Trở thành ngành kinh tế quan trọng

Với trữ lượng bô xít chiếm 2/3 tổng trữ lượng cả nước và theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007 thì bôxít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được quy hoạch thành 13 khu vực mỏ, được phân bố ở các huyện Đắk G’long, Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức và thành phố Gia Nghĩa với trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 1,436 tỷ tấn tinh quặng, tương đương 3,425 tỷ tấn quặng nguyên khai, hàm lượng nhôm đạt trên 40%.

Tính đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã tiến hành thăm dò tại 09 khu vực mỏ và đã được Hội đồng trữ lượng khoáng sản Quốc gia thẩm định, phê duyệt với tổng diện tích đã thăm dò là 1.605 km2, trữ lượng là 1,272 tỷ tấn tinh quặng, tương đương 3,034 tỷ tấn quặng nguyên khai. Với tiềm năng, thế mạnh lớn về bôxít nên Đắk Nông đủ điều kiện để hình thành ngành công nghiệp khai thác bôxít, sản xuất alumin, nhôm, các sản phẩm sau nhôm.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương làm việc tại Công ty Nhôm Đắk Nông

Mặt khác, để xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm Quốc gia là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương”.

Để cụ hóa nội dung này, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/8/2021 về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, có định hướng đến năm 2030 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Theo đó phấn đấu đến năm 2025, phát triển công nghiệp alumin, điện phân nhôm và năng lượng tái tạo trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tăng thu ngân sách; tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp từng bước hiện đại.

Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp khai thác bôxít, luyện alumin, điện phân nhôm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới là thực sự cần thiết, phù hợp và đúng theo định hướng của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm Quốc gia

Thực hiện chủ trương của Đảng và qua quá trình đầu tư xây dựng, Nhà máy Sản xuất alumin Nhân Cơ đã đi vào hoạt động năm 2017 và đã đạt công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm vào năm 2018, đến năm 2019 sản xuất được 686.000 tấn alumin và năm 2020 sản xuất 715.000 tấn alumin.

Tính đến hết tháng 10/2021, nhà máy đã sản xuất được 613.000 tấn alumin, đạt 94,3% so với công suất thiết kế và dự kiến đạt Kế hoạch sản xuất năm 2021 (Kế hoạch là 650.000 tấn alumin/năm) được TKV giao. Đến nay, về cơ bản dự án đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, dự án Nhà máy điện phân nhôm với công suất 450.000 tấn sản phẩm nhôm/năm, với tổng mức đầu tư khoảng 15.480 tỷ đồng; qua quá trình khởi công và đầu tư xây dựng, đến nay về cơ bản đã thi công xong phần xây dựng và đang chuẩn bị để lắp đặt máy móc thiết bị.

Đóng góp lớn cho địa phương

Thứ nhất, Dự án nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ đã đi vào hoạt động sản xuất ổn định, vượt công suất thiết kế, dự án được đánh giá đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, sản phẩm đạt chất lượng, cạnh tranh tốt trên thị trường trong khu vực và thế giới; đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực Tây Nguyên, đào tạo và tuyển dụng được một số lượng lớn kỹ thuật, công nhân có trình độ chuyên môn tốt (khoảng hơn 1.100 lao động làm việc tại nhà máy); trong đó nhiều lao động tại địa phương đã nhanh chóng tiếp nhận và làm chủ công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực khai thác, chế biến bôxít, là nguồn lực ban đầu để triển khai các dự án quy mô lớn, hiện đại trong tương lai.

Thứ hai, việc triển khai dự án điện phân nhôm tại Đắk Nông, nơi có nguồn quặng bôxít rất lớn và trong bối cảnh nhu cầu nhôm ngày càng tăng, sẽ hình thành được chuỗi sản xuất đồng bộ từ khai thác bôxít - sản xuất alumin - điện phân nhôm và các sản phẩm chế biến sau nhôm; đáp ứng nhu cầu nhôm trong nước, thay thế nhập khẩu; góp phần cải thiện cán cân thương mại và cân đối ngoại tệ. Giúp nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ tiêu thụ toàn bộ sản lượng alumin; giảm lưu lượng và chi phí vận chuyển và góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế của nhà máy alumin Nhân Cơ; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp dịch vụ, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên.

Thứ ba, với sự đóng góp cho ngân sách địa phương từ hiệu quả các dự án, địa phương có thể sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển một hệ thống dịch vụ công cộng tốt hơn, tạo điều kiện phát triển văn hóa, giáo dục và nâng cao trình độ dân trí. Thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông, lâm nghiệp sang kinh tế đa ngành nghề, trong đó công nghiệp - dịch vụ là thành phần kinh tế cơ bản; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp và xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của Quốc gia.

Thứ tư, Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng là địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Việc đầu tư dự án khai thác bôxít trên địa bàn tỉnh gây ra ít nhiều những lo ngại về ảnh hưởng đến đời sống văn hóa và bản sắc các dân tộc. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đặc biệt là việc hỗ trợ cho địa phương nơi thực hiện dự án xây dựng trường học, trạm y tế, chợ, làm đường giao thông, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc tại chỗ; xây dựng nông thôn mới…không làm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa và bản sắc các dân tộc.