Vì sao Việt Nam tạo nên cơn “sốc” thanh toán không dùng tiền mặt?

Một thông tin từ tờ báo Nikkei Asian Review đang gây “sốc” với nhiều người: Việt Nam và Thái Lan đang có những cú nhảy vọt để vượt qua Singapore và Malaysia trong lĩnh vực thanh toán điện tử.

Chỉ đạo quyết liệt

Theo tờ báo này, Việt Nam và Thái Lan đang chứng kiến sự bùng nổ trong thanh toán di động khi ngày càng có nhiều người sử dụng ví điện tử để thanh toán hàng hóa và dịch vụ.

Một báo cáo của PwC, hãng kiểm toán hàng đầu thế giới mới đây cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng thanh toán di động đã tăng gần gấp đôi, từ 37% trong năm 2018 lên 61% vào năm nay, với sự phổ biến của các ứng dụng thanh toán như Momo, Zalopay.

Cuối năm 2016, Chính phủ ban hành Quyết định 2545, phê duyệt đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 mới có những quy định rộng và đầy đủ, bao quát trên nhiều mặt.

Đầu năm nay, Chính phủ lại ban hành Nghị quyết 02 với những nội dung nhằm tạo sự chuyển biến về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động. Một trong những nội dung của Nghị quyết này là việc đẩy nhanh TTKDTM.

Nghị quyết 02 yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thành phố cần chỉ đạo yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức TTKDTM. Trong đó, ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Nội dung này yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.

Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu NHNN trước quý III/2019 phải báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng. Xác định hạn mức số tiền nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hằng tháng. Yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR Code.

Sự vào cuộc mạnh mẽ

Theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng đã tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025.

Tính đến nay, số món giao dịch qua ATM tăng 12% so với cuối năm 2017, còn số món giao dịch qua POS tăng 42%. Đến nay đã có 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động và  26 tổ chức không phải là NH được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian trực tuyến, trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính, vay trả góp, vay tiêu dùng, mua vé máy bay, vé xem phim, vé xe, bảo hiểm… Trong số đó, ví điện tử thuộc công ty fintech như MoMo, Payoo, Vimo, Moca… có tốc độ phát triển khá nhanh.

Đến nay EVN đang thu tiền điện qua các kênh dịch vụ của ngân hàng và tổ chức trung gian như trích nợ tự động, ATM, Internet banking, mobile banking, ví điện tử... Hợp tác với 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian, EVN khá thành công trong thu tiền điện qua ngân hàng, trung gian thanh toán. Hiện tỉ lệ hóa đơn thanh toán qua ngân hàng và trung gian thanh toán tăng từ 14,8% năm 2015 lên trên 45% năm 2018.

Theo đánh giá của chuyên gia ngân hàng, nhận thức và thói quen về sử dụng tiền mặt trong thanh toán tại Việt Nam nhìn chung đã có chuyển biến tích cực. Ngày càng nhiều người tiêu dùng, các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ đã tự lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Điều đó cho thấy, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính ngân hàng, doanh nghiệp... đã thúc đẩy những hình thức TTKDTM ngày càng đa dạng là những nguyên nhân chủ yếu tạo nên cơn “sốc” mà tờ báo Nikkei Asian Review đưa tin.

Thanh Trì