Nhằm giúp doanh nghiệp và người dân hiểu rõ về những cơ hội và thách thức, từ đó nắm bắt và tận dụng hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), chiều 22/12, Báo Nhân Dân tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “RCEP - Nhận diện cơ hội và thách thức”.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế và chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM đã tham dự và trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến.

RCEP - cơ hội cho ngành hàng thủy sản

Tại Tọa đàm, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định, Hiệp định RCEP sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn.

RCEP vừa được ký, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do là: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo ra thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Với RCEP, Hiệp định sẽ mở ra một thị trường đầy tiềm năng cho các mặt hàng thế mạnh, nhất là nông sản nhiệt đới và thực phẩm chế biến. RCEP cũng mang lại nhiều thuận lợi cho việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của nước ta do quy trình xuất, nhập khẩu được đơn giản hóa sẽ giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, đồng thời tăng tỷ suất lợi nhuận và sức cạnh tranh tại thị trường RCEP, ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Ông Lương Hoàng Thái - vụ trương Vụ đa biên
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhận định, Hiệp định RCEP sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn

Nhìn nhận về những lợi thế mà RCEP mang lại cho các ngành hàng trong nước, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định, RCEP mang lại cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam.

Theo bà Trang, đa số các nước trong khối RCEP được đánh giá là có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thủy sản tương đối cao, trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về xuất khẩu thủy sản.

Trong vòng 10 năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng rất tích cực. Tại thị trường RCEP, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Tiếp sau đó là Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan.

Ngoài ra, cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam… cũng mở ra cơ hội mới cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng có thế mạnh này vào thị trường các nước RCEP.

phó cục trưởng cục xuất nhập khẩu
Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định, RCEP mang lại cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam

Đặc biệt, Hiệp định RCEP cho phép các nước thành viên áp dụng nguyên tắc cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối. Đây được coi là một trong những điểm quan trọng nhất trong Quy tắc xuất xứ hàng hóa của Hiệp định RCEP.

“Doanh nghiệp Việt Nam không những tận dụng nguồn nguyên liệu có xuất xứ từ các nước ASEAN mà còn có thể tận dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các nước đối tác ASEAN như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Chẳng hạn, ta có thể nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc để chế biến, xuất khẩu sang Nhật Bản”, bà Trang ví dụ.

“Vừa phòng thủ vừa tấn công” - tận dụng tối đa cơ hội từ RCEP

Cũng trong Tọa đàm, chia sẻ về lợi thế của các ngành hàng khi RCEP có hiệu lực, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, Hiệp định sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.

Mặt khác, theo ông Trịnh Minh Anh, Hiệp định RCEP cũng mang lại sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam do nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lượng cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cũng cao hơn so với khả năng hiện tại của Việt Nam.

Hiệp định RCEP
Để tận dụng tối đa cơ hội và tránh những thách từ Hiệp định RCEP, doanh nghiệp phải có hai chiến lược. Trong ngắn hạn, cần sử dụng chiến lược "phòng thủ" và sử dụng chiến lược "tấn công" để mở cửa các thị trường, ông Trịnh Minh Anh nhận định

Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, ngay cả khi mặt hàng nông, thủy sản là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng chính là thách thức cạnh tranh trong khu vực RCEP này.

“Chúng ta không nên quá đặt sự chú ý vào việc lợi thế hay không lợi thế, vì thường các ngành chịu sự cạnh tranh sẽ có thêm động lực để phát triển, hoàn thiện tốt hơn.

Tham gia vào bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn sẽ là thách thức lớn nhất với các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mình, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm”, ông Trịnh Minh Anh nhận định và cho rằng, để khai thác hiệu quả Hiệp định RCEP này, chúng ta không chỉ quan tâm riêng cam kết của Việt Nam mà còn phải xem chúng ta cam kết gì với 14 đối tác còn lại.

hiệp định rcep

Bởi theo Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, việc ký kết Hiệp định RCEP có hai mặt. Một mặt là hàng hóa của chúng ta có khả năng xuất khẩu sang nước khác, dịch vụ vươn ra được thị trường thế giới, nhưng thị trường Việt Nam cũng sẽ phải đón nhận hàng hóa từ nước ngoài, nên chúng ta phải có mức độ mở cửa thị trường tương đối.

Do đó, doanh nghiệp phải có hai chiến lược. Về ngắn hạn, các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho mình chiến lược “phòng thủ”. Theo đó, doanh nghiệp cần củng cố thị trường trong nước, nâng cao chất lượng mặt hàng, nhận diện thương hiệu của mình chuẩn xác. Với chiến lược “tấn công”, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch mở cửa thị trường, thậm chí thị trường quen với mặt hàng có lợi thế.

Ngoài các lợi ích, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, ông Trịnh Minh Anh khuyến cáo.