Vai trò của Ủy ban kiểm toán trong việc giám sát tính độc lập của kiểm toán viên khi đồng cung cấp dịch vụ

LÊ THỊ THU (Bộ môn Kiểm toán, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Ngoại thương)

TÓM TẮT:

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động của UBKiT là lá chắn hữu hiệu giúp đảm bảo tính độc lập của KTV, nhất là trong bối cảnh công ty kiểm toán đồng cung cấp dịch vụ phi kiểm toán cho khách hàng kiểm toán. Một loạt các vụ bê bối kế toán lớn xảy ra liên tiếp, bắt đầu với Enron, Worldcom đã minh chứng thêm cho điều này khi một trong những nguyên nhân lớn được xác định là do Ủy ban kiểm toán (UBKiT) không thực hiện đúng chức năng giám sát đối với quá trình lập báo cáo tài chính (BCTC) và tính độc lập của kiểm toán viên (KTV) khi kiểm toán để bảo vệ quyền lợi của cổ đông. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị (HĐQT) phát huy tích cực được vai trò giám sát của mình. Quả thực vậy, vai trò giám sát của UBKiT được thực thi sẽ góp phần quan trọng đảm bảo duy trì tính độc lập của kiểm toán, nhất là khi công ty kiểm toán đồng thời cung cấp dịch vụ phi kiểm toán (NAS).

Bài viết trước hết đề cập đến nguồn gốc và vai trò của quản trị công ty nói chung và UBKiT nói riêng. Sau đó, vai trò giám sát của UBKiT đối với kiểm toán được thảo luận trong bối cảnh đồng cung cấp dịch vụ của công ty kiểm toán.

Từ khóa: Quản trị công ty, ủy ban kiểm toán, tính độc lập của kiểm toán viên, đồng cung cấp dịch vụ, dịch vụ kiểm toán.

1. Quản trị công ty (Corporate governance)

Quản trị công ty không còn là thuật ngữ mới nhưng vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm của các học giả trong một thời gian dài, với nhiều công trình nghiên cứu về vai trò, nguyên tắc và những thông lệ thực hành tốt. Lý thuyết Người đại diện (Agency theory) là lý thuyết đặt nền móng cho quản trị công ty và cũng là cơ sở để OECD đưa ra các nguyên tắc quản trị công ty năm 2004 được chấp nhận và phổ biến rộng rãi nhất hiện nay. Theo đó, sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành trong doanh nghiệp đã làm nảy sinh những mâu thuẫn về lợi ích, người điều hành thường có xu hướng tối đa hóa lợi ích của cá nhân nhưng rủi ro lại thuộc về người sở hữu. Do đó, cơ chế quản trị công ty với sự tham gia của HĐQT là một cách phổ biến để giải quyết mâu thuẫn về lợi ích phát sinh giữa người sở hữu và người đại diện, đồng thời giảm thiểu rủi ro phát sinh từ mâu thuẫn này. Không chỉ thế, HĐQT với vai trò giám sát của mình, cộng với sự tham gia của đại diện các bên liên quan (stakeholders) đến hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp giảm thiểu mâu thuẫn giữa người điều hành với các bên có liên quan khác. Vì lẽ đó sự tách biệt về sở hữu và quản trị doanh nghiệp là nguyên nhân cần phải có quản trị công ty để cổ đông có cơ chế kiểm soát người điều hành và định hướng hoạt động của doanh nghiệp, cân đối quyền lực của cổ đông với người điều hành trong việc ra quyết định, từ đó giảm thiểu rủi ro cho chính bản thân cổ đông. Một cách chung nhất, quản trị công ty được hiểu là cơ chế để kiểm soát và định hướng hoạt động của doanh nghiệp (OECD, 2004), nhằm bảo vệ lợi ích trước hết cho các cổ đông (shareholders), sau đó là các đối tượng có liên quan khác (stakeholders) (La Porta et al., 2000).

Một trong những yếu tố tiên quyết để HĐQT thực hiện được chức năng giám sát hoạt động của doanh nghiệp chính là sự tham gia của các thành viên độc lập không tham gia điều hành (Non-executive directors - NEDs) bên cạnh các thành viên điều hành (Executive directors - EDs) trong HĐQT. Các thông lệ tốt về quản trị công ty (best practice) ví dụ như Thông lệ tốt về quản trị công ty đưa ra bởi Ủy ban Cadbury (Cadbury committee) đều đưa ra nguyên tắc cân bằng giữa số lượng thành viên điều hành và thành viên không điều hành trong HĐQT để tối ưu cho việc ra quyết định nhưng vẫn bảo vệ được quyền lợi của cổ đông. Ngoài ra, để các thành viên độc lập (NEDs) phát huy được vai trò giám sát của mình thì bên cạnh việc không tham gia điều hành doanh nghiệp còn cần phải có những kiến thức và kinh nghiệm phù hợp với đơn vị (Hoskisson et al., 2000). Và để đảm bảo tính độc lập của mình thì ngoài việc không tham gia điều hành doanh nghiệp, mức lương của họ cũng là mức cố định theo hợp đồng dịch vụ, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh để giảm động lực và/hoặc sức ép đối với kết quả kinh doanh. Đồng thời, thời hạn hợp đồng dịch vụ của thành viên độc lập không được dài vì sẽ làm giảm tính độc lập của họ theo thời gian (Hermalin & Weisbach, 1998) và theo thông lệ tốt về quản trị công ty thì thời hạn này không nên quá 3 năm.

Bởi vì cơ chế hoạt động của HĐQT là thông qua các cuộc họp, thường thì là họp định kỳ chứ không phải là đến làm việc tại doanh nghiệp hàng ngày, trừ khi có các sự việc phát sinh cần họp bất thường. Do đó, để có thể thực hiện được những nhiệm vụ khác nhau của mình, HĐQT thành lập ra các ủy ban trực thuộc HĐQT để tập trung giải quyết những nhóm công việc lớn. Theo thông lệ tốt về quản trị công ty, HĐQT nên thành lập bốn ủy ban/tiểu ban trực thuộc bốn lĩnh vực lớn. Thứ nhất là Ủy ban nhân sự (Nomination Committee) phụ trách về vấn đề bổ nhiệm và miễn nhiệm nhân sự của doanh nghiệp. Thứ hai là Ủy ban lương thưởng (Remuneration Committee) phụ trách các vấn đề liên quan đến cơ chế lương, thưởng và đãi ngộ với các vị trí chủ chốt của doanh nghiệp. Thứ ba là Ủy ban rủi ro (Risk Committee) phụ trách xem xét, đánh giá và quản lý rủi ro của doanh nghiệp. Cuối cùng là Ủy ban kiểm toán (Audit Committee) phụ trách các vấn đề liên quan đến kiểm toán, bao gồm cả kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập. Thành viên của các ủy ban này được phân chia theo trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của thành viên HĐQT, bao gồm cả thành viên điều hành (EDs) và thành viên độc lập (NEDs).

Các ủy ban là công cụ đắc lực trợ giúp HĐQT xử lý hiệu quả các vấn đề khác nhau thuộc chuyên môn của các thành viên, vì họ được bố trí tập trung công việc vào những lĩnh vực cụ thể mà họ có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm, từ đó có thể tập trung để đưa ra các khuyến nghị có giá trị cho HĐQT hỗ trợ việc ra quyết định. Đặc biệt những ủy ban được thành lập hoàn toàn từ các thành viên độc lập sẽ giúp tăng cường tính khách quan và độc lập trong việc đưa ra ý kiến, tránh sự ảnh hưởng của các thành viên điều hành. Trong số 4 ủy ban trực thuộc HĐQT thì Ủy ban kiểm toán (UBKiT) đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thực hiện chức năng giám sát để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, nhất là đối với các công ty niêm yết.

2. Ủy ban kiểm toán (Audit committee)

Ủy ban kiểm toán (UBKiT) là một bộ phận trực thuộc HĐQT, được ví như là “cánh tay nối dài” của HĐQT với chức năng chủ yếu là đảm bảo tính độc lập của kiểm toán trong phạm vi doanh nghiệp. Lần đầu tiên khái niệm UBKiT được đề cập đến trong quản trị công ty là năm 1939, phát sinh từ Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và đến năm 1972 Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã yêu cầu các các công ty niêm yết thành lập UBKiT. Theo thông lệ, muốn cho UBKiT hoạt động tốt trước hết UBKiT cần phải được thành lập hoàn toàn từ các thành viên độc lập (NEDs) trong HĐQT và các thành viên này phải phát huy vai trò của mình một cách tích cực. Đây chính là điểm đặc biệt của UBKiT so với các ủy ban khác trực thuộc HĐQT vì là ủy ban duy nhất yêu cầu tất cả các thành viên phải là thành viên độc lập (NEDs). Riêng các thành viên của UBKiT cần phải có chuyên môn về tài chính và kế toán, kiểm toán. Trong một số trường hợp cần thiết, đơn vị có thể thuê thêm chuyên gia tư vấn độc lập bên ngoài tham gia vào UBKiT.

Trong bộ các thông lệ thực hành tốt về quản trị công ty đưa ra bởi Ủy ban Cadbury (Cadbury committee, 1992) vốn được coi là chuẩn mực đạo đức về hành vi của các thành viên HĐQT đã trực tiếp chỉ ra rằng UBKiT đóng vai trò tiên quyết trong việc đảm bảo tính độc lập và chất lượng của kiểm toán. Bởi vì, một trong những giả định cơ bản trong kiểm toán là KTV phải độc lập với người đưa ra thông tin kiểm toán để đảm bảo sự khách quan và trung thực của ý kiến kiểm toán. UBKiT với các thành viên độc lập có chuyên môn về kiểm toán và tài chính sẽ hỗ trợ đắc lực cho HĐQT trong việc lựa chọn và đảm bảo chất lượng kiểm toán, đảm bảo thông tin tài chính tin cậy được gửi đến tay cổ đông. Trong thời gian đầu, UBKiT chỉ chịu trách nhiệm giám sát quá trình lập BCTC và hoạt động kiểm toán BCTC do các KTV độc lập thực hiện. Tuy nhiên, sau một loạt các vụ bê bối kế toán lớn xảy ra, người ta nhận ra rằng vai trò của UBKiT cần phải được phát huy nhiều hơn mới có thể bảo vệ được các nhà đầu tư trước những rủi ro có thể gặp phải. Lúc này, ngoài trách nhiệm liên quan đến kiểm toán nội bộ, UBKiT còn có thêm trách nhiệm đối với bộ phận kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp. Khi đó, không chỉ là đối với các thông tin trên BCTC định kỳ công bố ra bên ngoài theo quy định, UBKiT còn có khả năng phát hiện ra những vấn đề liên quan đến thông tin tài chính báo cáo nội bộ ngay trong kỳ, trước khi công bố BCTC ra bên ngoài. Một cách tổng quan thì UBKiT là cầu nối giữa kiểm toán với HĐQT, có trách nhiệm đảm bảo tính độc lập cho cả kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ trong quá trình thực hiện kiểm toán. 

Đối với kiểm toán độc lập, UBKiT chịu trách nhiệm lên danh sách các công ty kiểm toán đủ điều kiện kiểm toán để trình cho cổ đông phê duyệt lựa chọn công ty kiểm toán. Sự tham gia của UBKiT trong việc lựa chọn danh sách công ty kiểm toán và xác định trước mức phí kiểm toán được thực hiện nhằm đảm bảo tính độc lập và phạm vi công việc kiểm toán được thực hiện mà không phụ thuộc vào Ban giám đốc đơn vị. Ngoài ra, trong suốt quá trình thực hiện kiểm toán, UBKiT là đầu mối phối hợp với kiểm toán độc lập rà soát phạm vi và nội dung công việc của kiểm toán độc lập, tiếp nhận và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm toán, nhất là các vấn đề có liên quan đến Ban giám đốc đơn vị. Sau đó, UBKiT cũng chính là đầu mối tiếp nhận kết quả kiểm toán độc lập.

Với cánh tay nối dài là bộ phận kiểm toán nội bộ, UBKiT có vai trò là cầu nối thông tin về doanh nghiệp đến HĐQT. Thông qua “cánh tay nối dài” là bộ phận kiểm toán nội bộ, UBKiT có được những thông tin về hoạt động hàng ngày của đơn vị dưới góc độ kiểm soát nội bộ nhằm đánh giá được các rủi ro kiểm soát có thể gặp phải. Đối với kiểm toán nội bộ, UBKiT chịu trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện bộ máy kiểm toán nội bộ của đơn vị. Đồng thời, UBKiT cũng tham gia vào việc xây dựng và quản lý toàn bộ hoạt động của kiểm toán nội bộ, từ khâu lập kế hoạch, xác định phạm vi và nội dung công việc kiểm toán, đảm bảo các nguồn lực cần thiết cho đến khâu tiếp nhận và xử lý các báo cáo kiểm toán nội bộ định kỳ để thông tin lại cho HĐQT. Những phát hiện của kiểm toán nội bộ về điểm yếu của HTKSNB, đặc biệt là đối với quá trình lập BCTC sẽ được thông tin kịp thời và trực tiếp cho HĐQT thông qua UBKiT để có hướng xử lý phù hợp. 

Với sự trợ giúp của bộ phận kiểm toán nội bộ, UBKiT còn đảm bảo sự tuân thủ với các quy định của pháp luật cũng như nội quy của đơn vị, hỗ trợ doanh nghiệp đạt được mục tiêu chiến lược đã được HĐQT vạch ra. Hơn nữa, nếu UBKiT giúp đảm bảo bộ phận kiểm toán nội bộ hoạt động có hiệu lực cũng góp phần làm giảm rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu trên BCTC, góp phần làm giảm thiểu rủi ro kiểm toán. Như vậy, UBKiT là bộ phận đặc biệt phục vụ cho việc minh bạch hóa thông tin cung cấp ra bên ngoài, đảm bảo chất lượng kiểm toán, là một phần không thể thiếu được của hệ thống quản trị công ty tốt. Một lần nữa, vai trò độc lập của UBKiT lại được nhấn mạnh để tăng thêm quyền lực và sự độc lập cho bộ phận kiểm toán nội bộ, từ đó mới có khả năng hỗ trợ thực hiện vai trò minh bạch thông tin của HĐQT hữu hiệu. 

3. Vai trò giám sát của ủy ban kiểm toán đối khi đồng cung cấp dịch vụ

Đồng cung cấp dịch vụ là việc công ty kiểm toán đồng thời cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ phi kiểm toán khác cho khách hàng trong cùng thời gian cung cấp dịch vụ kiểm toán. Có một thực tế là phần lớn khách hàng sử dụng NAS của công ty kiểm toán lại là chính các khách hàng kiểm toán của họ. Điều này rất dễ hiểu vì khách hàng tin tưởng rằng với kiến thức và kinh nghiệm sẵn có của công ty kiểm toán, cộng với những hiểu biết về đơn vị thông qua quá trình kiểm toán sẽ mang lại cho họ nhiều giá trị ưu việt hơn là một đơn vị cung cấp dịch vụ mới. Đối với các công ty kiểm toán thì NAS luôn là mảnh đất màu mỡ tạo ra phần lớn doanh thu và lợi nhuận, bởi vì mức phí NAS thường cao hơn mức phí dịch vụ kiểm toán, trong khi đó mức độ rủi ro có thể phải đối mặt lại thấp hơn đáng kể. 

Tình trạng đồng cung cấp dịch vụ NAS cho khách hàng kiểm toán có thể tạo ra các nguy cơ nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán. Đồng cung cấp dịch vụ tạo ra nguy cơ tự kiểm tra (self-review), nhất là trường hợp sản phẩm của dịch vụ đó có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến số liệu của BCTC được kiểm toán. Nguy cơ bào chữa (advocay threat) cũng phát sinh do khi đồng cung cấp dịch vụ KTV có xu hướng ủng hộ quan điểm của khách hàng (Shaub, 2015). Đặc biệt là khi dịch vụ phi kiểm toán đồng cung cấp yêu cầu công ty kiểm toán phải đưa ra đánh giá trên phương diện của nhà quản lý, hay nói cách khác là đứng trên quan điểm của nhà quản lý. Vì vậy, KTV có xu hướng thông cảm và đồng thuận với các xét đoán của nhà quản lý đơn vị đưa ra trên BCTC. Nguy cơ do tư lợi (self-interest) cũng có thể phát sinh khi tổng mức phí nhận được chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu làm cho công ty kiểm toán phụ thuộc vào phí từ khách hàng (Basioudis, Papakonstantinou, & Geiger, 2008). Và khi tổng mức phí thu được từ 1 khách hàng đủ lớn thì công ty kiểm toán có thể chấp nhận thỏa hiệp với khách hàng (Markelevich & Rosner, 2013). Thêm vào đó, khi nhiệm kỳ kiểm toán càng dài, KTV có thể mất đi thái độ hoài nghi nghề nghiệp cần thiết, gây ra nguy cơ từ sự quen thuộc (familiarity threat).

Việc đồng cung cấp dịch vụ phổ biến đến nỗi các hội nghề nghiệp đều đã bày tỏ sự quan ngại về tình trạng này và những ảnh hưởng tiêu cực đến tính độc lập của KTV, từ đó làm suy giảm chất lượng kiểm toán. Hàng loạt các vụ bê bối kế toán lớn kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt các công ty, tập đoàn lớn trên khắp thế giới đã minh chứng cho hậu quả nghiêm trọng khi KTV không đảm bảo được tính độc lập của mình. Thậm chí vào tháng 3 năm 2018, các quan chức quản lý kế toán ở Anh đã phải đưa ra lời cảnh báo về việc đồng cung cấp dịch vụ và đặt vấn đề các công ty kiểm toán nên thoái vốn khỏi mảng cung cấp dịch vụ tư vấn. Với thực trạng số lượng các vụ bê bối kế toán ngày càng gia tăng trong thời gian qua,  nhiều nghiên cứu đã tập trung vào các vấn đề xoay quanh việc đồng cung cấp dịch vụ và mối liên hệ đến tính độc lập của kiểm toán, phần lớn kết quả nghiên cứu khẳng định lại lần nữa ảnh hưởng tiêu cực này.

Chính từ thực tế này mà sự tham gia của UBKiT trong việc giám sát lựa chọn công ty kiểm toán, xác đinh mức phí kiểm toán và phạm vi công việc kiểm toán là chưa đủ để đảm bảo tính độc lập cho KTV trong tình huống đồng cung cấp dịch vụ. Vì các nguy cơ tạo ra khi đồng cung cấp dịch vụ cho khách hàng kiểm toán là quá lớn, nên cần phải được rà soát kỹ. Vì vậy, UBKiT được trao thêm thẩm quyền phê chuẩn trước các dịch vụ phi kiểm toán được cung cấp bởi chính công ty kiểm toán đã được lựa chọn và tổng mức thù lao sẽ chi trả cho cả dịch vụ kiểm toán và phi kiểm toán đã được phê duyệt. Và trong suốt quá trình thực hiện kiểm toán, UBKiT là đầu mối phối hợp với kiểm toán độc lập rà soát phạm vi và nội dung công việc của kiểm toán độc lập, tiếp nhận và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm toán, nhất là các vấn đề có liên quan đến Ban giám đốc đơn vị. Sau đó, UBKiT cũng chính là đầu mối tiếp nhận kết quả kiểm toán độc lập.

Việc phê chuẩn trước danh sách các dịch vụ phi kiểm toán có thể được đồng cung cấp bởi công ty kiểm toán là nhằm ngăn ngừa nguy cơ tự kiểm tra có thể ảnh hưởng đến tính độc lập. Nguy cơ bào chữa đồng thời cũng được xem xét đến khi các dịch vụ phi kiểm toán yêu cầu KTV đứng trên quan điểm các nhà quản lý của đơn vị, vì vậy dễ tư duy theo cách của nhà quản lý và dễ cảm thông với các quyết định của họ hơn. Vì vậy, các dịch vụ phi kiểm toán gây ra nguy cơ tự kiểm tra và nguy cơ bào chữa một cách trực tiếp hoặc nguy cơ ở mức cao sẽ không được phê chuẩn. 

Việc đưa ra giới hạn về tổng mức phí có thể chi trả cho công ty kiểm toán cho tất cả các dịch vụ kiểm toán và phi kiểm toán được cung cấp trong cùng một kỳ và trong các kỳ liên tiếp giúp ngăn ngừa nguy cơ tư lợi và nguy cơ đe dọa. Giới hạn tổng mức phí làm giảm động cơ hoặc sức ép khiến công ty kiểm toán phải thỏa hiệp để giữ chân khách hàng, từ đó duy trì được tính độc lập của mình.

Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các nguy cơ ảnh hưởng đến tính độc lập không thể loại bỏ hoàn toàn, đặc biệt là khi đồng cung cấp dịch vụ nên cần có các biện pháp bảo vệ (safeguards) phù hợp để giảm thiểu các nguy cơ đó xuống mức thấp có thể chấp nhận được. Do đó, UBKiT còn chịu trách nhiệm rà soát và trao đổi với công ty kiểm toán được về các biện pháp bảo vệ khỏi nguy cơ ảnh hưởng đến tính độc lập nếu có. Thậm chí, UBKiT còn được trao quyền quyết định có tiếp tục thuê kiểm toán độc lập không hay dừng hợp đồng kiểm toán nếu như xét thấy các nguy cơ quá cao mà không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu.

4. Kết luận

Bởi vì hiện tượng thông tin bất cân xứng (information asymmetry) không chỉ xảy ra đối với các cổ đông bên ngoài doanh nghiệp mà với bản thân các thành viên độc lập của HĐQT cũng có rủi ro tương tự do cơ chế hoạt động của HĐQT là thông qua các cuộc họp nên thông tin mà các thành viên độc lập nhận được không giống như các thành viên điều hành. Do đó, để có thể hỗ trợ quá trình ra quyết định thì HĐQT phải được tiếp cận đầy đủ, kịp thời với những thông tin phù hợp, chính xác, và theo thông lệ tốt về quản trị công ty thì trách nhiệm thuộc này về UBKiT. Chưa kể đến một loạt các cải cách liên quan đến quản trị công ty đều nhấn mạnh vào vai trò và trách nhiệm của các bên có liên quan đến việc minh bạch thông tin trên BCTC, đặc biệt là của UBKiT. Những yếu tố nêu trên thể hiện hàm ý rằng sự độc lập của các thành viên trong UBKiT là yếu tố tiên quyết để đạt được mục tiêu hoạt động của bộ phận này.

Đối với kiểm toán độc lập, UBKiT là đầu  mối liên hệ giữa KTV và đơn vị, và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo tính độc lập của kiểm toán, giảm thiểu tối đa các nguy cơ ảnh hưởng đến tính độc lập đã được phân tích chi tiết ở trên. Đây là minh chứng cho thấy muốn nâng cao chất lượng kiểm toán thông qua việc đảm bảo tính độc lập cho kiểm toán thì không thể bỏ qua UBKiT và tính độc lập của các thành viên trong UBKiT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Basioudis, I. G., Papakonstantinou, E., & Geiger, M. A. (2008). Audit fees, non-audit fees and auditor going-concern reporting decisions in the United Kingdom. Abacus, 44(3), 284-309. https://doi.org/10.1111/ j.1467-6281.2008.00263.x
  2. Hermalin & Weisbach. (1998). Corporate governance models in emerging markets: The case of India. International journal of Business governance and ethics, 1(1), 56-77.
  3. Hoskisson et al. (2000). Strategy in emerging economics”, Academy of Management Journal, 76(3), 249-267.
  4. Jasim Al-Ajmi. (2009). Audit firm, corporate governance and audit quality: Evidence from Bahrain. Advances in Accounting, incorporating advances in international accounting, 25, 64-74.
  5. Julia Wu, Ahsan Habib & Sidney Weil. (2014). Audit committee members: What goes on behind closed doors? Australian accounting review, 24(71, 4), 321-339.
  6. La Porta et al. (2000). Investor protection and corporate governance. Journal of Financial Economics, 58, 3-27.
  7. Markelevich, A., & Rosner, R. L. (2013). Auditor fees and fraud firms. Contemporary Accounting Research, 30(4), 1590-1625. https://doi.org/10.1111/1911-3846.12013
  8. Roger D. Martin. (2013). Audit quality indicators: Audit practice meets audit research. Current issues in auditing, 7(2), A17-A23.
  9. Sandra C. Vera-Munoz. (2005). Corporate governance reforms: Redefined expectations of Audit committee responsibilities and effectiveness”, Journal of Business Ethics, 62, 115-127.

THE ROLE OF AUDIT COMMITTEE IN MONITORING

THE INDEPENDENCE OF AUDITORS IN THE CONTEXT

OF JOINT-PROVISION OF NON-AUDIT SERVICES

• LE THI THU

Department of Auditing, Faculty of Accounting - Auditing,

Foreign Trade University 

ABSTRACT:

Many studies have shown that the audit committee is an effective shield to ensure the independence of auditors, especially in the context of joint-provision of non-audit services by CPA firms. A series of big accounting scandals have occurred consecutively, starting with Enron, and Worldcom further proved this comment when one of the main reasons is that the audit committees failed to implement their monitoring function for the financial reporting process and the independence of auditors. It also means that the independent members of the Board of Directors (BoD) did not actively promote their supervisory roles. The audit committee’s implementation of its supervisory role will make an important contribution to maintaining the independence of auditors, especially in the context of joint-provision of non-audit services.

This article firstly discusses the origin and role of corporate governance in general and in audit committees in particular. Then, the audit committee's oversight role for the independence of auditors will be discussed in the context of joint-provision of non-audit services.

Keywords: Corporate governance, audit committee, auditor’s independence, joint provision of services, auditing services.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]