Mơ ước của doanh nghiệp

Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam được Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI) hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Từ cuối năm 2014 đến nay, các chuyên gia về xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường và thực phẩm của châu Âu do Hà Lan (CBI) lựa chọn đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các tổ chức và doanh nghiệp có liên quan của Việt Nam thực hiện quá trình nghiên cứu và phân tích nhằm xác định mục tiêu, phương pháp và các ý tưởng cho phương án xây dựng Chiến lược. Chương trình gồm 4 giai đoạn gồm: xác định mục tiêu và phương pháp; nghiên cứu và phân tích; định vị thương hiệu bao gồm xây dựng hệ thống nhận diện; lập kế hoạch hoạt động và triển khai thực hiện.

Hiện đã có 9 hiệp hội ngành hàng đăng ký đồng hành cùng chương trình, gồm: lương thực, cà phê, chè, trái cây, thủy sản, tiêu, điều, mật ong và dừa. Đến nay, các chuyên gia thương hiệu CBI và Cục Xúc tiến thương mại đã hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của chương trình.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức đã có một cuộc tọa đàm với sự tham gia của Hiệp hội Cá tra, Hiệp hội Chè, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng doanh nghiệp để cùng nhìn nhận về những giá trị xuất khẩu của các sản phẩm của Việt Nam, cũng như ý kiến riêng của các đơn vị về việc xây dựng thương hiệu đối với ngành hàng.

Tại cuộc tọa đàm, đại diện của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết về những khó khăn của ngành gạo Việt Nam, cụ thể là thiếu những giống lúa có chất lượng cao và ổn định. Nông dân còn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật gây mất an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay đang xuất khẩu gạo chủ yếu ở phân khúc trung bình và thấp, vì thế khi chuyển sang phân khúc cao cấp cũng là một vấn đề lớn. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế, chưa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Còn đối với mặt hàng cá tra, khó khăn lớn nhất là sự hợp tác của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu chung, các doanh nghiệp hiện nay chỉ tập trung vào thương hiệu của chính các doanh nghiệp.

Đại diện của Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: Chè may mắn hơn các mặt hàng thực phẩm khác là đã có thương hiệu quốc tế từ nhiều năm trước. Uy tín, chất lượng về một quốc gia mạnh về chè đã thực sự là niềm tự hào lớn. Tuy nhiên, gần đây, chất lượng chè Việt Nam đang khiến cho thị trường quốc tế rất e dè vì thuốc bảo vệ thực vật. Cần phải tìm mọi cách để thay đổi định kiến này, nếu không thì bao nhiêu công sức bấy lâu nay gây dựng thương hiệu sẽ đều trở thành vô nghĩa.

Nhà quản lý quyết tâm

Các đại biểu khác đều thống nhất rằng, đa phần các doanh nghiệp ở Việt Nam là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu chỉ dựa vào những doanh nghiệp này để xây dựng thương hiệu thì rất khó. Nếu cứ đợi từng doanh nghiệp hiểu ý nghĩa về việc xây dựng thương hiệu thì rất lâu. Các doanh nghiệp cần chủ động, các ngành hàng cần tập trung lại với nhau và có chiến lược quốc gia.

Tuy nhiên, trước nhiều khó khăn, thách thức trong việc xây dựng thương hiệu, đại diện các ngành hàng vẫn mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các Hiệp hội, các tổ chức quốc tế để xây dựng thành công thương hiệu. Bởi để tạo thương hiệu cho ngành công nghiệp thực phẩm thì các doanh nghiệp cần đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại để đạt trình độ tự động hóa cao, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, vấn đề nghiên cứu thị trường cần được mở rộng, đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với khẩu vị, tập quán của từng thị trường, khách hàng. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cần gắn với hoàn thiện kênh phân phối.

Về chiến lược hỗ trợ phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam trong thời gian tới, ông Tạ Hoàng Linh - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành nông lâm thủy sản và công nghiệp thực phẩm thông qua các hoạt động của chương trình xúc tiến thương hiệu quốc gia. Hoạt động này bao gồm các công việc cung cấp thông tin về thị trường, đào tạo cho các doanh nghiệp hiểu biết thêm về thị trường, cách giao dịch với thị trường, tham gia hội chợ triển lãm nước ngoài. Do đó, với những doanh nghiệp có năng lực thật sự, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đó ra nước ngoài trong các đoàn giao thương hoặc trong các chương trình hội chợ triển lãm”.