Vợ “phòng” chồng “đội”

Đó là tên mà mọi người vẫn gọi vui về vợ chồng anh chị Trần Văn Sơn và Đặng Ngọc Bích bởi tính chất công việc của hai người.

Cùng công tác tại Chi cục Quản lý thị trường Sóc Trăng nhưng anh Sơn làm ở đội quản lý thị trường số 5 thuộc huyện Trần Đề, còn chị Bích thì làm ở phòng hành chính.

Huyện Trần Đề cách Sóc Trăng 40km, tính thêm cả quãng đường từ đội vào đến các xã trong địa bàn để kiểm tra công tác thị trường, trung bình mỗi ngày anh Sơn đi khoảng 100 km. Vì công việc, anh chẳng quản khó khăn, đường xa dặm thẳm, có chăng anh chỉ ái ngại cho chị Bích vợ anh vì anh làm xa như vậy chỉ giúp được chị việc đưa con đi học vào buổi sáng, còn các buổi học chính học thêm của cô con gái lớp 11 hầu như chị phải đảm nhiệm. Cũng may, nhờ sự quan tâm của cơ quan, chị Bích được phân công làm phòng hành chính nên cũng dễ sắp xếp thời gian cho gia đình hơn. Nhờ vậy, anh Sơn mới yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý với công việc. Anh chị gặp nhau cũng muộn màng, mãi đến năm 40 tuổi anh Sơn mới được làm cha nên cô con gái nhỏ được anh chị hết mực yêu thương, xem như “núm ruột” của mình. Bởi vậy, vì bận rộn công việc nên không thể hỗ trợ được vợ con mình làm anh áy náy lắm. Tướng tá mạnh mẽ vậy nhưng với những người thân yêu anh Sơn cưng chiều lắm, đàn ông miền Tây mà…


Gia đình ba người khi cô con gái còn nhỏ xíu

Nhưng trong công việc thì anh lại hết sức quyết liệt, chắc là cũng được rèn luyện  từ khi còn là bộ đội. Sau khi chuyển ngành, anh Trần Văn Sơn vào nghề tính đến nay cũng đã 25 năm. Bấy nhiêu thời gian đó đã cho anh những kinh nghiệm lớn trên mặt trận chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái. Anh kể hồi mới vào nghề được khoảng 5,6 năm, anh có một kỷ niệm đáng nhớ khi làm nhiệm vụ đó là sau khi thu giữ hàng buôn lậu, anh đã bị dân buôn lậu đạp cho ngã xe. Cũng may là chỉ bị hỏng xe, chân tay bị thương nhẹ. Anh Sơn tâm sự: “Cũng may mình là bộ đội nên những việc như thế này không đáng ngại. Chỉ lo chị em phụ nữ chân yếu tay mềm, gặp trường hợp như mình không biết điều gì sẽ xảy ra”. Ngoài ra, chuyện bị đối tượng gọi điện, viết thư đe dọa, chống đối lại, hành hung... là chuyện thường đối với những cán bộ trong lực lượng QLTT. Nghiệp vụ của các cán bộ làm công tác quản lý thị trường cũng không khác công an là mấy, nhiều lúc phải hóa trang giả làm xe ôm, tập trung vào mấy điểm đá gà, đánh bi sắt, hội cây cảnh… khi nào bắt đối tượng anh mới ra mặt hoặc có những phi vụ không lộ diện mà chỉ gọi điện để đồng đội phối hợp bắt. Những tâm sự rất thật của người cán bộ có thâm niên trong ngành đã cho thấy mức độ khốc liệt của công việc. Cũng đã đi gần hết chặng đường công tác của mình rồi, anh Sơn chỉ còn hai năm nữa là nghỉ chế độ, song với công việc, dù khó khăn đến mấy anh chẳng quản ngại, phản xạ chống buôn lậu đã ăn vào máu, vào tiềm thức, vào thói quen hàng ngày của. Công việc vất vả, hiểm nguy như vậy nhưng lương thấp, khen thưởng không có, thưởng thâm niên công tác cũng không có, cuối năm không có tháng lương thứ 13… Động lực của anh chính là những tình cảm của anh chị em ở Chi cục QLTT Sóc Trăng đã giành cho cả hai anh chị cũng như các cán bộ khác. Trong bộn bề thiếu thốn, thì sự quan tâm, chăm sóc, vận dụng nhiều chính sách hợp lý để tạo điều kiện cho các cán bộ nữ, luân chuyển công tác 36 tháng hoặc sớm hơn tùy theo điều kiện hoàn cảnh của cán bộ và của đội để giúp các cán bộ yên tâm công tác tốt quả là những sợi dây tình cảm vô hình níu kéo họ lại với nhau.

Với chị Bích, nhiều khi chồng đi làm xa cũng có nhiều lo lắng lắm, chỉ đến khi anh về đến nhà rồi chị mới thở phảo nhẹ nhõm. Nhưng chị luôn phải giữ vai trò là người động viên, không để anh biết sự lo lắng của chị. Chị vừa lo việc cơ quan vừa lo việc đón con đi học về, chăm sóc nhà cửa để anh Sơn yên tâm công tác, chị xem nỗi vất vả vì chồng con là niềm hạnh phúc. Do cùng trong ngành nên chị quá hiểu công việc của anh. Chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi ngày ngày chiều tối được cùng chồng con quây quần bên mâm cơm. “Chỉ một, hai năm nữa thôi, gia đình chị sẽ có nhiều thay đổi, bởi con gái thì vào đại học, còn anh Sơn sẽ nghỉ chế độ. Lúc đấy vợ chồng già tha hồ chăm nhau, còn bây giờ thì vì công việc, cứ chịu khó lao động, cống hiến cho tròn trách nhiệm” - chị Bích tâm nguyện như vậy.


Nguyên Vỵ