Vận dụng mô hình Flipped classroom trong giảng dạy bậc đại học tại Việt Nam hiện nay

ThS. PHẠM THỊ THU HUYỀN (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Mô hình Filipped classroom là một trong những mô hình đang được áp dụng rộng rãi tại một số nước như Mỹ, Autralia,… khi tiến hành dạy online. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, đây vẫn còn là một mô hình dạy học còn khá mới. Trên cơ sở phân tích những ưu và nhược điểm của mô hình Filipped classroom khi áp dụng vào giảng dạy đại học tại Việt Nam hiện nay, bài viết sẽ đưa ra một số kiến nghị để nâng cao hiệu quả của mô hình này khi áp dụng vào thực tế.

Từ khóa: “Lớp học đảo ngược”, dạy và học online, mô hình dạy học.

1. Đặt vấn đề

Mô hình Filipped classroom hay còn gọi là mô hình “Lớp học đảo ngược” là mô hình mà trong đó trình tự giảng dạy sẽ bị “lật ngược’’ so với mô hình giảng dạy theo phương pháp truyền thống. Mô hình Filipped classroom hướng đến việc chuyển dần không gian học tập nhóm sang không gian học tập cá nhân. Không gian học tập nhóm sẽ được dùng để tương tác, tranh luận, thảo luận làm rõ vấn đề, thay vì dùng để thuyết giảng, nghe giảng như trước đây.

 Đối với mô hình Filipped classroom người học phải xem các bài giảng trực tuyến trước khi đến lớp. Giờ học trên lớp sẽ dành cho các hoạt động học tập giúp người học nâng cao khả năng làm chủ các kỹ năng thông qua bài tập thực hành và thảo luận cộng tác. Mô hình này giúp người học phát huy tính được tính chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề, người học có thể tiếp cận video bài học bất kỳ lúc nào, có thể dừng bài giảng lại, ghi chú và xem lại nếu cần, điều này là không thể khi giảng dạy theo phương pháp truyền thống. Mô hình Filipped classroom giúp người học hiểu kỹ hơn về lý thuyết để sẵn sàng tham gia vào các buổi học nhóm, thực hành bài tập nâng cao tại giờ học trên lớp.

Hiện nay sau khi đã trải qua kỳ đại dịch Covid 19, Việt Nam đã có bước cải tiến vô cùng lớn trong lĩnh vực giáo dục khi hầu hết các trường đại học tại Việt Nam đều đã thay đổi hình thức dạy và học từ mô hình truyền thống sang dạy và học online. Người học được tiếp cận với cách học mới - học online, nghe bài từ giảng thông qua các video bài giảng nhờ sự hỗ trợ từ các công cụ của Internet, You tube, MS teams,…Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mới dừng lại ở mức độ là người học nghe bài giảng trực tiếp bằng hình thức online và hiệu quả thật sự của việc dạy và học online vẫn chưa được khai thác triệt để, cụ thể là mô hình Filipped Classroom vẫn chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam khi tiến hành dạy học online.

2. Cơ sở lý thuyết

Alison King (1993), đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc sử dụng thời lượng trên lớp để giúp người học hiểu rõ ý nghĩa, nội dung của bài học thay vì dùng nó như một công cụ để thuyết giảng, truyền tải nội dung thông tin.

Harvard Eric Mazur (1997), đã đề cập đến một phương pháp dạy học hoàn toàn mới cuốn trong sách “A User's Manual’’. Phương pháp này được vận dụng để chuyển tải thông tin lớp học ra bên ngoài lớp học, ngoài ra phương pháp này còn mang đến cho người học một cách tự chủ trong việc lựa chọn phương pháp học phù hợp. Mazur được xem là người có vai trò quan trọng trong việc phát triển các khái niệm liên quan đến lớp học đảo ngược.

Baker, W. (2000), cho thấy trong mô hình “Lớp học đảo ngược” người dạy sẽ cung cấp trước tài liệu học tập thông qua Internet bao gồm: các video, power point, file âm thanh,… để người học tự xem, nghiên cứu trước, giờ học trên lớp sẽ chủ yếu dùng để thảo luận và giải đáp câu hỏi. Trong quá trình này, người dạy sẽ tiến hành nhiều bài kiểm tra online, để đánh giá quá trình tự nghiên cứu và học tập của người học tại nhà.

Lage, Platt và Treglia (2000), đã đưa ra các thảo luận về mô hình Flipped classrooms ở bậc cao đẳng trong bài báo “Inverting the Classroom: A gateway to Creating an Inclusive Learning Environment”. Trong bài nghiên cứu, nhóm tác giả khẳng định có thể tận dụng thời gian trên lớp bằng cách “đảo ngược” trình tự lớp học, chuyển việc trình bày nội dung bài giảng trực tếp trên lớp sang các phương tiện như máy tính hoặc video ngắn nhằm. Có thể thấy từ đây mô hình Flipped classrooms bắt đầu được các trường đại học áp dụng thực tế trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Cụ thể như Đại học Wisconsin-Madison bắt đầu triển khai sử dụng phần mềm để thay thế các bài giảng trong khóa học khoa học máy tính dựa trên những bài giảng lớn bằng video trực tuyến của giảng viên và các slide phối hợp. Tương tự như vậy, đại học Cedarville cũng bắt đầu thử nghiệm mô hình “Lớp học đảo ngược” trong việc dạy và học.

Kaw và Hess (2007), đã so sánh hiệu quả của 4 hình thức giảng dạy cho một chủ đề duy nhất của khóa học STEM. Bốn hình thức giảng dạy mà nhóm tác giả trình bày bao gồm: (1) Bài giảng truyền thống, (2) Kết hợp - Bài giảng nâng cao trên web, (3) Tự học trên web và (5) Học đảo ngược - Hình thức này kết hợp giữa tự học trên web và thảo luận trong lớp. Kết quả thống kê phân tích đã chỉ ra rằng hình thức thứ hai trong 4 hình thức khi sử dụng các công cụ để hướng dẫn, phân phối bài giảng thông qua wsẽ làm tăng hiệu quả và mức độ hài lòng của sinh viên cao hơn các hình thức còn lại.

Cũng trong năm 2007 các giáo viên hóa học của trường Trung học phổ thông Woodland Park đã ghi lại những bài giảng của mình và cung cấp cho học sinh khi những học sinh này không thể đến lớp một cách đầy đủ để theo kịp chương trình. Đây được xem là một trong những phương thức vận dụng mô hình Flipped classroom, làm thay đổi cách dạy và học của người dạy và người học (Jonathan Bergmann & Aaron Sams, 2007).

Means và cộng sự (2010), đã nghiên cứu về hiệu quả của mô hình “Lớp học đảo ngược”. Nhóm tác giả dựa trên cơ sở tổng hợp 46 nghiên cứu thực nghiệm tại các trường phổ thông và đại học tại Mỹ, để đưa đến kết luận rằng mô hình “Lớp học đảo ngược” có tác động đến hiệu quả học tập cho người học. Mô hình này tạo ra được một môi trường học tập sát nhất với người học, phù hợp với mọi trình độ của người học, nó làm cho việc học trở nên có ý nghĩa hơn.

Strayer (2012), tiến hành so sánh “Lớp học đảo ngược” với mô hình lớp học truyền thống dựa trên dữ liệu nghiên cứu về 2 nhóm sinh viên trong tổng số 51 sinh viên tại Mỹ thuộc các chuyên ngành khác nhau khi cùng tham gia một khóa học. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ hài lòng của nhóm thực nghiệm thấp hơn so với nhóm sinh viên học theo mô hình truyền thống. Tuy nhiên, mô hình “Lớp học đảo ngược” giúp sinh viên cởi mở hơn trong giao tiếp và có kỷ luật hơn với bản thân trong vấn đề học tập.

Brame (2013) đã nghiên cứu về việc ứng dụng mô hình “Lớp học đảo ngược” trong giảng dạy, nghiên cứu cho thấy khi ứng dụng mô hình này trong giảng dạy đòi hỏi người học sẽ phải tự nghiên cứu trước bài giảng kết hợp với các nguồn tài liệu tham khảo từ Internert. Nội dung học trên lớp theo mô hình học truyền thống sẽ trở thành bài tập ở nhà theo mô hình “Lớp học đảo ngược”. Do đó, thời gian thực học trên lớp sẽ dùng để vận dụng các lý thuyết đã học, đã nghiên cứu tại nhà trong giải quyết các vấn đề do giảng viên cung cấp hoặc giải đáp các khó khăn vướng mắc của người học khi học tại nhà.

Abeysekera & Dawson, (2015), mô hình Filipped classroom là một mô hình “đảo ngược’’ trình tự dạy học so với mô hình dạy học theo phương pháp truyền thống. Trong một lớp học “đảo ngược”, người học sẽ phải xem trước các bài giảng do giảng viên cung cấp thông qua các công cụ trực tuyến, thực hiện các bài tập, nghiên cứu tại nhà, sau đó vào giờ học trực tiếp tại lớp người học chỉ tập trung vào việc thảo luận các vấn đề chuyên sâu với sự hỗ trợ, hướng dẫn của giảng viên. Mô hình Flipped classroom được xem là một phương pháp học tập tích cực có thể thu hút được sự tham gia của người học, giúp người học tập trung hơn và mang đến hiệu quả học tập tốt hơn, phù hợp với mọi trình độ và sở thích của người học.

Mô hình Flipped classroom được thiết kế dựa trên sáu bậc thang đo nhận thức của Bloom từ thấp đến cao, là: ghi nhớ, thông hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá. Trong mô hình học tập truyền thống, thời gian học tập trên lớp bị giới hạn, do đó người học chỉ có khả năng tiếp thu được nội dung bài học ở ba mức độ đầu của nhận thức là ghi nhớ, thông hiểu và vận dụng. Để đạt được các mức độ sau, người học cần phải nỗ lực tự học tập và nghiên cứu ở nhà. Với mô hình Flipped classroom 3 mức độ đầu được người học sẽ tự thực hiện ở nhà, người học có thể tự sắp xếp thời gian biểu cá nhân để tiện cho việc học cũng như tùy vào trình độ hiểu biết của từng người mà số lần xem hoặc nghe bài giảng có thể nhiều hoặc ít, điều này giúp người học đạt được 3 mức độ đầu một cách dễ dàng. Thời gian học trên lớp, giảng viên sẽ hỗ trợ người học nhằm đạt 3 bậc thang sau của nhận thức (Hình

Hình 1: Sơ đồ hình họa lớp học truyền thống và lớp học Flipped classroom

so_do_hinh_hoa_lop_hoc_truyen_thong_va_lop_hoc_flipped_classroom

Nguồn: Flipped Learning As A New Education Paradigm: An Analytical Critical Study - tác giả: Hanaa Ouda

3. Mô hình Flipped Classroom theo quan điểm của tác giả

Hiện tại, sau quá trình ứng phó với đại dịch Covid 19, Việt Nam đã áp dụng thành công mô hình dạy và học online. Do đó, việc ứng dụng mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy đại học tại Việt Nam là vô cùng thuận lợi, đặc biệt là đối với người học thuộc thế hệ Z (năm sinh từ năm 1997 về sau) hay còn được gọi với cái tên là công dân đám mây. Thế hệ Z là thế hệ thuộc về số hóa, yêu thích công nghệ, có khả năng tìm kiếm mọi câu trả lời một cách nhanh chóng thông qua mạng xã hội, thích sự tự chủ, có khả năng tiếp cận và thay đổi theo cái mới.

Mặc dù mô hình Flipped Classroom đòi hỏi người học phải làm quen với công nghệ, sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ từ Internet, máy tính bảng, You tube, Ms teams… Tuy nhiên, đối với người học thuộc thế hệ Z hiện nay, các yêu cầu như trên hoàn toàn có thể đáp ứng được. Ngoài ra, việc ứng dụng mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy có thể phát huy được khả năng tự chủ của người học trong việc lựa chọn thời gian học, không gian học, số lần học,… phù hợp với sở thích của người học thế hệ Z.

Mô hình Flipped Classroom muốn áp dụng thành công tại Việt Nam cần căn cứ vào 8 đặc điểm của người học hiện nay - thế hệ Z. Theo Wahab và các cộng sự (2018), người học thuộc thế hệ Z có 8 đặc điểm bao gồm: thích công nghệ cao, có khả năng sử dụng mạng xã hội, thích hình ảnh trực quan, thích kết nối trực tuyến, tiếp thu kiến thức nhanh, nhu cầu giải trí cao, thời gian tập trung ngắn, yêu cầu phản hồi nhanh. Do đó, để áp dụng thành công mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy, người dạy cần thiết kế các nội dung bài giảng, video,… sinh động, ngắn ngọn, súc tích, thỏa mãn các đặc tính của người học nêu trên. Trình tự xây dựng bài giảng vận dụng mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy tại Việt Nam hiện nay tiến hành như sau:

Hình 2: Trình tự xây dựng bài giảng vận dụng mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy hiện nay

trinh_tu_xay_dung_bai_giang_van_dung_mo_hinh_flipped_classroom_trong_giang_day

Nguồn: Tác giả tổng hợp

4. Thuận lợi và khó khăn khi áp dụng mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy tại Việt Nam

4.1. Thuận lợi khi áp dụng mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy

Hầu hết người học ở bậc đại học tại Việt Nam đã và đang thuộc thế hệ Z, do đó việc vận dụng mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy sẽ vô cùng thuận lợi giúp người học đạt được 3 cấp độ cuối của nhận thức theo thang Bloom một cách nhanh chóng, dễ dàng. Việc ứng dụng mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy còn giúp người học tăng khả năng tự chủ, tăng tính độc lập trong nghiên cứu, phát huy được kỹ năng kiểm soát thời gian, chủ động lựa chọn không gian và thời gian học phù hợp.

Bên cạnh việc tác động đến người học, mô hình Flipped Classroom cũng đem đến cơ hội cho người dạy trở thành những nhà sư phạm chuyên nghiệp trong việc thiết kế kịch bản, nội dung giảng dạy, chương trình học một cách logic, có định hướng, khuyến khích được sự tham gia của người học; phát huy được khả năng sáng tạo, sử dụng công nghệ trong việc: tạo dựng, cắt, ghép, chỉnh sửa video… Ngoài ra, mô hình này còn tăng cường được tính tương tác giữa người dạy và người học thông qua việc tập trung sử dụng quỹ thời gian học trên lớp để trao đổi, thảo luận và giúp đỡ người học.

Về phía các trường đại học, việc áp dụng thành công mô hình Flipped Classroom là một phương pháp nhằm nâng cao được chất lượng giảng dạy. Việc vận dụng thành công mô hình này cũng là một cơ hội để giảm thiểu chi phí. Khi dạy học theo mô hình này, người học sẽ giảm bớt thời lượng học trực tiếp học tại lớp, theo đó sẽ giúp giảm áp lực về sắp xếp phòng học, lịch học, tiết kiệm các chi phí quản lý vận hành đi kèm, giảm các chi phí về cơ sở vật chất, hạ tầng… và thậm chí là chi phí phải trả cho người dạy học.

4.2. Khó khăn khi áp dụng mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy

Trong thực tế, khi triển khai áp dụng mô hình Flipped classroom trong giảng dạy, chúng ta đang gặp phải nhiều trở ngại, thách thức từ cả phía người dạy và người học, cụ thể như sau:

Đầu tiên phải kể đến chính là mô hình Flipped classroom vẫn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo “chính thức thừa nhận”. Chúng ta chưa thấy được văn bản chính thức hay hướng dẫn cụ thể nào về cách thức sử dụng hay lộ trình áp dụng, Một vài trường học áp dụng mô hình này một cách tự phát chưa có được sự ủng hộ hay lan sức lan tỏa cho cộng đồng.

Tiếp đến là cơ sở hạ tầng và truyền thông, không phải tất cả người học đều dễ dàng truy cập và lấy được bài giảng để có thể học tại nhà. Mỗi gia đình có một điều kiện kinh tế khác nhau, do đó mức độ đầu tư cho việc học cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, để có thể học tập theo phương mô hình Flipped classroom thì tối thiểu người học sẽ phải trang bị được một chiếc điện thoại thông minh hoặc một chiếc máy tính và có kết nối Internet. Điều này có thể gây khó khăn và trở ngại không nhỏ cho một số gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.

Việc tạo cơ hội cho người học có tính tự lập, có khả năng tự chủ trong việc học như tự thiết lập thời gian học, không gian học cũng sự tạo ra một áp lực không nhỏ đối với một số người học khi ban đầu chưa quen với việc tự lập, việc định hướng dường như chưa rõ ràng có thể làm tăng khả năng tụt hậu so với lứa tuổi đồng trang lứa gây nên một số hệ lụy đi kèm, như: lo âu, trầm cảm…, một số bất mãn khác có thể chuyển sang trạng thái buông thả, bỏ rơi việc học. Ngoài ra, nếu không có sự giám sát và tinh thần tự giác, người học có thể dễ dàng sa đà, mất thời gian vào các kênh hấp dẫn khác trên Internet.

Một số ý kiến của phụ huynh còn cho rằng mô hình Flipped classroom đang dần lấy đi thời gian của con cái họ. Việc học theo mô hình Flipped classroom dường như làm tăng thời gian học tại nhà và sử dụng máy tính bảng, laptop, điện thoại của con cái họ điều mà họ không mong muốn. Điều này không những khiến cho thời gian sinh hoạt, gặp mặt, trao đổi giữa các thành viên trong gia đình bị ít đi, mà các bệnh về mắt, cột sống của con cái họ cũng sẽ tăng lên.

Khó khăn cuối cùng chính là gây áp lực cho người dạy. Từ một người giảng viên bình thường với công cụ phấn trắng, bảng đen, hay cao hơn là các Silde trình chiếu, nay muốn dạy được theo mô hình Flipped Classroom, họ phải đầu tư thời gian và trang thiết bị để quay video, cắt, ghép chỉnh sửa video,…

4.3. Một số kiến nghị để áp dụng mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy bậc đại học Việt Nam hiện nay

Để mô hình Flipped classroom có thể áp dụng thành công tại Việt Nam, đầu tiên cần có sự hỗ trợ từ phía chính quyền. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản chính thức trong việc thừa nhận, cũng như khuyến khích mô hình Flipped classroom được áp dụng trong thực tiễn.

Các cơ sở giáo dục cần đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng, đường truyền Internet, máy tính,… giúp người học truy cập bài giảng, cũng như hỗ trợ người dạy các công cụ, kinh phí trong việc quay, upload các video bài giảng.

Ngoài ra, để mô hình Flipped classroom được áp dụng thành công, không thể thiếu sự đồng thuận và hỗ trợ từ phía gia đình, phụ huynh người học. Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị cho người học, gia đình là một phần không thể thiếu khi giúp người học định hướng và kiểm soát tốt khả năng tự học của mình.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, cơ sở giáo dục, gia đình, yếu tố quan trọng nhất chính là ở bản thân người học. Để có thể học tốt, tránh rơi vào tình trạng tụt hậu, sa ngã các hoạt động trên Internet,… người học cần tự tạo cho mình một tính tự lập cao, một tinh thần trách nhiệm. Mô hình Flipped classroom chỉ thành công khi người học có mong muốn được học, mong muốn được tìm hiểu, nâng cao nhận thức của bản thân.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abeysekera, Dawson. (2015). Motivation and cognitive load in the flipped classroom: definition, rationale and a call for research. Higher Education Research & development, 34(1), 1-14. doi: 10.1080/07294360.2014.934336.
  2. Baker, W. (2000). The Classroom Flip: Using Web Course Management Tools to Become the Guide by the Side. In 11th International Conference on  College Teaching and Learning (pp. 9-17). ISSN: 1544-0389.
  3. Brame, C. (2013). Flipping the Classroom. Center for Teaching. Retrieved from http://cft.vanderbilt.edu/teachingguides/teaching-activities/flipping-theclassroom/
  4. Eric Mazur. (1997). Peer Instruction: A User's Manual Series in Educational Innovation. Upper Saddle River, NJ: Prentice Hal
  5. Hanaa Ouda Khadri Ahmed. (2016). Flipped Learning as A New Educational Paradigm: An Analytical Critical Study. European Scientific Journal April 2016(
  6. Kaw, A. Hess, M. (2007). Comparing Effectiveness of Instructional Delivery Modalities in an Engineering Course. International Journal of Engineering Education,23(3), 508-516.
  7. King, Alison. (1993). From sage on the stage to guide on the side. College Teaching,41(1), 30–35. doi:1080/87567555.1993.9926781.
  8. Maureen Lage, Glenn Platt, Michael Treglia. (2000). Inverting the Classroom: A gateway to Creating an Inclusive Learning Environment. Journal of Economic Education, 31(1), 30-43.
  9. Means, B., Toyama, Y., Murphy, R., Bakia, M., Jones, K. (2010). Evaluation of Evidence-Based Practices in Online Learning: A Meta-Analysis and Review of Online Learning Studies. Retrieved from http://thejournal.com/articles/2009/07/01/meta-analysis-is-blended-learning-mosteffective.aspx.
  10. Sarah D. Sparks (28 Sep 2011), Lectures Are Homework in Schools Following Khan Academy Lead. Retrieved from: https://www.edweek.org/teaching-learning/lectures-are-homework-in-schools-following-khan-academy-lead/2011/09. \
  11. Strayer, J. F. (2012). How learning in an inverted classroom influences cooperation, innovation and task orientation. Learning Environments Research, 15(2), 171-193. doi: 10.1007/s10984-012-9108-4.
  12. Thompson, Clive. (2011). How Khan Academy is Changing the Rules of Education, Wire Wired: http://www.wired.com/magazine/2011/07/ff_khan/all [accessed 28.03.14]

 

APPLYING THE FLIPPED CLASSROOM MODEL

IN VIETNAM’S HIGHER-EDUCATION TEACHING

Master. PHAM THI THU HUYEN

Van Lang University

ABSTRACT:

The Flipped classroom model is one of the most popular online teaching models and it is being applied widely in some countries, such as the US and Australia. In Vietnam, the Flipped classroom model is a new teaching model. By analyzing the advantages and disadvantages of the Flipped classroom model when it is applied in Vietnam, this paper proposes some recommendations to improve the efficiency of this model in Vietnam.

Keywords: flipped classroom, online teaching and learning, teaching model.