Chiều ngày 08/8, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam 6 tháng một lần với tiêu đề "Điểm lại: Giáo dục để tăng trưởng".

Nền kinh tế phục hồi nhanh chóng

Báo cáo nhận định: Bất chấp những cú sốc và tình trạng bất định gia tăng gần đây của nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn đang trên lộ trình phục hồi sau 2 năm bị tổn thương bởi dịch COVID-19. Nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, tăng trưởng với tốc độ 5,2% trong quý IV/2021; 5,1% trong quý I/2022 và 7,7% trong quý II/2022.

Khảo sát Đánh giá tác động đến doanh nghiệp lần thứ 5 do Ngân hàng Thế giới thực hiện từ tháng 1 đến tháng 3/2022 cho thấy 92,6% doanh nghiệp trong khu vực chính thức đã quay trở lại hoạt động và 20% doanh nghiệp cho biết có tuyển lao động mới trong quý I/2022. Tình hình thị trường lao động và thu nhập của hộ gia đình được cải thiện trong nửa đầu năm 2022. Tỷ lệ có việc làm đã quay về mức trước đại dịch. Tỷ lệ tham gia thị trường lao động tăng nhẹ lên 68,5% mặc dù vẫn thấp hơn các mức trước đại dịch (71,3% vào Quý IV/2019).

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế đối ngoại vẫn được duy trì vững chắc nhờ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng đến 10 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ 1,8% trong tháng 12/2021 lên 3,4% trong tháng 6/2022, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước.

Động lực lớn từ thị trường trong nước

Dự báo về thời gian tới, Báo cáo của WB nhận định: Mặc dù môi trường toàn cầu có nhiều thách thức nhưng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi theo dự báo cơ sở. GDP dự kiến sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, khi các hoạt động kinh tế tiếp tục quay lại trạng thái bình thường.

Các động lực tăng trưởng dự kiến sẽ hướng chuyển từ dựa vào nhu cầu bên ngoài sang dựa vào nhu cầu trong nước, từ khu vực chế tạo chế biến sang khu vực dịch vụ.

Quá trình phục hồi của khu vực dịch vụ dự kiến sẽ được đẩy mạnh do người tiêu dùng trong nước tăng chi tiêu để thỏa mãi các nhu cầu bị dồn nén và số lượt khách du lịch quốc tế phục hồi. Ngược lại, sản xuất công nghiệp dự kiến sẽ chững lại do sức cầu bên ngoài yếu đi. Lạm phát được dự báo sẽ tăng đến 4% vào năm 2023, trước khi chững lại còn 3,3% trong năm 2024, khi các cú sốc về cung tiêu tan.

du bao WB
Ngân hàng Thế giới nhận định kinh tế của Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tích cực

 

Một số rủi ro cho tăng trưởng

Tuy nhiên, WB cho rằng dự báo cơ sở nêu trên còn phụ thuộc vào nhiều bất định và rủi ro về tăng trưởng.

Nhìn từ bên ngoài, các biến chủng COVID-19 mới xuất hiện và lây lan, cùng với sự gián đoạn của hoạt động kinh tế kèm theo vẫn là rủi ro chính, mặc dù quá trình bình thường hóa vẫn đang diễn ra và hầu hết các quốc gia đều đang gỡ bỏ những hạn chế liên quan đến COVID-19.

Áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn, nhất là tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế hơn nữa vào thời điểm các hoạt động kinh tế vốn đang chững lại. Ngoài ra, căng thẳng và xung đột địa chính trị gia tăng càng làm tăng bất định trước mắt và có thể dẫn đến chuyển đổi cơ cấu dài hạn trong nền kinh tế toàn cầu, khi các nền kinh tế lớn đánh giá lại chi phí và lợi ích của quá trình hội nhập toàn cầu, dẫn đến rủi ro với viễn cảnh ngắn và trung hạn cho nền kinh tế toàn cầu.

Nhìn từ trong nước, những rủi ro liên quan đến COVID-19 có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ. Thiếu hụt lao động có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi đầy đủ. Ngoài ra, rủi ro tài chính có thể gia tăng liên quan đến cân đối tài sản của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của đầu tư và tiêu dùng trong nước. 

Cần có những biện pháp chính sách chủ động

Trong điều kiện quá trình phục hồi trong nước chưa hoàn tất và nhu cầu trên toàn cầu được dự báo sẽ yếu đi, Báo cáo của WB khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần có những biện pháp chính sách chủ động.

Liên quan đến chính sách tài khóa, trong ngắn hạn trọng tâm cần thực hiện đầy đủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thông qua đẩy mạnh triển khai các dự án. Chương trình phục hồi dự kiến đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất và công nghệ số sẽ giúp đẩy mạnh quá trình phục hồi nhu cầu trong nước trong ngắn hạn, đồng thời nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam. Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu là hướng đi không chỉ giúp các hộ nghèo và dễ tổn thương chống đơ lại tác động của các cú sốc giá nhiên liệu và lạm phát gia tăng.

Trong khu vực tài chính, WB khuyến nghị cần theo dõi chặt chẽ và tăng cường công tác báo cáo và dự phòng nợ xấu đồng thời ban hành cơ chế xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ. Nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực (khi lạm phát cơ bản tăng tốc và chỉ số giá tiêu dùng vượt quá mục tiêu 4% do Chính phủ đặt ra) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia WB, điều quan trọng là cần tăng cường chiều sâu những cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ cho tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn nhằm iúp cho nền kinh tế phát triển bao trùm hơn với khả năng chống chịu cao hơn. Cải cách tài khóa cần tập trung vào ổn định huy động thu thông qua cải cách chính sách thuế và nâng cao hiệu suất chi tiêu nhằm mở rộng dư địa tài khóa để chi cho các mục tiêu xã hội, khí hậu và các mục tiêu phát triển khác của Việt Nam.

Một nội dung quan trọng trong Báo cáo mới của WB đề cập là vấn đề giáo dục để tăng trưởng, trong đó nhận định: Đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khóa để nâng cao năng suất của Việt Nam và giúp hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. 

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm.

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn", Giám đốc WB Việt Nam nhấn mạnh.