Trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia ghi nhận sự cải thiện rõ rệt, đạt 5,55 tỷ USD, tăng 26,18% và nhập khẩu đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27,31%. Cơ cấu ngành hàng của Việt Nam và Australia có sự bổ trợ cho nhau, giúp hai nền kinh tế tăng cường lợi thế riêng thay vì cạnh tranh.

Số liệu phân tích của Thương vụ Việt Nam tại Australia cho thấy nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao trong bối cảnh còn nhiều thách thức, như máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác tăng 62,1%; mặt hàng giày dép tăng 41,3%; dệt may tăng 26,3%; thủy sản tăng 37,3%; sắt thép các loại tăng 102,9%; túi xách ví, vali, ô dù tăng 24,8%; càphê tăng 62,53%; dây điện và dây cáp điện tăng 81,2%...

Ở chiều ngược lại, Australia tiếp tục là thị trường cung cấp nguyên nhiên vật liệu quan trọng, phục vụ sản xuất trong nước như than các loại, bông các loại, quặng và khoáng sản khác, lúa mỳ… Số lượng hàng hóa này chiếm khoảng 80% kim ngạnh nhập khẩu từ Australia, với tỉ trọng nhập khẩu đạt 30-70% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước, tùy mặt hàng.

Xét về tổng thể, trong năm vừa qua, các mục tiêu thương mại song phương đã đạt được một cách nhanh chóng, theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước. Việt Nam lần đầu tiên trở thành là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia và Australia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam.

Bước sang năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã lên kế hoạch tiếp tục triển khai nhiều chương trình xúc tiến theo kế hoạch hành động đề ra, liên quan tới các ngành hàng có kim ngạch lớn. Ngoài ra, lĩnh vực kinh tế số cũng sẽ được cơ quan Thương vụ chú trọng thúc đẩy, nhất là với nông sản.

Đặc biệt, nhiều mặt hàng mới của Việt Nam cho thấy tiềm năng tăng trưởng tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương như hoa quả đông lạnh, bao gồm mít, chanh leo, sầu riêng và một số loại gia vị.