Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cảnh báo rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra trong năm sau ngày càng lớn khi hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới siết chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát ở mức cao kỷ lục.

WB cho biết lạm phát trên toàn cầu đang tăng với tốc độ mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây khi nguồn cung bị hạn chế giữa lúc nhu cầu của các nước gia tăng trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và các đợt phong toả kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. 

Tình hình này buộc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang siết chặt chính sách tiền tệ ở tốc độ nhanh nhất trong 50 năm trở lại đây nhằm giảm nhu cầu và kiềm chế lạm phát leo thang.

Chủ tịch WB David Malpass cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu
Chủ tịch WB ông David Malpass cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang giảm mạnh trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới gấp rút siết chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, WB cho rằng các biện pháp này vẫn chưa đủ để hạ nhiệt lạm phát và các ngân hàng trung ương cần phải tăng thêm lãi suất mặc dù điều này có thể khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc. WB nhận định các ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất cơ bản lên mức gần 4%/năm, gấp đôi mức trung bình năm ngoái, để giữ lạm phát lõi (đã loại bỏ giá năng lượng và giá thực phẩm) ở mức 5%.

Thậm chí, lãi suất cơ bản có thể được các ngân hàng trung ương nâng lên mức gần 6% nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu. Theo kịch bản này và kết hợp với các áp lực trên thị trường tài chính, WB dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm sau chỉ tăng 0,5% nhưng GDP bình quân đầu người lại giảm 0,4%. Về mặt lý thuyết, đây sẽ được xem là suy thoái kinh tế toàn cầu. Mức suy giảm này tương đương với cuộc suy thoái diễn ra năm 1991. Kinh tế toàn cầu trong quý 2 vừa qua đã thu hẹp, lần đầu tiên kể từ năm 2020.

Chủ tịch WB ông David Malpass cảnh báo “Tăng trưởng toàn cầu đang giảm mạnh, và có thể giảm hơn nữa do nhiều quốc gia rơi vào suy thoái kinh tế.”

Ông Malpass cũng bày tỏ lo ngại rằng xu hướng này sẽ tiếp tục và gây ra hậu quả kéo dài, đẩy người dân ở các nền kinh tế mới nổi và phát triển vào hoàn cảnh khó khăn. Chủ tịch WB ông David Malpass khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang kích thích sản xuất nhằm tăng nguồn cung để tháo gỡ các căng thẳng nguồn cung vốn đang khiến giá cả leo thang, tập trung hơn vào cải thiện năng suất lao động và hiệu quả phân bổ vốn nhằm tạo ra tăng trưởng và giảm nghèo bền vững.

WB cũng nhấn mạnh giới chức điều cần cẩn trọng khi quyết định rút các chính sách hỗ trợ, nhằm đảm bảo vẫn bám sát các mục tiêu của chính sách tiền tệ. WB dự báo số quốc gia thắt chặt chính sách tài khoá trong năm tới sẽ chạm mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990. Điều này sẽ càng gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế. Do đó WB khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần có các kế hoạch tài chính trung hạn và chính sách hỗ trợ các hộ gia đình chịu ảnh hưởng.

Ngoài việc giảm GDP bình quân đầu người, suy thoái kinh tế còn kéo theo sự sụt giảm về hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dòng vốn, nhu cầu nhân lực, và nhu cầu năng lượng trên quy mô toàn cầu. WB khuyến nghị các ngân hàng trung ương cần truyền thông sâu rộng về các quyết định chính sách của mình nhằm kiểm soát lạm phát kỳ vọng, qua đó giúp giảm tác động từ việc nâng lãi suất.

Dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát trong tháng 8 tại Hoa Kỳ đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát trong tháng 8 tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chạm mức cao kỷ lục 9,1% và lên tới 10,1% trên toàn Liên minh châu Âu (EU).

FED sẽ tiến hành họp trong tuần này, thị trường hiện dự báo FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong năm nay với mức tăng lãi suất thêm từ 0,75 đến 1 điểm phần trăm. FED đang chịu áp lực phải kiềm chế lạm phát mà không đẩy Hoa Kỳ rơi vào suy thoái kinh tế. FED hiện đặt mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.

Đầu tháng 9 này, ECB đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - mức tăng cao nhất kể từ khi Eurozone được thành lập. Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) dự báo lãi suất cơ bản của FED có thể đạt 5% trong năm sau, gần gấp đôi so với mức hiện tại.

Vừa qua, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva khuyến nghị các ngân hàng trung ương trên thế giới cần phải kiên nhẫn trong cuộc chiến chống lại lạm phát hiện nay.

Bà Kristalina Georgieva nhận định sự leo thang bất ngờ của lạm phát “chỉ là một vấn đề nhỏ trong số những bất ổn” mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đều là những nhân tố góp phần đẩy giá hàng loạt hàng hoá tăng vọt, gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại nhiều nền kinh tế hiện nay.

IMF đã cảnh báo việc giá các mặt hàng năng lượng, bao gồm giá dầu thô ở mức quá cao đang kéo theo giá tất cả các loại hàng hoá tiêu dùng tăng lên. Điều này có thể  dẫn tới một vòng xoáy tăng lương khi người dân bắt đầu yêu cầu mức lương cao hơn để theo kịp đà tăng của giá hàng hoá và điều này dẫn đến hiệu ứng lạm phát lõi tăng dai dẳng.