Vấn đề người đại diện sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần tại Việt Nam

PGS.TS. TRẦN VĂN BÌNH, ThS. NGUYỄN THANH HƯƠNG (Viện Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Lý thuyết Người đại diện (Agency Theory) nghiên cứu mối quan hệ giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền, từ lâu là khung phân tích chính cho những vấn đề về quản trị doanh nghiệp (Coporate governance) nói chung và thu nhập của người đại diện nói riêng. Cùng với nhiệm vụ mà Chính phủ đặt ra là cần phải đổi mới quản trị doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, vấn đề người đại diện sở hữu vốn Nhà nước càng thu hút sự chú ý hơn bao giờ hết. Tuy giữ vai trò quan trọng, song trên thực tế cơ chế cho người đại diện phần vốn Nhà nước vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong phạm vi nội dung bài viết, tác giả tập trung vào lý thuyết người đại diện, làm cơ sở để phân tích thực trạng vấn đề đại diện, cụ thể là vấn đề người đại diện phần vốn nNhà nước tại các công ty cổ phần tại Việt Nam, đặt trong sự so sánh với một số quốc gia. Từ đó, bài viết chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại về vấn đề người đại diện vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần Việt Nam.

Từ khóa: Quản trị doanh nghiệp, người đại diện, vốn Nhà nước, công ty cổ phần.

1. Lý thuyết người đại diện

1.1. Sự ra đời và phát triển của lý thuyết

Lý thuyết người đại diện (Agency theory) xuất hiện trong bối cảnh việc quản trị kinh doanh gắn liền với những nghiên cứu về hành vi của người chủ và người làm thuê thông qua các hợp đồng. Những nghiên cứu đầu tiên tập trung vào những vấn đề về thông tin không hoàn hảo trong những hợp đồng ngành Bảo hiểm (Spence và Zeckhauser, 1971; Ross, 1973), và nhanh chóng trở thành một lý thuyết khái quát những vấn đề liên quan đến hợp đồng đại diện trong các lĩnh vực khác (Jensen và Meckling, 1976; Harris và Raviv, 1978)[4].

Lý thuyết xuất phát từ sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành, nó càng trở nên phổ biến khi các công ty ngày càng lớn mạnh, mở rộng về quy mô, chủ sở hữu không thể tham gia điều hành công ty mà họ có xu hướng thuê người để điều hành công ty.

Theo Jensen & Meckling (1976)[4], lý thuyết người đại diện cho rằng khi có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Có thể xảy ra các trường hợp như sau:

- Ban điều hành sử dụng tiền để mở rộng hoạt động kinh doanh, khiến vị trí của họ ổn định hơn, lương và quyền lực lớn hơn.

- Chế độ đãi ngộ, lương thưởng và những khoản trợ cấp rất lớn của người điều hành được tính vào chi phí kinh doanh mà cổ đông phải gánh chịu.

- Cán bộ điều hành có thể tham gia những khoản đầu tư mạo hiểm nhằm thu lợi ngắn hạn.

Lý thuyết người đại diện được xây dựng từ góc độ kinh tế học, dựa trên giả định hành vi của con người là cá nhân, cơ hội và tư lợi. Lý thuyết cho rằng, nếu cả hai bên trong mối quan hệ này đều muốn tối đa hóa lợi ích của mình, thì có cơ sở để tin rằng người đại diện sẽ không luôn luôn hành động vì lợi ích tốt nhất cho người ủy quyền. Vấn đề cần giải quyết là làm thế nào để nhà quản lý hành động vì lợi ích của mình mà vẫn gia tăng được sự giàu có cho cổ đông. Doanh nghiệp có thể có được sự liên kết lợi ích bằng nhiều cách khác nhau, trong số đó là một cơ chế đền bù tốt cho người đại diện bằng một hợp đồng thỏa thuận công bằng giữa cổ đông và nhà quản lý. Hợp đồng này được hình thành dựa trên quan hệ cung cầu trên thị trường mà không bị chi phối bởi bất kỳ sức mạnh nào khác.

Tuy nhiên trên thực tế, không thể có một hợp đồng hoàn hảo giữa người ủy quyền và người đại diện. Do đó, trong hầu hết mối quan hệ đều phát sinh chi phí đại diện là những chi phí tiền tệ và phi tiền tệ mà các bên phải gánh chịu do sự cần thiết phải thiết lập hệ thống ràng buộc và kiểm tra, gồm ba bộ phận cấu thành: chi phí giám sát theo dõi (monitoring cost), chi phí ràng buộc (bonding cost) và chi phí do mất mát phụ trội (residual loss) (Benjamin Coriat, Oliver Weinstein, 2011)[1] .

1.2. Cách thức giải quyết mâu thuẫn về vấn đề người đại diện

Các nghiên cứu về lý thuyết và thực tiễn đã chỉ ra rằng có nhiều cách giải quyết mâu thuẫn giữa chủ sở hữu và người điều hành. Trong đó, có 5 cách chính được đề cập trong các nghiên cứu:

1.2.1. Mô hình “thôn tính”

Một trong những cơ chế mạnh để tăng cường kỷ luật và thay thế tổng giám đốc kém hiệu quả là “thôn tính toàn bộ”. Khi cần thiết, có sự thôn tính do một cổ đông lớn, người này sẽ đồng thời nắm quyền biểu quyết tập trung trong tay mình để giải quyết khủng hoảng của công ty hoặc để quyết định một vấn đề quan trọng. Đây là cơ chế mạnh, gây xáo trộn lớn và làm tăng chi phí cho công ty.

1.2.2. Cơ cấu vốn

Theo lý thuyết người đại diện, chi phí đại diện phát sinh từ khoảng cách giữa lợi ích của chủ sở hữu và người điều hành sẽ tỷ lệ nghịch với mức độ đóng góp cổ phần của người điều hành. Sử dụng cơ cấu vốn phù hợp sẽ rút ngắn khoảng cách lợi ích trên. Tại các quốc gia Châu Âu, hình thức tập trung quyền sở hữu hoặc kiểm soát khá phổ biến. Tại Đức, phần lớn các doanh nghiệp lớn có cổ đông lớn nắm giữ hơn 25% vốn cổ phần. Các cổ đông này có thể kiểm soát chi phí quản lý vì họ có động lực kiểm soát hành vi của người điều hành (Zechkhauser and Pound, 1990)[7] .

1.2.3. Vai trò của hội đồng quản trị

Một phương pháp khá phổ biến được sử dụng trong các doanh nghiệp lớn có cơ cấu vốn chủ sở hữu đa dạng, các mối quan hệ giữa cổ đông phức tạp là sử dụng hội đồng quản trị để kiểm soát người đại diện. Các nghiên cứu thực nghiệm và thông lệ quản trị đề cập rất nhiều đến vai trò kiểm soát của hội đồng quản trị trong thực tế. Tuy vậy, các nghiên cứu và thực tiễn không đưa ra những khẳng định rõ ràng về hiệu quả của hội đồng quản trị trong kiểm soát và định hướng người đại diện.

1.2.4. Chế độ lương thưởng và nhiệm vụ của người đại diện

Các nhà nghiên cứu tập trung vào mức độ nhạy cảm (lương minh bạch) và việc sa thải người đại diện (chế độ đãi ngộ ngầm) với kết quả doanh nghiệp. Mức lương cao là để đãi ngộ cho việc gia tăng tài sản của cổ đông trong những năm 90 và cơ chế trả lương để tạo động lực được coi là một trong những động cơ đằng sau của việc định giá thị trường đối với các công ty của Mỹ (Hand book of Law and Economics, 2007).

1.2.5. Ủy ban kiểm soát và chủ nợ lớn

Một trong những ưu điểm của phương pháp này là những cổ đông lớn thường ít khi tham gia các giao dịch vì lợi ích riêng cho mình. Vì vậy, họ là người lý tưởng nhất để kiểm soát người đại diện (ban điều hành). Cách thức này được sử dụng chủ yếu tại các nền kinh tế phát triển.

2. Cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước tại một số quốc gia

Ở các nước có phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đều có cơ chế cử người đại diện, cơ chế trả lương cho người đại diện phần vốn Nhà nước xây dựng trong các doanh nghiệp.

2.1. Cơ chế người đại diện tại Pháp

Theo điều 139 Luật số 2001- 420 ngày 15/5/2001, Nhà nước có thể cử một hoặc nhiều đại diện trong hội đồng quản trị, hội đồng giám sát của doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước nắm giữ từ 10% vốn trở lên. Người đại diện được cơ quan có thẩm quyền quy định (thường là Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định) dựa vào đề nghị của Bộ quản lý ngành, liên Bộ hoặc do APE (Cơ quan quản lý phần vốn góp của Nhà nước) cử người của mình đến các DN.

Những quy định cụ thể quy định mức lương đối với các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để tránh tiêu cực trong trả lương (quy định không vượt quá 20 lần trung bình mức lương thấp nhất tại nhóm các DNNN chủ chốt, mức trần là 450.000 Euro/năm chưa tính thuế). Thông tin về tiền lương được thể hiện trên một tài khoản đặc biệt của DN nhằm tăng cường quản trị và giám sát về tiền lương trong DN.

2.2. Cơ chế người đại diện vốn Nhà nước tại Nga

Tại Nga, số người đại diện được cử vào hội đồng quản trị của DNNN phụ thuộc vào quy mô của DN và quy mô vốn đầu tư của Nhà nước. Trong 11-15 thành viên của Hội đồng quản trị thì tối thiểu có tới 5 thành viên là người đại diện vốn chủ sở hữu, tối đa là 9 thành viên. Trong các DNNN lớn nhất của Nga, Nhà nước đề cử người đại diện là cán bộ thuộc Cục Quản trị của Tổng thống, trong các DNNN thuộc khu vực trọng điểm có các Bộ trưởng làm đại diện hoặc các thành viên thuộc các ủy ban của Hội đồng liên bang hoặc thành viên của Chính phủ.

2.3. Cơ chế đại diện vốn Nhà nước tại Singapore

Trong Hội đồng quản trị của Temasek, các chức danh quan trọng là người của Chính phủ; công chức thuộc Bộ Tài chính và đến từ khu vực tư nhân là các giám đốc điều hành độc lập (năm 2013, Temasek có 10 giám đốc điều hành, trong đó có 3 người là của Bộ Tài chính, 7 người là giám đốc độc lập đến từ khu vực tư nhân). Đối với các doanh nghiệp do Temasek quản lý, cơ chế cử người đại diện tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp. Tiền lương của những người đại diện được doanh nghiệp trả theo thỏa thuận lương cộng các khoản tiền phụ cấp như nhà ở và chi phí học hành của con cái phụ thuộc.

3. Người đại điện phần vốn Nhà nước trong các công ty cổ phần tại Việt Nam

3.1. Khái niệm người đại diện phần vốn Nhà nước

Tại Việt Nam, khái niệm người đại diện lần đầu tiên xuất hiện dưới thuật ngữ “người trực tiếp quản lý” trong Nghị định 73/2000/NĐ-CP, chỉ đội ngũ những người có trách nhiệm quản lý phần vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp khác và điều hành tại các doanh nghiệp này đi đúng với định hướng, chỉ đạo của Nhà nước. Luật Doanh nghiệp năm 2015 là khung pháp lý áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, đã đưa định nghĩa cụ thể hơn về “người đại diện theo ủy quyền”, dần thay thế thuật ngữ “người quản lý trực tiếp”.

Để phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế đa thành phần với nhiều chủ sở hữu, khái niệm người đại diện được quy định trong Nghị định 71/2013 được đề cập với 2 loại người đại diện: “Người đại diện theo ủy quyền phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác” và “Người đại diện theo ủy quyền phần vốn của vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác”. Theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 21/2014/BTC[1], người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được hiểu là “cá nhân được chủ sở hữu phần vốn nhà nước ủy quyền bằng văn bản để thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn Nhà nước”, bao gồm:

+ Người đại diện là người làm việc chuyên trách tại doanh nghiệp.

+ Người đại diện là cán bộ, công chức thuộc cơ quan hành chính nhà nước được cử hoặc chỉ định làm người đại diện kiêm nhiệm tại doanh nghiệp.

3.2. Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của người đại diện phần vốn Nhà nước

Thông tư 21/2014/TT-BTC [1] quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn Nhà nước.

- Về nhiệm vụ của người đại diện

- Về trách nhiệm báo cáo của nNgười đại diện được chia ra 3 hình thức báo cáo : Báo cáo định kỳ (hàng Quý, năm); Báo cáo theo yêu cầu đột xuất; Báo cáo bất thường.

- Về quyền hạn và nghĩa vụ của người đại diện

Theo Thông tư 21/2014-BTC[1], quyền hạn và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn Nhà nước bao gồm:

* Về quyền hạn

+ Được chủ sở hữu phần vốn nhà nước xem xét đề cử tham gia hội đồng quản trị theo quy định.

+ Được chủ sở hữu phần vốn nhà nước ủy quyền tham gia ý kiến và biểu quyết tại cuộc họp theo số cổ phần (mức vốn) được ủy quyền đại diện.

+ Được hưởng tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm (nếu có), thù lao, các quyền lợi khác theo quy định, được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, do chủ sở hữu phần vốn nhà nước tổ chức.

* Về nghĩa vụ:

+ Tuân thủ theo quy định của pháp luật, điều lệ của doanh nghiệp; các quy định của chủ sở hữu phần vốn Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

+ Thường xuyên theo dõi, thu thập thông tin về tình hình hoạt động và kết quả sản xuất kinh doanh; giám sát tình hình tài chính; gửi các báo cáo định kỳ, báo cáo bất thường và đột xuất theo yêu cầu của chủ sở hữu phần vốn nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

+ Báo cáo kịp thời, đề xuất giải pháp đối với chủ sở hữu phần vốn nhà nước về tình hình doanh nghiệp hoạt động thua lỗ; không đảm bảo khả năng thanh toán; đầu tư không đúng mục tiêu chiến lược, không hoàn thành nhiệm vụ do chủ sở hữu phần vốn nhà nước giao.

4. Một số vấn đề đặt ra đối với người đại diện vốn nhà nước tại các công ty cổ phần Việt Nam

Theo số liệu cuối năm 2016, số lượng người đại diện vốn Nhà nước của SCIC là 222 người. Trong số đó, cán bộ của SCIC là 54 người, chuyên trách tại doanh nghiệp là 163 người, công chức tham gia kiêm nhiệm là 05 người. Thông qua chế độ báo cáo của những người này, SCIC đã chỉ đạo, tham mưu và tư vấn kịp thời cho người đại diện trong vai trò là thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát và lãnh đạo doanh nghiệp trong quá trình quản lý, điều hành, cũng như trong việc ra các quyết định lớn. Tuy giữ vai trò quan trọng, song trên thực tế, cơ chế cho người đại diện phần vốn nNhà nước vẫn còn tồn tạinhiều bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

- Thứ nhất, nguồn cung những người đại diện vốn nNhà nước hiện tại trên thị trường rất hạn chế do ở Việt Nam phần lớn coi việc ngồi hội đồng quản trị như một công việc tay trái. Tuy vậy, chế độ đãi ngộ cho những người đại diện kém hấp dẫn, chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra. Hiện nay, theo quy định cho phép người đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được hưởng thù lao. Hình thức phổ biến là doanh nghiệp chịu trách nhiệm trả lương thưởng, thực hiện các thủ tục hưu trí… cho người đại diện vốn nhà nước đảm nhận chức vụ lãnh đạo tại doanh nghiệp. Trên thực tế, người đại diện vốn chỉ nhận được sự ủng hộ của SCIC để tham gia vào hội đồng quản trị và hưởng thù lao của Hội đồng này. Số tiền được hưởng từ hội đồng quản trị SCIC sẽ không truy thu, đây là khoản người đại diện vốn sẽ được hưởng. Tuy nhiên, thù lao tại doanh nghiệp trả cho cán bộ của SCIC tất cả đều phải nộp về cho công ty. Ngoài ra, Nhà nước cũng đã có quy định: hàng tháng, người đại diện vốn được hưởng thù lao do đại diện chủ sở hữu chi trả. Song do chưa có hướng dẫn mức chi trả cụ thể nên thực tế tất cả 222 người đại diện của SCIC không được nhận bất cứ thù lao nào từ phía người sử dụng.

- Thứ hai, người đại diện của nhà nước trong CTCP, theo nghị định 73/2000/NĐ-CP[7], người đại diện chỉ có thể tác động đến hoạt động của công ty cổ phần theo quy định của luật pháp và điều lệ công ty. Sự tác động của người đại diện có tính chất quyết định hay không tùy thuộc vào số vốn của Nhà nước đầu tư vào công ty. Nhưng trong thực tế, vẫn xảy ra tình trạng người đại diện có sự can thiệp quá sâu vào mọi hoạt động của công ty làm hạn chế tính chủ động sáng tạo trong điều hành hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Thứ ba, việc trao quyền cho người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp quá lớn và chế độ báo cáo, xin ý kiến trước khi biểu quyết những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể; cùng với việc kiểm tra giám sát hạn chế, không thường xuyên nên tính chất cảnh báo, phòng ngừa rủi ro trong quá trình hoạt động của nhiều doanh nghiệp không phát huy được hiệu quả như mong đợi (các trường hợp của Vinashin, Vinalines...).

- Thứ tư, Luật Quản lý vốn Nhà nước 2014 đặt ra nhiều yêu cầu chặt chẽ, đòi hỏi sự can thiệp sâu của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn vào doanh nghiệp. Chẳng hạn, tất cả các vấn đề được thảo luận và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp, người đại diện vốn đều phải báo cáo và xin ý kiến chủ sở hữu và việc này thường không thể làm nhanh. Việc chờ đợi ý kiến của cổ đông nhà nước có thể làm chậm việc ra quyết định và mất đi cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

- Thứ năm, quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp tại Thông tư 21/2014[1] còn tồn tại bất cập, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng... Một số ngân hàng thương mại có cổ phần do Nhà nước nắm giữ (Viettinbank, BIDV…), người đại diện đồng thời nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy Ngân hàng Nhà nước. Tại những thời điểm mà các thông tin, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tiền tệ, tỷ giá (thời điểm 2010-2011, chính sách tiền tệ được điều chỉnh liên tục)… có ý nghĩa quyết định đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng, thì sự có mặt của một ủy viên trong hội đồng quản trị đồng thời là lãnh đạo thuộc Ngân hàng Nhà nước sẽ không tránh khỏi sự nghi ngờ về cạnh tranh không lành mạnh giữa ngân hàng có vốn Nhà nước và các ngân hàng cổ phần khác.

- Thứ sáu, một bất cập trong chính sách là những người đại diện không sở hữu một tỷ lệ nào trong doanh nghiệp, do đó những người này sẽ có khả năng “thất nghiệp” cao sau thoái vốn. Khi đó, nếu doanh nghiệp có như cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động hưởng lương như người lao động bình thường. Tuy nhiên nếu các ông chủ mới không sử dụng nữa thì sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Đó là lý do dẫn tới nhiều người đại diện không ủng hộ thoái vốn, dẫn tới nhiều vấn để nảy sinh ảnh hưởng đến tốc độ thoái vốn của doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

1. Bộ Tài chính. Quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Số 21/2014/TT-BTC.14/2/2014.

2. Trần Việt Lâm (2013), Lý thuyết người đại diện, lý thuyết trò chơi và bài toán người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 198.

3. Thủ tướng Chính phủ. Giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Ngày 06/10/2015.

4. Thủ tướng Chính phủ. Quy chế quản lý phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp khác. Nghị định số 73/2000/NĐ-CP. Ngày 06/12/2000.

5. Thủ tướng Chính phủ. Quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Nghị định số 106/2015/NĐ-CP. Ngày 23/10/2015.

Tiếng Anh

1. Benjamin Coriat, Oliver Weinstein (2011), Patent regimes, firms and commodification of knowledge.

2. Daily, C. M., Dalton, D. R., &Cannella, A. A. (2003), Corporate governance: Decades of dialogue and data,Academy of Management Review, 28(3), 371-382.

3. F. Allen, Stewart C. Myers, Richard A. Breadley (2009), Principles of corporate finance.

4. Michael C. Jensen và William H. Meckling (1976), Theory of the Firm: Managerial Behavior, Agency Costs and Ownership Structure.

5. Timothy J.Besley , Maitreesh Ghatak (2014), Solving Agency Problems:Intrinsic Motivation,Incentives, andProductivity.

6. Garry J.Miller (2005), Solutions to Principal-Agent Problems in Firms

7. Zeckhauser, R. J., & Pound, J. (1990). In Hubbard, R. G (Ed.), are large shareholders effective monitors? An investigation of share ownership and corporate performance (pp. 149-180). University of Chicago Press.

THE PROBLEM OF STATE CAPITAL REPRESENTATIVES IN JOINT-STOCK COMPANIES IN VIETNAM

Assoc. Prof. PhD. TRAN VAN BINH

MA. NGUYEN THANH HUONG

School of Economics and Management

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

The Agency Theory examines the relationship between the authorizing party (principal) and the authorized party (agents), which has long been the principal analytical framework for corporate governance issues in general and the Representatives income in particular. Along with the Government's task is to reform the governance of state-owned enterprises after equitization and to improve the efficiency of state capital management in enterprises, the state capital representatives issue attracts more attention than ever. Despite of playing an important role, the mechanism for the state capital representative still has many inadequacies in reality, affecting the activities of enterprises. Within the scope of this article, the author focuses on the Agency Theory, as the basis for the analysis of the situation of representative issues, the state capital Representatives in joint stock companies in Vietnam, in comparison with some countries. Thus, the article shows some remaining limitations on the issue of the state capital representatives in joint stock companies in Vietnam.

Keywords: Corporate governance, representative, State capital, Joint-stock company.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây