Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí và cuộc đấu tranh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay

ThS. NGUYỄN KHÁNH NGÂN (Khoa Lý luận Chính trị - Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội)

TÓM TẮT:

Hồ Chí Minh là tấm gương lớn về lối sống giản dị, thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí là những quan điểm có tính khoa học, cách mạng và nhân văn về biểu hiện, nguồn gốc, hậu quả và những giải pháp khắc khục, ngăn ngừa triệt để căn bệnh này.

Bài viết phân tích nhận thức và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí, từ đó đề xuất một số giải pháp thực tiễn cần thiết trong bối cảnh của đất nước ta hiện nay.

Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

1. Đặt vấn đề

          Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân...”(1).

Lãng phí và phòng, chống lãng phí là một vấn đề lớn, hệ trọng hiện nay. Lãng phí thường đi liền với tham nhũng, là con đẻ của tệ nạn tham nhũng. Nếu không có những giải pháp đồng bộ phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, lãng phí sẽ làm bệnh tham nhũng trở nên trầm trọng hơn, đe dọa trực tiếp đến an nguy của quốc gia và sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí, tổng kết thực tiễn để đưa ra giải pháp phù hợp là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí có từ rất sớm. Phần mở đầu của cuốn Đường Kách mệnh (1927), Người nhấn mạnh tư cách của người cách mệnh: “Tự mình phải cần, kiệm”. Trong quan điểm Hồ Chí Minh, lãng phí có nghĩa là trái với tiết kiệm: Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là: “Xem đồng tiền to bằng cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ǎn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tǎng gia sản xuất, mà tǎng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực (2). Trong quan niệm của Người, tiết kiệm là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định. Như vậy, thực hành tiết kiệm tức là phòng, chống: Lãng phí sức lao động, lãng phí tiền của, lãng phí thời gian.

Nguyên nhân sâu xa, bao trùm của tệ lãng phí được Hồ Chí Minh chỉ ra rất rõ, đó là chủ nghĩa cá nhân. Trong bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ngày 03/02/1969, Người nhắc nhở cán bộ Đảng viên: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa” (3). Chủ nghĩa cá nhân là đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, chỉ muốn vơ vét làm lợi cho bản thân, còn công việc chung thì lười nhác, đùn đẩy: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể… Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”(4). Bên cạnh đó, lãng phí là do trình độ non kém, do thiếu nghiệp vụ chuyên môn, do độc đoán đưa ra những quyết định sai lầm: “Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức, xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân” (5).

Lãng phí là một trong những tệ điển hình làm tổn thất không nhỏ công sức và tài sản của nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ” (6). Người nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Hiện nay có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn cần phải chấm dứt nạn phô trương ấy, lãng phí ấy…”(7). Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn tham ô, lãng phí và quan liêu là thứ giặc nội xâm nguy hiểm, làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, đảng viên, là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ.

Để đẩy lùi tham ô, lãng phí, quan liêu, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Năm 1947, Người viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc nhằm giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, ra sức chống những thói hư tật xấu, lên mặt quan cách mạng, hẹp hòi, tư túi… Trong bản Di chúc thiêng liêng (1969), Người vẫn không quên nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”(8). Hồ Chí Minh cũng phát động phong trào thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu; phong trào thi đua ái quốc… coi đó là một hình thức tuyên truyền giáo dục nhằm chống lãng phí. Đồng thời, Người cho rằng: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”(9). Bên cạnh đó, Người chú trọng việc xây dựng hệ thống luật pháp, tăng cường quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Dưới thời Hồ Chí Minh, Hiến pháp 1946 và 1959 cũng rất nhiều sắc lệnh, đạo luật, văn bản dưới luật, trong đó có những văn bản hướng tới việc xử lý tham ô, lãng phí, quan liêu đã được ban hành.

Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự vững mạnh và trong sạch của Đảng, chính quyền, quan tâm đến đời sống nhân dân. Chính bản thân Người luôn làm gương, tích cực thực hành chống lãng phí trong cuộc sống và công việc hàng ngày. Bác nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng về phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng rau, không dính líu gì đến vòng danh lợi"(10). Một nguyên thủ quốc gia, chỉ nhận dành cho mình ngôi nhà sàn mộc mạc, đơn sơ, chỉ có vài ba phòng, phòng nghỉ, phòng làm việc, mỗi phòng chưa đầy 10m2.

Trong Di chúc (1969), về việc riêng của bản thân, Người căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”(11). Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nếp sống thanh bạch và giản dị của một người hết lòng vì dân, vì nước.

3. Cuộc đấu tranh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay

Thấm nhuần lời dạy của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời để có cơ sở pháp lý cao, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân, những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác này. Theo đó, Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ra Chỉ thị số 21-CT/TW về “Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Chỉ thị số 27-CT/TƯ ngày 10/01/2019 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực”; Quốc hội ban hành “Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” năm 2005 và 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2544/QĐ-TTg về ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 và ban hành hàng loạt các văn bản pháp quy về THTK, CLP; ngày 23/01/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 166/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Nhằm hiện thực hóa các chỉ thị, nghị quyết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã xây dựng và ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, tổ chức mình tạo thành hệ thống pháp lý khá đầy đủ, đồng bộ cho quá trình thực tiễn. Đồng thời, coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng; nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; ý thức thường trực trong mỗi người. Nhờ đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là trong tiết kiệm chi thường xuyên - hầu hết các cơ quan, tổ chức đều thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, từ năm 2013 đến nay mỗi năm tiết kiệm chi thường xuyên được hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hầu hết, các cơ quan, tổ chức thực hiện mua sắm tài sản công đúng định mức, thực hiện khoán kinh phí hoạt động.

Điều đó cho thấy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiêm, chống lãng phí, Đảng và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm chính trị, sự đồng thuận cao trong công tác này. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm đã tạo nên những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng cả về nhận thức và hành động, góp phần củng cố niềm tin, tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Mặc dù vậy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nước ta trong những năm qua vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tình hình lãng phí còn xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhận định: “Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác phòng, chống lãng phí chưa đạt mục tiêu, yêu cầu. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ”(12).

Lãng phí diễn ra phổ biến trong nhiều lĩnh vực với nhiều dạng và mức độ, gây hậu quả lớn, nguy hiểm không kém tệ tham nhũng. Tình trạng quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí vốn Nhà nước; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại ở mức cao ảnh hưởng không thuận lợi tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí và thực hiện chương trình mục tiêu, nghiên cứu khoa học còn chưa cao, chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng đầu tư dàn trải làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, nợ trong xây dựng cơ bản còn lớn; hiện tượng thông đồng trong đấu thầu các dự án công trình để giảm giá nhận thầu còn xảy ra. Chỉ tính một số dự án lớn về đường sắt như đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm đi vào hoạt động đã đội vốn, gây tổn thất, lãng phí, hao mòn vô hình, ảnh hưởng tới kế hoạch vận hành giao thông. Trong quản lý, khai thác các loại tài nguyên, khoáng sản còn không ít địa phương cấp phép khai thác nhưng không đủ khả năng hoặc buông lỏng công tác quản lý, gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách. Trong sản xuất, tiêu dùng của nhân dân: Nhiều nơi tổ chức linh đình việc cưới, việc tang, lễ hội; hoạt động cờ bạc; mê tín dị đoan, hiện tượng đốt đồ hàng mã vẫn còn diễn ra phổ biến gây lãng phí tiền của, thời gian của nhân dân.

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém nêu trên là: Không ít cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu, đi đầu thực hiện công tác phòng, chống lãng phí; vai trò của nhiều chi bộ, tổ chức cơ sở Đảng còn mờ nhạt; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, kể cả cấp Trung ương suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những bất cập trong thể chế, chính sách của quản lý kinh tế - xã hội; còn thiếu các tiêu chí về đánh giá lãng phí; tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng chưa đủ mạnh, có mặt chưa hợp lý.

Thực trạng trên cho thấy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tuy đã có nhiều chuyển biến, song vẫn còn những bất cập, đòi hỏi sự cố gắng, kiên quyết của toàn Đảng, toàn dân ta. Để cuộc đấu tranh này thực sự có hiệu quả, chúng ta cần thực hiện tốt những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu và kết hợp với các văn bản của Đảng và Nhà nước ban hành trong thời gian qua về chống tham nhũng, lãng phí để vận dụng một cách sáng tạo các biện pháp mà Người đã nêu ra trước đây vào trong giai đoạn hiện nay:

Một là: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống lãng phí.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, Đảng ta quyết tâm “thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí”, coi đó là nhiệm vụ rất quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Phải kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Trước hết là phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí” (13).

Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước là điều kiện tiên quyết trong chống lãng phí, thất thoát. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thật sự coi công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định về những điều đảng viên không được làm; đưa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nhiệm vụ thường xuyên, hàng ngày và là điều kiện bắt buộc để mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện. Thực hiện công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo Chỉ thị số 27- CT/TW ngày 10-01-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thực tiễn chỉ ra rằng, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị rất quan trọng. Người đứng đầu chủ động ban hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và làm gương thực hành, sâu sát trong quản lý, xử phạt những sai phạm thì ở đó việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được hiệu quả cao và ngược lại. Vì vậy, cần phát huy vai trò của người đứng đầu trong đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do đó, từ khâu đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng đến khâu bổ nhiệm người đứng đầu cần thực hiện đúng quy trình, đúng người đúng việc.

Hai là: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cần chú trọng nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuyên truyền, quán triệt, phổ biến kịp thời hiệu quả Luật và các văn bản về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để người dân nắm vững và nghiêm túc thực hiện. Bên cạnh bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống lãng phí, tiêu cực cũng cần tuyên dương, khen thưởng kịp thời, nêu gương người tốt, việc tốt trong thực hiện một cách rộng rãi.

Ba là: Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và những quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ các luật, các quy định, cơ chế liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để hoàn thiện hơn khung khổ pháp lý, quy trách nhiệm rõ ràng và có chế tài xử phạt nghiêm minh nếu cá nhân, đơn vị để xảy ra tình trạng lãng phí. Các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương cần rà soát lại Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của mình để bổ sung hoặc ban hành mới (nếu chưa ban hành) bảo đảm mục tiêu, yêu cầu… trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 (ban hành theo Quyết định số 213/QĐ-TTg, ngày 21/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ) và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực của mình hoạt động, trong đó cần lượng hóa một số chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phù hợp với thực tiễn và thực hiện có kết quả.

Bốn là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí.

Các cấp phải phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng, công tác thanh tra của các ngành chức năng đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn kiểm tra, giám sát thường xuyên, toàn diện với kiểm tra, giám sát chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các quy chế, quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có cơ sở kết luận được chính xác. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đề nghị cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng; cũng như phê bình, xử lý nghiêm khắc những người thiếu tinh thần trách nhiệm, gây lãng phí tài sản, công sức của tập thể.

Nước ta sau hơn 30 năm đổi mới đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, nhưng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lại chưa tương xứng với những thành tựu kinh tế đạt được. Trong bối cảnh sự lãng phí đang tràn lan như hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, phòng, chống lãng phí là vũ khí sắc bén để đấu tranh với tiêu cực, lạc hậu, khắc phục khó khăn, thử thách đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ thắng lợi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, ngày 03/2/2020, Báo Nhân dân, ngày 18/05/2020.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2019), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, ngày 25/6/2018, Báo Nhân dân, ngày 25/6/2019.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.196.
  4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

 

APPLYING PRESIDENT HO CHI MINH'S THOUGHTS

ON WASTING PREVENTION AND SAVING PRACTICES AMID

THE CURRENT DEVELOPMENT PERIOD OF VIETNAM

Master. NGUYEN KHANH NGAN

Faculty of Political Theory

Hanoi Architectural University 

ABSTRACT:

President Ho Chi Minh's thoughts on wasting prevention are scientific, revolutionary and humanistic views on the expression, origin, consequences and solutions to overcome and prevent this issue thoroughly. President Ho Chi Minh himself is a great example of living a simple lifestyle with saving practice and wasting prevention. This paper analyzes Ho Chi Minh's thoughts on wasting prevention, thereby proposing some feasible solutions to waste prevention and saving  in the context of Vietnam’s current development period.

Keywords: Ho Chi Minh's thought, saving practices, wasting prevention.