Vũ khí bí mật giúp Mexico “mặc cả” với OPEC+ trong thoả thuận cắt giảm sản lượng khai tác dầu mỏ lịch sử

Mexico đã tận dụng triệt để các hợp đồng chứng khoán quyền chọn nhằm bảo hiểm giá dầu thô xuất khẩu của nước này, giúp Mexico có vị thế tốt hơn trong việc mặc cả với OPEC+ về mức cắt giảm sản lượng khai thác.
Giàn khoan dầu
Một giàn khoan dầu của tập đoàn khai thác dầu thô quốc doanh Mexico Petroleos Mexicanos (Ảnh: Petroleum Economist)

Thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lịch sử cuối cùng cũng đã được liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh thông qua sau nhiều nỗ lực ngoại giao của 3 quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới, gồm Hoa Kỳ, Ả-rập Xê-út và Nga trong 4 ngày qua. Trước đó, mọi nỗ lực của liên minh OPEC+ nhằm giải cứu thị trường dầu mỏ dường như đã rơi vào bế tắc khi Mexico tuyên bố không chấp nhận cắt giảm sản lượng tới 400.000 thùng dầu/ngày như mức ấn định mà chỉ sẵn lòng cắt giảm 25% con số này.

Mặc dù giá dầu thô trong thời gian qua liên tục giảm mạnh đã gây thiệt hại lớn đến các quốc gia khai thác dầu thô, nhưng giới chuyên gia nhận định Mexico có vị thế tốt hơn các quốc gia cùng liên minh OPEC+, cho phép nước này “so găng mặc cả” mức cắt giảm sản lượng. Sức mạnh của Mexico trước việc giá dầu thô sụp đổ chủ yếu nằm ở việc sử dụng triệt để các quỹ phòng hộ giá dầu.

Quỹ phòng hộ giá dầu của Mexico trong nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả giúp đảm bảo lợi ích quốc gia trước các biến động của giá dầu. Trong 20 năm qua, quỹ phòng hộ giá dầu của Mexico đã mua vào các hợp đồng quyền chọn dầu thô từ một nhóm các ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp dầu mỏ theo các thoả thuận thường niên.

Các hợp đồng quyền chọn này đóng vai trò như bảo hiểm cho giá dầu thô của Mexico, cho phép quốc gia này bán dầu thô ở một mức giá được định trước bất chấp sự biến động của thị trường. Hay nói cách khác, các hợp đồng này tạo ra một mức giá sàn tối thiểu cho sản phẩm dầu thô của Mexico; khi giá dầu thô lao dốc, quốc gia này vẫn luôn bán được dầu với mức gia cao.

Quỹ phòng hộ giá dầu của Mexico đã giúp nước này thu về 5,1 tỷ USD khi giá dầu thô sụp đổ vào năm 2009 – thời điểm bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính, 6,4 tỷ USD vào năm 2015 – khi cuộc chiến giá dầu giữa Ả-rập Xê-út và ngành dầu đá phiến của Hoa Kỳ nổ ra và thêm 2,7 tỷ USD nữa vào năm 2016. 

Theo đánh giá của giới phân tích, các thoả thuận phòng hộ giá dầu của Mexico hiện có quy mô lớn nhất thị trường. Tuy nhiên, mức giá mà Mexico phải chi ra để mua bảo hiểm cho giá dầu thô của mình cũng không hề dễ chịu. Dựa trên các dữ liệu gần đây, chi phí mua các hợp đồng quyền chọn dầu thô của Mexico rơi vào khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Hiện không có nhiều thông tin về mức phí bảo hiểm giá dầu mà Mexico phải chi ra trong năm 2020 do Mexico tuyên bố quỹ phòng hộ giá dầu của nước này là bí mật quốc gia.

Trong một phát biểu hiếm hoi hồi đầu tháng 3/2020, Bộ trưởng Tài chính Mexico Arturo Herrera cho biết “Chi phí bảo hiểm (giá dầu thô) không hề rẻ nhưng nó đang đem lại lợi ích cho thời điểm bây giờ và ngân sách quốc gia của Mexico không bị ảnh hưởng”. Trong tháng 3/2020, giá dầu thô đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019 và có mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1991 – thời điểm nổ ra cuộc chiến Vùng Vịnh.

Mexico hiện đang tiến hành bảo hiểm giá cho 250 triệu thùng dầu thô – tương đương toàn bộ lượng xuất khẩu dầu ròng của nước này trong 1 năm. Theo tính toán của hãng tin Bloomberg, nếu như giá dầu thô tiếp tục ở mức thấp cho đến cuối tháng 11/2020 thì Mexico sẽ thu về gần 6 tỷ USD nhờ sử dụng việc bảo hiểm giá dầu.

Bên cạnh quỹ phòng hộ giá dầu quốc gia, tập đoàn khai thác dầu thô quốc doanh Mexico Petroleos Mexicanos cũng có quỹ bảo hiểm giá dầu riêng. Trong năm nay, Petroleos Mexicanos đã mua quyền chọn giá dầu cho 234.000 thùng dầu/ngày với mức giá trung bình 49 USD/thùng. Mức giá 49 USD/thùng cho dầu thô xuất khẩu của Mexico hiện tương đương khoảng mức giá 60 USD – 65 USD/thùng của dầu thô Brent – một trong những giá dầu tiêu chuẩn trên thị trường. Giá dầu thô Brent và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai hiện lần lượt đạt khoảng 32 USD và 24 USD/thùng.  

Quỹ phòng hộ dầu quốc gia này không phải lý do duy nhất khiến Mexico trở nên “cứng rắn” trong quá trình đàm phán cắt giảm sản lượng với các cường quốc khai thác dầu thô lớn nhưng được xem là yếu tố chính giúp Mexico ít chịu phụ thuộc vào diễn biến giá dầu so với các nước xuất khẩu dầu mỏ khác.

Một số chuyên gia phân tích nhận định lý do thúc đẩy Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, một người theo chủ nghĩa dân tuý cánh tả, phản đối mức cắt giảm sản lượng cao là cam kết của ông đối với việc phục hồi ngành công nghiệp khai thác dầu của Mexico thông qua hỗ trợ tập đoàn khai thác dầu khí quốc doanh Petroleos Mexicanos. Việc cắt giảm sản lượng khai thác 400.000 thùng/ngày theo thoả thuận của OPEC+ sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đầy tham vọng của ông Andrés Manuel López Obrador.

Quang Đặng (Tham khảo Bloomberg)