Vai trò của hoạt động R&D nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ BÍCH LIÊN (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Vinh) và ThS. NGUYỄN THANH HƯƠNG (Công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Tổng hợp - Bộ Công Thương)

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã được hình thành, phát triển mạnh mẽ và từng bước khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn rất hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần có những giải pháp hữu ích giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp này, trong đó cần đặc biệt chú trọng vai trò của hoạt động nghiên cứu triển khai.

Từ khóa: Hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D), doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh.

1. Đặt vấn đề

Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế khách quan của mọi nền kinh tế. Đối với Việt Nam, một quốc gia hiện đang trong quá trình đổi mới và phát triển, thì hội nhập quốc tế vừa là thời cơ để mở rộng thị trường, vừa là thách thức lớn đối với chất lượng và giá thành sản phẩm của hàng hóa Việt Nam. Trước sức ép của hội nhập, các doanh nghiệp cần có một kế hoạch tổng thể bao gồm đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cấp hệ thống thông tin và quản lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Vì vậy, việc thấy được vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D) và tìm ra những giải pháp thích hợp để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có được năng lực cạnh tranh dựa vào hoạt động R&D, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra trong hội nhập là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

2. Đặc điểm của hoạt động R&D trong các DNNVV ở Việt Nam

Theo Báo cáo đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam (Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, 2012), các doanh nghiệp thuộc diện điều tra cho thấy, họ thường tiến hành một hoặc một số hoạt động R&D tùy vào khả năng tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị mình như sau:

* Nghiên cứu cải tiến các quy trình sản xuất hiện có: Việc cải tiến các quy trình sản xuất bao gồm: cải tiến về công nghệ, cải tiến về máy móc, về phương pháp sản xuất, thay thế nguyên vật liệu,… đây là những hoạt động nghiên cứu có tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành nhiều nhất. Điều này có thể được lý giải là do đầu tư cho hoạt động nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất hiện có ít tốn kém hơn so với việc đầu tư mới máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ, trong khi vẫn có đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất, sản xuất ra các sản phẩm cải tiến hoặc sản phẩm mới.

* Nghiên cứu cải tiến sản phẩm và thiết kế đưa ra sản phẩm mới: Loại hoạt động có tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành cao tiếp theo là nghiên cứu cải tiến sản phẩm và thiết kế đưa ra sản phẩm mới. Việc thường xuyên tiến hành cải tiến sản phẩm và đưa ra sản phẩm mới là một yêu cầu khách quan đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như sản phẩm may mặc, hóa mỹ phẩm, sơn, giày dép,… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo sự thay đổi của các yếu tố ngoại cảnh như thời tiết, môi trường, thời trang, thị hiếu,… Đây chính là lý do các doanh nghiệp thường xuyên tiến hành các hoạt động này.

* Nghiên cứu áp dụng các quy trình sản xuất mới: Với một số doanh nghiệp, việc nghiên cứu áp dụng các quy trình sản xuất mới thường được thực hiện với tính chất là mở rộng sản xuất kinh doanh nhiều hơn là đổi mới công nghệ. Có nghĩa là việc đầu tư mới các dây chuyền công nghệ ở doanh nghiệp hoặc nhằm nâng cao sản lượng của sản phẩm hiện có, hoặc phát triển các sản phẩm mới có thể cùng chủng loại với các sản phẩm hiện thời và cũng có thể là một mặt hàng hoàn toàn khác. Ít có sự áp dụng các quy trình sản xuất mới theo kiểu thay thế hoàn toàn các trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện có vì điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn đầu tư rất lớn.

* Nghiên cứu và triển khai: Nghiên cứu và triển khai là hoạt động ít được các DNNVV ở Việt Nam tiến hành nhất nhằm đổi mới công nghệ của sản xuất. Điều này phản ánh năng lực nghiên cứu và triển khai của các doanh nghiệp còn hạn chế. Về lý thuyết, hoạt động nghiên cứu và triển khai được các doanh nghiệp thực hiện bao gồm nghiên cứu nhằm đổi mới sản phẩm hoặc quy trình sản xuất; hay nghiên cứu để tạo ra công nghệ sản xuất sản phẩm hoặc nâng cấp công nghệ, quy trình sản xuất nhập ngoại cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, các doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu và triển khai đa phần phục vụ mục đích ứng dụng, vận hành công nghệ hơn là đổi mới công nghệ.

Kết quả của một cuộc điều tra khác trong khuôn khổ của Đề án đánh giá tiềm lực khoa học và công nghệ của Việt Nam năm 2014 cũng cho những đánh giá tương tự. Điều đó được thể hiện khi yêu cầu các doanh nghiệp liệt kê các hoạt động nghiên cứu và triển khai và đổi mới do doanh nghiệp đã thực hiện từ năm 2004 đến năm 2014 bao gồm: nghiên cứu và triển khai, thiết kế sản phẩm mới, cải tiến sản phẩm đang có, thiết kế/áp dụng quy trình công nghệ mới, cải tiến quy trình công nghệ đang có. Kết quả thu được như sau:

            Bảng 1. Tỷ lệ các hoạt động R&D và đổi mới công nghệ do doanh nghiệp thực hiện

Nguồn: Báo cáo tổng hợp “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động R&D của doanh nghiệp”, NISTPASS, 2014

3. Vai trò của hoạt động R&D trong DNNVV

R&D gắn bó mật thiết với việc tạo ra những sản phẩm và những công nghệ sản xuất mới có tác dụng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng của quốc gia và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các nguồn đầu tư cho R&D là từ Nhà nước, doanh nghiệp và tài trợ bên ngoài. Ở những quốc gia phát triển, bình quân tỷ lệ đầu tư cho R&D từ ngân sách nhà nước so với khu vực ngoài nhà nước là khoảng 1:4, còn ở Việt Nam thì tỷ lệ này ước khoảng 5:1, nghĩa là hoạt động R&D ở Việt Nam hiện vẫn do nhà nước đầu tư là chủ yếu.

                              Bảng 2. Nguồn kinh phí thực hiện R&D ở một số quốc gia

                                                                                                                           Đơn vị tính: %

Nguồn: NISTPASS, 2014

Trong mỗi doanh nghiệp, bộ phận R&D là một bộ phận không thể thiếu được, chúng có thể được tổ chức dưới hình thức cứng như có phòng kỹ thuật, phòng công nghệ hay phòng R&D hoặc được tổ chức dưới hình thức “mềm” như có các dự án, chương trình nghiên cứu trong doanh nghiệp có sự phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học kỹ thuật,… Dù được tổ chức dưới hình thức nào thì số người làm việc trong bộ phận R&D ở mỗi doanh nghiệp luôn là những kỹ sư và kỹ thuật viên tinh nhuệ nhất. Họ không chỉ là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được đào tạo cơ bản mà họ còn là những người có khả năng kinh doanh và marketing rất tốt, đây cũng chính là điểm khác biệt khi so sánh với cán bộ nghiên cứu trong các viện nghiên cứu và các trường đại học.

Xét về cơ cấu phân bổ đầu tư, trong số các tổ chức trực thuộc doanh nghiệp thì phòng kỹ thuật là nơi có đội ngũ cán bộ tinh nhuệ nhất và là nơi được cấp nhiều nguồn kinh phí nhất so với các bộ phận khác. Nguồn kinh phí này không ngừng tăng qua các năm hoạt động của doanh nghiệp.

Hoạt động R&D trong doanh nghiệp có 4 vai trò cơ bản sau:

- Tăng cường năng lực công nghệ cho doanh nghiệp

- Tăng vị thế của doanh nghiệp

- Tăng cường hoạt động xuất khẩu cho doanh nghiệp

- Tăng trưởng và phát triển cho doanh nghiệp

Hầu hết DNNVV ở Việt Nam, do đặc thù về quy mô doanh nghiệp, hoạt động R&D không có bộ phận chuyên trách đảm nhiệm mà thường được lồng vào một trong các bộ phận của doanh nghiệp như bộ phận sản xuất, bộ phận bán hàng,… Tuy nhiên, việc quan tâm tới hoạt động này luôn luôn được đặt ra trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

4. Nội dung và định hướng hoạt động R&D nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV trong bối cảnh hội nhập

Đối với quá trình đổi mới công nghệ của sản xuất, doanh nghiệp có thể phát sinh nhu cầu thực hiện R&D nhằm tìm kiếm ý tưởng đổi mới hoặc tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề phát sinh khi thực hiện đổi mới. Doanh nghiệp có thể tự tiến hành R&D hoặc doanh nghiệp cũng có thể thuê bên ngoài làm cho mình. Các doanh nghiệp cũng có thể đặt hàng các cơ quan như các viện nghiên cứu hoặc các trường đại học thực hiện R&D theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều đánh giá khác nhau đều cho thấy, hoạt động R&D của các DNNVV ở Việt Nam rất yếu. Qua kết quả điều tra trong năm 2015 của VCCI thì gần một nửa số doanh nghiệp hiện nay chưa có bộ phận R&D chuyên trách. Ngoài ra, các doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng còn thụ động, không chịu liên kết hay tìm đến các tổ chức R&D. Mối liên kết giữa khu vực các tổ chức R&D với các nhà sản xuất, các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay là rất lỏng lẻo. Sự liên kết giữa các khu vực còn yếu là do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có sự yếu kém hay chưa phát triển của các dịch vụ tư vấn hỗ trợ, thị trường công nghệ.

Trong khi các hình thức tư vấn, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh ở các nước phát triển thì các dịch vụ này ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của nó. Các văn bản pháp quy, hệ thống thống kê quốc gia không nhấn mạnh vào hình thức này. Điều quan trọng ở đây là nước ta hiện còn thiếu các dịch vụ tư vấn để giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường khoa học - công nghệ và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến hoạt động sản xuất thường xuyên của doanh nghiệp (dịch vụ bảo dưỡng, duy trì, sửa chữa nhỏ các máy móc, thiết bị) thường được các doanh nghiệp tự tiến hành. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, họ có đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy, bài bản hơn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhà nước thường có những hợp đồng ký kết với một tổ chức R&D để thực hiện tư vấn kỹ thuật phức tạp. Các doanh nghiệp tư nhân chỉ áp dụng theo cách mời cán bộ kỹ thuật ở các công ty lớn, thông qua các thỏa thuận cá nhân trong các vấn đề kỹ thuật.

Vai trò của các hình thức dịch vụ hỗ trợ ở Việt Nam vẫn bị xem nhẹ là một trong những yếu tố làm khó khăn cho đổi mới công nghệ ở các DNNVV.

Về đánh giá mức độ ảnh hưởng của những yếu tố hạn chế hoạt động đổi mới sản phẩm, quy trình công nghệ của doanh nghiệp, được thể hiện qua kết quả của cuộc điều tra trình độ và năng lực công nghệ trong một số ngành kinh tế - kỹ thuật của Việt Nam. Trong bảng, thang điểm được thống nhất như sau: 1: không quan trọng; 2: ít có ý nghĩa; 3: có ý nghĩa; 4: rất có ý nghĩa; 5: có tính chất quyết định. Những điểm số trong bảng là điểm số trung bình qua kết quả điều tra các doanh nghiệp trong mỗi nhóm ngành.

     Bảng 3. Đánh giá mức độ ảnh hưởng của những yếu tố hạn chế hoạt động đổi mới sản phẩm,

                                                     quy trình công nghệ của doanh nghiệp

Nguồn: Báo cáo kết quả điều tra trình độ và năng lực công nghệ trong một số ngành kinh tế kỹ thuật của Việt Nam (NISTPASS, 2014)

Có thể thấy rõ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các DNNVV của Việt Nam còn khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt về công nghệ, trình độ quản lý, nhân lực, vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ, thông tin công nghệ, thị trường và các dịch vụ hỗ trợ,…

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, dù được tổ chức dưới hình thức nào thì bộ phận R&D trong mỗi doanh nghiệp có nhiệm vụ chính là nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm mới, những sản phẩm mang tính cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và thực hiện chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng chính vì sự áp đặt nhiệm vụ khá hạn hẹp này mà nhiều bộ phận R&D của doanh nghiệp, đặc biệt trong trường hợp của các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ chưa làm hết chức năng cần có của một đơn vị R&D theo đúng nghĩa, dẫn đến doanh nghiệp bị hạn chế, bó hẹp trong khuôn khổ sản phẩm truyền thống, gây lãng phí tài nguyên và các nguồn lực khác của doanh nghiệp.

Trên thế giới, chức năng R&D trong doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở việc cho ra đời sản phẩm mới. Một bộ phận R&D chuyên nghiệp trong một doanh nghiệp thường mở rộng đồng thời một hay nhiều hoạt động dưới đây:

- Product R&D: Đây là chức năng R&D thuần túy về mặt sản phẩm nhằm cho ra đời những sản phẩm có thiết kế, chất liệu, đặc tính, công dụng mới. Chẳng hạn, nghiên cứu sản phẩm nước mắm làm từ cá hồi, sản phẩm bột nêm làm từ rong biển hay trà thảo mộc đóng chai,… Doanh nghiệp thực hiện các hoạt động R&D thường chú trọng nhiều đến công thức sản phẩm, thành phần, cấu tạo, màu sắc, hương vị, chất liệu, kiểu dáng của sản phẩm,… Ngoài ra, hoạt động R&D sản phẩm còn bao gồm cả việc nghiên cứu để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm doanh nghiệp hiện có.

- Packaging R&D: Ngoài việc R&D sản phẩm mới, đối với một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh các loại hàng tiêu dùng nhanh, bộ phận R&D còn có chức năng nghiên cứu, ứng dụng các loại chất liệu bao bì mới. Chẳng hạn một doanh nghiệp trong ngành Nước giải khát tung ra các sản phẩm trà xanh đóng chai, được chiết rót ở nhiệt độ cao, buộc phải có một loại chai nhựa làm bằng chất liệu chịu nhiệt mà không bị biến dạng, không độc hại. Bộ phận R&D của doanh nghiệp phải nghiên cứu để sản xuất một loại chất liệu phù hợp với chi phí phù hợp nhất cho sản phẩm mới này.

Việc nghiên cứu bao bì đóng gói sản phẩm đóng vai trò rất lớn vào thành công trong việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Trên thực tế, nhiều khi chỉ cần thay đổi chất liệu bao bì, trong khi vẫn giữ nguyên thành phần, chất lượng, số lượng sản phẩm bên trong, mức tiêu thụ sản phẩm đã có thể tăng lên nhiều lần. Bao bì cho các sản phẩm mì ăn liền ở Việt Nam hiện nay là một ví dụ trong trường hợp này. Khi chuyển từ bao bì giấy sang bao bì nhựa, các sản phẩm mì gói của doanh nghiệp Việt Nam vốn được định vị là bình dân, đã có thể cạnh tranh ngang ngửa với các sản phẩm của nước ngoài, mặc dù chất lượng bên trong chưa thay đổi nhiều.

* Technology R&D: Hoạt động nghiên cứu, tìm tiếm công nghệ sản xuất, chế biến tối ưu để cho ra đời sản phẩm với chất lượng và giá thành tối ưu cũng là một trong những chức năng quan trọng của bộ phận R&D. Ví dụ, công nghệ lên men tự nhiên khác với công nghệ thủy phân bằng axit trong sản xuất nước tương.

* Process R&D: Bản chất của chức năng này là nghiên cứu, tìm kiếm các quá trình sản xuất, chế biến, lắp ráp, vận hành, phối hợp,… tối ưu, được thể hiện bằng các quy trình cụ thể mang tính ứng dụng cao, đem lại hiệu suất và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Điển hình cho hoạt động này là việc nghiên cứu để cải tiến, phát triển các quy trình sản xuất (đối với sản phẩm), quy trình phục vụ (đối với dịch vụ), quy trình vận hành (đối với máy móc),… Hoạt động này có thể được xem là hoạt động R&D “phần mềm” của sản phẩm, khác với “phần cứng” là chất liệu, công thức, bao bì sản phẩm,… Trên thực tế, công tác R&D “phần mềm” này thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua, trong khi hiệu quả mang lại có khi còn cao hơn cả “phần cứng”. Đặc biệt, đối với các loại hình dịch vụ, việc nghiên cứu, phát triển các quy trình phục vụ mang ý nghĩa hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định trong sự thành công hay thất bại của loại hình dịch vụ đó.

Ngoài ra, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, bộ phận R&D trong doanh nghiệp không thể không chú trọng đến một quy trình thật khoa học, thật hợp lý cho hoạt động R&D, thường được đặt cho một tên gọi rất rõ ràng là “quy trình R&D”. Quy trình này quy định trình tự các bước thực hiện trong hoạt động R&D, mô tả sự phối hợp giữa các bộ phận R&D với các bộ phận khác trong doanh nghiệp như marketing, sản xuất, kiểm soát chất lượng, tài chính,… từ việc tiếp nhận yêu cầu, nghiên cứu, phân tích, sản xuất thử đến sản xuất hàng loạt.

Như vậy, hoạt động R&D trong doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở khuôn khổ thuần túy và cứng nhắc vào mục tiêu đưa ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Với cách hiểu này, chức năng của bộ phận R&D sẽ được mở rộng, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi R&D để nhờ đó doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực và tiết kiệm chi phí.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chính phủ (2009), Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Vũ Cao Đàm, “Đổi mới cơ chế chính sách tài chính cho hoạt động R&D”, tài liệu trình bày tại Hội thảo “Đổi mới cơ chế quản lý hoạt động R&D”, NISTPASS, 2003.

3. Nguyễn Hữu Long, Cần hiểu đúng về chức năng R&D, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tháng 6/2009.

4. Tổng cục Thống kê, “Thực trạng doanh nghiệp qua kết quả điều tra năm 2010, 2011, 2012, Nhà xuất bản Thống kê, 2013.

5. Hoàng Văn Tuyên, Báo cáo tổng hợp “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động R&D của doanh nghiệp”, NISTPASS, 2014.

THE ROLE OF R&D ACTIVITIES IN IMPROVING

VIETNAMESE SMALL AND MEDIUM-SIZED

ENTERPRISES COMPETITIVENESS

Master. NGUYEN THI BICH LIEN

Faculty of Economics, Vinh University

Master. NGUYEN THANH HUONG

Construction and Export – Import Joint Stock Company,

Ministry of Industry and Trade

ABSTRACT:

In current years, the small and medium-sized enterprises (SMEs) sector of Vietnam has established and had impressive achievements. This sector is asserting its important role in Vietnams economic development gradually. However, Vietnamese SMEs competitivess is still weak. Therefore, it is important for Vietnam to implement pratical solutions to improve SMEs competitiveness including promoting the role of Research and Development (R&D) activities.

Keywords: Research and Development (R&D), small and medium-sized enterprises, competitiveness.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 02 tháng 02/2017 tại đây