is one of the important steps to sucessfully ahieve the strategy’s set goals. This paper discusses how to identify and work out solutions to implement this strategy.

Keywords: strategy, solution implementation, Strategy for building and perfecting a rule-of-law socialist State till 2030 with orientations to 2045.