Thông tin chung về Tổ chức

- Tên đơn vị bằng tiếng Anh: Vietnam Petroleum Institute

- Tên viết tắt: VPI

- Địa chỉ trụ sở chính: Số 167 Phố Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

- Điện thoại: 024.37843061                 Fax: 024.37844156

- Email: [email protected]               Website: www.vpi.pvn.vn

- Viện trưởng: TS. Nguyễn Anh Đức

1. Ngành nghề, lĩnh vực hoạt động

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) là tổ chức khoa học công nghệ hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Luật Khoa học và Công nghệ. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của VPI bao gồm:

- Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản trong các lĩnh vực: tìm kiếm thăm dò, khai thác, tăng cường thu hồi dầu, vận chuyển, tàng trữ, phân phối, chế biến, chống ăn mòn, sử dụng năng lượng, nhiên liệu thay thế, an toàn môi trường, kinh tế và quản lý dầu khí; nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tế;

- Thực hiện các dịch vụ nghiên cứu khoa học, dịch vụ phân tích các loại mẫu, xử lý số liệu dầu khí, ứng dụng và chuyển giao công nghệ;

- Quản lý, lưu trữ tài liệu khoa học - kỹ thuật thuộc tất cả các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (cả trong và ngoài nước), đảm bảo thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu trong và ngoài ngành Dầu khí;

- Sản xuất, kinh doanh hàng hóa, xuất nhập khẩu trực tiếp công nghệ và sản phẩm thuộc lĩnh vực hoạt động của VPI;

- Tư vấn kỹ thuật, công nghệ cho hệ thống máy móc, phòng thí nghiệm, thiết bị, phần mềm, hệ thống xử lý chất thải trong lĩnh vực công nghệ dầu khí, công nghiệp hóa chất, các công trình khai thác dầu khí;

- Đào tạo trình độ Tiến sĩ, đào tạo chuyên sâu, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đơn vị/nhà thầu dầu khí có nhu cầu.

2. Quá trình hình thành và phát triển

Trong gần 45 năm qua (từ ngày thành lập 22/5/1978 đến nay), các kết quả nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, quyết định của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tư vấn cho Nhà nước trong các hoạt động dầu khí, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, an toàn và môi trường, kinh tế và quản lý dầu khí. VPI đã khẳng định vai trò là hạt nhân trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ dầu khí, hội tụ trí tuệ thế giới, tạo giá trị gia tăng về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí Việt Nam, giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững và tăng năng lực cạnh tranh thông qua tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh và đột phá trong ứng dụng và sáng tạo công nghệ...

Trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí, VPI tập trung nghiên cứu các giải pháp kinh tế, kỹ thuật để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí; nghiên cứu, cập nhật xây dựng cơ sở dữ liệu tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí; chính xác hóa ranh giới địa tầng trầm tích và liên kết các bể trầm tích Cenozoic trên thềm lục địa Việt Nam; nghiên cứu công tác thăm dò mở rộng theo diện phạm vi toàn thềm lục địa và theo chiều sâu, thời gian đầu thực hiện trong phạm vi các bể trầm tích Cửu Long và bể Nam Côn Sơn; nghiên cứu công nghệ xử lý minh giải tài liệu địa chấn; nghiên cứu và đánh giá tiềm năng băng cháy (gas hydrate) trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

Trong lĩnh vực khai thác dầu khí, VPI tập trung nghiên cứu nâng cao hệ số thu hồi dầu cho các mỏ dầu khí ở Việt Nam; nghiên cứu công nghệ tiên tiến hiên đại phục vụ công tác thu dọn mỏ; nghiên cứu thiết kế, chế tạo phương tiện, trang thiết bị nhằm tăng hiệu quả công tác phát triển khai thác mỏ, vận chuyển, xử lý, tàng chứa dầu khí; nghiên cứu chế tạo vật liệu ưu việt phục vụ công tác thiết kế, chế tạo công trình khai thác, xử lý, vận chuyển, tàng chứa dầu khí; nâng cao khả năng, hiệu quả vận chuyển dầu bằng đường ống nội bộ mỏ và giữa các mỏ; nghiên cứu tối ưu chế độ khai thác mỏ; nghiên cứu tàng chứa dầu khí tại các mỏ, cấu tạo địa chất phù hợp; nghiên cứu công nghệ khoan và hoàn thiện giếng đa thân; nghiên cứu về công nghệ và thi công khoan và hoàn thiện giếng: lựa chọn choòng khoan, cấu trúc giếng khoan và dung dịch khoan phù hợp với các loại đối tượng địa chất, hoàn thiện giếng nhằm mục tiêu an toàn và hiệu quả.

Trong lĩnh vực chế biến dầu khí, VPI nghiên cứu kịch bản và các phương án đầu tư, nâng cấp, chuyển đổi nguyên, nhiên liệu tối ưu nhất cho các nhà máy đạm trong các giai đoạn khác nhau; chế biến hiệu quả thành phần carbon của khí thiên nhiên có hàm lượng CO2 cao; phát triển tích hợp lọc dầu và hóa dầu từ dầu.

Trong lĩnh vực kinh tế quản lý dầu khí, VPI đang tập trung rà soát, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam; lập, thẩm định, phản biện các báo cáo kế hoạch phát triển mỏ (ODP, FDP); nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách quản lý Nhà nước trong các hoạt động dầu khí; phân tích, dự báo thị trường dầu khí và năng lượng; lập, thẩm định các định mức kinh tế kỹ thuật; nghiên cứu, tư vấn về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro…

Trong giai đoạn 2020 - 2025, VPI đặt mục tiêu hình thành và phát triển hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam, triển khai thành công tối thiểu 4 chương trình nghiên cứu dài hạn để tạo ra các sản phẩm/giải pháp khoa học công nghệ, đón đầu các xu hướng chính trên thế giới (chuyển dịch năng lượng, kinh tế số); đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ/sản phẩm khoa học công nghệ (sáng kiến, sáng chế, giải pháp, bản quyền tác giả) tăng trưởng 10%/năm, có tối thiểu 2 phát minh sáng chế quốc tế; thử nghiệm áp dụng tối thiểu 5 công nghệ mới trên thế giới; thương mại hóa tối thiểu 3 sản phẩm khoa học công nghệ.

Trên cơ sở đó, VPI xác định rõ lộ trình các công nghệ cần làm chủ và có khả năng ứng dụng, gắn liền với chiến lược, mục tiêu phát triển chung của các lĩnh vực sản xuất kinh doanh để tạo đột phá cho sự phát triển. Đồng thời, VPI xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng mới, tái tạo để tích hợp vào chuỗi giá trị, các giải pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 4.0, chuyển đổi số, mô hình kinh doanh mới, tiên tiến của công nghiệp dầu khí thế giới, xây dựng cơ sở dữ liệu trong tất cả các khâu thuộc chuỗi giá trị dầu khí.

3. Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ

- Tổng số cán bộ công nhân viên: 271

- Giáo sư, Phó Giáo sư: 2

- Tiến sỹ: 30

- Thạc sỹ: 122

- Kỹ sư: 98

- Nhân viên khác: 21

4. Các phần thưởng cao quý

- Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2003;

- Huân chương lao động hạng Nhất năm 2007;

- Anh hùng Lao động (giai đoạn 2001 - 2011) năm 2011;

- Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2013;

- Cờ Thi đua Chính phủ các năm: 2010, 2012, 2020;

- Cờ Thi đua Bộ Công Thương các năm: 2007, 2009, 2010;

- Cờ Thi đua Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp năm 2019;

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2009;

- Bằng khen của Bộ Công Thương các năm 2010, 2011;

- Bằng khen của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp năm 2021.

5. Các giải thưởng về khoa học công nghệ

- Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp Bằng sáng chế số 011318454B1 cho sáng chế “Method and system for renewing spent fluid catalytic cracking (SFCC) catalysts using acid leaching and acid reflux activities” (Phương pháp và hệ thống làm mới xúc tác FCC thải sử dụng quá trình ngâm chiết acid kết hợp đun hồi lưu)

6. Hình ảnh

 

Viện dầu khí
Hình 1. Cán bộ nghiên cứu VPI khảo sát an toàn phóng xạ trên giàn công nghệ trung tâm 3 mỏ Bạch Hổ
Viện dầu khí
Hình 2. Cán bộ nghiên cứu của VPI vận hành thiết bị siêu âm mảng điều pha (phased array)
Viện dầu khí
Hình 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nghe giới thiệu sản phẩm anode chống ăn mòn do VPI nghiên cứu sản xuất
Viện dầu khí
Hình 4. Cán bộ nghiên cứu của VPI khảo sát lấy mẫu môi trường ở khu vực nước sâu
Viện dầu khí
Hình 5. Kết quả dự báo nứt nẻ bằng mô hình học máy và trí tuệ nhân tạo của VPI