Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine đã khiến giá lương thực trên toàn cầu tăng cao và cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện tại sẽ kéo dài trong nhiều tháng tới, thậm chí có thể sang tận năm 2023 (Ảnh: AFP)

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo việc giá năng lượng và giá thực phẩm tăng vọt so với năm ngoái có thể khiến áp lực lạm phát đối với nhiều nền kinh tế trở nên trầm trọng hơn. Trong vòng 2 năm qua, giá nhiên liệu đã có mức tăng mạnh nhất kể từ những năm 1970, giá một số loại thực phẩm quan trọng như lúa mì và dầu ăn cũng có mức tăng mạnh nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.

Tính riêng trong năm 2021, giá năng lượng đã tăng gần gấp đôi và giá lương thực tăng khoảng 31%. Nhu cầu sử dụng các loại hàng hoá đã tăng vọt khi nhiều nền kinh tế tái mở cửa trở lại nhưng nguồn cung lại không theo kịp khi các chuỗi cung ứng tiếp tục bị tắc nghẽn. Điều này đã đẩy giá các loại hàng hoá tăng vọt.

Đồng thời, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 vừa qua khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhiều loại hàng hoá trở nên nghiêm trọng hơn. Theo WB, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đang khiến dòng chảy của nhiều loại hàng hoá, nguyên liệu thô trên thế giới thay đổi. Nga và Ukraine đóng vai trò quan trọng trên thế giới đối với một số loại hàng hoá, nguyên liệu thô như dầu mỏ, ngũ cốc, dầu thực vật, kim loại công nghiệp…

Ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm triển vọng của WB, nhận định “Giá thực phẩm và năng lượng tăng cao đã gây ra tác động đáng kể về  khía cạnh kinh tế và con người. Xu hướng này có thể cản trở công cuộc giảm nghèo và làm trầm trọng hơn nữa áp lực lạm phát, vốn đã gia tăng trên khắp thế giới”.

Trong tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023 do tác động của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đối với giá lương thực và nhiên liệu.

Theo IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ chỉ đạt 3,6%, giảm mạnh so với mức 6,1% ghi nhận trong năm 2021. Trong năm 2023, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,6%, giảm 0,2% so với dự trước đây.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas, cố vấn kinh tế tại IMF, cho biết “Triển vọng kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phần lớn do cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh hưởng của cuộc chiến sẽ lan tỏa sâu rộng, làm gia tăng áp lực giá cả, khiến các thách thức về chính sách trở nên trầm trọng hơn".

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nhiều quốc gia đã tăng mạnh khi giá các loại hàng hoá, đặc biệt là giá năng lượng tăng vọt. Trong tháng 3, chỉ số CPI của Hoa Kỳ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng mạnh nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.

Tại khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone), chỉ số CPI tháng 3 cũng tăng kỷ lục 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tác động của lạm phát thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều ở các nước đang phát triển, nhất là các quốc gia vốn có mức nợ công cao.

Nhiều chính phủ đã cắt giảm thuế và tăng cường hỗ trợ người tiêu dùng nhằm đối phó với tình trạng giá cả tăng cao. Những giới phân tích cảnh báo những chính sách này chỉ giúp hạ nhiệt tình hình trong ngắn hạn và việc duy trì nhu cầu sẽ khiến giá cả tiếp tục tăng thêm.

WB dự báo giá năng lượng có thể giảm 12,4% và giá lương thực sẽ giảm 10,4% trong năm 2023 và tiếp tục giảm thêm vào năm 2024 nhưng sẽ khó có thể giảm về nền giá như trước khi đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra.