Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Ấn Độ

Với vị trí trung tâm Đông Nam Á; bờ biển dài gần nhiều đường vận tải quốc tế; có nhiều FTA với các quốc gia, vùng lãnh thổ; chỉ số thuận lợi trong kinh doanh được cải thiện qua từng năm… Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp Ấn Độ.

Trong 2 ngày 7 và 8/7, Cục Xúc Tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Gujarat đồng tổ chức Hội nghị Giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ.

Trong Hội nghị giao thương trực tuyến, các doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu tới các đối tác Ấn Độ rất nhiều sản phẩm tốt của Việt Nam như nông sản (gồm rau củ quả, các loại hạt...), thực phẩm khô (xoài, thanh long sấy...), thủy hải sản, đồ uống, gia vị, bánh kẹo, hàng tiêu dùng các loại... phù hợp với nhu cầu tiêu thụ cao của các nhà máy sản xuất, người tiêu dùng Ấn Độ.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán - Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ nhấn mạnh, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều trên 10 tỷ USD và hai bên phấn đấu nâng kim ngạch lên 15 tỷ trong thời gian sớm nhất.

Năm 2020, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 17 của Ấn Độ và đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Sản phẩm xuất khẩu chính từ Ấn Độ sang Việt Nam là sắt thép, thịt và thủy sản, bông, dược phẩm, phụ tùng ô tô và máy móc. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam máy móc và thiết bị, điện thoại, hóa chất, đồng, cà phê, sắt và thép.

Về đầu tư, Ấn Độ đầu tư ước tính 1,9 tỷ USD vào Việt Nam tính cả đầu tư qua nước thứ 3. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, tính đến cuối năm 2020 Ấn Độ có 294 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 898 triệu USD, đứng thứ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Lĩnh vực đầu tư chính là năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến nông nghiệp, sản xuất đường, trà, cà phê, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin và phụ tùng ô tô.

Với những tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, Tham tán - Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ nhận định, Việt Nam sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Ấn Độ.

giao thương giữa doanh nghiệp việt nam - ấn độ

Cùng chung quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến cũng cho rằng, Việt Nam có khá nhiều tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư, các đối tác đến từ Ấn Độ.

Phó Cục trưởng Hoàng Minh Chiến dẫn chứng, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng 6 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện sức mạnh cơ bản và khả năng phục hồi, được hỗ trợ mạnh mẽ bởi nhu cầu trong nước và sản xuất hướng xuất khẩu.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương với 5,64%. Đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao.

Không những vậy, Việt Nam có dân số trên 98 triệu người (lớn thứ 13 trên thế giới), sở hữu lực lượng lao động trẻ, tay nghề cao, tinh thần làm việc tốt và sẵn sàng phục vụ trong các ngành đòi hỏi kỹ năng cao như công nghệ thông tin, dược phẩm và dịch vụ tài chính với chi phí cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, Việt Nam nằm ở cái nôi của Đông Nam Á, vị trí địa lý thuận lợi, cấu trúc xã hội và tình hình chính trị ổn định, Việt Nam có thể đóng vai trò là bệ phóng, căn cứ địa hấp dẫn cho nhiều tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài phát triển sản xuất, kinh doanh.

“Việt Nam hiện đang là một trong những nước trên thế giới tham gia xuất khẩu nhiều mặt hàng quan trọng nhất, cả về gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản và gần đây là các mặt hàng nhân tạo như giày dép, hàng may mặc và điện tử... - những mặt hàng rất phù hợp với người tiêu dùng Ấn Độ. Do vậy, đây là cơ hội rất lớn để các đối tác Ấn Độ quan tâm và đầu tư”, Phó Cục trưởng Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh một lần nữa.

Thông tin về chính sách ngoại thương mới của Ấn Độ về thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp, ông Hiren Gandhi - Chủ tịch, Ủy ban Thực phẩm & FSSAI Phòng Thương mại và Công nghiệp Gujarat đã đưa ra những khuyến cáo đối với doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Ấn Độ.

Cụ thể, Chủ tịch Hiren Gandhi lưu ý, khi hợp tác với doanh nghiệp Ấn Độ, các doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng các hợp đồng thương mại hợp pháp. Hợp đồng pháp lý phù hợp có thể giúp doanh nghiệp thoát khỏi 80% các tranh chấp thương mại

Thứ hai, không hợp tác, giao dịch thông qua môi giới hoặc đại lý. Bởi, người môi giới hoặc đại lý không có giá trị pháp lý, và không thể khiếu nại người môi giới hoặc đại lý theo luật Ấn Độ.

Thứ ba, cần tìm hiểu kỹ thông tin, kiểm tra tình hình tài chính của các đối tác.

Thứ tư, không nên đàm phán, ký kết hợp đồng qua mạng xã hội.

Thứ năm, các doanh nghiệp Việt Nam khi ký kết với các đối tác Ấn Độ, cần đòi hỏi tiền ứng trước, từ 20-30% đối với các hợp đồng…

Đáng chú ý, Chủ tịch Hiren Gandhi khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam không nên giao dịch với người mua là ngân hàng hợp tác xã hoặc ngân hàng nhỏ ở nông thôn, và nếu có bất kỳ tranh chấp thương mại nào, các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên hệ trực tiếp ông Hiren Gandhi qua mail hoặc Whatsaap/Zalo…

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện của các hiệp hội, doanh nghiệp Ấn Độ đều đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, nhất là năm 2020, chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới.

Đại diện các bên cùng cho rằng, Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc tiếp tục diễn ra với nhu cầu cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

“Các doanh nghiệp Ấn Độ tin tưởng với những điểm tương đồng, hai nước Việt Nam và Ấn Độ không chỉ tăng cường về thương mại, đầu tư mà còn giáo dục, giao lưu nhân dân và du lịch”, đại diện lãnh đạo các bên cùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến kỳ vọng, việc tăng cường giao thương giữa Việt Nam và Ấn Độ không chỉ bằng phương thức truyền thống mà còn trực tuyến sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ.

Hạ An