Vai trò của liên kết sản xuất nông nghiệp đối với kinh tế hộ tại đồng bằng sông Cửu Long

ThS. Huỳnh Kim Thừa (Trường Đại học Xây dựng Miền Tây)

Tóm tắt:
Sản xuất nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế tại đồng bằng sông Cửu Long, nhưng tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là rào cản chính cho thế mạnh này của vùng. Từ những nghiên cứu bước đầu, tác giả sẽ cho thấy sự cần thiết của việc liên kết sản xuất và chỉ ra những mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả hiện nay, nhằm giúp các hộ nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long có cái nhìn đúng đắn, đầy đủ, cũng như tin tưởng và tham gia các mô hình này. Đồng thời, tác giả cũng trình bày một số gợi ý chính sách cho các mô hình đó phát triển và nhân rộng trong tương lai.
Từ khóa: Liên kết sản xuất, nông nghiệp, kinh tế hộ, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Đặt vấn đề
Những năm gần đây, việc kêu gọi người dân Việt Nam chung tay “giải cứu” nông sản lặp đi lặp lại, từ giải cứu chuối, heo, củ cải, cà chua, dưa hấu,… đến gần đây nhất là vải thiều. Cứ đến mùa vụ, nông sản thời điểm đó liên tục rớt giá và phải giải cứu. Câu hỏi đặt ra cho các cấp, các ngành, nhà khoa học, đặc biệt là nông dân: “Đến khi nào Việt Nam sẽ chấm dứt “chiến dịch giải cứu” này?
Thiếu sự liên kết do đó thiếu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và thiếu sự đồng bộ dẫn đến tự phát trong sản xuất là nguyên nhân của kịch bản trên. Nguyên nhân này đã được các cấp, các ngành nhận thức được, song chỉ một số nơi đạt được thành công còn những nơi khác hoặc là do họ không tha thiết tham gia các mô hình liên kết hoặc tham gia nhưng không tuân thủ hay thống nhất những quy định cũng như chia sẻ lợi ích hợp lý cho nhau để đạt được sự kết nối bền vững. Vì vậy, dù ngành Nông nghiệp có những thành tựu nổi bật trong thời gian qua, tạo điều kiện để đời sống người nông dân không ngừng cải thiện, thương hiệu nông sản Việt Nam đã từng bước vươn ra thị trường thế giới. Song, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của các hộ nông dân vẫn là rào cản lớn cho nông nghiệp Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Vì vậy, mặc dù là một trong những vùng kinh tế có vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia cũng như xuất khẩu nhưng đời sống của các hộ nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn ở mức thấp, sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng.
Từ những tài liệu thu thập được về liên kết sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long, tác giả sẽ chứng minh tầm quan trọng của liên kết sản xuất nông nghiệp tại đây nhằm giúp các hộ nông dân thấy được tính đúng đắn khi tham gia liên kết sản xuất và giúp các cấp, các ngành có thể tháo gỡ rào cản hiện nay.
2. Vai trò của việc liên kết sản xuất nông nghiệp đối với kinh tế hộ tại đồng bằng sông Cửu Long
Mặc dù có đóng góp to lớn trong tăng trưởng kinh tế vùng, nhưng tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã hạn chế việc xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, gây cản trở trong ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, gây ô nhiễm môi trường,… là những hạn chế lớn nhất của kinh tế hộ hiện nay. Do đó, thực hiện liên kết sản xuất là việc làm cần thiết đối với các hộ nông dân, hiện nay có hai hình thức liên kết bao gồm liên kết dọc (liên kết giữa các chủ thể theo đường đi của sản phẩm) và liên kết ngang (liên kết giữa những chủ thể cùng sản xuất một lĩnh vực). Dù với hình thức nào thì các chủ thể tham gia liên kết (đặc biệt là nông dân) đều đạt được những lợi ích thiết thực.
Thứ nhất, giúp giải quyết tình trạng manh mún trong sản xuất.
Nếu trước đây, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI về đổi mới quản lý nông nghiệp ban hành ngày 5/4/1988 đã tạo bước đột phá cho kinh tế hộ, tạo điều kiện cho các hộ nông dân làm chủ trên mảnh ruộng của mình thì trong thời điểm hiện nay, khi đất nước bước vào hội nhập, tính tự chủ đó đã dẫn đến sự manh mún, nhỏ lẻ và tự phát trong sản xuất. Tại đồng bằng sông Cửu Long, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của mỗi hộ nông dân trung bình chỉ khoảng 2-3 ha. Trong khi khoa học công nghệ đang phát triển, nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng quan trọng như các ngành khác để tăng năng suất và chất lượng nông sản, xây dựng nền sản xuất hàng hóa lớn phục vụ trong nước và xuất khẩu nhưng để ứng dụng khoa học công nghệ trong điều kiện như hiện nay là rất khó. Vì vậy, liên kết sản xuất chính là đáp án cho bài toán này.
Thứ hai, mang lại hiệu quả về mặt kinh tế.
Khi tham gia các mô hình liên kết sản xuất, các hộ nông dân được cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và được bao tiêu đầu ra sản phẩm, đảm bảo về năng suất, chất lượng và lợi nhuận. Do quy mô diện tích lớn, thuận tiện trong áp dụng cơ giới hóa, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian nên ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi ha lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí từ 10% đến 15%, tăng giá trị sản lượng từ 20% đến 25% và thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Còn đối với các loại nông sản khác ngoài lúa, khi hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất, đặc biệt là liên kết dọc theo chuỗi sản phẩm, nông dân giảm nỗi lo về giá cả bấp bênh và được doanh nghiệp hỗ trợ tối đa khi ký kết hợp đồng.
Thứ ba, giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường.
Các mô hình liên kết sản xuất với quy trình sản xuất đồng loạt trên tất cả các khâu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chọn giống, phân, thuốc một cách đồng bộ, phù hợp đã hạn chế tối đa sử dụng những hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, các mô hình liên kết sản xuất phải tuân theo những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe nên họ không ngừng tìm kiếm các chủng loại giống chất lượng cao, giá thành phù hợp để đưa vào sản xuất từ lúa, tôm, cá,… Các vùng nguyên liệu cần bảo đảm các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản cũng như sử dụng giống phù hợp điều kiện sinh thái của từng vùng và thị trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.
Thứ tư, tạo việc làm nông thôn, giảm thiểu tình trạng lao động nông thôn không có tay nghề dịch chuyển đến các khu công nghiệp, chống lãng phí đất đai.
Tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn tại đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây rất phổ biến do lao động nông thôn di chuyển đến các khu công nghiệp ngày càng tăng. Những lao động này chủ yếu không có tay nghề hoặc lao động phổ thông, mức lương thấp, đời sống khó khăn nên đã tạo thêm áp lực cho khu vực thành thị nơi có nhiều khu công nghiệp như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương. Trong khi ở nông thôn, vào mỗi mùa vụ hay đến kỳ thu hoạch, giá cả của lao động nông thôn có thể lên đến 300 - 400 ngàn/ngày/người nhưng vẫn không có nguồn lao động đáp ứng. Hệ lụy kéo theo khi chi phí tăng cao là các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không liên kết khó duy trì được lâu dài, họ thường sản xuất theo kiểu tự cung, tự cấp hoặc đất bị bỏ hoang (đặc biệt đối với đất vườn). Do đó, nếu tham gia mô hình liên kết sản xuất như mô hình cánh đồng lớn hay tổ hợp tác có thể cơ giới hóa, giảm chi phí lao động. Ngoài ra, lao động nông thôn cũng có thể tham gia các mô hình tổ hợp tác chuyên làm thuê nông nghiệp để có việc làm lâu dài. Từ đó, người nông dân không cần bỏ quê lên phố sống cuộc đời bấp bênh và cũng khắc phục tình trạng lãng phí đất nông nghiệp.
Thứ năm, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Một đặc điểm nổi bật khi các nước nông nghiệp bắt đầu bước vào con đường công nghiệp hóa, người sản xuất luôn tìm kiếm những giải pháp nâng cao năng suất và lợi nhuận. Tuy nhiên, để chạy theo thị trường và để hạ giá thành sản phẩm, một bộ phận những nhà sản xuất nông nghiệp đã sử dụng các loại phân bón, hóa chất cho cây trồng, vật nuôi vượt qua chỉ số cho phép đã tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, gây ngộ độc, ung thư. Do đó, Chính phủ phải ban hành nhiều quy định kiểm soát thực phẩm và triển khai kế hoạch tháng “An toàn thực phẩm” nhưng vẫn không thể chấm dứt tình trạng trên. Một trong những nguyên nhân gây khó kiểm soát thực phẩm là do tính tự phát trong sản xuất, chính phủ không thể đến từng hộ để kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm mỗi ngày. Trong khi người tiêu dùng không đủ khả năng phân biệt giữa sản phẩm an toàn và sản phẩm thiếu an toàn. Nếu sản xuất đồng loạt, việc quản lí, kiểm soát thị trường nông sản, loại bỏ những sản phẩm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng của các cấp liên quan sẽ dễ dàng hơn, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, cũng như góp phần đáp ứng chiến lược xây dựng nguồn nhân lực mạnh về trí lực và thể lực phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.
3. Một số mô hình liên kết sản xuất điển hình tại đồng bằng sông Cửu Long hiện nay
Trong thời gian qua, đã có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao khi thực hiện liên kết sản xuất, có đóng góp to lớn và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các hộ nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, khi chưa có mô hình nào thiết thực và hiệu quả hơn, người nông dân, doanh nghiệp có thể tham khảo để nhân rộng.
Thứ nhất, các mô hình liên kết dọc.
Mô hình liên kết dọc nổi bật đối với các mặt hàng thủy sản phải kể đến là các công ty cổ phần chuyên sản xuất cá, tôm như: Công ty cổ phần Hùng Vương tại khu Công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang) hay Công ty cổ phần Minh Phú (Cà Mau). Đây là những công ty rất thành công trong thực hiện liên kết, trải dài ở các lĩnh vực thức ăn, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Đây là các doanh nghiệp sản xuất với quy trình khép kín từ sản xuất thức ăn, nuôi trồng, đến chế biến và xuất khẩu cá, tôm. Trong đó, Công ty cổ phần Hùng Vương là tiêu biểu cho hình thức liên kết dọc, ngoài việc hợp tác lâu dài với các trang trại, Công ty còn hợp tác lâu dài với các hộ chăn nuôi cá với diện tích nuôi trồng hơn 150 ha. Hình thức hợp tác là công ty đầu tư thức ăn và khoán chi phí trên 1 kg nguyên liệu. Vùng nguyên liệu trải dài ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang.
Riêng đối với mặt hàng lúa gạo, đã hình thành các mô hình cánh đồng lớn đạt hiệu quả tích cực tại đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tiên mô hình cánh đồng lớn được áp dụng cho việc trồng lúa, xây dựng vùng nguyên liệu lớn để xuất khẩu gạo. Đây là một điển hình cho hình thức liên kết “bốn nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) nhằm nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo tính ổn định, bền vững của sản xuất nông nghiệp.
Mô hình này được triển khai và áp dụng tại đồng bằng sông Cửu Long đầu tiên tại An Giang do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện từ năm 2010, đến nay đã trở thành một trong những điển hình tiêu biểu nhất trong việc thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phối hợp chặt chẽ và mang lại nhiều thành công cho mô hình này là Tập đoàn Lộc Trời. Đây là một mô hình mang lại hiệu quả cao về liên kết tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia của hơn 40 nghìn hộ nông dân. Đồng thời, là nơi khởi nguồn cho phong trào xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, là Công ty đầu tiên phát hành thành công gần 1,9 triệu cổ phiếu với giá ưu đãi cho nông dân vào năm 2014.
Dù liên kết nhiều hộ nông dân với nhau nhưng sản xuất luôn đảm bảo theo một quy trình đồng bộ từ xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ. Cùng với quy trình quản lí sản xuất thống nhất, ứng dụng khoa học kỹ thuật đã nâng cao năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm, có thể dễ dàng tiếp cận những thị trường lớn do có nguồn hàng ổn định.
Hiện tại, đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn ở nhiều tỉnh: An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Vĩnh Long… cũng đạt kết quả tích cực.
Thứ hai, mô hình liên kết ngang: tiêu biểu là các tổ hợp tác.
Các tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở tự nguyện của các thành viên, tự tham gia hoặc tự ra khỏi tổ, quản lý dân chủ, cùng có lợi nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Loại hình tổ hợp tác không có điều lệ, không có tư cách pháp nhân, quan hệ ràng buộc với nhau được xây dựng trên cơ sở tình cảm, tập quán, truyền thống cộng đồng, không mang tính chất pháp lý. Dù không có quan hệ ràng buộc trên cơ sở pháp lý nhưng hiện nay, ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tổ hợp tác trở thành hình thức kinh tế tập thể chính của vùng, được coi là tổ chức có phương thức mưu sinh hiệu quả nhất, năng động nhất. Đến cuối năm 2016, bình quân mỗi tỉnh có 1.367 tổ hợp tác, tăng bình quân mỗi tỉnh hàng năm 163 tổ. Tổ hợp tác phát triển mạnh ở tỉnh Cà Mau năm 2016 với 3.364 tổ; Long An với 1.863 tổ. Xét ở khía cạnh ngành nghề, tổ hợp tác phát triển mạnh trong lĩnh vực trồng trọt và thủy sản. Cà Mau hiện có 1.404 tổ hợp tác trồng trọt và 1.730 tổ hợp tác thủy sản. Tính đến thời điểm hiện tại, Cà Mau là tỉnh có số tổ hợp tác nhiều nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt ở Vĩnh Long, đã xuất hiện Tổ hợp tác làm thuê nông nghiệp với tên gọi “Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp” (ấp 9, xã Mỹ Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long). Đây là tổ dịch vụ thu hút sự liên kết giữa các hộ nông dân với nhau, mỗi hộ sẽ tự nguyện đóng góp máy móc, lao động tùy theo điều kiện để đáp ứng nhu cầu cho các hộ nông dân thiếu lao động nông nghiệp. Những người nông dân chưa có việc làm ổn định trong ấp được vận động lập thành nhóm chuyên làm thuê “trọn gói”. Tổ dịch vụ gồm 4 đội: đội làm đất (cày, xới, trục); đội lúa giống (chọn giống lúa, xuống giống, chăm sóc, cấy, sấy, đóng bao,…); đội thu hoạch (gặt, đập lúa); đội sạ hàng, bốc hàng (sạ hàng bằng máy kéo để sản xuất lúa hàng hóa; vận chuyển hàng hóa đến nơi tập kết của hộ, từ địa điểm tập kết đến các phương tiện vận chuyển). Tất cả các máy móc, thiết bị đều do các chủ hộ tham gia các đội dịch vụ đầu tư, không phải là tài sản chung, các đội tự ký hợp đồng với chủ hộ thuê dịch vụ nhưng hoạt động dưới sự điều hành, chỉ đạo của Ban quản lí Tổ, nhất là khâu giá cả. Mô hình này đạt nhiều hiệu ứng tích cực nên cần được nhân rộng ở các tỉnh khác.
4. Một số gợi ý chính sách
Tại đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, nhu cầu xây dựng vùng sản xuất hàng hóa lớn ngày càng bức thiết cũng đồng nghĩa với việc phổ biến tính cấp thiết và vai trò của liên kết sản xuất đến các hộ nông dân cũng không kém phần quan trọng. Vì vậy, tác giả xin đề xuất một số gợi ý cho vấn đề này như sau:
Một là, các cấp liên quan hay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh cần đầu tư thực hiện những cuộc điều tra tổng thể nhưng độc lập về nhu cầu tham gia liên kết sản xuất của từng hộ nông dân đối với sản xuất nông nghiệp. Những cuộc điều tra này phải sâu sát và đảm bảo tính chính xác về cơ bản. Trên cơ sở đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ nông dân.
Hai là, dựa trên kết quả các cuộc điều tra, khảo sát nhu cầu của người dân đối với các mô hình liên kết sản xuất mới, các cấp có liên quan sẽ có kế hoạch tuyên truyền đến người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của liên kết sản xuất. Cần những minh chứng để thuyết phục người dân tham gia các mô hình liên kết sản xuất, nhất là lợi ích hiện tại và lâu dài.
Ba là, chính quyền địa phương cần xây dựng niềm tin của các chủ thể tham gia các mô hình liên kết sản trên cơ sở ràng buộc trách nhiệm thông qua các quy định cũng như những chính sách hỗ trợ.
Cuối cùng là, xóa bỏ tình trạng doanh nghiệp và chính quyền địa phương bắt tay nhau chia sẻ lợi ích nhiều hơn nông dân; hoặc tình trạng nhũng nhiễu của chính quyền địa phương đối với những mô hình mới như một hình thức “bảo kê” để nó tồn tại và phát triển.Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Thành Tự Anh và cộng sự (2011), “Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết để tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học về cơ chế liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long 2011, Ban chỉ đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau.
2. Lê Xuân Bá (2003).“Vấn đề liên kết kinh tế ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 14/2003.
3. Nguyễn Minh Châu và Đoàn Hữu Tiến (2011), Tăng cường liên kết 4 nhà để phát triển sản xuất trái cây hàng hóa, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long, Tham luận tại Hội thảo: Liên kết 4 nhà - giải pháp cơ bản góp phần xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long, ngày 26/7/2011.
4. Trần Văn Hiếu (2002), Liên kết giữa doanh nghiệp nhà nước và hộ nông dân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 10/2002.
5. Nguyễn Việt Long - Trần Đức Viên: (2016), Thúc đẩy liên kết với người sản xuất trong nông nghiệp, http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Thuc-day-lien-ket-voi-nguoi-san-xuat-trong-nong-nghiep-10226
6. Hưng Tân (2017), Thiếu lao động nông thôn, http://baohaugiang.com.vn/lao-dong-viec-lam/thieu-lao-dong-nong-thon-61401.html
7. Thúc đẩy xây dựng hợp tác xã kiểu mới ở đồng bằng sông Cửu Long ngày 28/8/2017,https://baomoi.com/thuc-day-xay-dung-hop-tac-xa-kieu-moi-o-dong-bang-song-cuu-long/c/23137868.epi

THE ROLE OF LINKING AGRICULTURAL PRODUCTION FOR THE HOUSEHOLD ECONOMY IN THE MEKONG DELTA

MA. Huynh Kim Thua

Mien Tay Construction University

ABSTRACT:

Agricultural production has always played an important role in economic growth in the Mekong Delta, but small scale production is the main barrier to this strength. From the initial research, the author shows the need for linking production and points out the current models of linking agricultural production.These provides farmers comphensive views and trust to participate in the models. At the same time, the author also presents some policy suggestions for such models to develop and replicate in the future.

Keywords: Link production, agriculture, household economy, Mekong Delta.