Xây dựng chuỗi sản xuất rau an toàn đảm bảo nguồn thực phẩm sạch

Nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn nói chung và rau an toàn nói riêng hiện nay đang trở thành vấn đề cấp bách đối với toàn xã hội, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Với mục tiêu sản xuất rau an toàn, tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn nhằm hình thành chuỗi liên kết bền vững để giám sát chất lượng rau từ sản xuất đến tiêu thụ và phát triển bền vững giữa người dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp Viện Môi trường Nông nghiệp (MTNN) đã nhân rộng mô hình: “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại vùng trồng rau trọng điểm cung cấp cho thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh” nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ rau an toàn cho các vùng trồng rau trọng điểm ở nước ta.

Dự án đã xây dựng được 12 mô hình áp dụng 1 trong 2 hình thức liên kết tổ chức sản xuất quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn (HTX sản xuất và kinh doanh; mô hình liên kết giữa nhóm hộ sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ) tại 4 tỉnh/ thành trồng rau trọng điểm cung cấp chủ yếu cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và Lâm Đồng.

Cụ thể, mỗi tỉnh xây dựng lựa chọn hình thức liên kết phù hợp, quy mô từ 10-13 ha rau chuyên canh/ tỉnh/ vụ/ năm, tùy thuộc vào điều kiện từng tỉnh (tương đương 285 ha gieo trồng); sản phẩm được giám sát và cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn rau an toàn; tăng thu nhập 15% cho người sản xuất rau và 15% cho người kinh doanh.

Phát triển chuỗi sản xuất rau an toàn đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng

Sau hai năm thực hiện, dự án đã triển khai được 20 điểm trình diễn tại 4 tỉnh với 5 loại cây trồng: bắp cải, cà chua, dưa chuột, đậu ăn quả, cải ăn lá. Một số điểm điển hình như: Tổ HTX Liên Ấp, xã Việt Đoàn, Tiên Du, Bắc Ninh: Trồng cà chua, cải bắp, đậu ăn quả; HTX Đông Cao, Tráng Việt, Mê Linh: dưa chuột, cải ăn lá, cà chua; HTX xã Sơn Du, Nguyên Khê, Đông Anh: cải ăn lá, đậu ăn quả...

Một số đơn vị liên kết tham gia tiêu thụ sản phẩm của mô hình: Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, công ty VinEco, thực phẩm sạch Quý Ngư (tiêu thụ sản phẩm của mô hình tại Hà Nội), công ty Hương Việt Sinh, công ty Tâm Phú, Trung tâm Hội nông dân Bắc Ninh (tiêu thụ các sản phẩm của mô hình Bắc Ninh). Công ty TNHH LOTTE Việt Nam, Công ty VinEco, HTX Ngã Ba Giòng, Mai Hoa, Siêu thị CoopMart, Siêu thị BigC, Công ty Thảo Nguyên Xanh) tiêu thụ sản phẩm các mô hình trong Lâm Đồng và TP. HCM.

Qua mô hình liên kết của dự án, các sản phẩm được các HTX và doanh nghiệp ký kết thu mua với giá cả ổn định trong năm và cao hơn giá thị trường từ 1.000-3.000 đồng/kg tùy từng thời điểm. Dù đa số các cây trồng trong mô hình của các điểm trình diễn đều có năng suất thấp hơn so với sản xuất đại trà, song giá bán cao hơn, chi phí sản xuất tiết kiệm được khoảng 9% và công lao động cũng giảm được khoảng 9% so với ngoài mô hình, qua đó nâng cao thu nhập cho bà con so với sản xuất truyền thống.

Việc thiết lập các mối liên kết sản xuất, giám sát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm của mô hình đã bước đầu thay đổi nhận thức cho người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng trong việc cùng nhau phối hợp sản xuất và giám sát chất lượng sản phẩm rau an toàn, đảm bảo giá trị đích thực của sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tạo động lực cho người sản xuất và người kinh doanh.

Dự án phát triển chuỗi rau an toàn đã từng bước xây dựng được mối liên kết hiệu quả giữa các đơn vị sản xuất, giám sát và đơn vị tiêu thụ sản phẩm; Người sản xuất được đào tạo và áp dụng các kỹ thuật mới trong canh tác rau đảm bảo chất lượng an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng, cho cộng đồng và bảo vệ môi trường. Các HTX và doanh nghiệp tham gia từng bước được nâng cao năng lực quản lý và giám sát nội bộ nhằm duy trì và phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn bền vững.


Hồng Hà