VASEP: Xuất khẩu thuỷ sản tháng 1/2023 giảm 31%, kỳ vọng phục hồi trở lại từ quý 2/2023

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản cho biết xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 1/2023 giảm 31% so với cùng kỳ và kỳ vọng xuất khâu phục hồi từ quý 2/2023.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) vừa cho biết kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong tháng 1/2023 ước đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022, tiếp tục đà giảm sâu bắt đầu từ quý 4/2022 cùng với đó là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài diễn ra.

Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%, riêng mực, bạch tuộc tăng 4% và các loài cá biển khác tăng 6%. Xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt của Việt Nam đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh; trong đó, thị trường Hoa Kỳ giảm 56%, Trung Quốc - Hồng Kông giảm 55%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 35%...

VASEP nhận định hoạt động xuất khẩu thuỷ sản của các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể gia tăng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo có thể rơi vào suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, đối với các thị trường tiêu thụ, thuỷ sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. VASEP dự báo sẽ có sự điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm. Theo đó, các dòng sản phẩm có giá vừa phải sẽ được hưởng lợi vì phù hợp với thay đổi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng có thu nhập thấp hoặc trung bình - vốn là nhóm bị tác động mạnh nhất bởi lạm phát.

Xuất khẩu thuỷ sản
Hoạt động xuất khẩu thuỷ sản của các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu suy giảm kể từ quý 4/2022 sau 3 quý đầu năm liên tục tăng trưởng mạnh, chủ yếu do lạm phát tăng cao tại hầu hết các thị trường trọng điểm khiến sức mua giảm sút.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ leo thang cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và sự xuất hiện một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương. Các rủi ro này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thuỷ sản tại các thị trường lớn trên thế giới. Nhưng điều này cũng có thể mở ra cơ hội cho thuỷ sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU…  

Bên cạnh đó, VASEP nhận định việc Trung Quốc tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế có thể sẽ giúp phục hồi nhu cầu không chỉ ở nước này mà còn tại các quốc gia khác trên thế giới khi hoạt động giao thương và di chuyển được thông suốt. Theo VASEP, sự hồi phục mà Trung Quốc mang lại sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất  là từ quý 2/2023. Do đó, ngành thuỷ sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ ghi nhận sự hồi phục về nhu cầu và đơn hàng từ khoảng thời gian trên.

Ngoài ra, triển vọng ngành thuỷ sản Việt Nam vẫn có thể lạc quan khi dựa vào những thị trường được dự báo sẽ có tăng trưởng kinh tế tốt trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông…   

Trong bối cảnh nêu trên, VASEP cho rằng điều quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu để khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của từng ngành hàng về nguồn cung và yếu tố thị trường tiêu thụ thông qua việc nắm bắt thông tin thị trường và dự báo.

Hiện điều kiện cho môi trường kinh doanh cũng đang dần được cải thiện theo hướng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nhiều hơn. Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng là cơ sở hạ tầng và logistics cho sản xuất - xuất khẩu thuỷ sản ở khu vực trọng điểm Đồng  bằng Sông Cửu Long đang nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư lớn, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho hoạt động sản xuất - xuất khẩu thuỷ sản tại đây.

Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt kỷ lục 11 tỷ USD, tăng gần 24% so với năm 2021 và vượt 22% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, hai mặt hàng có tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ấn tượng là tôm với khoảng 4,2 tỷ USD (tăng 13%) và cá tra đạt 2,35 tỷ USD (tăng 70%).

Tường Vy