Hội thảo giới thiệu Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cho sản phẩm trái cây tươi

Năm 2017, Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ khi sản lượng xuất khẩu trái cây tươi đạt tới 3,5 tỷ đô la Mỹ, chiếm 10% tỷ trọng xuất khẩu ngành hàng nông sản.Trong đó,  70% tổng lượng rau quả tươi  được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (ACFTA) được ký kết và có hiệu lực chính thức từ năm 2010 đã góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với quốc gia này.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội của ACFTA, giữ thói quen xuất khẩu qua các kênh thương mại không chính thức, nên  đối mặt với nhiều rủi ro,vì  thiếu  thông tin thị trường và các quy định của Trung Quốc.

Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu vào Thị trường Trung Quốc cho sản phẩm trái cây là ấn phẩm được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”. Đây là dự án ODA do Cục XTTM chủ trì thực hiện dưới sự quản lý của Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình “Hỗ trợ Hợp tác Kinh tế cho các sáng kiến tiểu vùng ở Châu Á (SCSI)” của tổ chức GIZ.

Cẩm nang Hướng dẫn xuất khẩu dưa hấu, nhãn, quả vải và thanh long sang thị trường Trung Quốc

Cẩm nang tập trung vào bốn loại quả là dưa hấu, nhãn, quả vải và thanh long.Đây là bốn mặt hàng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu cao trong ngành trái cây tươi của Việt Nam và thuộc danh mục 8 loại quả được chính thức xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, cùng với xoài, chuối, chôm chôm và mít.

Tại buổi Hội thảo Giới thiệu Cẩm nang tổ chức sáng ngày 19/1/2018, ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết, bốn quyển cẩm nang là thành quả của các chuyên gia trong nước và quốc tế sau nhiều buổi khảo sát và làm việc với các tổ chức liên quan trong 4 tháng nhằm hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến xuất khẩu một cách bài bản sang thị trường Trung Quốc. Cẩm nang có tình ứng dụng cao, giúp các doanh nghiệp định hình được cần làm gì và làm như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất trong hoạt động xuất khẩu.

Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục Trưởng Cục XTTM phát biểu tại Hội thảo

Trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Cục trưởng khẳng định, điểm mạnh của bốn quyển cẩm nang Hướng dẫn xuất khẩu dưa hấu, nhãn, quả vải và thanh long chính là tính hệ thống hoá toàn bộ các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ và hành chính.

Trên thực tế, trước cẩm nang này cũng đã có nhiều tài liệu liên quan đến việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, các thống kê này còn chưa toàn diện, dừng lại ở mức độ số liệu và quy trình riêng lẻ.

Bốn quyển cẩm nang lần này sẽ giúp cho doanh nghiệp có được cái nhìn tổng thể nhất về toàn bộ quá trình xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng có thể tìm thấy danh sách các điểm cần tiếp xúc, các đối tác cần liên hệ cùng những vấn đề doanh nghiệp có thể gặp phải trong quá trình làm việc.

Trước câu hỏi về việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, Phó Cục trưởng Đỗ Kim Lang nhận định, Việt Nam đang trong tiến trình hình thành thương hiệu trái cây tươi nói riêng và thương hiệu nông sản nói chung, khi chuyển dần từ xuất khẩu nguyên liệu sang xuất khẩu có chế biến. Bộ Công Thương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực làm việc, đưa ra các chính sách, hoạt động nhằm xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp Việt Nam và cho ngành hàng trong giao dịch thương mại với đối tác quốc tế, trong đó có Trung Quốc.

Để làm được điều này cần có sự hợp tác chặt chẽ từ phía mỗi doanh nghiệp. Sản phẩm trái cây cần được tập trung nâng cao chất lượng, đạt và vượt các tiêu chuẩn xuất khẩu để gia tăng sức cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng nên chú trọng công tác xúc tiến thương mại, chủ động tham gia các hội chợ chuyên ngành để giới thiệu thương hiệu trái cây Việt Nam với thị trường quốc tế.

Cục XTTM và tổ chức GIZ bày tỏ hy vọng bốn quyển cẩm nang có thể đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu và phát triển xuất khẩu của các doanh nghiệp, hiệp hội và nhận được phản hồi, đóng góp để có thể hoàn thiện hơn hệ thống thông tin này.